Important Announcement
PubHTML5 Scheduled Server Maintenance on (GMT) Sunday, June 26th, 2:00 am - 8:00 am.
PubHTML5 site will be inoperative during the times indicated!

Home Explore Truyển cổ nước Nam - Quyển thượng

Truyển cổ nước Nam - Quyển thượng

Description: Truyển cổ nước Nam - Quyển thượng

Search

Read the Text Version

Tên sách : TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC Nhà xuất bản : THĂNG LONG Năm xuất bản : 1932 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : thuantran46, bhp, dacxeru, Thuong Nguyen, Kim Ho, bongmoloko, little_lion, huong.nguyenthu, laithuylinh, Khongtennao Kiểm tra chính tả : Ngô Thanh Tùng, Max Phạm, Trần Trung Hiếu, Tào Thanh Huyền, Dương Văn Nghĩa, Lưu Nguyễn Thị Hợp Biên tập chữ Hán – Nôm : Trần Tú Linh Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 23/10/2018

Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC và nhà xuất bản THĂNG LONG đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.

MỤC LỤC MÀO ĐẦU CHUM VÀNG BẮT ĐƯỢC KÉO CÀY TRẢ NỢ CÁI CÂN THỦY NGÂN CÂY TRE TRĂM MẮT CÁ RÔ RẠCH NGƯỢC CÀ CUỐNG VỚI NGƯỜI TỊT MŨI NGẢNH MẶT BÊN NÀO ? GIẢ CHẾT BẮT QUẠ SINH CON RỒI MỚI SINH CHA ĂN MÀY ĐÁNH ĐỔ CẦU AO (THẦN GIÓ BỊ QUỞ) CÁI GÌ TO ƠN HƠN MƯỜI VOI NEM CÔNG, CHẢ PHƯỢNG, RÂU RỒNG TRẠNG ẾCH CÓ AI LÀM CHỨNG CÂU ĐỐ NÊN VỢ NÊN CHỒNG CÓ VÚ, KHÔNG ĐẦU QUÍT LÀM, CAM CHỊU CHÚ LÍNH ĂN KHOAI BẮT TÉP NUÔI CÒ CHỬA ĐÁNH, ĐÁNH ĐƯỢC BÀ CHỦ VÀ NGƯỜI ĐI CÀY VỢ HAI, VỢ CẢ VĂN MAI VÀ THỊ MẬT

MỘT HẠT TRỜI CHO THỊT BÒ, LỘC SẮN CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ANH CÂM BẬT NÓI TAY QUÈ, MẶC TAY CHÚ CHÍCH, CÔ CHÒE CÓ NỌ THÌ CÓ KIA PHƯỢNG HOÀNG ĐẬU CÂY KHẾ THẰNG BỊP CỐC CHUỘT, ONG ĐI TRƯỚC VUA THẾ TỔ VÀ ÔNG LÃO NUÔI ONG VỊ THUỐC QUÝ HÓA ÂM ĐỨC LÀM LÀNH MÀI DAO DẠY VỢ GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG KÊU MỘT VIỆC ĐƯỢC BA VIỆC ÔNG TÚ VÀ NGƯỜI BUÔN MÈO BÁT CANH HẸ BÁT CANH HƯƠNG ÁN CÂY GÌ CƯA CHẲNG ĐƯỢC ĐẬU ĐEN CHƯỜM ĐẦU NỒI KÊ ÔNG THỔ VỪNG KHOAI LANG LÀM RỂ CHƯƠNG ĐÀI VŨ LÀ MƯA ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG

ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG (II) TRỜI TỐC, GIÓ RUNG NỊNH ĐỜI CON KHÁ HƠN THẦY NGƯỜI HỌC TRÒ MUỐN ĐẬU HỌC VĂN HAY HỌC VÕ TAM ĐẠI CON GÀ THẦY ĐỒ ĂN BÁNH RÁN CỜ GIAN BẠC LẬN LỘC TRỜI HƠN LỘC NƯỚC NGHĨA CŨ, TÌNH NAY KHÔNG GIẾT GIÁN TRỌNG NGHỀ NGƯỜI HỌC TRÒ VÀ CON CHÓ ĐÁ CHÓ ĐÁ ĐỔ MÁU DỐT HỌC CŨNG THÔNG SÁNG MẮT RA TÀI VỚI HỌC KHÔNG ĂN BÍ LƯƠN NGẮN, TRẠCH DÀI CON ĐẺ, CON NUÔI MẤT GIỖ, BỔ CAU ĐI LỪA TIỀN CƠM VẠC, CÒ BÁT VẠN LÀ QUẢ ỚT MÈO LẠI HOÀN MÈO LÁ HÚNG ! LÁ HÚNG !

HAI VỢ CHỒNG ANH THẦY BÓI THẰNG BỢM CÓ CON NGỰA ĐỔI LÒNG LÀNH HAI ANH EM VÀ CON CHÓ ĐÁ THI VẼ NHANH VAN NHƯ VẠC TRI ÂM VỚI KHƯỚU HAI THẰNG ĂN TRỘM VÀ CON NGỰA QUÂN TỬ RUỒI NGƯỜI ĂN MÍA VÀ NGƯỜI CHỦ VƯỜN HAI THỨ MỌT KHÁC NHAU CÔ LÔ GỐC MÍT THÈM SỢ SÉT BÀ CUA CẮP THẦY VƯỜN CHỪA ĐẾN TẬN GIÀ ANH CHĂN DÊ VÀ ANH XÁCH NGỖNG CHIÊM BAO THỊT CHÓ NỤ CÀ, HOA MƯỚP KHÔNG HOA, KHÔNG CHỒNG DÙNG ĐỈA TRA TỘI NGƯỜI HỌC TRÒ VỚI CON RÙA CÂY ĐA BIẾT NÓI BA CON TRÂU ĐỰC THÀNH CHÍN CON CỦ KHOAI VÀ CÁI CẦU KÉO CÂY LÚA LÊN THẦY DẠY HỌC TRÒ

THANH YÊN SO VỚI PHẬT THỦ NA MÔ CHUỲNH ANH THỢ RÈN BỪA CUỐC, CÀY, BỪA TRANH CÔNG CƠM VỚI CÀ THỊT NGÓE, CANH GÀ MẸ HIỀN CON THẢO CÂY TÁO VÀ NHÀ LÁNG GIỀNG HAI VỢ CHỒNG NGƯỜI THUYỀN CHÀI VÀ THẦY TU BUÔN VỊT TRỜI BỮA RƯỢU CHÁY NHÀ CHIÊM BAO THẤY LỢN KÊU SỢ MA BAO GIỜ LÀM GIƯỜNG CHO VỢ ĐẺ TÙ LÌ TÁM TIỀN

ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA THĂNG LONG

MÀO ĐẦU « Nước ta cổ những hơn bốn nghìn năm », câu nhiều người Nam ta thường nói, mà như có ý tự phụ cho cái « cổ » là quý. Vậy mà nước Nam cổ ở những cái gì ? Nòi giống cổ, lịch sử cổ, phong tục cổ, văn-chương, mỹ- thuật cổ, đền đài, di-tích cổ, người cổ, óc cổ, tiền cổ, đồ cổ, truyện cổ… Cổ nhiều hay ít, hay hay dở, lợi hay hại, chúng tôi không nói đến. Cổ nên yêu hay nên ghét, nên trọng hay nên khinh, nên giữ hay nên bỏ, chúng tôi cũng không bàn đến. Chúng tôi chỉ biết đối với những cái gọi là « cổ », không phải ai cũng sở thích như ai : kẻ mến chùa cổ, người ưa hát cổ, kẻ chuộng cổ tục, người quí cổ văn… Về phần chúng tôi, thì chúng tôi xin thú rằng chúng tôi có cái nhược điểm hâm mộ, luyến ái riêng với những « Truyện cổ » hơn là bao nhiêu cái cổ khác. Nên đã lâu năm, chúng tôi hằng để tâm đến truyện cổ, tìm tòi truyện cổ, góp nhặt truyện cổ, ghi chép truyện cổ, thu xếp truyện cổ, nghe ngóng, kể lể truyện cổ, mua chuộc, giữ gìn truyện cổ… chẳng khác chi một nhà mê chơi đồ cổ mà chứa chất đồ cổ vậy. Thói đời, những người có đồ cổ thường hay đem ra khoe khoang phô bày cho bà con anh em thưởng thức. Nên có

được ít « Truyện cổ » nào, chúng tôi cũng dám bạo dạn đưa ra cho in, gọi là thử bắt chước phô bày xem sao. Quyển sách chúng tôi cho xuất bản đây chính là quyển đầu về những « Truyện cổ » ấy. Đồ cổ, xưa nay thiên hạ trân trọng, bất cứ là đồ sành, đồ sứ, đồ đồng, đồ thiếc, đồ gỗ, đồ son, đồ ngọc ngà, hay bức tranh, nét chữ… hầu hết là đồ của người Tàu, từ các đời xưa nào bên Tàu để lại cả. Còn những truyện cổ chúng tôi sưu tập đây chúng tôi dám quyết rằng thật là của riêng của nước Nam, tự người Nam sáng tác, xuất sản ra, chứ không phải đi vay, đi mượn, nhờ vả vào ai mà được. Một chứng cớ rõ ràng : Hơn 120 truyện trong sách, không có mấy truyện là không hàm một đôi câu thành ngữ hay sáo ngữ, ca hát hay phong dao bằng tiếng Nam nghĩa là một thứ tiếng riêng nó làm cho nước Nam mới thật là nước Nam vậy. Gián hoặc có một đôi truyện, phảng phất tương tự giống như truyện Tàu thì chẳng qua cũng chỉ là bất kỳ ngẫu nhiên mà thôi. Còn bảo có nhiều truyện tất đã chịu một cái ảnh hưởng xa xôi tự ngoài đem vào, thì cái ảnh hưởng đó chắc là do từ đạo Phật bên Ấn độ tràn sang, hơn là của đạo Khổng bên China đưa lại. Vả chăng đã là người, dù ở phương đông hay phương tây, dù phân da trắng hay da vàng, cũng là thuộc về một nhân loại, cũng cùng chung một tư tưởng như nhau được. Vậy người nước Nam cũng là người có một cái óc, cái tâm tính như người, thì há lại không tự nghĩ ngợi, phát minh nên được một cái gì giống như người hay sao !

Nên chúng tôi đề nhan quyển truyện cổ này là « TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM » thật không lấy làm thẹn với ngòi bút, mà lại như muốn phô trương tỏ rõ rằng nước Nam ta cổ là ở đó, xưa văn minh sớm hơn người ở như đó, và nay già cỗi chậm hơn người có lẽ cũng vì đó. Muốn cho đúng cách biên tập, đáng lẽ những truyện trong sách chúng tôi phải xếp riêng từng loại, từng mục, có thứ tự phân minh, khiến người nghiên cứu về sau được dễ đường tra khảo. Đại để chúng tôi có thể chia phác ra làm năm mục như sau này : 1. Những truyện thuộc về cái lối cổ tích hoặc dã sử, cha mẹ hay ông bà tối tối thường kể cho con cháu nghe ; 2. Những truyện mà kết cục đã thành câu phương ngôn, lý ngữ, hoặc trái lại, xuất xứ từ những câu lý ngữ, phương ngôn ấy ra ; 3. Những truyện thuần về văn chương trong có những câu ca, bài hát nôm na mà vui thú, giản dị mà tự nhiên, xưa kia đâu đó vẫn thường truyền tụng ; 4. Những truyện trong ngụ một cái ý cao xa thuộc về triết lý, may ra so bì được với Bạch tử bên Trung Quốc, và sau này, có thể đem vào môn học cổ điển của nước nhà ; 5. Những truyện vui chơi cười đùa có lý thú, để tiêu sầu khiển muộn, nhưng chưa quá thuộc về cái thể gọi là « Tiếu lâm » các nhà đạo đức nghiệt ngọng vẫn quen chê là nhảm nhí.

Tựu trung, hoặc có một đôi truyện vặt vãnh không rõ thuộc hẳn về mục nào, và người xem có lẽ cho như không được nồng mặn lắm. Nhưng chúng tôi cũng không nỡ bỏ qua, cứ liệt cả vào đây, vì chẳng gì nữa, thì những truyện ấy cũng được một cái đặc tính là truyện cổ. Tuy nhiên trong sách, chúng tôi không cho in phân tách rõ ra từng mục loại như thế. Chúng tôi tùy liệu mà dàn xếp gián-đoạn đi. Như sau một vài truyện hoang đường quá ư cổ, chúng tôi để một truyện ngụ ngôn cổ mà kim, trước một truyện khuyến thiện, thuộc về tôn giáo, chúng tôi lại xen năm ba truyện câu văn bóng- bảy, thú-vị hay lời lẽ bông-lơn vui cười thỏa-thích. Xếp như vậy, chúng tôi thiết tưởng người đọc bất cứ là người lớn hay trẻ con, cũng có thể theo lần lượt, mà đọc hết bài trên đến bài dưới, bài ngắn đến bài dài, mà không đến nỗi lấy làm chán nản. Đã không chán nản, thì truyện nào cũng có hứng thú, cũng dễ hiểu biết, cũng có thể xem, mà rồi kể lại được, khác nào như khi ngồi vào mâm được dùng nhiều món ăn thay đổi, mỗi món, một vị khác nhau, nếu không bồi bổ cả được cho sức lực thì cũng thơm ngon ít nhiều cho khứu giác và vị giác. Những truyện chúng tôi nhặt đây, hầu hết là còn ở trong tiếng nói hơn ở trong chữ viết, xưa nay chỉ mới được người kể cho tai nghe, chớ chưa mấy ai chịu nhặt nhạnh biên chép, ấn hành thành sách vở. 1 Bởi thế mà cũng cùng một truyện, thường có khi sai lạc khác nhau xa. Người kể thế này, kẻ nói thế nọ, đây ngắt rứt

nửa chừng, đó dài thêm hai ba đoạn. Thật là dài ngắn khôn đo, thêm bớt khó liệu, đầu Ngô mình Sở, râu ông nọ mà cắm cằm bà kia. Nên khi sưu tập, chúng tôi phải hết sức nghe người này, hỏi người nọ, tìm nơi này, lục nơi khác, đắn đo so sánh, suy xét, cân nhắc từng li từng tí, sau mới dám hạ bút châm chước mà dàn xếp, mà phô diễn, mà sửa sang, mà trau mài cho thành được câu truyện có đầu đuôi, có nghĩa, có kỳ thú, có văn vẻ. Chúng tôi cũng biết trong sách còn có truyện ghi chép chưa được tinh-tường, lọn đủ, lời lẽ chưa được chất-phác gẫy gọn hẳn như của cổ-nhân, sau này, chúng tôi xin sửa-chữa dần. Chúng tôi lại dám mong rằng bà con ai xem truyện, được chỗ nào biết hơn chúng tôi, làm ơn chỉ bảo giúp để chúng tôi bồi bổ lại, thì chúng tôi được lấy làm hân-hạnh vô cùng. Công việc tồn cổ, không bảo một người hay năm ba người một lúc mà làm nổi. Lại vẫn theo ý riêng chúng tôi, thì trong việc tồn cổ, moi lục những truyện cổ, rồi đem xây dựng tô-điểm lại, cho thành văn, thành bài, thật không phải là một việc đáng bỏ qua, như có người quá ư thiên với kim, ra điều muốn bỏ qua vậy. Văn-chương Pháp – nói cả văn-chương Âu-Mỹ – còn bảo đợi bao nhiêu bạn thiếu-niên tân-tiến sau này nghiên cứu, phiên dịch, dẫn giải, ban-bố ra, không sợ rồi không ai nghĩ tới. Văn-chương Tàu – nói rộng cả văn-chương Nhật, Ấn –

vẫn có người xới đắp, vun trồng duy-trì ủng-hộ không ngại rồi có ngày suy-chuyển lưu-lạc mất. Còn chính văn-chương Việt-Nam nhà, gác cái phần chữ Hán ra ngoài, chỉ một phần chữ nôm về bên gọi là « học-giả thành lập » thì nay hiện đã được ít người lưu-tâm sao-lục, và đem ra xuất bản, ta không lo rằng có khi tiêu diệt mai một đi nữa – Nhưng về bên gọi là « dân-gian thành-lập » thì ngán thay ! Từ bao giờ đến giờ, lắm người vẫn có như không kể vào đâu, không có địa-vị, giá-trị nào, khinh-khỉnh thờ ơ coi thường, như coi thường chính bọn dân-gian hay dân đen « chân lấm tay bùn » vậy. Ôi ! Nhưng nghĩ kỹ, sở dĩ thành được nước Nam, nước Nam sở dĩ còn được đến nay, thật gốc ở như bọn dân đen cổ- lỗ, chất phác, « khố rách áo ôm » ấy nhiều, thì sở dĩ thành được văn Nam – hay văn Nôm – văn Nam sở-dĩ còn lưu đến nay, tất cũng phải nhờ vào những tiếng, những câu, những lời-những truyện sinh sản từ những chốn quê mùa cục kịch, ngõ hẻm hang cùng của những bọn cổ lỗ chất phác, « khố rách áo ôm » ấy mà ra. Nên khi chúng tôi góp nhặt những truyện này dù cho mất bao nhiêu công phu, thời giờ chúng tôi cũng lấy làm vui lòng và coi như một cái nghĩa vụ thiêng liêng đối với quá nửa phần văn chương của nước nhà. Thành trì cổ có sụp đổ, vùi dập xuống đất còn hòng có lúc, có người đào bới, mô phỏng mà xây đắp lại được. Chớ những truyện cổ, không ai ghi chép, cứ để trong lời nói, trong cái lối gọi là « truyền khẩu, truyền tụng » mà đã quên đi, là

mất hẳn, sau này thật không tài nào cứu vớt, gây dựng lại cho được. Cứ xem như hiện trạng, truyện cổ bỏ mất cũng đã nhiều rồi. Huống hồ trong vòng hai ba năm nữa, nếu cứ như thế này mãi, thì chúng tôi e dễ rồi có ngày, không còn mấy người mẹ, người bà kể được một đôi truyện cổ-tích nào của nước nhà cho con cháu nhà nghe nữa. Nếu quả thật thế, thì rất là đáng tiếc ! Nên chúng tôi hết lòng sốt sắng thành-thực dám ước-ao rằng những sĩ-phu đâu đó trong nước, nên lưu tâm mà thu- thập lấy những lời cổ, những truyện cổ hiện nay còn có thể thu-thập được. Chúng tôi lại mong có nhiều người thích xem, thích kể truyện cổ, sau gây nên một hạng người sành truyện cổ, cũng như hạng người sành đồ cổ vậy. Không phải nói quá, những truyện cổ thật là một kho vàng vô giá của ông cha để lại làm cái vốn rất quý cho con cháu được nhờ. Các nhà văn sĩ bây giờ có thể nhân đấy, biến hóa, bày đặt ra nhiều lối văn mới khác, mà không phải cứ ép mình, cúi đầu đi mượn cả bao nhiêu cốt cách, điển-tích của nước ngoài. Giữa lúc cổ, kim xung đột, kim có thế mạnh, như muốn nuốt cổ, mà ta cố lựa lọc giữ một vài phần hay trong những cái cổ của ta, nó khiến ta bao giờ cũng phải nhớ ta là ta, không phải là ai, thì cái công việc ta làm quyết-nhiên không phải là vô-ích. Làm người Nam nên biết truyện cổ nước Nam. Tinh thần người Nam hiện ra ở đấy, tinh-hoa nước Nam muốn lưu lại cũng ở đấy. Dám xin độc giả lượng xét.

Tại Hà-nội, ngày mồng một Tháng tám, năm Nhâm-thân (1-9-1932) Ô. N. NG. V. NG.

CHUM VÀNG BẮT ĐƯỢC Xưa có người nhà nghèo, một hôm ra ruộng cày, cày thấy một chum vàng. Người ấy đào lên, lễ-mễ bưng để trên bờ ruộng. Tối về nhà khoe với vợ rằng : « Hôm nay tao đi cày, bắt được một chum vàng to. Tao bưng để trên bờ ruộng ». Vợ bảo : « Của trời đã cho sao không mang về. Ngộ đêm nay có đứa nào lấy mất thì làm thế nào ? » Chồng nói : « Thật có phải của trời cho, thì tự nhiên đem về nhà này, chẳng đứa nào lấy được cả. Mà không thật của trời cho, đứa nào nó lấy thì lấy tao không tiếc ». Đang lúc hai vợ chồng trò chuyện với nhau thì có hai thằng kẻ trộm rình ở ngoài nhà, nó nghe được hết cả. Hai thằng bèn bảo nhau tìm ra bờ ruộng. Quả nhiên, thấy chum vàng ở đấy. Hai thằng lấy làm mừng rỡ, vội vàng khiêng về nhà. Nhưng đến lúc mở ra, trợn trừng, trợn trạc định chia nhau, thì vàng chẳng thấy đâu, chỉ thấy đầy một chum rắn. Hai thằng sợ hãi, chưa kịp đổ ra xem, thì trời đã sáng, vội đậy nắp lại để giấu một nơi. Sáng hôm sau, người kia lại ra ruộng cày, thì chẳng thấy chum vàng đâu nữa. Xong buổi cày, về nhà, vợ hỏi : « Thế nào ? Chum vàng làm sao ? » Chồng nói : « Hôm qua tao để chum vàng bên bờ ruộng rõ ràng. Hôm nay tao đi cày không thấy đâu nữa. Không biết đứa nào nó đem đi đâu rồi ấy ». Vợ bảo : « Ai bảo con người khờ dại thế ! Của đã bắt

được mà không đem về. Bỏ ở giữa trời, thì tất có đứa nó phải khiêng đi, yên làm sao được ! » Lúc hai vợ chồng nói chuyện, thì ra hai thằng kẻ trộm lại rình, chúng nghe rõ cả đầu đuôi, lấy làm tức giận, bảo nhau rằng : « Rắn mà nó trông ra vàng ! Hai vợ chồng nó đang tiếc với nhau ! Ta lại đem ra bờ ruộng ». Nói rồi, hai thằng liền về nhà, khiêng cái chum vàng đem ra bờ ruộng trả. Sáng hôm sau, người kia ra đi cày thì lại thấy cái chum ở đấy rồi. Người ấy đem mở ra xem thì lại thấy vàng vẫn còn nguyên như trước. Tối về nhà, lại khoe với vợ rằng : « Này nhà nó này ! Tao đã bảo mà, của trời đã cho mình, thì chẳng ai lấy được. Hôm nay, tao đi cày lại thấy chum vàng ở bờ ruộng ». Vợ nói : « Thôi đi đừng nói lếu nữa đi. Cứ nay bắt được chum vàng, mai đã mất chum vàng… Ai mà tin được ! » Chồng bảo : « Thì thật mà ! Tao lại thấy cái chum ở bờ ruộng, tao mở ra xem rõ ràng có vàng thật mà, nhưng tao chẳng đem về làm gì. Có phải của trời cho, thì tự khắc nó phải bò về nhà ». Đêm hôm ấy hai thằng kẻ trộm vẫn còn rình nữa, nghe thấy hai vợ chồng nhà ấy nói chuyện, lấy làm tức mình, bảo nhau rằng : « Ừ mày bảo nó bò về nhà, thì ông cho nó bò về để cắn chết cả hai vợ chồng mày cho bõ ghét ». Rồi hai thằng mò ra bờ ruộng, con mắt tráo trưng mở chum ra xem lại. Quả nhiên thấy lúc-nhúc những rắn. Chúng vội-vàng đậy nắp lại, và khiêng bỏ vào nhà người cày ruộng,

rồi chạy mất. Người kia sáng dậy, ra vườn, thấy chum vàng ở đấy rồi, gọi vợ lại bảo : « Bu nó này ! Tao nói có sai đâu ! Của trời đã cho thì tự nhiên nó phải bò về nhà. Cái chum vàng ở kia kìa rồi. Bu nó ra mà xem ». Vợ chạy ra xem, thì quả nhiên đầy một chum vàng thật. Bấy giờ chồng mới chịu lấy vàng cất vào trong nhà. Và từ đó, hai vợ chồng mới đem cái vàng ấy mà làm giàu làm có, ăn tiêu rất sung sướng. Vì tích này mới rõ câu : « Số giàu đem đến nhửng nhưng, Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu ». là có nghĩa vậy.

KÉO CÀY TRẢ NỢ Xưa, có một người tên gọi là Chu-văn-Địch làm ăn vất vả, cửa nhà đói kém, nhưng tính khí hiền lành, ăn ở thật thà, có nhân có đức. Trong hạt, có một nhà giàu thường cho người ấy vay nợ, năm nào cũng vậy, vay vay, trả trả, đã nhiều. Phải một năm mất mùa, người ấy không trả được nợ, mà ông nhà giàu cũng không hỏi đến. Mấy năm sau người ấy chết đi, nợ vẫn còn lại. Nên lúc hấp hối còn trối lại với con rằng : « Nợ nần chưa trả được ai, Hồn này thác xuống tuyền đài chưa yên ». Một đêm, ông nhà giàu kia nằm mơ, nghe có tiếng người đến nói bên tai rằng : « Tái sinh chưa dứt hương thề, Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai ». Sáng ngày dậy, thấy con trâu đẻ ra được con nghé trên lưng có hai chữ « Văn-Địch ». Con nghé mỗi ngày một lớn, khôn ngoan, dễ bảo, cầy bừa rất khỏe. Người ngoài biết chuyện, ai cũng bảo rằng : « Người ăn thì còn, Con ăn thì hết. Đã đến lúc chết, Hãy còn nhớ ơn ». Cách đấy ít năm, hai đứa con Văn-Địch khôn lớn lên, làm ăn nhờ trời cũng khá. Một hôm đang cày ngoài đồng, nghe thấy ở thửa ruộng gần đấy có người bảo con trâu rằng : « Văn-Địch ! Văn-Địch ! Nhanh chân, mau bước, kẻo đã trưa

rồi ». Hai đứa con nghe thấy tên bố, ngạc-nhiên chạy sang bên ruộng hỏi, thì người kia nó rằng : « Con trâu này từ lúc sinh ra, trên lưng có hai chữ Văn-Địch, mà có gọi đúng tên nó như thế, thì nó mới chịu làm ». Lúc về, hai đứa con vội sang nhà ông nhà giàu hỏi chuyện, tỏ ý muốn mua con trâu, thì ông ấy bảo rằng : « Trước, tên Chu-văn-Địch có vay nợ ta, không trả được, ta cũng không đòi. Có lẽ bởi vậy, mà phải hóa kiếp làm con trâu này để trả nghĩa cho ta. Đã mấy năm nay có làm ăn chịu khó, trong nhà ta đây cũng được thịnh vượng. Nợ trả như thế, ta cho cũng đủ rồi. Vậy nếu hai anh có phải là con, muốn mua chuộc về, thì ta để lại cho. Ta lại trả văn-khế cũ đem về mà hóa kiếp cho yên hồn cha ». Khi hai đứa con chuộc được con trâu về, vừa đem bức văn-khế ra hóa, thì nó lăn ra nó chết. Thế là nó đã trả sạch được nợ kiếp trước rồi. Sau hai đứa con làm ăn mỗi ngày một nẩy nở và trở nên giàu sang, ai cũng có bụng yêu, bụng quí. Thấy truyện này, người ta mới đặt câu « Kéo cày trả nợ » thành câu tục-ngữ. Người ta còn phụ thêm một câu hát rằng : « Ở cho có nghĩa, có nhân, Cây đức lắm chồi, người đức lắm con. Ba vuông sánh với bảy tròn, Đời cha nhân đức, đời con sang giàu ».

CÁI CÂN THỦY NGÂN Xưa có một nhà làm nghề buôn bán, âm mưu chế ra một cái cân rỗng, trong đổ thủy-ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán cân vào đàng móc. Khi cân hàng mua của ai thì lại dốc cán cân vào đàng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng, vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình. Vì buôn bán điên-đảo như thế, mà không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có. Trời cho, lại sinh ra hai đứa con trai mặt mũi khôi-ngô, học-hành thông-thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng-phúc. Một hôm, hai vợ chồng ngồi bàn với nhau rằng : « Nhà ta bây giờ đã giàu có hơn người nhiều, lại sanh hai đứa con khôn-ngoan, giỏi giang. « Một mặt người bằng mười mặt của », thôi thì bây giờ ta đem phá bỏ cái cân điên-đảo kia đi, để dành cái đức lại cho con về sau ». Bàn xong hai vợ chồng thuận tình sửa cái lễ sám-hối trên thì cúng Phật, dưới thì cúng ông bà, ông vải. Rồi đem cái cân ra chẻ. Thì khi chẻ, ghê thay ! thấy trong cái cân có đọng một cục máu đỏ hon hỏn. Từ đó, hai vợ chồng bảo nhau ăn ở tu nhân tích đức, tránh điều dữ, làm điều lành. Nhưng cách đó vài năm, bỗng một hôm một đứa con lăn ra chết, và không bao lâu, còn đứa kia cũng lăn ra chết nốt. Hai vợ chồng kêu gào khóc lóc, rất là thảm thiết nghĩ rằng mình đã có bụng cải ác vi thiện mà Trời không chứng quả. Hai vợ chồng rầu rĩ khổ sở, cứ ngồi than dài thở vắn trong mấy tháng trời, không buồn động đến việc gì nữa.

Một đêm, hai vợ chồng cũng nằm mơ thấy có ông Bụt đến bảo rằng : « Vợ chồng mày hãy nên lo toan làm ăn tu tỉnh lại. Chớ vội ngồi vậy mà trách Trời không có mắt. Trời thương chúng mày lắm đó ! Trước Trời thấy chúng mày buôn bán lọc lừa. Trời đã sai hai con quỷ xuống đầu thai làm con để phá tan cho hết những của phi nghĩa chúng mày chắt bóp nhặt nhạnh bao nhiêu năm. May mà chúng mày sớm biết hối hận, cải tà qui chánh, tránh dữ làm lành, Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Chúng mày cứ ăn ở ngay lành rồi Trời lại đền cho hai đứa con khác để ngày sau mà nhờ ». Hai vợ chồng biết thế, không thương khóc con nữa, lại làm ăn như cũ, và lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện, phúc đức. Quả nhiên, sau lại sinh được hai đứa con trai khác. Hai đứa cùng hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt và sau lớn lên, làm cho cha mẹ thật được vẻ vang vui sướng về cái cảnh già.

CÂY TRE TRĂM MẮT Xưa có một người có đứa con gái đẹp lắm. Trong nhà phải thuê một thằng ở để giúp việc. Ông chủ muốn lợi dụng nó, mới bảo nó rằng : « Mày chịu khó làm ăn với tao, rồi tao gả cô cho mày ». Thằng ở mừng lắm và gia công, gia sức làm việc cho chủ không quản nắng sương, không nài mệt nhọc sớm khuya gì cả. Nó ở đã được ba năm, trong nhà làm ăn mỗi ngày một giàu có. Ông chủ bấy giờ mới nghĩ bụng rằng : « Nhà mình giàu có thế này mà gả con cho đứa ở, thì chẳng là uổng con mà người ta lại chê cười cho ru ! » Nghĩ thế rồi, bèn lật nó luôn mà đem gả cho một nhà khác giàu sang nhất nhì trong làng. Sáng hôm sắp đưa dâu, ông chủ gọi thằng ở ra lừa nó, bảo rằng : « Bây giờ mày chịu khó lên rừng tìm thấy một cây tre trăm mắt đem về đây làm đũa ăn cưới, thì tao cho mày lấy cô mày ngay ». Thằng ở thật thà, lập tức vác dao lên rừng. Nhưng suốt buổi kiếm hết khu này, khu khác, chẳng đâu thấy có cây tre đủ được trăm mắt. Nó buồn, nó ngồi nó khóc hu hu. Bỗng thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, đến hỏi rằng : « Làm sao con khóc ? Nói cho ta nghe ». Thằng kia thưa đầu đuôi câu chuyện. Ông lão nghe rồi, bảo rằng : « Mày đi chặt tre đếm đủ trăm cái mắt, rồi đem lại đây ông bảo ». Nó làm y theo như lời.

Ông lão bảo nó đọc : « Khắc nhập, khắc nhập » 2. Nó vừa đọc ba lần như thế, thì một trăm đoạn tre tự nhiên liền lại với nhau mà thành một cây tre đủ trăm mắt. Nó mừng quýnh, ghé vai định vác về. Nhưng cây tre dài quá, nhấc lên vướng, không đi được. Nó lại ngồi khóc hu hu. Ông lão lại đến hỏi : « Làm sao con khóc ? » Nó nói tre dài quá không sao vác được về nhà. Ông lão bảo nó đọc : « Khắc xuất, khắc xuất » 3. Nó vừa đọc xong ba câu thì cây tre lại tức khắc rời ra từng đoạn. Nó bèn bó cả lại và gánh về nhà. Lúc về tới nơi thấy hai họ đang ăn uống tưng bừng, sắp đến lúc rước dâu, nó mới biết là ông chủ lừa nó đem con gái gả cho người ta rồi. Không nói gì cả, nó cứ lẳng lặng đem trăm đoạn tre xếp dang dang dưới đất. Rồi nó lẩm bẩm nó đọc : « Khắc nhập, khắc nhập ». Tự nhiên một trăm đoạn tre kia chắp liền lại thành một cây tre trăm mắt dài lắm. Ông chủ thấy chuyện lạ lùng, chạy lại gần xem. Nó cũng đọc luôn : « Khắc nhập, khắc nhập » thì ông kia cũng dính liền ngay vào cây tre, không tài nào đẩy ra cho được. Ông thông gia thấy vậy chạy ra, định gỡ cho ông chủ. Nó đợi lúc tới gần, nó cũng lại đọc : « Khắc nhập, khắc nhập » thì cả ông ấy dính chập luôn với cây tre, không sao lìa ra được nữa. Hai họ thấy vậy, không còn ai dám bạ men đến đó. Còn hai ông kia van van lạy lạy để nó thả ra cho : ông thông gia thì xin về nhà ngay, còn ông chủ thì xin gả con gái cho nó. Lúc bấy giờ nó mới đọc : « Khắc xuất, khắc xuất » thì hai ông

kia rời ngay cây tre ra, và cây tre cũng rời ngay ra trăm đoạn. Rồi quả nhiên lấy được cô ả, không ai dám trêu nó nữa. Vì truyện này mà sau thành có câu ví rằng : « Chê ta rồi lại lấy ta, Tuy là đứa ở nhưng mà có công ».

CÁ RÔ RẠCH NGƯỢC Xưa có người đàn bà, chồng chết, một hôm mời những tay thông thái trong làng có chân trong hội « Tư văn » đến làm lễ giúp. Khi dâng đồ lễ thịt cá rất nhiều, trông thích mắt lắm. Có ông « Tư văn » ngó thấy đĩa cá rô ngon lành lẻn cắp ngay một con, giắt vào trong khăn bịt đầu. Vô phúc, lại phải người đàn bà nó trông thấy. Nó mới vừa khóc chồng nó, vừa kể câu rằng : « Trời mưa, trời gió đã lâu, Cá rô rạch ngược lên đầu tư văn ». Câu ấy sau thành một câu nói giễu. 4

CÀ CUỐNG VỚI NGƯỜI TỊT MŨI Xưa có một người đã phải cái tật lỗ mũi tịt, lại thêm được cái tính ngồi đâu thấy ai nói gì, là cũng nói theo luôn như thế. Một hôm đang khi ăn uống đông đúc, có người đưa mắm tôm canh cho anh ta ăn và hỏi rằng : « Ăn có thơm không ? » Anh ta đáp theo rằng : « Thơm lắm ! nó phảng phất như mùi hương trầm ». Một chốc, người kia lại đưa nước mắm cà cuống cho anh ta ăn và hỏi rằng : « Ăn có thối không ? » Anh ta đáp theo rằng : « Thối lắm ! Nó thum thủm như mùi thây ma ». Cả bàn nghe nói, cười ầm. Vì câu chuyện này, mới thành ra câu người ta thường nói rằng : « Cà cuống đừng cho người tịt mũi ăn ».

NGẢNH MẶT BÊN NÀO ? Xưa một anh có hai vợ. Cứ đêm đêm vợ lớn nằm trong, vợ bé nằm ngoài, còn anh ta thì chen vào giữa. Ai chẳng bảo thế là sướng ! Nhưng khốn một nỗi vợ lớn muốn anh ta ngảnh mặt vào trong, thì vợ bé lại đòi anh ta ngảnh mặt ra ngoài. Lúng túng không biết ngảnh về bên nào là phải, anh ta mới bảo rằng : « Bây giờ ai mà ví được câu gì thật hay, thì ta ngảnh mặt về bên ấy ». Vợ lớn nghe nói liền ví rằng : « Anh có thương em, Thì anh ngảnh mặt vào trong. Đến mai em đi chợ, Em mua bún với lòng về anh ăn ». Anh ta đã toan trở mình ngảnh mặt vào trong, thì lại nghe thấy vợ bé ví luôn rằng : « Anh có thương em, Thì anh ngảnh mặt ra ngoài. Đến mai em đi chợ, Em mua mật với khoai mài anh xơi ». Anh kia nghe ví, nghĩ bún ăn với lòng cũng thú, mà khoai mài chấm với mật cũng ngon, nên anh ta lại vẫn lúng-túng không biết ngảnh mặt về bên nào. Chẳng lẽ lại suốt đêm cứ nằm ngửa mặt mà trông lên đỉnh màn sao ! Anh ta mới cũng lên giọng ví một câu rằng : « Trông cho Trời để lâu dài Bún lòng thì bún, khoai mài thì khoai ». Rồi đành cứ ngảnh vào bên trong một tí, rồi lại ngảnh ra

bên ngoài một tí.

GIẢ CHẾT BẮT QUẠ Xưa có một thằng đi ở có tính hay cờ bạc, thành mắc nợ, nhiều lắm. Một buổi sớm mai, nó đem trâu ra cày, bị các chủ nợ bắt mất trâu đi. Nó buồn quá, lên bờ ruộng nằm giả chết. Một chốc có hai con quạ ngỡ là xác người chết thật, mới dần dần bay lại định móc mắt ăn. Nó giơ tay ra, vơ ngay được một chú, mắng rằng : « Mày tưởng tao chết, định đến móc mắt tao. Nay tao bắt được mày, tao giết chết mày đi ». Con quạ sợ lắm, van rằng : « Xin anh tha cho tôi. Rồi tôi xin trả ơn cho anh một cái của rất quí ». Nó hỏi : « Của quí của mày đâu ? Mau mau đưa ra đây không thì chết lập tức ». Con quạ bèn nhả ra một hòn ngọc, nói rằng : « Có hạt ngọc này, thì ước gì, được nấy ». Thằng kia cầm hạt ngọc, liền ước thử rằng : « Ước sao ta được một con trâu để đem về trả chủ ». Thì tự nhiên có một con trâu ở đâu đến ngay trước mắt thật. Nó bèn buông tha cho con quạ, dắt con trâu về trả chủ và xin ra ngay không làm nữa. Đoạn nó ngồi giữa trời, cầm hạt ngọc mà ước rằng : « Ước sao ta được một tòa nhà, rồng năm, phượng bảy thật lịch sự ». Vừa nói xong, thì thấy được ngay thật một tòa nhà, rồng năm, phượng bảy, lại đủ cả đồ đạc bày biện rất trang hoàng.

Được ở nhà rồi, nó lại ước rằng : « Ước sao ta được một khoảng đồng cò bay thẳng cánh bõ công cấy cày ». Vừa nói xong, thì thấy được ngay một khoảng đồng cò bay thẳng cánh, trâu bò cày bừa đủ cả thật. Nó được giàu có rằng, lấy làm sướng thân lắm. Một hôm nó lại ngồi ước rằng : « Ước sao ta được một người vợ, mắt phượng mày ngài, đẹp như tiên giáng thế ». Vừa nói xong, thì thấy một đứa con gái một nhà giàu đẹp nhất vùng ấy lại đến ở với nó và xin gả nghĩa vợ chồng. Được ít lâu, đứa con gái lân la, một hôm tò mò hỏi nó rằng : « Trước anh khổ sở lắm, anh làm thế nào mà được chóng giàu sang như thế này ? » Thằng kia thật thà đáp rằng : « Ta chẳng làm gì cả, ta chỉ có được hạt ngọc của con quạ nó cho. Ta muốn cần gì là ta được ngay cái nấy ». Đứa con gái biết vậy, một hôm rình lúc nó ra đồng vắng, ở nhà lấy trộm hạt ngọc rồi bỏ về ở với cha mẹ. Lúc thằng kia về, thấy mất vợ, lại mất cả hạt ngọc, tìm kiếm đâu cũng không thấy. Nó lên núi ngồi và nó khóc. Bỗng có ông Bụt hiện xuống, hỏi rằng : « Người kia mất gì, ngồi đây mà khóc ? » Nó nói rằng : « Tôi có một hạt ngọc quạ, vợ tôi nó lấy trộm mất. Tôi tiếc của, tôi ngồi tôi khóc ». Bụt bảo rằng : « Con chớ lo, ông bày cho con một mẹo, nó phải trả ngọc lại cho con ». Rồi Bụt đưa cho một cành hoa đỏ, một cành hoa trắng

mà dặn rằng : « Đem cành hoa trắng về gài vào cửa nhà nó, thì trong nhà nó sẽ sinh ra chuyện tức cười. Xong lại cầm cành hoa đỏ đến chữa cho nó khỏi, thì nó trả lại ngọc cho ». Thằng kia nghe lời Bụt dạy, liền đem cành hoa trắng đến cắm trước cửa nhà vợ, rồi về. Mùi hoa thơm đưa lên ngào ngạt, hai ông bà và cô ả bảo nhau chạy ra xem. Thấy bông hoa thơm, ông tranh ngửi, bà tranh ngửi, cô ả cũng tranh ngửi. Quái sao ! ngửi xong, bỗng chốc ông thấy mũi ông cứ dài ra, bà thấy mũi bà cứ dài ra, cô ả cũng thấy mũi cô ả cứ dài ra đến mấy gang tay, lủng la lủng lẳng ở trước ngực, chẳng khác nào như cái vòi voi vậy. Ông nhìn bà, mẹ nhìn con, con nhìn bố, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nửa khóc nửa mếu, không biết là cái bệnh quái gì mà quái ác thế. Sau chữa bao nhiêu thuốc, chạy bao nhiêu thầy, cái mũi vẫn cứ dài, không làm thế nào cho ngắn lại được như xưa. Cách đó mấy bữa thằng kia giả dạng lại chơi. Nó thấy bố mẹ vợ và vợ thế, nó tức cười không thể nhịn được. Hai ông bà vừa khóc, vừa bảo nó rằng : « Nhà ta chẳng biết tội tình gì mà phải cái bệnh lạ lùng như thế này ». Thằng kia bảo : « Ấy chỉ tại vợ tôi nó ăn trộm ngọc của tôi đem về nhà đấy thôi. Nếu ông bảo nó trả lại ngọc cho tôi, thì tôi đây chữa khỏi bệnh ngay tức thì ». Hai ông bà vừa như van nó vừa nói : « Của là gạch, nghĩa là vàng, Của chàng, lại trả cho chàng lo chi. Chàng mà chữa được thôi đi, 5 Vợ thì chàng lấy, ngọc thì chàng mang ».

Rồi gọi con đem ngọc ra trả. Thằng kia cầm lấy ngọc, rồi mới đưa cành hoa đỏ ra cho ngửi, thì mũi ông ngắn luôn lại như cũ, đưa cho bà ngửi, thì mũi bà co ngay lại như xưa, đưa cho cô ả ngửi, thì mũi cô ả liền rút như trước vừa xinh vừa đẹp. Xong người con gái lại theo nó về làm vợ. Và từ đó, không còn dám đả động đến hòn ngọc, nó đưa cho cầm, cũng không dám cầm nữa. Sau hai vợ chồng thằng ấy ăn ở với nhau, thuận hòa vui sướng, sinh được một trai, một gái đẹp như ngọc và thông minh không ai bằng. Khi nó già sắp chết, thì thấy hai con quạ đến đậu trước nhà kêu rằng : « Cho mau, cho mau Trả ngọc cho mau ». Vụt chốc thấy sáng rực, rồi hạt ngọc tự nhiên biến đi mất.

SINH CON RỒI MỚI SINH CHA Xưa có hai người ở tỉnh xa, cùng đi lính với nhau, và ăn ở với nhau rất là thân thiết. Đến lúc thôi lính về nhà, thì một người làm nên giàu có, còn người kia vẫn nghèo đói. Người nhà giàu nhớ bạn, đến hỏi thăm, thấy bạn nghèo khổ, liền đưa cho vay mười lạng bạc để làm vốn. Cách đã mấy năm, không được tin tức gì của bạn, người nhà giàu nghĩ bụng rằng : « Bạn ta có lẽ vẫn còn túng, nên chưa có tiền trả ta. Âu là bây giờ ta lại sang thăm anh ta cũng đem đi mười lạng bạc, nếu anh quả còn nghèo đói, thì ta lại đưa giúp anh ta lần nữa ». Nghĩ vậy, rồi đi. Khi vừa đến cổng, thấy nhà bạn trang hoàng lịch sự thì người kia đem bạc giấu ở trên đầu cổng rồi mới vào. Vợ chồng bạn thấy mặt, ngỡ là sang đòi nợ, mời vào nhà thiết đãi ăn uống tử tế, rồi lập tâm bất nhân đợi đến đêm khuya, giết quách đi, và đem xác chôn dưới gốc cây khế. Ít lâu, cây khế chỉ sinh được một quả to lắm. Người vợ trông thích mắt, hái xuống ăn. Rồi thụ thai, đủ ngày tháng, sinh ra một đứa con trai khỏe mạnh, khôi ngô, nhưng phải cái tật không biết nói. Hai vợ chồng lấy làm buồn bực, một hôm phàn nàn với nhau rằng : « Nhà ta giàu có không thiếu gì. Trời cho sinh được một mụn con, thì Trời bắt nó phải cái tật câm ! Rõ người có năm, có mười thì tốt, mình chỉ có một, thì lại vô duyên ! » Đứa con nghe thấy hai cha mẹ than thở, tự nhiên bật nói

ra rằng : « Thầy mẹ cho mời quan huyện qua đây chơi với con. Rồi con nói cho thầy mẹ xem ». Hai vợ chồng lấy làm quái lạ, hỏi gặng nó mãi thì nó lại câm như trước, không nói gì nữa. Sau bàn bạc với nhau thử chiều ý con xem sao, bèn đem lễ lên trên huyện, kể chuyện đầu đuôi và cố mời quan đến chơi nhà thật. Quan bằng lòng đi. Đến nhà liền cho lính gọi thằng bé ra hỏi : « Cớ sao mày không chịu nói để cha mẹ mày phải lên trình với ta ? » Thằng bé ra, lễ phép cúi lạy quan huyện, rồi thưa rành mạch rằng : « Quan đã đến đây, xin quan soi xét cho con được nhờ, kẻo oan lắm. Nguyên con với anh này – chỉ vào cha – xưa có đi lính làm bạn với nhau rất thân. Lúc mãn khoa, anh em cùng trở về lập nghiệp làm ăn. Sau con đến nhà anh ấy chơi, thấy anh ấy nghèo đói, con đem cho vay mười lạng bạc để làm vốn. Lâu không thấy anh ấy trả, con tưởng anh ấy còn bấn túng, lại sang thăm anh ấy và cũng đem theo mười lạng bạc, định giúp anh ấy lần nữa. Nhưng lúc đến nơi thấy anh ấy giàu có, con giắt mười lạng bạc ấy ở ngoài cổng, rồi mới vào. Chẳng ngờ, anh ấy lựa đến nửa đêm, giết chết con đi và đem xác con chôn dưới gốc cây khế. Hồn con bấy giờ nhập ngay vào cây khế. Cây khế sinh được một quả vừa to, vừa ngọt. Hồn con lại biến vào quả khế. Vợ anh ấy ăn quả khế mà sinh ra con. Dám xin quan lớn thân oan cho con. Quan cho người ra đào gốc khế, xem có còn cái xác con, và ra bới trên mái cổng, xem có còn mười lạng bạc không ».

Quan liền sai lính làm theo như lời khai, thì quả nhiên ở dưới gốc khế có cái xác người và ở trên cổng nhà còn mười lạng bạc thật. Chứng cớ rõ ràng, hai vợ chồng nhà kia không còn chối cãi làm sao được, tự phải thú nhận hết tội, không đợi quan tra hỏi. Quan liền phê án trị tội luôn cả hai vợ chồng. Còn thằng bé lạy tạ quan xong, xin trở về nhà cũ. Lúc về tới nơi, tính lại, kể từ ngày ra đi đến ngày ấy được hai mươi năm, khi đi vợ mới có thai, khi về thì con đã có cháu. Bởi truyện này nên mới có câu cổ ngữ rằng : « Tham vàng, phụ nghĩa cố nhân, Oan hồn, hồn hiện, trời gần chẳng xa, Sinh con, rồi mới sinh cha, Sinh cháu giữ nhà, rồi mới sinh ông ». 6

ĂN MÀY ĐÁNH ĐỔ CẦU AO (THẦN GIÓ BỊ QUỞ) Xưa có người nghèo đói đi ăn xin đã bao lâu, nay mới được một hôm, có một nhà giàu bố thí cho bát gạo. Anh ăn mày mừng rỡ, hí hửng đem gạo xuống vo dưới cầu ao. Chẳng may lúc đem vo, gió đâu nổi tứ tung, làm lật giá gạo đổ cả xuống ao. Anh ăn mày khóc lóc thảm thiết, không biết bắt đền ai. Càng nghĩ, càng giận trận gió, anh ta bèn làm đơn lên kiện tại Thiên đình. Đơn rằng : Nay tôi đói khát, Ở quận Hà đoài, Đi khắp mọi nơi Kiếm ăn độ khẩu, Hôm nay mới thấu, Đến cửa nhà giàu, Nói hết trước sau, Cho được đấu lúa Cửa nhà không có, Chẳng biết vo đâu, Ra đến cái cầu, Ngồi mà vo đó Phút đầu trận gió, Lúa đổ xuống ao, Không vợt, không lao, Làm sao vớt được ? Vậy nên đến trước Gác phượng lầu rồng,

Tấu lạy Cửu trùng, Thương cho kẻo khổ Trời chấp đơn. Rồi sai quỷ sứ đòi Thần làm gió lên tra hỏi. Lời Thần gió khai rằng : « Vì có người lái buôn, buôn mấy thuyền thóc gặp phải độ không gió, không sao về được, mới làm lễ cầu phong, cho nên tôi phải thổi gió cho thuyền nó chạy ». 7 - Người làm việc nhà Trời như thế thật là bất công, bất chính. Kẻ đói người cùng, thì không thấu tình thương đến nó. Còn đứa giàu nó đem lễ vật nó dâng, thì tham của tối mắt lại, nó bảo làm chi cũng làm. Đoạn Trời phạt tội Thần gió, bảo phải bắt người phú thương kia đền trả người ăn mày một bát gạo. Người phú thương cũng chịu đền. Nhưng nó không khỏi oán Thần gió. Nên mới có câu người ta vẫn thường ví rằng : « Ăn mày đánh đổ cầu ao, Vì lời Phong suy 8 cho tao phải đền ».

CÁI GÌ TO ƠN HƠN Xưa có ba người, một hôm, ngồi uống rượu, tán chuyện cùng nhau. Ba người hỏi nhau câu rằng : « Như trong nhà thì cái gì công to hơn cả ? » Một người nói : « Cứ như tôi, thì cái nhà ở công to hơn cả ». Người nữa nói : « Như ý tôi, thì cái bếp nấu công to hơn cả ». Người thứ ba nói : « Như tôi nghĩ, thì cái giường năm lại công to hơn cả ». Ba người nói mỗi người một lẽ, không ai chịu ai, cứ cãi lẫn nhau mãi. Chợt thấy một ông già ở đâu hiện xuống giữa sân, tóc vàng rời rợi, mình mặc áo vàng, đầu đội khăn đỏ, vừa cao vừa đẹp, cất tiếng nói rằng : « Cái nhà che nắng, che mưa, ở được yên lành, cái bếp nấu nướng đồ ăn, ăn được no nê, cái giường nằm ngồi nghỉ ngơi sức được khỏe mạnh. Ba cái cũng có ơn to cả. Các người chớ khá tranh giành cãi nhau vô ích ». Nói xong, ông già lại hát một câu rằng : « Công ơn nhất thì cái nhà, Nhì thì cái bếp, thứ ba cái giường ». Rồi ông biến mất.

MƯỜI VOI Xưa một nhà có ba người con rể. Hai người rể lớn thì giàu có. Còn người rể thứ ba thì nghèo khổ, không có cóc khô gì, nhưng được cái mồm nói huyếch, nói hoáng, chỉ một tấc đến trời. Khi bố vợ mất, hai người rể lớn, người thì đem lợn gạo, người thì đem gà, vịt đến làm lễ viếng. Còn anh thứ ba trơ ra chẳng có gì, lại còn đon đả nói ở nhà vợ rằng : « To gì con lợn ! Lớn gì gà, vịt. Để ta đi mua hẳn mười voi thật to, thật lớn về làm lễ cúng cho mà xem ». Nói rồi bỏ đi. Đi luôn mấy hôm, cả nhà đợi mãi chẳng thấy về. Cấp kỳ đến lúc đám đã cất rồi, mới thấy anh ta lù lù dẫn cái mặt đến, vừa làm ra bộ giận dữ, vừa như lấy làm tiếc xót xa trong lòng mà phàn nàn rằng : « Rõ thật tức của mình ! Mình định mua thật kỳ được mười voi. Một người đã có tám con đem bán, mình bảo được đủ cả mười mới mua. Họ đi kiếm mãi không xong, rồi lại bỏ đi mất hút đằng nào, làm cho mình chờ đợi mất công mà vô ích ». Thì thật quả là : « Mười voi không được bát nước xáo ». Câu tục ngữ nói nào sai.

NEM CÔNG, CHẢ PHƯỢNG, RÂU RỒNG Xưa ở gần chốn kinh kỳ có một nhà của cái giàu có, ăn uống xa hoa không thiếu thứ gì. Một hôm, chồng muốn thử vợ, nói rằng : « Kể cả miếng ăn, thì nhà ta đây không còn thèm thuồng gì nữa. Thiên hạ xưa nay vẫn cho ở đời có ba thứ ăn ngon nhất là « nem công, chả phượng với râu rồng » Chả phượng với râu rồng thì ta đã từng được nếm qua rồi. Chỉ còn thứ nem công, ta chưa được ăn bao giờ cả. À này mình ạ ! Tôi thấy ở vườn cấm nhà vua, có một con công to lắm. Hay ta đi bắt trộm về ta làm thịt, hai vợ chồng ăn cho biết mùi ». Vợ nghe nói, thèm nuốt nước dãi, bảo chồng mau mau làm thế nào được công ăn, thì làm. Chồng mày mò cố đi lấy trộm được con công về cho vợ trông thấy thật. Nhưng đến lúc làm thịt, thì đem công giấu đi một nơi, rồi lấy thịt gà giả làm nem công. Vợ ăn tấm tắc khen ngon, cho chồng là người sành sỏi. Được mấy hôm, trong vườn cấm, thấy mất công, lập tức có lời rao ra rằng : « Ai lấy trộm công của nhà vua, thì người ấy có tội. Còn ai bắt được người lấy trộm của nhà vua hay tìm đâu thấy công đem về nộp, đàn ông thì được làm quan to, đàn bà thì được phong tước Phi ». Đã được ăn nem công, vợ nghe thấy rao, lại còn muốn làm bà Phi liền lên quan tố giác là chính chồng mình đã lấy trộm công để ăn thịt. Quan lập tức sai lính đi bắt chồng điều đến.

Người chồng vừa đến vừa đem công theo, và thưa quan rằng : « Con công nó đâu lạc vào nhà tôi. Tôi thử lòng vợ tôi, hỏi có muốn ăn nem công không. Nó thèm quá đòi ăn thật. Nhưng tôi không làm thịt công sợ mang tội. Tôi phải đem giấu đi một nơi, mà làm thịt gà thay vào. Bây giờ nó lại đi tố giác tôi, xin quan soi xét ». Quan nghe nói, xử tội người vợ và phong cho chồng nó được làm quan. Bởi có sự tình nầy, mới có câu hát rằng : « Nem công, chả phượng, râu rồng, Có hai vợ chồng chẳng hết lòng nhau ».

TRẠNG ẾCH Xưa có ông quan lấy một nàng hầu rất đẹp. Nhưng vì tại vợ cả ghen tuông quá lắm, ông quan phải đưa tiền bạc cho người nàng hầu về đi lấy chồng khác. Người nàng hầu đi giữa đường, gặp một anh câu ếch, phải duyên phải kiếp làm sao lấy ngay làm chồng và ăn ở với nhau thuận hòa lắm. Một hôm, người câu ếch câu được một con ếch vàng to. Nhân ngày giỗ cha, chồng bảo vợ làm thịt con ếch để cúng. Khi làm thịt, vợ thấy trong mình con ếch cho một hòn ngọc bèn đưa cho chồng. Cách đó ít lâu, có chiếu trong triều ban ra nói là vua đau mắt, ai có ngọc ếch đem dâng để vua rỏ mắt mà vua qua khỏi, thì sẽ được phong làm quan. Người câu ếch bạo dạn xin vào chữa. Vua khỏi, người ấy được làm một chức quan nhỏ. Năm sau, phải đi đại hạn, vua lại ra chiếu khắp trong nước rằng ai cầu được cho trời mưa ngay, thì vua cho làm trạng nguyên. Viên quan câu ếch, quen xem chân ếch, biết trời gần mưa lại quả quyết ra ứng chiếu xin cầu cho trời mưa. Sáng làm lễ cầu đảo, thì chiều đến, trời quả mưa to, và mưa rất nhiều. Vua và các quan coi người câu ếch xấu xí đê hèn không đáng làm ông trạng. Nhưng trót đã có lời chiếu, bất đắc dĩ cũng phải cho làm Trạng thật, nhưng gọi giễu là « Trạng Ếch ». Rồi sai luôn đi sứ sang Tàu cho khỏi thấy mặt. Trạng Ếch không biết đi sứ là thế nào. Nhưng đã có lệnh trên, không lẽ từ chối, cứ phải đi xem sao. Khi sang đến Tàu, lại gặp cả ba ông sứ ba nước khác cùng đến.

Một hôm, vua Tàu đãi tiệc chung cả bốn sứ. Trên bàn có bốn chiếc bánh. Ba ông sứ kia chưa kịp ăn, thì Trạng Ếch đã vội xơi luôn cả bốn. Bỗng chốc thấy viên quan Tàu ngồi tiếp yến, giơ ra bốn ngón tay. Ba viên sứ kia không hiểu ra sao cả. Chỉ có Trạng Ếch tưởng viên quan Tàu chê mình ăn những bốn cái bánh, liền đưa cả hai bàn tay xòe ra tám ngón có ý bảo « Tám chiếc bánh như thế, ta ăn cũng hết ». Một chốc lại thấy quan Tàu lùa một ngón tay vào giữa bụng. Ba viên sứ kia vẫn không hiểu gì cả. Chỉ có Trạng Ếch, tưởng viên quan ấy chê mình ăn lắm nứt bụng ra, liền sẽ đưa bàn tay ra mà vỗ, có ý bảo « Bánh ăn nhỏ bằng lòng bàn tay, có gì mà nứt bụng ». Bữa yến xong, Trạng Ếch thấy viên quan Tàu kính phục mình hơn trước nhiều, rồi vào tâu với vua Tàu. Thì thấy vua Tàu cho vời đến và phong cho làm « Lưỡng quốc Trạng nguyên » rồi ban cho bao nhiêu vàng bạc, gấm vóc mà trở về nước. Khi về đến nước nhà, vua quan đều phải trọng vọng không dám khinh lơn gọi là « Trạng Ếch » nữa mà tôn gọi là « Trạng hai nước ». Nhưng cả nước vẫn không ai tán ra tại sao chỉ vì ăn bánh, giơ ngón tay, và vỗ bàn tay mà khiến cho người Tàu phải tôn kính đến thế. Mãi sau mới có người Tàu diễn ra rằng. Viên quan Tàu, khi giơ bốn ngón tay là ra vế đối : « Tư di lai tân » 9 Mà trạng An-Nam giơ tám ngón tay là để đối lại : « Bát man tiến cống » 10 Còn khi viên quan Tàu lùa một ngón tay vào bụng là ra

vế đối : « Hung trung binh giáp » 11 Mà trạng An-nam vỗ tay là đối lại : « Chưởng thượng kinh luân ». 12

CÓ AI LÀM CHỨNG Xưa có ông nhà giàu chỉ làm nghề cho vay lãi. Trong vùng, có một nhà đói khó vay ông được ba mươi quan tiền. Ông nhà giàu đi đòi đã năm bẩy bận, mà nhà ấy không sao trả được, cứ khất lần. Một hôm ông đến đòi nữa thì cả nhà đi vắng, chỉ có một đứa bé đang tinh nghịch ngoài sân. Ông mới hỏi đứa bé rằng : « Cha mẹ mày đi đâu vắng cả ? ». Đứa bé làm thinh không đáp. Ông kia tức mình hỏi mãi : « Cha mẹ mày đi trốn nợ, hay đi đâu ? Mày phải nói cho thật ». Đứa bé bấy giờ mới thủng thỉnh đáp rằng : « Cha tôi thì đi chém cây sống, trồng cây chết. Mẹ tôi thì đi bán gió mà mua que ». Ông kia nghe nói, chẳng biết cha mẹ nó làm cái gì, mà nó nói lạ thế. Ông gặng hỏi nó đôi ba lần, nó cứ cười không đáp ra sao cả. Thấy vậy, ông mới dỗ dành nó rằng : « Cha mẹ mày làm nghề gì, mày cứ nói cho thật. Rồi cha mẹ mày còn nợ tao bao nhiêu, thì tao cho mày cả, tao không đòi nữa ». Thằng bé làm ra chuyện ngù ngừ nói rằng : « Tôi biết ông đùa tôi đấy ! Ông cứ nói chuyện đưa trâu qua đò làm gì thế ! » Ông kia bảo : « Không tao nói thật mà ! » Nó nói : « Thật à ! Thế thì tôi phải đi mời người đến làm chứng. Rồi tôi hãy xin nói ». Ông kia nghĩ bụng « Thằng bé này đáo để ». Thì ngay lúc ấy, vừa trông thấy một con mối, ông mới xui trẻ ăn cứt gà,

mới bảo với nó rằng : « Có con mối kia làm chứng cho cũng được rồi. Mày cứ nói đi ». Thằng bé có chứng cớ tử tế mới nói rằng : « Cha tôi đi chém cây sống, trồng cây chết tức là cha tôi đi cấy, còn mẹ tôi đi bán gió mua que tức là đi bán quạt ». Ông kia nghe nói, ngẫm nghĩ chịu thằng bé là tài, trở ra về. Cách được mấy hôm, ông ta lại cứ đến hỏi nợ. Người cha lại năn nỉ xin khất, nhưng thấy thằng con lon ton chạy ra bảo : « Cha không phải trả món nợ ấy nữa. Ông ấy đã cho con cả rồi ». Ông kia nói : « Trẻ con đừng nói láo ! Ai cho mày ? » Nó bảo : « Thì có chứng cớ tử tế, ông còn cãi gì ». Ông kia giận giữ vùng vằng ra về, lẩm bẩm dọa rằng : « Ừ rồi tao xem cha con nhà mày có phải trả tao không ! » Người cha nghe nói sợ hãi, hỏi lại con : « Ông ấy bảo cho mày nợ, mày nói có chứng cớ, thì chứng cớ gì mà chứng cớ đâu ? » Thằng con nói : « Cha chớ lo. Cha cứ đừng trả, để đó mặc con. Khôn ngoan lên đến cửa quan mới biết ». Quả nhiên được mấy hôm, có trát quan về đòi người kia lên thật. Vì ông nhà giàu đã đầu đơn kiện tại công đường. Người cha cứ thực, trình rằng : « Bẩm, tôi có nợ ông ấy ba mươi quan tiền. Tôi đã có lời khất rồi tôi xin trả. Nhưng con tôi nó bảo đừng trả, vì ông ấy đã cho nó cả rồi, mà nó lại có chứng cớ tử tế ». Ông nhà giàu cãi : « Thằng bé nó nói láo ! Chớ tôi cho nó

bao giờ đâu, mà có chứng cớ gì đâu. Xin quan cho đòi nó lên mà tra hỏi ». Quan nghe, lập tức cho đòi thằng bé lên. Thằng bé vào quan, chào lạy rất lễ phép, rồi kể lại rành mạch đầu đuôi câu chuyện. Quan hỏi vặn nó : « Nhưng lúc bấy giờ có ai làm chứng cho câu nói của ông kia không ? » Nó thưa : « Bẩm có, có người làm chứng, chính ông ấy, lúc bấy giờ, chỉ vào một con mối đang leo cột nhà bảo làm chứng ». Ông kia nghe nó nói sai đỏ mặt cãi rằng : « Lúc ấy chỉ có con mối đậu trên chiếc đũa cả, chớ làm gì có con mối leo ở cột nhà ». Quan nghe ông kia cãi, cười mà nói rằng : « Thế thì ông có nói cho nó thật rồi. Mà lúc ông nói, có con mối làm chứng cho nó thật rồi. Ông còn cãi gì nữa. Ông tưởng lừa trẻ được, nhưng ngờ đâu nó lại lừa được ông. Con cháu bây giờ thật khôn hơn ông vải đấy ông à ». Rồi quan xử cho người kia không phải trả nợ nữa. Ông nhà giàu phải cắn răng chịu, lấy làm căm tức lắm, nhưng trong bụng vẫn khen thầm thằng bé sao mà khôn ngoan tài giỏi đến bực ấy. 13


Like this book? You can publish your book online for free in a few minutes!
Create your own flipbook