Important Announcement
PubHTML5 Scheduled Server Maintenance on (GMT) Sunday, June 26th, 2:00 am - 8:00 am.
PubHTML5 site will be inoperative during the times indicated!

Home Explore Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh An Giang lớp 4

Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh An Giang lớp 4

Published by Ngo Thi Mem TH B TT PHU HOA, 2023-03-11 12:38:24

Description: 62.2 tl gddp an giang 4_27.2.2023

Search

Read the Text Version

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG 4Lớp

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÀI LIỆU KHỞI ĐỘNG Học sinh huy động kiến thức, kinh nghiệm cá nhân để tham gia hoạt động tạo hứng thú, tò mò vào chủ đề mới. KHÁM PHÁ Học sinh thực hiện các hoạt động quan sát, thảo luận, tìm kiếm thông tin nhằm phát hiện và chiếm lĩnh những điều mới, chưa biết của chủ đề. LUYỆN TẬP Học sinh sử dụng kiến thức, kĩ năng được trang bị để giải quyết các vấn đề, tình huống, chủ đề tương tự hay biến đổi,… nhằm khắc sâu kiến thức, hình thành kĩ năng, kĩ xảo một cách chắc chắn. VẬN DỤNG Học sinh giải quyết các vấn đề của thực tế hoặc vấn đề có liên quan đến tri thức của chủ đề, từ đó phát huy tính mềm dẻo của tư duy, khả năng sáng tạo. Hãy bảo quản, giữ gìn tài liệu để dành tặng các em học sinh lớp sau! 2

LỜI NÓI ĐẦU Trong mỗi chúng ta, quê hương luôn có một vị trí quan trọng, do vậy, tình cảm dành cho quê hương cũng mang một ý nghĩa thiêng liêng, cao quý. Việc tìm hiểu những giá trị tốt đẹp, giàu sức sống của quê hương là điều cần thiết đối với mỗi người. Với phương châm đó, Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh An Giang – Lớp 4 sẽ giúp học sinh khám phá vẻ đẹp của quê hương An Giang, hình thành, bồi đắp và nuôi dưỡng tình cảm dành cho quê hương, đất nước. Mặt khác, tài liệu này cũng đáp ứng nội dung giáo dục địa phương của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tài liệu gồm 5 chủ đề: + Chủ đề 1: Địa lí địa phương tỉnh An Giang + Chủ đề 2: Di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang + Chủ đề 3: Lễ hội địa phương + Chủ đề 4: Sản phẩm thủ công mĩ nghệ và đặc sản địa phương + Chủ đề 5: Bài hát dân ca và trò chơi dân gian Nhằm phát huy tối đa tính tích cực, sáng tạo của học sinh, mỗi chủ đề, bài học được tổ chức thành các hoạt động: Khởi động; Khám phá; Luyện tập; Vận dụng với những hình ảnh minh hoạ sinh động cùng lượng kiến thức phù hợp, bổ ích. Tài liệu này giúp học sinh hiểu sâu hơn về những giá trị truyền thống, hiện đại; nhận ra bản sắc đặc trưng của quê hương An Giang; để từ đó hình thành niềm tự hào, yêu quý quê hương, thể hiện điều đó qua những hành động, ứng xử đúng đắn, thiết thực trong cuộc sống. Hi vọng Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh An Giang – Lớp 4 sẽ mang lại cho các em những trải nghiệm thú vị cùng những kiến thức bổ ích. CÁC TÁC GIẢ 3

Mục lục HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÀI LIỆU ...................................................................................................... 2 LỜI NÓI ĐẦU ............................................................................................................................................ 3 CHỦ ĐỀ 1: Địa lí địa phương tỉnh An Giang................................................................................. 5 CHỦ ĐỀ 2: Di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang ......................................12 CHỦ ĐỀ 3: Lễ hội địa phương.........................................................................................................26 CHỦ ĐỀ 4: Sản phẩm thủ công mĩ nghệ và đặc sản địa phương ......................................35 CHỦ ĐỀ 5: Bài hát dân ca và trò chơi dân gian ........................................................................49 BẢNG GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ.........................................................................................................54 DANH SÁCH HÌNH ẢNH SỬ DỤNG TRONG TÀI LIỆU ................................................................54 4

Chủ đề ĐỊA LÍ ĐỊA PHƯƠNG TỈNH AN GIANG 1 KHỞI ĐỘNG Giáo viên cùng học sinh tham gia trò chơi Một thoáng quê hương. Giáo viên chuẩn bị 2 phiếu thông tin có sẵn các địa điểm ở tỉnh An Giang và giao nhiệm vụ cho học sinh cùng diễn tả và đoán địa điểm đó. Trong các địa điểm vừa nêu, em đã đi tham quan địa điểm nào? Hãy giới thiệu địa điểm đó với các bạn. KHÁM PHÁ Hoạt động 1. Tìm hiểu về vị trí địa lí của tỉnh An Giang Hình 1. Bản đồ hành chính tỉnh An Giang 5

? Dựa vào bản đồ hành chính tỉnh An Giang (hình 1) và thông tin trong bài, em hãy: – Cho biết tỉnh An Giang nằm ở vùng nào của nước ta. – Xác định ranh giới và vị trí tiếp giáp của tỉnh An Giang. Vị trí địa lí đó đem lại thuận lợi gì cho tỉnh nhà? An Giang là tỉnh biên giới nằm ở phía tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong bốn tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên khá rộng với khoảng 3 537 km2, đứng thứ ba vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về vị trí tiếp giáp, phía bắc và tây bắc giáp Cam-pu-chia, phía đông bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía tây nam giáp tỉnh Kiên Giang và phía đông nam giáp thành phố Cần Thơ. Vị trí địa lí đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh An Giang phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá, đặc biệt là với nước bạn Cam-pu-chia. Hình 2. Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang Hiện nay, tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 2 thành phố (Long Xuyên và Châu Đốc), 1 thị xã (Tân Châu) và 8 huyện (An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn). Bao gồm 156 xã, phường, thị trấn. 6

Hoạt động 2. Tìm hiểu những đặc điểm cơ bản về tự nhiên của tỉnh An Giang ? Dựa vào các hình ảnh và thông tin trong bài, em hãy: – Nêu những đặc điểm địa hình của tỉnh An Giang. – Cho biết tỉnh An Giang thuộc kiểu khí hậu gì. Nêu một số đặc điểm cơ bản của kiểu khí hậu đó. – Chọn một loại tài nguyên thiên nhiên của tỉnh An Giang và trình bày các đặc điểm cơ bản của tài nguyên đó. Địa hình Địa hình của tỉnh An Giang tương đối thấp và bằng phẳng. Tỉnh có hai dạng địa hình chính gồm đồng bằng và đồi núi. Trong đó, địa hình đồng bằng chiếm phần lớn diện tích. Hình 3. Núi Cấm, huyện Tịnh Biên Tỉnh An Giang là một trong hai tỉnh có dạng địa hình đồi núi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cụm núi cuối cùng của dãy Trường Sơn với đỉnh cao nhất là núi Cấm, cao khoảng 716 m. Khí hậu Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Khí hậu ôn hoà và ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. 7

Sông ngòi Tỉnh An Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Một số sông, kênh nổi bật của tỉnh như sông Tiền, sông Hậu, kênh Vĩnh Tế,… Kênh Vĩnh Tế được xem là kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Hệ thống thuỷ lợi phát triển đã góp phần cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho sản xuất và sinh hoạt của người dân tỉnh. Hình 4. Kênh Vĩnh Tế đoạn qua xã An Phú, huyện Tịnh Biên Bên cạnh đó, với vị trí đầu nguồn, tỉnh An Giang trước đây đều đón mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 10. Lũ về cung cấp nhiều sản vật như bông điên điển, bông súng, cá linh,… làm phong phú thêm nét văn hoá của vùng đất biên cương tây nam này. Đất Hình 5. Tỉnh An Giang đẩy mạnh phát triển vườn cây ăn quả theo mô hình nông hộ Hình 6. Đất phù sa thích hợp trồng các loại cây lương thực 8

Tài nguyên đất của tỉnh An Giang khá phong phú gồm các loại đất chính như đất phèn, đất phù sa bao gồm đất phù sa có phèn, đất phù sa cổ,… Trong đó, đất phèn chiếm diện tích lớn nhất. Ngoài ra, tỉnh còn có các nhóm đất khác như đất cồn bãi, đất đồi núi,… Đây là điều kiện thuận lợi cho tỉnh đa dạng hoá các loại cây trồng như lúa, hoa màu, cây ăn quả,… Sinh vật Hình 7. Một góc rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên Tỉnh có hơn 583 ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng ẩm nhiệt đới, đa số là cây lá rộng. Hệ động, thực vật phong phú, đa dạng và có nhiều loài quý hiếm. Khoáng sản Khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang chủ yếu là đá xây dựng, đất sét gạch ngói, than bùn, đất sét cao-lanh,… Ngoài ra, tỉnh còn có nước khoáng thiên nhiên, quặng kim loại, đá quý, ngọc,… với trữ lượng không lớn. Hoạt động 3. Tìm hiểu một số hoạt động kinh tế tiêu biểu của tỉnh An Giang ? Dựa vào các hình ảnh và thông tin trong bài, em hãy: – Nêu tên các ngành kinh tế được đề cập đến trong các hình bên dưới và cho biết các ngành đó thuộc nhóm ngành kinh tế nào. – Cho biết trong các hoạt động kinh tế của tỉnh An Giang, em thích hoạt động nào nhất. Vì sao? 9

Hình 8. Người dân thu hoạch cá tra Hình 9. Thu hoạch lúa Hình 10. Săn mây trên núi Cô Tô, Hình 11. Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên huyện Tri Tôn Điều kiện tự nhiên thuận lợi đã góp phần giúp tỉnh An Giang phát triển mạnh ngành nông – lâm – thuỷ sản. Trong đó, sản lượng lúa, thuỷ sản nuôi trồng đứng thứ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều thế mạnh trong phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí, dệt may, thương mại, du lịch,… Hình 12. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, tỉnh An Giang 10

Tỉnh An Giang với vị trí là tỉnh biên giới nên các hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh khá sầm uất, nổi tiếng có cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Bên cạnh đó, các loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái,… cũng rất phát triển. Một số địa điểm du lịch nổi tiếng như núi Cấm, núi Cô Tô, rừng tràm Trà Sư, các công trình kiến trúc Hồi giáo,… Trong tương lai, tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh phát triển các nhóm ngành có giá trị, hàm lượng khoa học và vốn đầu tư cao như công nghệ sinh học, dược phẩm, tài chính – ngân hàng,... LUYỆN TẬP Hoạt động 1. Em hãy giới thiệu bằng lời kết hợp với hình ảnh, lược đồ/ bản đồ về vị trí địa lí của tỉnh An Giang. Hoạt động 2. Em hãy lập bảng thống kê những đặc điểm cơ bản về tự nhiên của tỉnh An Giang theo mẫu sau (học sinh làm vào vở): Yếu tố tự nhiên Đặc điểm Địa hình ? Khí hậu ? Sông ngòi ? Đất ? Sinh vật ? Khoáng sản ? Hoạt động 3. Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) miêu tả về một hoạt động kinh tế tiêu biểu của tỉnh An Giang mà em ấn tượng nhất trong giai đoạn hiện nay. VẬN DỤNG Hoạt động 1. Hãy tìm hiểu về thời tiết ở địa phương em. Hoạt động 2. Em hãy cùng các bạn vẽ tranh cổ động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường hoặc ca ngợi quê hương tươi đẹp cho địa phương mình hoặc một địa điểm nào đó của tỉnh An Giang mà em yêu thích nhất. 11

Chủ đề DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HOÁ 2 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG KHỞI ĐỘNG – Kể tên các di tích lịch sử – văn hoá trên địa bàn tỉnh An Giang mà em biết. – Em đã từng tham quan di tích nào? Nêu ấn tượng của em về di tích đó. KHÁM PHÁ Hoạt động 1. Tìm hiểu khái niệm, xếp hạng và phân loại di tích lịch sử – văn hoá trên địa bàn tỉnh An Giang ? Dựa vào thông tin dưới đây, em hãy trả lời câu hỏi: – Tỉnh An Giang có bao nhiêu di tích lịch sử – văn hoá được xếp hạng di tích cấp quốc gia? – Di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang bao gồm các loại hình di tích nào? 1. Khái niệm di tích lịch sử – văn hoá Di tích lịch sử – văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. (Theo Khoản, Điều 4 Luật Di sản văn hoá) Căn cứ vào các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, di tích lịch sử – văn hoá được xếp hạng như sau: – Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương. – Di tích cấp quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia. – Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia. (Theo Điều 29 Luật Di sản văn hoá) 12

Đến năm 2018, tỉnh An Giang có hệ thống di tích lịch sử – văn hoá phong phú với 88 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Hình 1. Khu lưu niệm Chủ tịch nước Hình 2. Bia Thoại Sơn Tôn Đức Thắng 2. Phân loại di tích lịch sử – văn hoá Di tích lịch sử – văn hoá bao gồm: – Di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân). – Di tích kiến trúc nghệ thuật. – Di tích khảo cổ. – Danh lam thắng cảnh. Di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang có nhiều loại hình di tích khác nhau như: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và di tích danh lam thắng cảnh. Hình 3. Toàn cảnh Miếu Bà Chúa Xứ Hình 4. Chùa Hang An Giang Các di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang xuất hiện vào các thời kì lịch sử: tiền sử, sơ sử và văn hoá Óc Eo; khai phá vùng đất phương Nam; kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. 13

Hoạt động 2. Tìm hiểu một số di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang vào thời kì tiền sử, sơ sử, văn hoá Óc Eo và thời kì khai phá vùng đất phương Nam ? Quan sát hình ảnh và đọc thông tin bên dưới, em hãy cho biết: – Các di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang vào thời kì tiền sử, sơ sử và văn hoá Óc Eo phân bố rộng ở các vùng nào. – Kể tên một số di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang vào thời kì khai phá vùng đất phương Nam. 1. Một số di tích lịch sử – văn hoá thời kì tiền sử, sơ sử và văn hoá Óc Eo Các di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang thời kì tiền sử, sơ sử và văn hoá Óc Eo phân bố rộng trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, với diện tích gần 450 ha. Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2016, gồm ba hạng mục chính trong phạm vi của các di tích Gò Cây Thị, Gò Út Trạnh, di tích Nam Linh Sơn Tự. Hình 5. Dấu tích một ngôi đền tại di tích Gò Út Trạnh Gò Út Trạnh là một gò đất cao nằm trên dốc của sườn đông núi Ba Thê, được xác định niên đại bắt đầu từ thế kỉ thứ VII, có diện tích khai quật và xây dựng mái che là 1 122 m2. 14

Hình 6. Ngăn cách giữa những ngôi đền cũng được xây bằng gạch Di tích được xây dựng bằng vật liệu hỗn hợp gạch – đá. Đây là một trong những di tích kiến trúc còn nguyên vẹn nhất của quần thể di tích Óc Eo – Ba Thê. Tổng thể di tích bao gồm 3 kiến trúc chính là 3 đền thờ nằm trên một trục hướng Bắc – Nam được xây dựng nhằm để tôn thờ thần Vis-nu; thần Shi-va và thần Bra-ma trong Hin-đu giáo. Di tích Nam Linh Sơn Tự rộng hơn 350 m2, là địa điểm khai quật có giá trị quan trọng nằm trong khu vực trung tâm của nền văn hoá Óc Eo. Hình 7. Khu vực Nền Chùa – Linh Sơn Tự còn lại hiện nay 15

Di tích Nam Linh Sơn Tự là quần thể kiến trúc có quy mô lớn, hệ thống dẫn nước, cống ngầm bằng đá và gạch phức tạp thể hiện kĩ thuật xây dựng trình độ cao của các cư dân cổ từ hơn 1 000 năm trước. Hình 8. Khai quật khu vực Nền Chùa – Linh Sơn Tự vào tháng 1 năm 2018 Tháng 1 – 2018, chính quyền địa phương cùng các nhà khoa học đã tổ chức khai quật khu vực Nền Chùa – Linh Sơn Tự, thị trấn Óc Eo. Qua đó, các nhà khảo cổ đã tìm được số lượng di vật rất lớn gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm sinh hoạt, mảnh tượng,… có niên đại kéo dài từ khoảng thế kỉ thứ I đến sau thế kỉ XII. Các phần tượng đầu người, đầu thần Vis-nu được tìm thấy tại di tích Nam Linh Sơn Tự và Gò Cây Trôm. Đây là các hình tượng thần thoại trong điện thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo. Hình 9. Các bức tượng xưa được trưng bày tại di tích Nam Linh Sơn Tự 16

Các loại nồi, bình, đĩa đèn, đất nung ở thế kỉ VI đến thế kỉ VII được tìm thấy tại di tích Nam Linh Sơn Tự vào các năm 1993, 1998, 1999. Hình 10. Các hiện vật được tìm thấy tại di tích Nam Linh Sơn Tự 2. Một số di tích lịch sử – văn hoá thời kì khai phá vùng đất phương Nam Vào thời kì khai phá vùng đất phương Nam, người dân di cư vào vùng đất An Giang đã mang theo tín ngưỡng, tôn giáo,… từ nguyên quán của họ đến và hội nhập vào văn hoá của cư dân bản địa. Các đình, chùa, miếu,…được hình thành, tạo nên sự đa dạng cho vùng đất này và trở thành các di tích lịch sử – văn hoá có giá trị cho đến ngày nay. Chùa Hoà Thạnh Hình 11. Khuôn viên chùa Hoà Thạnh Chùa Hoà Thạnh, còn gọi chùa Cây Mít, là ngôi chùa cổ toạ lạc tại ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. 17

Chùa do nhân dân thôn Nhơn Hoà (nay thuộc thôn Nhơn Hưng) xây dựng từ năm 1847 bằng cây tạp, vách lá, mái tranh. Năm 1925, hoà thượng Huỳnh Hồng Diệp cho xây dựng lại chùa khang trang như hiện nay. Hình 12. Chùa Hoà Thạnh sau khi được xây dựng lại Chùa được xây theo bố cục kiến trúc thống nhất với hai mái chính ở đằng trước và đằng sau, tổng thể ngôi chùa giống như một đoá hoa khổng lồ đang nở. Hình 13. Chánh điện chùa Hoà Thạnh Không gian kiến trúc ngôi chùa là sự tổng hợp của nhiều hạng mục như sân, hồ, vườn, thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên. Chính diện chùa là ao Liên Trì, trên ao có tượng Phật Bà Quan Âm. Hình 14. Tượng Phật Bà Quan Âm cưỡi rồng 18

Chùa Hoà Thạnh còn là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc từng ở sau khi từ quan để tránh sự theo dõi của mật thám và chính quyền thực dân Pháp. Hình 15. Tấm bia tưởng niệm có hình quốc huy Việt Nam ghi ngày tháng cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Chùa Hoà Thạnh là địa điểm du lịch tâm linh cho Phật tử tại địa phương, du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ngày 4 – 8 – 1992, Bộ Văn hoá – Thông tin ra quyết định công nhận Hoà Thạnh Cổ Tự là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Lăng Thoại Ngọc Hầu Lăng Thoại Ngọc Hầu, còn gọi là Sơn Lăng, nằm ở núi Sam, thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hình 16. Khuôn viên lăng Thoại Ngọc Hầu Đây là công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi, tiêu biểu của thời nhà Nguyễn còn lại ở đất Phương Nam. Hình 17. Ảnh lăng Thoại Ngọc Hầu xưa 19

Lăng vừa là lăng mộ, vừa bao gồm đền thờ, thờ Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu), một vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ An Giang. Hình 18. Lăng nhìn từ ngoài vào Đền thờ trong lăng trưng bày nhiều hiện vật giá trị như bức hoành phi, liễn đối, văn tế, những áng văn thơ ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân. Hình 19. Tượng Thoại Ngọc Hầu bên trong đền thờ Năm 1980, Bộ Văn hoá – Thông tin ra quyết định công nhận lăng Thoại Ngọc Hầu là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hoạt động 3. Tìm hiểu một số di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ? Quan sát hình ảnh và đọc các thông tin bên dưới, em hãy cho biết: – Di tích lịch sử – văn hoá nào của thời kì kháng chiến chống Pháp được xây dựng theo lối kiến trúc triều Nguyễn. – Một số di tích lịch sử – văn hoá thời kì kháng chiến chống Mỹ thường được xây dựng nhằm mục đích gì. 1. Một số di tích lịch sử – văn hoá thời kì kháng chiến chống Pháp Di tích lịch sử cách mạng Cột Dây Thép là một hệ thống gồm hai cột dây thép, do quân đội Pháp xây dựng vào cuối thế kỉ XIX để làm hệ thống thông tin liên lạc, một bên thuộc xã Long Điền A và một bên thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang do quân đội Pháp xây dựng vào cuối thế kỉ XIX để làm hệ thống thông tin liên lạc. 20

Hình 20. Di tích lịch sử cách mạng Cột Dây Thép Nơi đây từng là nơi treo ngọn cờ Đảng đầu tiên của phong trào cách mạng tỉnh An Giang, trở thành địa danh lịch sử cách mạng tiêu biểu. Ngày 9 – 1 – 1990, di tích Cột Dây Thép được Bộ Văn hoá – Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đình thần Mỹ Hoà Hưng toạ lạc tại cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách nghệ thuật của triều Nguyễn, có giá trị lịch sử lâu đời. Hình 21. Đình thần Mỹ Hoà Hưng ngày nay Trong những năm 1925 – 1926, ngôi đình là trụ sở hoạt động bí mật của nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước ở địa phương. Năm 1943, Chi bộ xã Mỹ Hoà Hưng thành lập, lấy đình làm điểm hội họp. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Uỷ ban Hành chính xã được thành lập cũng đặt trụ sở làm việc tại đình. Năm 2003, đình thần Mỹ Hoà Hưng được Uỷ ban nhân dân tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh. 21

2. Một số di tích lịch sử – văn hoá thời kì kháng chiến chống Mỹ Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc toạ lạc tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Hình 22. Đường vào Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc Từ năm 1962 – 1967, nơi đây là căn cứ Cách mạng của Tỉnh uỷ An Giang, có các cơ quan trực thuộc quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các hang động. Suốt những năm tháng chiến tranh, hàng trăm trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra, lực lượng cách mạng một lòng bám vào địa hình rừng núi hiểm trở, chiến đấu kiên cường đánh bại các trận càn quét của địch và ghi dấu nhiều chiến công chói lọi. Ngày nay, Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hình 23. Cảnh Căn cứ Ô Tà Sóc thuộc Núi Dài nhìn từ xa Ngày 28 – 12 – 2001, Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. 22

Khu Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp thuộc địa phận xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Hình 24. Bảng chào Khu di tích và du lịch Đồi Tức Dụp Đây từng là nơi các chiến sĩ cách mạng sử dụng để hội họp, chiến đấu và sinh hoạt cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hình 25. Hình 26. Đồi Tức Dụp từng là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng 23

Đồi Tức Dụp được giữ gìn, tôn tạo và mở rộng để trở thành địa điểm du lịch đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Hình 27. Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp Ngày 1 – 4 – 1985, Đồi Tức Dụp được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cách mạng, được Chính phủ trao tặng 8 chữ vàng “Kiên cường bám trụ, giữ vững núi Tô”. LUYỆN TẬP Hoạt động 1. Em hãy kể tên một số di tích lịch sử – văn hoá tiêu biểu trên địa bàn tỉnh An Giang. Em ấn tượng với di tích nào nhất? Hãy chia sẻ những điều em biết về di tích đó. Hoạt động 2. Em hãy hoàn thành bảng giới thiệu thông tin về các di tích lịch sử – văn hoá trên địa bàn tỉnh An Giang qua các thời kì theo mẫu sau (học sinh làm vào vở): 24

Thời kì lịch sử Tên di tích Năm xây dựng Địa điểm Ý nghĩa ? ? ? ?? ? ? ? ?? ? ? ? ?? ? ? ? ?? VẬN DỤNG Hoạt động 1. Sưu tầm tranh ảnh, thông tin về những di tích lịch sử – văn hoá trên địa bàn tỉnh An Giang và giới thiệu với các bạn cùng lớp theo các gợi ý sau: – Tên địa điểm; – Xếp hạng và phân loại di tích; – Những điều em cảm thấy ấn tượng. Hoạt động 2. Thảo luận với các bạn cùng nhóm về những điều nên làm và không nên làm khi đến tham quan các di tích lịch sử – văn hoá ở tỉnh An Giang. 25

Chủ đề LỄ HỘI ĐỊA PHƯƠNG 3 KHỞI ĐỘNG – Kể tên các lễ hội ở tỉnh An Giang mà em biết. – Lễ hội của người dân được tổ chức nhằm mục đích gì? – Em đã từng được tham gia lễ hội nào chưa? KHÁM PHÁ Hoạt động 1. Tìm hiểu Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ – Núi Sam ? Quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi: – Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ – Núi Sam được tổ chức vào thời gian nào và ở đâu? – Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ – Núi Sam gồm các hoạt động gì? Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức từ đêm 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hằng năm tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hình 1. Tiết mục múa khai mạc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ 26

Phần lễ của lễ hội gồm: Lễ phục hiện rước tượng Bà, Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế. Hình 2. Hình 3. Lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá ngự trên đỉnh núi Sam về sân khấu ở Miếu Bà Hình 4. Lễ tắm Bà thực tế là lau bụi trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà. Hình 5. Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà là lễ rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại và hai vị phu nhân từ lăng Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà để làm lễ dâng hương, thỉnh an. 27

Hình 6. Hình 7. Đến Lễ Túc Yết, ông chánh bái làm lễ dâng hương, Ông chánh bái sẽ cầm chúc tửu, hiến trà, dâng tế, nhành dương nhúng vào tô nước rồi vẩy nước và sau đó hoá vàng mã. đọc to những lời cầu nguyện trong Lễ Xây Hình 8. Chầu. Đọc xong, ông Lễ Chánh tế có nghi thức đánh ba hồi trống và bắt giống như Lễ Túc Yết. Sau đầu chương trình hát bội. đó là đưa sắc Thoại Ngọc Hầu về Sơn Lăng và kết thúc phần lễ. 28

Phần hội diễn ra rất sôi nổi, đan xen với phần lễ. Trong phần lễ có các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén,... Hình 9. Hoạt động múa mâm thao trong lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Lễ hội nhằm suy tôn Bà Chúa Xứ đã che chở, yểm trợ và phù hộ cho cộng đồng bình an, may mắn và phát đạt. Năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp quốc gia. ? Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ có ý nghĩa như thế nào? Hoạt động 2. Tìm hiểu Lễ hội Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu ? Quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi: – Lễ hội Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu được tổ chức vào thời gian nào và ở đâu? – Ý nghĩa của việc tổ chức Lễ hội Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu là gì? Lễ hội Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu được tổ chức vào mùng 10, 11, 12 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. 29

Hình 10. Người dân khắp nơi tụ họp về Đền thờ Thoại Ngọc Hầu tham dự lễ hội Lễ hội Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu gồm các nghi lễ: Nghinh thần, Túc yết, Xây chầu, Đại bội và Lễ Chánh tế. Hình 11. Lễ Nghinh thần là mời các vị thần nơi khác về tham dự lễ hội, đồng thời cùng phù hộ mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu,… Hình 12. Lễ Xây Chầu là nghi thức đánh trống để khai mở vạn vật, kết nối con người với trời đất. 30

Hình 13. Lễ Đại Bội gồm những tiết mục hát bội mang tính nghi lễ và những vở tuồng khác mang ý nghĩa, giá trị đạo đức. Hình 14. Lễ Chánh Tế có ý nghĩa tạ ơn Thần, tri ân các bậc Tiền hiền, Hậu hiền. Lễ hội nhằm tưởng nhớ và thể hiện sự biết ơn công lao danh tướng Thoại Ngọc Hầu, cầu mong thần phù hộ mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt,… Năm 2021, Lễ hội Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. ? Em đã từng được tham gia Lễ hội Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu chưa? Em có cảm nhận gì khi đã được tham gia Lễ hội Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu hoặc Lễ hội Kỳ yên đình Thần nơi em ở? 31

Hoạt động 3. Tìm hiểu Lễ hội Đức cố Quản cơ Trần Văn Thành ? Quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi: – Lễ hội Đức cố Quản cơ Trần Văn Thành được tổ chức vào thời gian nào và ở đâu? – Ý nghĩa của việc tổ chức Lễ hội Đức cố Quản cơ Trần Văn Thành là gì? Lễ hội Đức cố Quản cơ Trần Văn Thành được xem như một lễ hội văn hoá truyền thống của người dân tỉnh An Giang, được tổ chức vào ngày 21, 22 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại Dinh Chánh Quản cơ Trần Văn Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân. Hình 15. Tượng đặt tại Dinh Chánh Quản cơ Trần Văn Thành Lễ cổ truyền được diễn ra trong chính điện của Dinh Chánh Quản cơ Trần Văn Thành. Lễ hội nhằm bày tỏ sự biết ơn đối với Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị, người có công lao khai hoang, phục hoá và chống giặc ngoại xâm trên vùng đất An Giang xưa. Hình 16. Người dân đến dâng hương trong đền thờ 32

Lễ hội Đức cố Quản cơ Trần Văn Thành diễn ra với nhiều hoạt động. Ngoài dâng hương, người dân đến tham dự lễ hội còn được thưởng thức biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, văn nghệ địa phương và các trò chơi dân gian đặc sắc. Hình 17. Dâng hương bên ngoài đền thờ Hình 18. Tiết mục biểu diễn võ cổ truyền trong lễ hội Ngoài Dinh Chánh Quản cơ Trần Văn Thành, nhiều đền thờ Đức Quản cơ Trần Văn Thành khác tại tỉnh An Giang cũng tổ chức lễ giỗ long trọng. Trong đó, Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (Bửu Hương Tự) tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích văn hóa – lịch sử quốc gia vào năm 1986. 33

LUYỆN TẬP Hoạt động 1. Em hãy hoàn thành thông tin giới thiệu về các lễ hội tiêu biểu ở tỉnh An Giang theo bảng mẫu sau: Tên lễ hội Thời gian Địa điểm Các hoạt động Ý nghĩa ??? ?? ??? ?? ??? ?? Hoạt động 2. Sắm vai cùng các bạn giới thiệu đến du khách một lễ hội ở tỉnh An Giang mà em yêu thích. VẬN DỤNG Hoạt động 1. Sưu tầm tranh, ảnh về một số lễ hội khác ở tỉnh An Giang mà em yêu thích. Hoạt động 2. Phụ huynh đồng hành Cùng ba mẹ tham gia một lễ hội ở tỉnh An Giang và chia sẻ cảm xúc của em khi được tham quan lễ hội. 34

Chủ đề SẢN PHẨM THỦ CÔNG MĨ NGHỆ 4 VÀ ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG KHỞI ĐỘNG Quan sát hình ảnh, cho biết tên gọi của các sản phẩm. Quê hương mình có những sản phẩm nổi tiếng như... 35

KHÁM PHÁ Hoạt động 1. Tìm hiểu một số sản phẩm thủ công mĩ nghệ địa phương Hình 1. Làng nghề mộc Chợ Thủ, Hình 2. Nghệ nhân Võ Văn Tạng đang xã Long Điền A thực hiện bức tranh bằng lá thốt nốt Hình 3. Những người thợ cùng tập trung để hoàn thành sản phẩm đan Tỉnh An Giang không có nhiều làng nghề thủ công mĩ nghệ, toàn tỉnh chỉ có một số nghề tạo ra sản phẩm mang giá trị thẩm mĩ và giá trị kinh tế như: Làng nghề tranh ghép lá thốt nốt Tri Tôn, Làng nghề thêu tay Chợ Mới, Làng nghề chạm trổ gỗ Chợ Thủ – Chợ Mới, Làng nghề đan lát Mỹ An – Chợ Mới,… 1. Làng nghề tranh ghép lá thốt nốt Tri Tôn ? Quan sát hình ảnh, đọc thông tin và cho biết: – Đặc điểm của các sản phẩm tranh ghép lá thốt nốt. – Nêu các bước để tạo ra một sản phẩm tranh ghép lá thốt nốt. 36

Hình 4. Nghệ nhân Võ Văn Tạng hướng dẫn học trò Nghệ nhân Võ Văn Tạng được coi là vị cha đẻ của dòng tranh ghép lá thốt nốt, người thực hiện tranh trên lá thốt nốt nhiều nhất, độc đáo nhất ở nước ta hiện nay. Hình 5. Nghệ nhân dùng nhiều loại đầu que hàn khác nhau để thực hiện sản phẩm Nét độc đáo của tranh ghép lá thốt nốt là vẽ tranh không bằng sơn, màu. Tranh được vẽ bằng que hàn điện tử (bút lửa), sử dụng mũi hàn nóng làm rám, cháy nhẹ ở mức độ màu vàng cánh gián, nâu hoặc đen; mũi hàn không nên để nóng quá sẽ làm cháy lá. Với cách nhấn nhá đường nét đậm nhạt của mũi hàn điện, người nghệ nhân khắc hoạ những chi tiết làm sống động bức tranh. Tranh ghép từ lá thốt nốt sống động, đa dạng về nội dung mặc dù có gam màu đơn sắc. Để tạo nên một sản phẩm tranh ghép lá thốt nốt, nghệ nhân phải có tính sáng tạo, am hiểu về mĩ thuật. 37

Hình 6. Phong cảnh đồng quê Hình 7. Tứ quý Hình 8. Làng quê yên bình Hình 9. Tùng, hạc Quy trình làm tranh ghép lá thốt nốt – Bước 1: Chọn lá thốt nốt có 8 năm trở lên, lá còn non phơi khô khoảng 2 tuần; – Bước 2: Ngâm lá thốt nốt trong nước phèn, tiếp tục phơi khô; – Bước 3: Cắt lá thành từng phiến thẳng theo kích thước tranh; – Bước 4: Phân loại lá theo màu: vàng, vàng đậm, trắng,… và tách nhỏ lá thành từng sợi; – Bước 5: Phác hoạ tranh trên nền ván ép; – Bước 6: Ghép từng sợi lá thốt nốt được tách ra lên nền tranh đã phác hoạ. 2. Làng nghề chạm trổ gỗ Chợ Thủ – Chợ Mới ? Quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi. – Em có nhận xét gì về các sản phẩm của làng nghề chạm trổ gỗ? – Hãy kể tên những sản phẩm khác của làng nghề chạm trổ gỗ Chợ Thủ – Chợ Mới mà em biết. 38

Làng nghề chạm trổ gỗ Chợ Thủ – Chợ Mới nằm trên 4 ấp Long Thuận 1, Long Thuận 2, Long Định, Long Bình thuộc huyện Chợ Mới nổi tiếng với sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và đề tài trang trí. Hình 10. Tượng điêu khắc hình con voi Hình 11. Tượng điêu khắc Phúc – Lộc – Thọ Hình 12. Bàn ghế gỗ Hình 13. Các nghệ nhân đang làm việc tại làng nghề Chợ Thủ – Chợ Mới Sự sáng tạo của những người thợ kết hợp với yêu cầu của khách hàng đã cho ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao như: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, đi-văng, kệ, giường hộp,… cho đến các loại ban công, cầu thang, bao lam, câu đối, bức tượng, phù điêu,… 39

Quy trình tạo ra sản phẩm Để cho ra đời một sản phẩm, người làm mộc Chợ Thủ – Chợ Mới phải trải qua nhiều công đoạn từ thô sơ đến phức tạp. Kĩ thuật chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ – Chợ Mới đa dạng, phong phú, quy về 4 loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. Hình 14. Xẻ gỗ từ tấm gỗ lớn Hình 15. Cắt/ cưa theo tạo hình của sản phẩm Hình 16. Vẽ nét tạo hình lên sản phẩm Hình 17. Mài nhẵn bề mặt cần chạm khắc Hình 18. Đo đạc tỉ lệ 40

Hình 19. Bào phẳng bề mặt/ tiện Hình 20. Chạm/ đục Hình 21. Đánh véc-ni hoặc phun sơn Hoa văn trên sản phẩm gỗ thường theo mô-típ truyền thống nhưng vẫn có cảm hứng sáng tạo của nghệ nhân. ? Em hãy cho biết các kĩ thuật để tạo một sản phẩm mộc. 3. Làng nghề đan lát Mỹ An – Chợ Mới ? Quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi. – Hãy nêu các bước để tạo ra một sản phẩm đan lát. – Em hãy kể tên những sản phẩm đan lát mà em biết. Những sản phẩm đan đó có những công dụng gì? 41

Bằng bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, sản phẩm của làng nghề đan lát Mỹ An – Chợ Mới bóng, đẹp, bền, đa dạng nhiều chủng loại như thúng, nia, sọt, bội, rổ, rế,… với nhiều kích cỡ, được làm qua các công đoạn khác nhau. Hình 22. Chẻ nan Hình 23. Đan kĩ thuật Hình 24. Phơi nan/ tấm đan Hình 25. Nẹp vành Hình 26. Buộc cố định vành Hình 27. Hoàn thiện sản phẩm 42

Hoạt động 2. Tìm hiểu một số đặc sản địa phương 1. Mắm cá Châu Đốc Từ xa xưa, mắm cá đã trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của mỗi gia đình người dân ở tỉnh An Giang. Hình 28. Gian hàng mắm cá tại chợ Châu Đốc, thành phố Châu Đốc Hầu như loài cá nào cũng có thể làm mắm được. Tên các loại mắm được đặt theo tên loại cá để dễ phân biệt, như: mắm cá sặc, mắm cá chốt, mắm cá lóc, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm cá rô,… Hình 29. Mắm cá lóc Để có mắm cá ngon, người làm mắm cần có những bí quyết và kinh nghiệm riêng. Tuỳ vào loại mắm cá được làm ra và sở thích của người ăn mà có những cách chế biến khác nhau cho phù hợp như: ăn sống, chiên, chưng cách thuỷ, kho, nấu lẩu,… 43

Hình 30. Lẩu mắm Hình 31. Mắm chưng thịt Nếu ăn mắm sống mà không cần phải nấu nướng, nhiều người thường chọn các loại mắm: cá chốt, cá linh, cá rô, cá sặc. Các loại này có thể ăn với cơm trắng, chuối luộc, khoai lang luộc hay bắp luộc đều rất ngon. Hình 32. Mắm thái ăn kèm thịt luộc, rau sống Trước đây, mắm cá được làm để sử dụng trong gia đình ở các vùng nông thôn. Dần dần, món ăn này được phổ biến và ưa chuộng tại địa phương và trở thành nghề truyền thống. Mỗi gia đình đều kế thừa, phát huy những kinh nghiệm và bí quyết gia truyền để chuyển hoá từ con cá tươi ngon thành đặc sản mắm cá chất lượng và hương vị thơm ngon riêng biệt. 2. Khô cá tra phồng Chợ Mới Khô cá tra phồng là một đặc sản của người dân vùng Chợ Mới, tỉnh An Giang, nguồn nguyên liệu chính từ cá tra Biển Hồ hoặc cá tra nuôi. Hình 33. Khô cá tra phồng Chợ Mới 44

Cá tra ở Biển Hồ có thịt ngon, béo hơn, dày hơn, chắc hơn và miếng thịt phi lê không bị bở, bị chai như cá tra thường. Hình 34. Cá tra tươi Tên gọi cá tra phồng bắt nguồn từ hình thức chế biến, khô này được làm bằng con cá tra phơi khô, khi đem chiên thì lớp da cá phồng lên. Hình 35. Cá tra sau khi phơi khô Đặc điểm của khô cá tra phồng là lớp da nên món này được sử dụng chủ yếu để chiên. Cá chiên vàng ươm, thơm phức lại thêm lớp da phồng giòn, hợp với những bữa cơm trong gia đình. Hình 36. Khô cá tra phồng Hình 37. Khô cá tra phồng sau khi sau khi chiên chiên được ăn kèm với nước mắm Người dân vùng Chợ Mới, An Giang đã tận dụng hợp lí nguồn nguyên liệu cá tra Biển Hồ tạo nên món ăn đặc sản nổi tiếng. Theo thời gian, khô cá tra phồng đã được du khách khắp nơi tìm mua thưởng thức mỗi khi có dịp ghé thăm vùng đất này. 45

LUYỆN TẬP Hoạt động 1. Hãy giới thiệu các làng nghề thủ công mĩ nghệ tiêu biểu ở tỉnh An Giang mà em vừa tìm hiểu theo các gợi ý sau: – Tỉnh An Giang có những làng nghề/ nghề thủ công mĩ nghệ tiêu biểu nào? – Em thích sản phẩm của nghề nào nhất? Hãy nêu quy trình tạo ra sản phẩm của làng nghề đó. – Hãy kể thêm các làng nghề/ nghề truyền thống ở địa phương mà em biết. Hoạt động 2. Hoàn thành bảng giới thiệu các đặc sản địa phương ở tỉnh An Giang mà em vừa tìm hiểu theo mẫu sau (Học sinh làm vào vở): Mắm cá Châu Đốc Khô cá tra phồng Chợ Mới Đặc điểm ? ? Cách chế biến ? ? Hoạt động 3. Thực hành tạo sản phẩm thủ công Em tập thiết kế một sản phẩm nhằm quảng bá thương hiệu thủ công mĩ nghệ truyền thống của quê hương em. Hình tham khảo Chuẩn bị: Giấy bìa, keo Bước 1: Xác định đề tài (con chim), chọn lá để dán dán, lá cây rụng,… hình đầu và thân chim Bước 2: Chọn dán Bước 3: Chọn, dán Bước 4: Chọn dán cành cây chân con chim cánh, mào chim Bước 5: Dán mắt và hoàn thiện sản phẩm 46

VẬN DỤNG Hoạt động 1. Em hãy cùng thầy (cô) tham quan các làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống ở địa phương và ghi chép lại các quy trình làm sản phẩm. – Chuẩn bị vở ghi. – Ghi chép và đặt tên cho bài viết Khi tham quan, em cần tuân thủ những nội dung gì? Hoạt động 2. Sưu tầm những sản phẩm thủ công mĩ nghệ ở địa phương và làm hướng dẫn viên giới thiệu cho các bạn về sản phẩm. 47

Chủ đề BÀI HÁT DÂN CA 5 VÀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN Hình 1. Thi đấu môn việt dã tại Đại hội thể dục – thể thao An Giang lần thứ IX, năm 2022 KHỞI ĐỘNG Em hãy cùng bạn vận động cơ thể theo mẫu sau: 48

KHÁM PHÁ Hoạt động 1. Tìm hiểu dân ca Nam Bộ ? Dựa vào các bài dân ca dưới đây, em hãy: – Cho biết các đặc điểm của bài dân ca (nguồn gốc, thể loại, nhịp,…). – Nghe và nêu cảm nhận các bài dân ca. 1. Bài Lí chim xanh, dân ca Nam Bộ LÍ CHIM XANH Dân ca Nam Bộ Lời mới: Mỹ Liêm 2. Bài Lí rẫy – lí vườn, dân ca Nam Bộ LÍ RẪY – LÍ VƯỜN Dân ca Nam Bộ Lời mới: Lê Giang 49

3. Bài Lí cái phảng, dân ca Nam Bộ LÍ CÁI PHẢNG Dân ca Nam Bộ Sưu tầm và kí âm: Trần Kiết Tường Lời mới: Cung Vũ Hoạt động 2. Nghe nhạc và cảm thụ ? Nghe bài Giúp mẹ, dân ca Khmer – Sử dụng nhạc cụ thanh phách để gõ đệm theo nhịp cho bài Giúp mẹ. – Sáng tạo một số mẫu vận động cảm thụ phù hợp với tính chất âm nhạc và nội dung lời ca của bài Giúp mẹ. 50


Like this book? You can publish your book online for free in a few minutes!
Create your own flipbook