MỘT SỐ BÀI VIẾT VỀ NGUYỄN CÔNG TRỨ 1
Nguyễn Công Trứ và những giai thoại ngông ‘thấu trời xanh’ Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người nhưng có lối sống tự do và vô cùng ngang tàng, ngạo nghễ. Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, sinh ngày 1/11 năm Mậu Tuất (1788) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo một số tài liệu, ông sinh ở Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Sống trong cảnh nghèo khổ nhưng ngay từ bé, cậu bé Củng đã nuôi ý tưởng làm nên nghiệp lớn với tuyên bố: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Năm 1819, Nguyễn Công Trứ thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan, bấy giờ đã ngoài 30 tuổi. Ông là người văn võ song toàn, làm tới chức Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, hạ tới ba bốn cấp. Thông minh từ nhỏ Theo một số giai thoại, ngay từ khi lọt lòng mẹ, Củng đã tỏ ngay sự ngông bướng bằng cách không chịu mở mắt hay khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác dù người nhà đem hết nồi đồng, mâm thau khua gõ liên hồi. Đến khi cả đám 2
người lớn đã mỏi rã rời, lắc đầu thì cậu mới cất tiếng khóc đầu tiên oang oang như tiếng chuông đồng. Thuở nhỏ, cậu bé Củng học rất giỏi, thông minh lại tinh nghịch, lém lỉnh, nổi tiếng “thần đồng”. Tài cao trí sắc, đọc rộng nhớ nhiều, những câu đối đáp lỗi lạc của cậu bé Củng gây cho mọi người nỗi kinh ngạc và thú vị. Khoảng 10 tuổi, Củng theo cha trở về Hà Tĩnh quê nội. Trong làng có ông Đồ Trung tốt bụng, đứng ra mời thầy đồ về nuôi trong nhà để trẻ con của làng tới học, trong đám học trò đó có Củng. Một hôm, khi cả lớp đang ngồi học, ông chủ nhà chợt nổi hứng đi vào và xin thầy cho phép ra vế đối. Được thầy đồng ý, ông Đồ Trung nói: “Ta có câu đối này, trò nào đối hay và nhanh sẽ được thưởng một quan tiền”. Rồi ông ta chỉ về phía cây đại đứng ngoài vườn, đọc vế đối: “Ngoài vườn cây đại nở hoa đại”. Các học trò ngồi nhìn nhau, mặc dù rất thèm quan tiền nhưng không ai tìm được vế đối lại. Thấy cả lớp im lặng, thầy học lên tiếng giục, chỉ có cậu bé Củng ra vẻ ngập ngừng khó nói. Thầy hỏi: “Trò Củng, sao không đối đi?”. Củng khép nép thưa: “Thưa, con sợ bị quở phạt ạ”. Ông chủ nhà khuyến khích ra vẻ rộng lượng: “Trò cứ đối, nếu hay thì ta sẽ thưởng cho, còn nếu có điều gì sơ suất thì ta và thầy cũng không bắt lỗi trò đâu”. Được lời, Củng nghiêm chỉnh đứng dậy đọc: “Trong buồng ông Trung ấp bà Trung” ạ. Vế đối rất chuẩn, “trong” đối với “ngoài”, “Đại” đối với “Trung”, và “nở” thì đối với “ấp” khiến ông Đồ Trung đỏ mặt im lặng. Thầy trò cả lớp được một trận cười nghiêng ngả và tất nhiên Củng được nhận một quan tiền. Lúc còn trẻ, Nguyễn Công Trứ là người rất tinh nghịch, thường hay lảng vảng vào các miếu long thần, thổ địa ở làng để chơi đùa, vẽ bậy. Có lần lại bê cả 3
xôi, chuối, rượu, thịt ở bệ thờ về đánh chén, khiến thủ từ cứ nghi hoặc mà chẳng dám kêu ca. Một buổi tối, Nguyễn Công Trứ lẻn vào miếu lấy rượu, thịt xuống nhắm say khướt, rồi lại nâng chén ghé mãi vào miệng long thần. Thấy pho tượng cứ ngồi yên không nhúc nhích, ông tức mình vật ngửa tượng ra đổ rượu vào mồm, đánh cho mấy bạt tai rồi mới đi về. Sáng mai tỉnh dậy, không biết là ông hối hận hay nghĩ thế nào mà lại làm bài thơ rồi đem ra dán ở miếu để tạ long thần: \"Hôm qua trời tối tới chơi đây / Ðánh phải long thần mấy cẳng tay / Khi tỉnh thời nào ai có dám / Say!\" Bấy giờ ông từ mới vỡ lẽ, nhưng thấy anh học trò có lời thơ sắc sảo, hài hước, cũng bật cười, chỉ răn đe qua loa chứ không đem ra bắt vạ. Một lần khác, gần làng Uy Viễn của Nguyễn Công Trứ có một ngôi chùa, vị sư trụ trì ở đây là người tài cao học rộng nhưng rất kiêu ngạo, hiếu thắng. Ông này thường tự cho mình là nhất thiên hạ, xem thường cả Nho Củng vốn từ lâu đã nổi tiếng thần đồng khắp vùng. Biết vậy, ông cũng hiếu thắng tìm dịp gặp thử tài cao thấp. Nhân một hôm rảnh học từ tỉnh thành về thăm nhà, Nho Củng bèn tìm tới chùa nọ chơi. Đến nơi, thấy ngoài sân trong điện không có ai, Củng lại đang khát nên đi thẳng vào bếp chùa để tìm nước uống, thì gặp sư trụ trì đang lúi húi bên bếp. Quay lại nhìn người lạ, vị sư buông ra một câu không mấy hiếu khách: \"Khách khứa kể chi ông núc bếp\". Cậu Củng nhìn quanh, thấy một cái vại (đồ bằng sành dùng để muối cà hay dưa) ở góc bếp, liền ứng khẩu đối lại: \"Trai chay mà có vại cà sư\". Câu này thực ra được nói lên rất vô tình, nhưng vị sư kia lại cho rằng Nho Củng thâm ý châm biếm mình có tư tình với bà vãi, nên chắp tay nhìn lên tượng Phật đọc một câu như thanh minh cho sự đứng đắn của mình: \"Xin chứng minh cho, Nam mô A Di Đà Phật\". 4
Nho Củng chỉ vào cái kiềng trên bếp và cất tiếng đối lại: \"Có giám sát đó, Đông Trù Tư mệnh Táo quân\". Đông trù Tư mệnh Táo quân là thần coi bếp, cầm giữ bản mệnh của gia chủ. Bên mời \"Phật\", bên nhờ \"thần\" ra minh chứng, quả thực là hay, lại \"Đông\" đối với \"Nam\", \"Quân\" đối với \"Phật\" thì thật là tài. Đến đây, vị sư vừa tức vừa hoảng, không ngờ gặp phải đối thủ trẻ tuổi mà cao cường đến vậy, liền hạ một chiêu cuối cùng, vừa vỗ ngực ta đây vừa hăm doạ đối thủ: \"Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng thiên địa thánh thần nhưng khác tục\". Nho Củng cũng đáp ngay: \"Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người\". Vị sư đành nín thinh, chấp nhận thua cuộc, từ đó không dám cao ngạo nữa. Lại có người kể, chuyện chưa dừng ở đấy. Nho Củng đắc thắng ra về, nhưng vừa bước đến giữa sân thì hai con chó nhà chùa xổ ra cắn. May có chú tiểu ngăn mãi mới được. Nho Củng dừng lại nhìn quanh chùa rồi ngâm hai câu như một lời nhắn gửi: \"Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá / Còn hai con chó chửa từ bi\". Cao ngạo cả khi về già Gần 30 năm tận tâm lăn lộn chốn quan trường, Nguyễn Công Trứ mấy lần dâng sớ xin nghỉ hưu nhưng vua vẫn không cho. Khi đã qua tuổi thất thập, ông lại lần nữa dâng sớ lên vua Tự Đức vừa lên ngôi và lần này thì được phê duyệt về nghỉ với chức quan Phủ doãn Thừa Thiên. Ngày “nhận sổ hưu” với 170 quan tiền, Nguyễn Công Trứ liền rầm rộ tổ chức một bữa tiệc chia tay bạn bè, đồng liêu trên dưới. Gia nhân tấp nập mượn nhà, mua sắm lễ vật, cơm rượu đề huề và thật nhiều chó, những 40 con chó đủ loại sắc thể. 5
Các quan khách kéo đến rất đông, ngửi mùi cầy chế biến thơm lừng, chỗ này chỗ kia dậy tiếng trầm trồ to nhỏ: “Ôi, thịt chó, chó, nhiều quá”. Dường như chỉ chờ có vậy, cụ Thượng hưu đứng dậy vuốt râu dõng dạc và chỉ quanh khắp lượt nói: “Dạ thưa, đúng như vậy đấy ạ. Đúng là trên dưới, trong ngoài, lớn bé, tất cả đều là chó hết cả ạ”. Về hưu nhưng cụ Thượng Trứ không ở lại làng Uy Viễn, mà vào ở một cạnh ngôi chùa trên núi Cảm Sơn, thuộc xã Đại Nại gần tỉnh Hà Tĩnh bây giờ và thường cưỡi bò vàng đạc ngựa đi chơi đây đó. Người đời truyền tụng, để diễu và răn dạy những kẻ hay đàm tiếu những chuyện thị phi ganh ghét, cụ viết thơ lên chiếc mo cau rồi buộc sau đít bò. Nhiều người còn nhớ hai câu “Miệng thế khó đem bưng nó lại / Lòng mình chưa dễ bóc ai coi”. Thiên hạ thấy vậy lại đua nhau bàn tán, kẻ bảo cụ chán đời, người bảo cụ ngạo thế. Cụ chỉ ngất ngưởng cười, nghêu ngao thơ, bất tận chơi mà chẳng bận lòng. NGUỒN: https://zingnews.vn/nguyen-cong-tru-va-nhung-giai-thoai-ngong-thau-troi- xanh-post682441.html ĐỀN THỜ NGUYỄN CÔNG TRỨ - KIM SƠN Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ là lễ hội lớn nhất của cư dân huyện mới ven biển Kim Sơn tỉnh Ninh Bình để ghi nhớ công ơn của Doanh điền Nguyễn Công Trứ - người đã chiêu dân khai hoang lấn biển lập ra huyện Kim Sơn (núi vàng) của Ninh Bình và Tiền Hải (biển bạc) của Thái Bình. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 tháng 11 đến 16 tháng 11 âm lịch hàng năm để tưởng niệm ngày mất của ông. Đền thờ Nguyễn Công Trứ nằm bên quốc lộ 10, cách thị trấn Phát Diệm 2 km, thuộc xã Quang Thiện, Kim Sơn. Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Ninh Bình, Thái Bình và Hà Tĩnh đều có điểm chung là được nhân dân xây dựng từ khi ông còn sống nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ 21 thì tượng 6
ông mới hoàn thành và rước về 3 đền. Tất cả 3 ngôi đền đều được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Phần lễ: Dâng hương tại đền thờ Nguyễn Công Trứ xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Thường có sự tham gia của nhiều làng trong huyện Kim Sơn. Điều độc đáo là lễ hội có sự tham gia của cả người lương và giáo với những nghi thức khác nhau. Phần hội: Tổ chức trò chơi đua thuyền trên nhánh sông Vạc, một đặc trưng của lễ hội cư dân đồng bằng ven biển. Phần hội còn có phần thi hát ca trù, loại hình dân ca liên quan nhiều đến Nguyễn Công Trứ. Đền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tiền thân của ngôi đền là ngôi nhà ba gian của Nguyễn Công Trứ làm tại ấp Lạc Thiện để ông đi về và làm việc tại đây. Năm 1852, nhân dân Kim Sơn xây dựng lại thành ngôi Sinh Từ (Đền thờ sống). Hàng năm, đến ngày sinh nhật của Nguyễn Công Trứ, nhân dân mở hội mừng thọ ông. Sau khi ông mất, năm 1882, ngôi đền được tu sửa lần thứ nhất và xây dựng tiền đường 5 gian và được đổi tên từ Sinh Từ thành Truy Tư Từ. Năm 1992, đền thờ Nguyễn Công Trứ được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Đền thờ Nguyễn Công Trứ độc đáo ở chỗ nó được xây từ chính ngôi nhà ông từng ở đó một thời gian và xây dựng khi ông đang còn sống. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Bên tả hữu tiền đường có 2 cột đồng trụ, bên trong có hương án, giá trống, giá chiêng và 3 bức đại tự nói lên tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ của nhân dân huyện Kim Sơn đối với Nguyễn Công Trứ. Hậu cung 3 gian, gian giữa để bàn thờ Nguyễn Công Trứ có một bát hương men sứ trắng, cao 40 cm, miệng rộng 40 cm, hoạ tiết màu xanh thẫm vẽ hình lưỡng long chầu mặt nguyệt. Từ khi Nguyễn Công Trứ mất, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 11 âm lịch, nhân dân huyện Kim Sơn đều tổ chức lễ tế tại ngôi đền trong 3 ngày. Tại những ngày lễ đó, những nghệ 7
nhân đến đây hát với cây đàn đáy, cặp phách đơn giản và hát những bài ca trù do Nguyễn Công Trứ viết. Huyện Kim Sơn được ghi vào bản đồ Việt Nam từ năm 1829.Việc quai đê ở Kim Sơn được tiến hành trên diện tích đất sình lầy ven biển, ngập mặn với muôn vàn khó khăn và huy động nhiều nhân lực. Sau hơn 1 năm, việc quai đê thành công, huyện Kim Sơn được thành lập với 7 tổng, 63 làng, ấp, giáp, trại. Cùng với việc lập làng, Nguyễn Công Trứ cho tiến hành xây dựng các công trình thuỷ lợi. Trước hết là việc đào con sông Ân nối sông Vạc với sông Càn để lấy nước ngọt. Mặt khác, các con kênh nối các làng nhỏ theo hình xương cá được tiến hành xây dựng nhằm dẫn nước tưới, tiêu úng, thau chua, rửa mặn để phát triển nông nghiệp. Việc đào kênh mương được tiến hành song song với việc làm đường, quật thổ, bồi cư, phân chia địa giới, bố trí dân cư, khu canh tác và nhanh chóng tạo thế ổn định cho người dân đến định cư, lập nghiệp. Những con sông nhỏ đi qua những vùng giáp ranh giữa các làng có chiều dài từ 5 - 10 km. Toàn bộ huyện Kim Sơn là một vùng đất màu mỡ được bao quanh bởi hệ thống sông nhỏ, kênh rạch do con người tạo nên với tổng chiều dài hơn 100 km. Kể từ ngày thành lập đến nay đã trải qua 7 lần quai đê lấn biển với tổng diện tích đất tự nhiên rộng 213 km2 và tiến xa ra biển gần 30 km. Toàn huyện có 27 xã, thị trấn, chủ yếu được dựng nên trên mặt nước biển. Toàn bộ diện tích được bồi lấp quai đê lấn biển nhưng Kim Sơn là mảnh đất trù phú và màu mỡ, người dân làm giàu từ việc trồng lúa, cói và phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Nguồn: https://vemaybaycuatui.com/ Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ Đền Nguyễn Công Trứ có tên là Truy Tư Từ thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ – người có công khai sinh lập ra huyện Kim Sơn năm 1829 ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đền Nguyễn Công Trứ có nhiều nét độc đáo mà ít đền thờ trong cả nước có được: Đây là đền thờ làm từ một ngôi nhà do chính Nguyễn Công Trứ xây dựng nên và đã ở đó một thời gian; Đền thờ được xây dựng từ khi Nguyễn Công Trứ còn sống; Tại đây những người không theo tôn giáo nào, những người theo Phật giáo hay Công giáo đều đến tế lễ. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là người học giỏi, thông minh nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ Giải Nguyên 8
(đỗ đầu kỳ thi Hương). Ông là người văn võ song toàn, cùng với Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ là một trong hai thi sĩ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt công lao lớn nhất của ông là khai khẩn ruộng đất, chiêu mộ dân lưu vong lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Công lao của Nguyễn Công Trứ với nhân dân huyện Kim Sơn là rất lớn, nhân dân huyện Kim Sơn đã làm đền thờ ông ở xã Quang Thiện đó là đền thờ sống gọi là Sinh Từ. Cho tới năm 1858, sau khi Nguyễn Công Trứ mất, nhân dân huyện Kim Sơn xây dựng thêm Tiền đường, Sinh Từ trở thành Chính cung và từ đó Sinh Từ cũng được đổi tên là Truy Tư Từ. Từ khi Nguyễn Công Trứ mất, hằng năm cứ đến 14/11 âm lịch (ngày ông mất), nhân dân huyện Kim Sơn đều tổ chức tế lễ Nguyễn Công Trứ ở Truy Tư Từ để tưởng nhớ công lao to lớn của Nguyễn Công Trứ. Đền Nguyễn Công Trứ đã được Bổ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 22 tháng 01 năm 1992. Nguồn: https://kimsondulichhapdan.wordpress.com/ Nguyễn Công Trứ - Người dấn thân Đã, đang và sẽ còn có thật nhiều điều nói về Nguyễn Công Trứ: Một nhà nho đầy mộng công danh, một anh hùng thời loạn bất chấp chìm nổi phong trần, một doanh điền lỗi lạc toàn tâm, toàn chí vì dân, một tài tử ngang tàng khinh thị, một tiên phong của thơ ca quốc âm hiện đại... đâu cũng hiển hiện cái bản sắc văn hóa Nguyễn Công Trứ của một thời và mọi thời. Một trong những đặc trưng bản sắc văn hóa ấy là triết lý dấn thân. Tượng thờ Nguyễn Công Trứ tại đền thờ ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình Bài viết này xin được góp đôi lời về sự dấn thân của Nguyễn Công Trứ thời hàn nho, thời làm quan lên Thượng thư xuống lính thú và trong thi ca tình yêu cuộc sống. Nguyễn Công Trứ con ông Nguyễn Công Tấn làm Tri phủ đời Lê thất thế phải bỏ về quê làm nghề dạy học kiếm sống rồi mất trong nghèo đói, để lại 3 gian nhà dột và 6 người con. Bấy giờ, Nguyễn Công Trứ 20 tuổi. Một gia cảnh buồn tênh: 9
Đầu giường tre, mối dũi quanh co Góc tường đất giun bò lố nhố Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu Đầu giàn chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ... Và ông chủ hàn nho Nguyễn Công Trứ thì một manh áo vải lạnh làm mền, nực làm gốivới cái nghèo đói, nợ nần đeo đẳng. Trong tình cảnh như thế, người ta dễ dàng buông xuôi, an phận. Nguyễn Công Trứ không chỉ “an bần, lạc đạo” mà ông nung nấu một niềm tin mãnh liệt rằng, mình có tài “tú khí giang sơn hun đúc lại”. Theo ông, muốn ra khỏi bế tắc nghèo khổ, túng bấn, chỉ có mỗi cách là dấn thân thực hiện mộng công danh: Trước là sỹ sau là khanh tướng. Ông đã quyết ra tay buồm lái với cuồng phong/ Chí những toan sẻ núi lấp sông/ Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ. Thế nhưng, thật lận đận. Khoa thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn - Gia Long thứ 6, Đinh Mão 1807, Nguyễn Công Trứ dự thi lần thứ nhất, bị hỏng. Khoa thi Hương lần thứ 12, Quý Dậu 1813, Nguyễn Công Trứ đậu sinh đồ (tú tài). Mà Tú tài thì chưa được làm quan. Mãi đến năm Kỷ Mão Gia Long thứ 18 (1819), ông mới đỗ Giải nguyên và được bổ nhiệm chức Hành tẩu Quốc sử quán. Dằng dặc 12 năm, 3 lần lều chõng tới trường thi, mãi 42 tuổi Nguyễn Công Trứ mới có chức quan nhỏ trong vương triều nhà Nguyễn. Dù thời cuộc ra sao, hoàn cảnh gia đình thế nào, ông vẫn lạc quan yêu cuộc sống: “Trời đâu riêng khó cho ta mãi? Vinh nhục dù ai cũng một lần/ Tin xuân đã có cành mai đó...”, vẫn khảng khái dấn thân, không bao giờ lựa chọn sự dung thân, an phận, ẩn dật: Ông tuyên bố: Nợ tang bồng quyết trả cho xong Đã xông pha bút trận thì phải gắng gỏi kiếm cung Làm cho tỏ tu mi nam nữ Trong vũ trụ đã đành phận sự Phải có danh gì với núi sông 10
Đi không chẳng lẽ về không. Nguyễn Công Trứ làm quan suốt gần 30 năm, trải các đời vua: Minh Mệnh (trị vì từ năm 1820 đến 1841), Thiệu Trị (trị vì từ 1841 đến 1847), Tự Đức (trị vì từ 1847 đến 1883). Đấy là giai đoạn lịch sử Việt Nam có nhiều biến động, một “thời đại bế tắc, ở vào hoàn cảnh hẹp hòi, trên vua thì nghi kỵ, dưới các quan thì phần nhiều là bọn dung tục, chẳng có tư tưởng gì cao thượng” (Lê Thước; Sự nghiệp và thi văn Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ; Lê Văn Tân; Hà Nội; 1928). Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân. Ảnh: Huy Tùng Mấy ai như Nguyễn Công Trứ phụng sự ba đời vua “Hết hai chữ trung trinh báo quốc/ Một lòng vì nước vì dân”. Và cũng không vị quan triều Nguyễn nào đường hoạn lộ lại thác ghềnh, sóng gió như Nguyễn Công Trứ. Một nhà nho tài năng lừng lẫy, một viên quan trấn nhậm ở những vùng miền gai góc, khó khăn, một võ tướng đánh Nam, dẹp Bắc bao giờ cũng đem thắng lợi về cho triều đình, một Doanh điền sứ tổ chức khai hoang lấn biển với diện tích 38.095 mẫu, số đinh lên tới 4.000 người, một nhà thơ xuất sắc của thế kỷ... Vậy mà 7 lần bị truất, giáng... Điển hình như năm 1841, bị kết án trảm giam hậu, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú… Nguyễn Công Trứ, danh cao thì Thượng thư, Tổng đốc, Tuần phủ, thấp thì Lang trung, lính thú... Phải có một bản lĩnh ngang tàng, khinh thị, một tình yêu cuộc sống nồng nàn, một lý tưởng dấn thân cháy bỏng mới chịu nổi những cú va đập khắc nghiệt và bất công ấy. Không chỉ kiên cường và nhẫn nại chịu đựng, trong Nguyễn Công Trứ, cái khát vọng “kinh bang tế thế”, cái lý tưởng “làm nên đấng anh hùng”, càng cháy bỏng, mãnh liệt hơn. Xem ra, trong cõi nhân gian nhốn nháo những phi lý, bất công, lọc lừa, ở những chặng “xuống chó” trên đường hoạn lộ, thậm chí ở những tình huống mang gông vì tội mưu phản, “Trảm giam hậu” vì kháng chỉ, Nguyễn Công Trứ vẫn khảng khái dấn thân, không thất vọng, nản chí, không oán đời, không cay cú hằn học, đi chọn sự dung thân hèn yếu. Kiếp sau xin chớ làm người Làm cây thông đứng giữa trời mà reo Giữa trời vách đá cheo leo Ai mà chịu rét thì trèo với thông. Đấy là tuyên ngôn, là triết lý sống dấn thân của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ. 11
Tám mươi năm sau ngày Nguyễn Công Trứ mất, Lưu Trọng Lư, một nhà thơ tiền chiến viết trong Tạp chí Tao Đàn, 1939: “Ở trong thi văn Nguyễn Công Trứ, một cái gì chưa từng có trong văn chương Việt Nam - một nguồn cảm hứng mau lẹ, quả quyết như một đạo cảm tử. Cái thể ca trù nhờ phép thần của Nguyễn Công Trứ trở nên một thể cách hoàn toàn Việt Nam, rất thích hợp với những sự xuất diễn hùng mạnh... Tôi nhớ như có lần cụ Huỳnh Thúc Kháng ví cái điệu thơ ấy với thủy triều - thật không phải là một lời nói vu vơ. Điệu ca trù còn hơn một sức mạnh nữa (...) Nó là một sản vật hoàn toàn Việt Nam” (dẫn theo Vương Trí Nhàn; Nguyễn Công Trứ - Con người, cuộc đời và thơ; NXB Hội Nhà văn; 1996). Như ta đã biết, ca trù có từ thế kỷ XV thời nhà Lê là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói. Bài “Vịnh Tỳ bà hành” là một trong những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ được nhiều đoàn ca trù biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc diễn ra tại Hà Tĩnh (Tháng 11/2018) Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ thứ XIX, Nguyễn Công Trứ sử dụng nó một cách tài tình, biến thể thơ hát nói trong ca trù thành một thể thơ thuần Việt - một đóng góp to lớn, quan trọng vào nền thơ dân tộc và cũng là ông đã nâng ca trù lên thành một nghệ thuật độc đáo, đặc sắc cho văn hóa nước nhà. Ông cũng là người soạn bài hát cho đào nương Cổ Đạm và soạn nhiều sách về ca trù như Thiên Nam quốc âm ca khúc, Ca trù thể cách, Ca điệu lược ký... Với Nguyễn Công Trứ, thi ca là nơi hiển thị rõ nhất, sâu xa nhất sự lạc quan, tự tin, tự do, khảng khái, kiêu hãnh, phong tình: Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi Nhắn con tạo hóa xoay thời lại Để khách tang bồng rộng đất chơi. Ông tự nhận: Xưa nay mấy kẻ đa tình Lão Trần là một với mình là hai 12
Càng già càng dẻo càng dai Mà để thực hiện được khao khát của mình, không có con đường nào khác ngoài dấn thân xuất thế, nhập thế. Vào vòng cương tỏa chân không vướng Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen. Nói cách khác, cuộc dấn thân của Nguyễn Công Trứ trong thi ca giữa cuối thế kỷ XVIII, lần đầu tiên trong lịch sử thi ca Việt Nam khẳng định nhu cầu hưởng thụ của con người, nâng nó lên thành một triết lý sống thì nhiều nhà thơ Hà Tĩnh thế kỷ XVIII như Nguyễn Huy Oánh, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du chưa làm được. Mà theo tôi, trong không gian đạo đức bấy giờ, giữa những giới hạn cay nghiệt của vận động lịch sử, để làm được cái điều độc đáo ấy, Nguyễn Công Trứ đã trung thành với triết lý dấn thân có từ thuở hàn vi. Tám chục năm sống trên đời, 40 năm là kẻ hàn nho, hơn 30 năm là quan to, quan nhỏ, đóng góp to lớn cho dân, cho nước ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thi ca, đến lúc về già không cửa, không nhà Bảy chục về hưu còn ở trọ/ Tám tuần góa vợ luống trở già, cuộc đời Nguyễn Công Trứ là một bài học sâu xa về triết lý dấn thân. Dấn thân vì lý tưởng, vì sự nghiệp, vì sự sống, vì quần chúng nhân dân và cả vì tính ham chơi của mình: “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”. Theo Baohatinh.vn UY VIỄN TƯỚNG CÔNG NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778-1858) Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, sinh ngày 01 tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39, tức ngày 19 tháng 12 năm 1778; người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Công Trứ xuất thân trong gia đình Nho học. Cha là Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân năm hai bốn tuổi, làm đến chức Tri Phủ. Mẹ Nguyễn Công Trứ là con gái quan quản Nội thị Cảnh Nhạc bá, họ Nguyễn, quê ở xứ Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Nguyễn Công Trứ nổi tiếng là người thông minh, ham học, có chí và rất hăm hở lập công danh. Nguyễn Công Trứ nhiều lần đi thi nhưng mãi đến năm 41 tuổi mới thi đậu Giải nguyên và được bổ làm quan. 13
Từ đây bắt đầu thời kì làm quan đầy sóng gió của ông. Trong suốt 28 năm làm quan, có những lúc ông từng giữ đến những chức quan lớn như: Tham tán đại thần, Tổng đốc Đông, Phủ doãn Thừa Thiên... nhưng cũng có khi ông bị bắt đi làm lính thú ở biên thùy. Dù ở cương vị nào, ở đâu, lúc thăng lúc giáng thì Nguyễn Công Trứ vẫn luôn là một trung thần, luôn là người dám nghĩ dám làm, dám sống, vượt lên trên tầm mức và khuôn thước của thời đại. Nhắc đến Nguyễn Công Trứ là nhắc đến một phong cách phóng khoáng, ngang tàng, tự do tự tại. Từ khi được nghỉ hưu (1848), Nguyễn Công Trứ sống gắn bó với quê nhà - làng Uy Viễn - Nghi Xuân và Rú Nài, nay thuộc thành phố Hà Tĩnh. Truyền thống văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán, nhất là các sinh hoạt nghệ thuật thuyền thống của quê hương như ca trù Cổ Đạm, phường vải Trường Lưu... đã in đậm dấu ấn trong con người và thơ văn của ông. Nguyễn Công Trứ mất ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ, tức ngày 7 tháng 12 năm 1858, hưởng thọ 81 tuổi. Triều đình đã tổ chức chịu tang với lời điếu của vua ban: \"Tả hữu nghi văn nghi võ/ Tử sinh danh tướng danh thần\". Cuộc đời Nguyễn Công Trứ là cuộc đời của một người say mê hoạt động. Trong tâm khảm của mình, lúc nào cũng hằn lên câu hỏi lớn: “ Đã mang tiếng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông Trong cuộc trần ai ai dễ biết Rồi ra mới biết mặt anh hùng” (Đi thi tự vịnh) “ Chí những toan xẻ núi lấp sông Làm nên đấng anh hùng đâu đây tỏ” (Chí khí anh hùng) Với lí tưởng cao cả đó, Nguyễn Công Trứ đã để lại sự nghiệp lẫy lừng trên nhiều lĩnh vực: Về chính trị: Gần 30 năm làm quan trong triều, giữ nhiều chức vụ khác nhau, với lí tưởng của người quân tử trong Nho giáo, Nguyễn Công trứ đã hết lòng phụng sự triều đình, yêu thương con dân. Đối với thôn xã, ông đã đưa ra năm quy ước nhằm hướng nhân dân vào trong khuôn khổ, khiến mọi người tự có ý thức đối với mình hơn trong làng xã, biết thương yêu và 14
bảo vệ nhau. Đồng thời đã đề nghị lên triều đình và vua nhà Nguyễn rất nhiều vấn đề trong đó có năm bản điều trần với mục tiêu cải cách xã thôn là nhằm nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, và tăng cường dân vệ. Về kinh tế: Sự nghiệp về kinh tế của ông như một kỳ tích, thu được nhiều thắng lợi to lớn. Trong những việc ông làm, có ích lợi thiết thực và to lớn cho nhân dân hơn cả là công cuộc khẩn hoang. Ông hướng dẫn nông dân khai phá một vùng đất đai rộng lớn ven biển thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình, lập nên hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Ông chỉ huy việc khai khẩn vùng đất ven bờ biển tỉnh Quảng Yên, Hải Dương, ông đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những thắng lợi trong lĩnh vực kinh tế của ông đã đem lại cuộc sống ấm no cho hàng ngàn người nông dân. Về quân sự :Trong các hoạt động quân sự tài ba của Nguyễn Công Trứ không thể không nhắc đến nghệ thuật thủ dụ nhân dân. Một trong những đóng góp to lớn trên lĩnh vực quân sự của Nguyễn Công Trứ là giúp triều đình “an dân”. Nguyễn Công Trứ có công làm yên những cuộc khởi nghĩa nông dân của Phan Bá Vành ở Nam Định, của Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, của Lê Duy Phương ở Thanh Hoá... Về văn chương: Trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Công Trứ là một nhà thơ có vị trí đáng kể.Nguyễn Công Trứ sáng tác khá nhiều nhưng hiện chỉ còn lưu lại khoảng 150 bài. Sự nghiệp văn chương, thơ phú của ông rất độc đáo. Thơ ông rất mộc mạc, chân thành, thoải mái và phóng túng, không theo một khuôn mẫu sẵn có, là nơi ký thác tâm hồn mình, gửi gắm chí nam nhi, nợ tang bồng, với lý tưởng và khát vọng lớn lao nhưng cũng đầy thực tế. Ông là người có đóng góp mới mẻ cho văn học với thể hát nói. Từ những bài hát ả đào, Nguyễn Công Trứ đã mở rộng và nâng lên thành thể thơ phóng túng, được xem là người mở màn cho thể hát nói. Cụ Nguyễn được triều đình phong tước hiệu là Uy Viễn tướng công, được đánh giá là con người kinh bang tế thế, văn võ song toàn, từ đánh dẹp giặc giã, khai hoang lập ấp, cho đến chánh chủ khảo trường thi, hội chủ hát ả đào,… việc gì ông cũng trọn vẹn, với một tư thế thung dung, có người kính phục gọi ông là Hoàng Độc Thi Nhân (Đào Tấn), hoặc như lời của giáo sư Lê Thước “Nước ta có một bậc vĩ nhân, nói về công thời công rất lớn, nói về đức thời đức rất dày, mà nói về ngôn thì ngôn luận văn chương rất có giá trị. Nước nhà có được một bậc vĩ nhân như vậy, quốc dân ta há không nên tôn sùng, nên kỷ niệm, nên tượng đồng bia đá hay sao”? 15
16
Search
Read the Text Version
- 1 - 16
Pages: