Important Announcement
PubHTML5 Scheduled Server Maintenance on (GMT) Sunday, June 26th, 2:00 am - 8:00 am.
PubHTML5 site will be inoperative during the times indicated!

Home Explore BÀI VĂN MẪU HSG-NLVH

BÀI VĂN MẪU HSG-NLVH

Published by Nguyễn Thị Vân Trường THPT Hiệp Hòa 1, 2022-02-11 15:08:05

Description: BÀI VĂN MẪU HSG-NLVH

Search

Read the Text Version

Đề: Nói về quy luật sáng tạo nghệ thuật, Uy-li-am Uốt – thi sĩ người Anh có câu: “Thơ ca là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? ------------ Biển cả nghìn năm không ngừng dào dạt sóng. Sóng biển có lúc êm đềm nhưng cũng có khi thét gào dữ dội. Tâm hồn con người cũng như biển vậy. Thi nhân xúc cảm trước cuộc đời mà viết nên trang. Con sóng lòng tràn bờ, tràn trên con chữ thành thơ. Đúng như Uy-li-am Uốt – thi sĩ người Anh có câu: “Thơ ca là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt”. Thơ ca là điệu hồn tâm hồn, là những xúc cảm thiêng liêng, mãnh liệt nhất của những người cầm bút. Đó là quy luật sáng tạo nghệ thuật muôn đời. Thi nhân xúc cảm và khao khát được bộc bạch nỗi lòng, tỏ bày tâm sự. Khi đó, họ tìm đến thơ: “Khi tình cảm tự tìm tìm cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ” (Ta-go). Tình cảm là tiếng lòng người thơ. Câu chuyện thơ là câu chuyện tâm hồn thi sĩ. Thể loại thơ là hình thức cần có để nhà thơ bộc lộ nỗi niềm. Thơ ca là lĩnh vực của tình cảm. Câu nói của Uy-li-am Uốt chính là một sự đúc rút những kinh nghiệm của nhà thơ về việc sáng tạo trong thơ ca. Đến với miền thơ là đi vào thế giới tâm tình của thi nhân. Bởi thơ là tiếng lòng, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Sống ở đời với bao buồn vui, con người ta có nhu cầu bộc lộ nỗi niềm của mình. Nhà thơ với “trực giác nhiệm màu” (Thạch Lam) của người nghệ sĩ lại càng tinh tế, nhạy cảm hơn trước cuộc đời. Tâm hồn họ “run rẩy tựa dây đàn” căng tràn trước ngoại cảnh để gảy thành thanh âm của tiếng lòng mình. “Thơ ca là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt” chính là khi những rung động trong tâm hồn nhà thơ tìm được một cách thể hiện bằng câu chữ. Khi ấy, thơ ra đời. Nói đến tình cảm của con người là nói đến những gì sâu sắc ẩn chứa bên trong tâm hồn. Tình cảm ấy không chỉ có ở nhà thơ mà còn có ở tất cả mọi người. Những rung động trước cái đẹp, hay sự đau khổ, niềm vui sướng… đều là những trạng thái của tình cảm. Nhưng tình cảm của nhà thơ có điểm khác với những người bình thường. Đó là vì “sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt”. Nếu như chúng ta bộc lộ tình cảm bằng nét mặt, cử chỉ, hành động cụ thể thì nhà thơ biểu hiện tình cảm ấy qua văn bản ngôn từ. Tình cảm tự tìm thấy cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, tức là tình cảm ấy chủ động tìm đến với mỗi thể loại, một cách viết, cách sử dụng ngôn từ sao cho phù hợp nhất với nó. Tác phẩm thơ, như vậy, chính là sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa tình cảm của người viết với một hình thức biểu hiện. Thực chất câu nói của Uy-li-am Uốt đề cập tới quy luật sáng tạo trong thơ ca: Thơ ra đời khi nội dung tìm được nghệ thuật biểu hiện phù hợp và truyền tải được hết nội dung ấy. Ngay từ lúc sinh ra trên đời con người đã có tình cảm. Tiếng khóc chào đời là khát vọng được giao tiếp với đời. Mỗi người thơ đều có tấc lòng riêng của mình. Từ tình yêu đôi lứa đến tình cảm gia đình, từ sự rung động trước một bức tranh quê đến lòng đau trước một thân phận con người đều đi vào trang thơ. Quên sao được tấm lòng mong nhớ thiết tha trong ca dao: Chờ em đã tám hôm nay 1

Hôm qua quả chín, hôm nay là mười. Chờ nhau, nhớ nhau nên câu chữ cũng hóa bất thường. Thời gian tâm lí đã thay thế trật tự thời gian bình thường. Những số từ đong đếm tâm trạng trong câu chữ đã vật chất hóa tiếng lòng người đang yêu. Yêu nhau nên ước mong cũng lạ thường: Ước gì sông rộng một gang Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi. Cầu dải yếm hay tấm lòng em gửi trọn đến chàng? Vật dụng gần gũi và quá đỗi mỏng manh của người phụ nữ trở thành nhịp cầu chuyên chở tình yêu. Yêu nồng nàn nên mới có ước ao đẹp và duyên đến vậy! Thơ là thể loại trữ tình phù hợp với mọi cung bậc cảm xúc thi nhân. Bao buồn vui trong đời cảm rung thi sĩ, bao nỗi niềm chất chứa trong tầm can đến lúc mãnh liệt mà “cất lên trang”. Câu chữ sẽ tự tìm hình thức thích hợp để tuôn chảy tiếng lòng thi nhân. Có ai đó đã nói rằng: “Thơ là tiếng lòng hồn nhiên nhất của trái tim”. Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Bởi thơ chỉ ra đời khi tiếng nói hồn nhiên nhất của trái tim ấy tìm thấy cho nó một hình thức biểu hiện phù hợp và độc đáo. Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng “nỗi đau đớn lòng” trước “những điều trông thấy”, bằng một trái tim yêu thương rất mực… nhưng Truyện Kiều sẽ ra sao nếu không được sáng tác bằng thể thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc. Tình cảm mãnh liệt của Nguyễn Du đối với những nhân vật trong Truyện Kiều – hình bóng của những con người thực đã tìm đến một hình thức thể hiện độc đáo, phù hợp. Bởi thế mà Truyện Kiều trở thành đỉnh cao của thơ ca Việt Nam không chỉ ở thời kì trung đại, được quần chúng nhân dân mọi thời tiếp nhận, yêu thích, say mê. Khi những thôi thúc của trái tim trở nên dồn dập, mạnh mẽ, nó sẽ tự tìm đến một hình thức biểu hiện phù hợp nhất, truyền tải hết những tình cảm ấy. Hồ Xuân Hương với tiếng nói riêng của một người phụ nữ có cá tính, muốn đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho người phụ nữ đã cất lên những lời thơ cứng cỏi và có vẻ như thách thức: Ví đây đổi phận làm trai được Thì sự anh hùng há bấy nhiêu? (Đề đền Sầm Nghi Đống) Quy luật sáng tạo trong thơ ca chính là quy luật của những cảm xúc lên đến đỉnh điểm. Tình cảm tự tìm cho nó một hình thức để bộc lộ. Chế Lan Viên – nhà thơ của những triết lí, triết luận cũng xôn xao tiếng lòng khi yêu: Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ trở về. Nắng sớm cũng mong. Cây cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm cũng thêm màu trên cánh đang bay. (Tập qua hàng) Tình cảm đã thể hiện nơi câu chữ. Tâm trạng mong chờ, đón đợi người yêu khiến tấc lòng không yên. Câu chữ cũng tuôn trào, dào dạt, cũng trúc trắc như chính 2

tâm trạng thi nhân. Bồn chồn không yên nên mới có hình thức Tập qua hàng độc đáo như thế! “Thơ là sự giải tỏa cảm xúc” (Chế Lan Viên). Chính những tình cảm, cảm xúc đã làm nên nét đặc trưng của thơ so với những thể loại khác. Nếu trong văn xuôi, trong các thể tự sự, người nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng tình cảm qua hệ thống nhân vật, cốt truyện, thì qua thơ người nghệ sĩ thể hiện trực tiếp những tình cảm này bằng ngôn từ: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi Như đứng đống lửa, như ngồi đống than. Rõ ràng thơ trao cho người sáng tác quyền bộc lộ trực tiếp những cảm xúc của mình. Và chính cảm xúc, tình cảm đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân. Cảm hứng sáng tác chỉ được xây dựng trên hệ thòng tình cảm phong phú, sâu sắc của nhà thơ về cuộc sống. Trong thơ không chấp nhận thứ tình cảm hời hợt, nông cạn. Tình cảm trong thơ phải là tình cảm mãnh liệt, sâu sắc và trào dâng trong tâm hồn nhà thơ, làm cho những hình tượng ấy trở nên sinh động, hấp dẫn đối với người đọc. “Hãy đập vào tim anh, thiên tài là ở đó” (Muýt-xê). Trái tim nhà thơ tự tìm đến một nghệ thuật biểu hiện, và khi ấy thơ ra đời, chân thành, giàu xúc cảm và cũng thật độc đáo, riêng biệt. Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống trong một đêm khi nghe tin địch tràn vào tàn phá quê hương mình. Dòng cảm xúc cứ tuồn trào khiến ngòi bút nhiều khi không theo kịp, bởi thế thể thơ tự do là thích hợp nhất và biểu hiện một cách sâu sắc nhất những tình cảm ấy. Dòng hồi tưởng cứ miên man chảy trôi như chính dòng sông đang hiện về trong tâm tưởng nhà thơ: Em ơi buồn làm chi Anh đưa em về sông Đuống Ngày xưa cát trắng phẳng lì Sông Đuống trôi đi Một dòng lấp lánh Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì. Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng mà tưởng như nhịp sóng đang quyện hòa với lời thơ mà xô vào nhịp đập của con tim. Cả bài thơ là một nhịp sóng lớn, con sóng của biển cả và con sóng của một trái tim người phụ nữ đầy lo âu chân thành và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Chính sự dâng trào tình cảm đã tạo nên những giây phút thần hứng cho người nghệ sĩ – “hãy xúc động cho ngọn bút có thần” (Ngô Thì Nhậm). Ta hiểu vì sao những bài thơ như Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng), Sóng (Xuân Quỳnh) hay Tôi yêu em (Pu-skin) lại có sức lay động mãnh liệt tâm hồn người đọc đến vậy. Bởi những bài thơ ấy trước hết là những dòng cảm xúc sâu sắc của mỗi nhà thơ. “Thơ là tất cả, chỉ trừ không chịu là yên tĩnh” (Raxun Gamzatop). Tình cảm trong thơ cũng vậy, luôn vận động để tìm đến những hình thức riêng phù hợp. Những tình cảm mãnh liệt thường chọn cho nó một cách thức để biểu hiện sao cho độc đáo nhất, truyền tải hết được những cảm xúc ấy tới người đọc. Tình cảm nhiều khi tràn ra 3

câu chữ, mỗi từ, mỗi chữ, mỗi câu đều được soi sáng bằng ngọn lửa của những tình cảm mãnh liệt. Thơ không thể thiếu cảm xúc. Sự chủ động của tình cảm trong thơ khi tìm lấy một hình thức biểu hiện riêng đã làm nên những áng thơ hay còn mãi với thời gian. Ý kiến của Ta-go chạm đến một trong những đặc thù sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ sáng tác thơ mà sáng tác văn học nghệ thuật nói chung đều rất cần ở người cầm bút một tình cảm mãnh liệt, bắt rễ sâu xa trong hiện thực cuộc sống. Sự kết hợp giữa nội dung và nghệ thuật trong thơ sẽ tạo nên những tác phẩm thơ độc đáo. Nhà văn, nhà thơ chỉ có được tình cảm mãnh liệt khi gắn mình với mảnh đất hiện thực, khi tìm những cảm hứng sáng tác ở chính cuộc đời. “Nhà văn phải mở hồn ra đón nhận những vang động của đời” (Nam Cao). Những con sóng của cuộc đời bắt nhịp với con sóng của trái tim nghệ sĩ sẽ tìm đến những hình thức nghệ thuật độc đáo. Và thơ ra đời, “kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh). Thơ là tình cảm, là tiếng lòng thổn thức của thi nhân hiển thị trong câu chữ và để có tiếng lòng thổn thức ấy người thơ phải sống trọn vẹn với đời. Chữ “tài” chỉ bừng nở khi chữ “tâm” với đời tỏa sáng. “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp) thi sĩ bắt nguồn từ chính mảnh đất cuộc đời và thăng hoa trên bầu trời nghệ thuật. Cuộc đời là mạch nguồn khởi đầu và cũng là đích đến của mỗi trang thơ. Tình cảm ấy chính là “tấm lòng sứ điệp” nhịp mãi lên câu chữ để mãi mãi văn học sống trong lòng độc giả, là hành trang để ta bước vào đời. Trần Nguyễn Kim Phụng Lớp 12V2 – THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Thành phố Vũng Tàu 4

[ĐỀ BÀI]: Làm sáng tỏ nhận định: \"Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ\" (Andre Chenien) qua các tác phẩm của Nguyễn Du. ————— Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Thơ thường chú trọng đến cái đẹp, đến hình thức thể hiện mang dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo. Bởi thế không tự nhiên mà người xưa cho rằng \"thi trung hữu họa\", \"thi trung hữu nhạc\". Tuy nhiên, \"thơ trước hết là cuộc đời, sau mới là nghệ thuật\" (Bielinxki). Một bài thơ hay không chỉ có hình thức nghệ thuật đặc sắc mà quan trọng, phải là những tình cảm, những rung cảm mãnh liệt, chân thành của người nghệ sĩ: \"Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ\" (Andre Chenien). Nhận định của Andre Chenien đã khẳng định đặc trưng của thi ca và vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. \"Nghệ thuật\" là yếu tố hình thức tạo nên nét đặc trưng cho bài thơ. Một bài thơ có giá trị phải có những sáng tạo nghệ thuật độc đáo được làm nên từ tài năng thiên phú của người nghệ sĩ. Nhưng, \"nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ\" còn \"trái tim mới làm nên thi sĩ\". \"Trái tim\", đó là thế giới tâm hồn nhà thơ chứa đựng những tư tưởng, tình cảm, những rung động trước cuộc đời… Chính thế giới tâm hồn ấy đã làm nên cái hồn thơ, là yếu tố không thể thiếu của một nghệ sĩ chân chính. Thơ là một thể loại trữ tình có cấu trúc đặc biệt với mỗi câu thơ đều là sự sắp xếp ngôn ngữ một cách có dụng ý. Một câu thơ hay bao giờ cũng là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ đa nghĩa, hàm súc với thanh nhịp, nhạc điệu; giữa cách hiệp vần, ngắt nhịp với phối thanh. Những yếu tố nghệ thuật góp phần làm tăng vẻ đẹp hình thức cho câu thơ, làm tăng sức âm vang, lan toả cho bài thơ. Thơ là sự thổ lộ cảm xúc một cách mãnh liệt, nghĩa là trong thơ phải có tình. Nếu thơ chỉ vẻn vẹn những hình thức nghệ thuật hoa mĩ mà không có những rung cảm mãnh liệt từ trái tim người nghệ sĩ khi đứng trước cuộc đời, thì những hình thức ấy dù đẹp, dù hấp dẫn đến đâu cũng chỉ làm nên bài thơ có xác mà không có hồn. Thơ phải là tiếng nói trữ tình, tiếng nói của cảm xúc, phải là thư kí trung thành của trái tim. Tâm hồn người nghệ sĩ mới là yếu tố quan trọng làm nên những câu thơ có tầm tư tưởng, những câu thơ có thể chạm đến cõi sâu kín nhất trong tâm hồn con người. Andre Chenien đã nhấn mạnh đến những rung cảm thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, một tác phẩm thực sự có giá trị đều phải là \"một khám phá về nội dung, một phát minh về hình thức\"(L.Lêônôp). Cái tài và cái tâm, \"nghệ thuật\" và \"trái tim\" đều là những nhân tố quan trọng để hình thành một tác phẩm thơ ca nổi tiếng và một nhà thơ vĩ đại. Trong hai yếu tố đó, cái tâm được coi là yếu tố cốt lõi để làm nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Và, điều đó đã được kết tụ đầy đủ trong con người đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Sinh ra và lớn lên trong những cái nôi văn hóa của đất nước cùng những trải nghiệm trong môi trường quý tộc và cuộc sống phong trần đã sớm hình thành ở Nguyễn Du tài năng thi ca và một trái tim đa sầu đa cảm. Ông đã trở thành nhà thơ lỗi lạc trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Xét về hình thức thể hiện, Nguyễn Du được mệnh danh là ngòi bút thiên tài trong sáng tạo nghệ thuật. Cả thơ chữ Hán và chữ Nôm đều đạt đến độ chuẩn mực. Thơ chữ Hán thì sắc sảo, tinh luyện, thơ chữ Nôm thì xứng đáng là đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam. Trong thơ chữ Nôm 5

nổi bật là kiệt tác \"Truyện Kiều\". Với \"Truyện Kiều\", nhà thơ đã thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình. Ta chú ý hơn cả đến nhân vật điển hình Mã Giám Sinh: \"Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao Trước thầy sau tớ lao xao… Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.\" Chỉ bằng vài nét vẽ, Nguyễn Du đã khắc họa một cách hoàn chỉnh về diện mạo và tính cách của Mã Giám Sinh. Qua đó, gửi vào nhân vật ý nghĩa khái quát cho một hạng người giả dối, bất nhân, vô học trong xã hội. Có ý kiến cho rằng, để lột tả bản chất của họ Mã, Nguyễn Du chỉ cần một từ \"tót\". Ngay từ khi chưa bước vào cuộc mua bán người đọc vẫn nhận ra đó là một kẻ vô giáo dục, không đáng tin. Bởi vậy, nhiều nhà phê bình khẳng định: \"Nguyễn Du có cái tài lột tả cái thần của nhân vật chỉ bằng một từ\". Không chỉ lột tả chính xác cái thần của nhân vật, nhà thơ còn lột tả chính xác cái thần của cảnh vật: \"Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.\" Từ \"tận\" và từ \"điểm\" được coi là nhãn tự của câu thơ mở ra một bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp vừa có đường nét, vừa có hình khối, màu sắc. Không gian nhẹ nhàng trải dài đến vô tận với gam màu chủ đạo là xanh non. Trên nền xanh ấy xuất hiện hình ảnh cây lê mới chỉ điểm xuyết \"một vài bông hoa\" trắng mang đến cho bức tranh xuân vẻ đẹp mới mẻ, nhẹ nhàng, tinh khôi, tràn đầy sức sống. Vì cái tài sử dụng ngôn ngữ mà \"Truyện Kiều\" đã trở thành \"tòa lâu đài ngôn ngữ thi ca\". Nhưng, cái tài của đại thi hào không chỉ dừng lại ở đó. Nghệ thuật chuẩn mực còn thể hiện trong nghệ thuật khai thác nội tâm, phân tích tâm lí nhân vật sâu sắc: Dù em nên vợ nên chồng Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên… Mai sau dù có bao giờ.\" Chỉ bằng một từ duy nhất – \"dù\", Nguyễn Du đã lột tả tận cùng nỗi đau và tâm trạng của người con gái lỡ làng vì chuyện tình duyên tan vỡ. Duyên đã trao, kỉ vật đã trở thành của chung nhưng thực lòng Kiều không muốn như vậy. Tất cả chỉ là giả định, là \"dù em nên vợ nên chồng\", là \"mai sau dù có bao giờ\". Một sự lúng túng rất nhỏ nhặt trong lời nói của Kiều đã bộc lộ tài năng của thi hào. Cũng là miêu tả tâm lí nhân vật nhưng có lẽ, tài năng tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du mới là mẫu mực: \"Buồn trông cửa bể chiều hôm. Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa Buồn trông ngọn nước mới sa. Hoa trôi man mác biết là về đâu. Buồn trông nội cỏ rầu rầu. Chân mây mặt đất một màu xanh xanh Buồn trong gió cuốn mặt duềnh Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.\" Đoạn thơ là tả cảnh nhưng thực chất nhà thơ đang tả tình – tâm trạng lo âu, bế tắc của nàng Kiều trong khoảng lặng trước dông bão. Cảnh vật đi từ xa đến gần, mầu 6

sắc đi từ nhạt đến đậm, âm thanh đi từ tĩnh đến động diễn tả nỗi buồn ngày càng nâng cao, mở ra một tâm trạng khác nhau. Lấy cảnh để tả tình, lấy thiên nhiên để lột tả chính xác tâm trạng con người đã trở thành một bút pháp mang tính quy luật trong các sáng tác của nhà thơ: \"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.\" Chính những nét độc đáo về nghệ thuật ấy đã đem đến sức hấp dẫn và lôi cuốn lạ lùng cho kiệt tác \"Truyện Kiều\". Nhưng sức sống lâu bền của kiệt tác trong lòng dân tộc lại là do \"con mắt nhìn đến sáu cõi, tấm lòng nghĩ đến nhìn đời\" của đại thi hào Nguyễn Du. Con mắt đó, tấm lòng đó là một trái tim yêu mãnh liệt, một trái tim nhân đạo vĩ đại đã cảm thương sâu sắc cho nỗi khổ đau của con người: \"Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha Lấy ai bồng bế xót xa U ơ tiếng khóc xót xa nỗi lòng.\" Trong \"Văn tế thập loại chúng sinh\", Nguyễn Du đã cất lên tiếng khóc cao cả và vĩ đại cho những số phận bi thảm trong xã hội mục rỗng bạo tàn, thậm chí đó chỉ là những đứa tiểu nhi \"lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha\". Nhưng, nhà thơ đã khóc những đứa trẻ chết yểu ấy như khóc những con người thực sự.Trái tim ông quặn thắt trước cuộc sống quá tàn nhẫn đã cướp các em đi khi chưa được nhìn ánh mặt trời. Ông đã thay lời những người mẹ, người cha mất con mà đau thương nấc nghẹn trong tiếng khóc. Ông đang sống trong cõi sống mà dường như đã chìm hẳn vào cõi chết để tìm đến chia sẻ với trăm ngàn oan hồn bạc mệnh: \"Sống đã chịu một đời phiền não. Chết lại chờ hớp cháo lá đa.\" Nguyễn Du đã mang theo khối tình đau ấy suốt cuộc đời để mỗi lần cầm bút là một lần máu rỏ, để mỗi trang viết là mỗi trang nước mắt. Biết bao lần nhà thơ đã xót xa: \"Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.\" Nổi bật trong các tác phẩm của Tố Như là những phận đàn bà, là những thân phận người phụ nữ bất hạnh phải chịu nhiều đau khổ trong xã hội. Tất cả họ, dù là ai đi chăng nữa, dù là người con gái tài hoa bị cuộc đời vùi dập hay hạng người bị khinh rẻ nhất là những cô ca nhi, kỹ nữ, là những cô gái lầu xanh, đều được nhà thơ yêu thương, đau xót. Không ít lần nàng Kiều trong \"Đoạn trường tân thanh\" bị đánh đập, hành hạ cũng là lúc mà trái tim nhà thơ tan nát: Xót thay đào lý một cành Một phen mưa gió tan tành một phen.\" Nguyễn Du như hóa thân vào Kiều để cảm nhận nỗi đau đớn ê chề của một tiểu thư khuê các phải chịu nỗi đau tan vỡ mối tình đầu đẹp đẽ. Nàng rứt ruột trao đi kỉ vật, trao đi tình yêu. Dù cho lý trí cố kìm nén cũng không thể nào ngăn cản được trái tim đang gào thét: \"Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.\" 7

Kiều cất lên tiếng khóc than cho số phận mình hay cũng chính cõi lòng nhà thơ đang rỉ máu: \"Khi sao phong gấm rủ là Giờ sao tan tác như hoa giữa đường Mặt sao dày gió dạn sương Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.\" Nguyễn Du đang hỏi chính mình, hỏi người, hỏi cả lịch sử những câu \"sao…\", \"sao…\" đau đến buốt giá, nhức nhối. Nhà thơ đang thay lời Kiều hỏi cho chính đời mình với chuỗi những bi kịch nối tiếp nhau. Không ít lần nàng cố ngoi lên, cố thoát khỏi vũng bùn đen tối để được sống thì lại bị đẩy xuống sâu hơn nữa… Nguyễn Du đau cho đời nàng, trái tim quặn thắt trước cuộc đời nàng phải rơi vào bất hạnh, vào cảnh ô nhục \"thanh lâu hai lượt thanh y hai lần\". Biết bao lần cõi lòng tan nát nhưng vẫn hết mực trân trọng: \"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh Giật mình mình lại thương mình xót xa.\" Sống trong cảnh bùn lầy nhơ nhớp nhưng tâm hồn Kiều phải sáng trong tựa ngọc. Nguyễn Du đã dành cho nàng một tình yêu nồng cháy với biết bao đề cao, ngợi ca: \"Một hai nghiêng nước nghiêng thành Sắc đành đòi một tài đành họa hai.\" Dưới ngòi bút của thi hào, Kiều hiện lên là một trang tuyệt thế giai nhân \"nghiêng nước nghiêng thành\" với đủ tài cầm kỳ thi họa cùng tấm lòng hiếu nghĩa đủ đường và khao khát về một tình yêu tự do, chân chính: \"Nhớ ơn chín chữ cao sâu Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.\" \"Nàng rằng: khoảng vắng đêm trường Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.\" Kiều đẹp, Kiều tài, tình như thế nhưng rốt cuộc, nàng cũng chỉ là một kiếp má đào bạc mệnh. Tố Như thương nàng, ngợi ca nàng đồng thời cũng căm tức: \"Chém cha cái kiếp má đào. Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.\" Dường như trong xã hội xưa \"trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.\" Nguyễn Du viết với tất cả căm phẫn dồn nén từ bấy lâu nay hướng về chế độ xã hội phong kiến đầy bất công, ngang trái. Chế độ ấy với sự ngự trị của thế lực đồng tiền, của những kẻ tàn ác tham lam, của những tư tưởng bảo thủ \"trọng nam khinh nữ\", \"phận gái chữ tòng\" đã ngang nhiên chà đạp, áp bức lên quyền sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ. Không chỉ mình những phận đàn bà bạc mệnh mà đó cũng là lời chung cho tất cả những con người nhỏ bé, không tiền tài, không quyền lực, phái chịu đè nén dưới những chế độ hà khắc, ngang trái, vô lý: \"Phong vận kì oan ngã tự cư.\" (Ta tự coi như người cùng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.) Từ những cảm thương cho bi kịch nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du bắc nhịp cầu giao cảm để tự thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với những phận tài hoa bất hạnh. Từ nỗi thương người, từ tiếng khóc thương đời, Nguyễn Du cất lên tiếng khóc thương mình. Thương người gắn liền với thương mình, chủ nghĩa nhân đạo đã thấm 8

nhuần và đạt đến đỉnh cao trong trang thơ của đại thi hào. Không một tác phẩm và tác giả cùng thời kỳ thậm chí đến tận bây giờ lại có thể viết và viết về nỗi đau người gắn với nỗi thương mình sâu sắc đến thế. Chỉ có thể là Nguyễn Du, là một nhà nhân đạo vĩ đại mới nhận ra giá trị của bản thân, mới đau nỗi đau của chính mình khi tài năng, nhân phẩm, giá trị bị vùi dập. Trái tim nhân đạo sâu sắc gửi gắm trong những hình thức nghệ thuật độc đáo đã mang đến thành công cho tác phẩm và tên tuổi Nguyễn Du trong lòng dân tộc. Bởi thế, nhận định \"nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ\" là lời đề cao bản chất của văn chương và yêu cầu đối với một tác phẩm có tầm vóc. Một tác phẩm thực sự có giá trị phải là sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa nghệ thuật và trái tim. Nhà thơ phải có một trái tim đa cảm, tinh nhạy, phải biết yêu thương con người, biết đấu tranh với cái xấu, cái ác đồng thời phải gắn bó với cuộc đời \"thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật đầy\". Một nhà thơ chân chính phải ngày ngày lao động nghệ thuật hăng say, bền bỉ nghiêm túc và sáng tạo, cần cù như những con ong bay xa đem về hương phấn tái tạo tài tình để phấn hoa trở thành mật ngọt. Nguyễn Du là một người như thế. Mỗi câu thơ đều được viết bằng một ngòi bút thiên tài và một trái tim nhân đạo vĩ đại nên thơ văn của ông có sức sống lâu bền trong lịch sử văn học dân tộc, trong tâm hồn mỗi người Việt Nam. Thơ ca là nơi neo đậu của tâm hồn, là điểm tựa của cảm xúc, là nơi để người nghệ sĩ trải lòng kí thác tâm sự, giải phóng những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ nhất và là nơi để những tài năng thực sự được thỏa sức bay bổng. Cho nên, \"Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập\" (M.Proust). Đến với thế giới ấy, tâm hồn con người trở nên phong phú, tốt đẹp, thanh lọc và cao thượng hơn, trong sáng hơn. Thiếu thế giới của văn nghệ, \"không gì có thể trở thành chính nó\". | Viết Văn Học Trò - HS Bùi Thị Chung Lớp 10A2 – Trường THPT Như Thanh, Thanh Hóa 9

Đề bài: Bàn về chức năng của văn học nghệ thuật, Nguyên Ngọc cho rằng: Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân bản. (Báo Văn nghệ, số 44). Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên. Có nhà thơ từng nói: Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi. Văn chương, ấy là mẹ, là cha của tâm hồn con người, là khí trời, là cơm ăn, là nước uống, nghệ thuật cứ bình dị, lặng lẽ như dòng sông bồi đắp phù sa cho hồn người. Nếu một ngày nào đó, văn chương biến mất trên cõi đời này thì tâm hồn sẽ trông trải đến nhường nào. Bởi vậy, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân bản. Văn chương đã ra đời tự bao giờ và làm bạn với những nỗi buồn vui, đau khổ của con người tự bao giờ? Chỉ biết rằng trên hành trình kiếm tìm, vươn tới nghệ thuật, mỗi người nghệ sĩ lại tìm cho mình một định nghĩa, một chuẩn mực để đánh giá văn chương, nghệ thuật. Có người cho rằng giá trị cao nhất của văn chương là vì con người; Văn học là nhân học (M.Gor- ki). Có người lại quý văn chương ở sự đồng điệu tri âm: Thơ ca giúp ta đi từ chân trời một người đến với chân trời triệu người. Có người lại coi văn chương, nghệ thuật là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn (Thạch Lam). Còn Nguyên Ngọc đã góp phần tạo ra một cái nhìn mới mẻ về văn chương, nghệ thuật. Với ông, nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người. Đó có thể coi là một trong những lời đánh giá cao nhất về chức năng của văn học. Ông đã nâng văn học lên thành một yêu cầu thiết yếu, một nhu cầu không thể thiếu của con người. Con người cần nghệ thuật như con chim cần bầu trời tự do, như con cá khát vẫy vùng bể lớn. Con người sẽ không thể sống được nếu một mai kia chẳng còn văn chương. Nếu thiếu vắng văn chương, tâm hồn con người sẽ khô cằn, chai sạn đến chừng nào. Văn chương cho ta được là CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa, với đầy đủ những ý nghĩa cao đẹp, thánh thiện, bởi nó giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên, bởi con người không phải là thánh, không thể hoàn hảo như một ông thánh. Con người ấy là sự giao tranh giữa phần CON và phần NGƯỜI. Văn chương không tôn người ta thành những ông thánh vô bổ vô duyên, những kẻ nhạt nhẽo chẳng có chút khiếm khuyết nào. Văn chương chỉ thực hiện thiên chức cao đẹp là nâng đỡ hồn người, thanh lọc tâm hồn làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn. Văn chương níu giữ tâm hồn, khiến con người không sa xuống tầm thường, nhỏ nhen, thành những quái vật bị sai khiến bởi lòng ích kỉ. Văn chương giữ cho ta được là mình, được là CON NGƯỜI ngẩng cao đầu giữa cuộc đời. Yêu văn, đọc văn, mỗi người đều phải nâng mình lên để xứng với tầm của những giá trị cao đẹp. Tuy văn chương không thể biến ta thành những ông thánh nhưng cũng bồi đắp tâm hồn ta khiến nó ngày một đẹp đẽ, thanh cao hơn. 10

Tự bao giờ đến giờ, từ Hô-me, Kinh thi đến ca dao, dân ca... thơ sinh ra từ những buồn vui đau khổ của con người và sẽ làm bạn với con người đến ngày tận thế. Câu nói này của tác giả Thi nhân Việt Nam khẳng định một chân lí: văn chương nghệ thuật là người bạn đồng hành của con người. Thơ ca sinh ra từ những nụ cười đầu tiên, giọt nước mắt đầu tiên của con người và sẽ còn trường tồn cùng với những buồn vui đau khổ của con người. Đã từ bao thế kỉ nay, thi ca là tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi va chạm với hiện thực cuộc sống. Như đứa trẻ thơ cất tiếng gọi đầu đời là tiếng gọi mẹ, thì tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của hồn thơ với cuộc đời là tiếng gọi nghệ thuật. Con người đã đem niềm vui, đem nỗi đau của mình trải lên những trang văn. Bởi vậy mà bao thế kỉ sau ta vẫn còn nghe những tiếng vọng bi thiết của những Khuất Nguyên, những Ức Trai, Nguyễn Du... Trong hàng triệu những giọt nước mắt của biết bao thế hệ thì những giọt nước mắt của họ vẫn còn ướt đến hôm nay. Những nỗi niềm bi thiết, họ chẳng biết tỏ cùng ai, chỉ còn biết trút vào những trang văn thấm đầy máu và nước mắt. Khuất Nguyên xưa mang nặng trong lòng một nỗi niềm cô trung độc tỉnh giữa một nước Sở mà đâu đâu cũng họ Thương quan, khắp nơi nơi đều là sông Mịch La, chỉ còn biết dồn nỗi đau vào những vần thơ Li tao thanh nhã. Còn Nguyễn Trãi thì hàng trăm năm sau đọc thơ ông, người ta còn thấy dáng ngồi lặng lẽ lều vắng canh khuya ngồi với nỗi buồn, còn thấy nỗi đau bi thiết của ông: Bui một tấm lòng ưu ái cũ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông. Hay: Một tấm lòng son người lửa luyện Mười năm thanh chức ngọc hồ băng. Những câu thơ rắn rỏi tỏa ra từ chất hồn của một con người trung hiếu, nhưng đọng lại sau mỗi câu thơ ấy lại là một nỗi niềm đau đớn khôn nguôi. Con người từng viết những câu văn hào sảng rung chuyển cả đất trời trong Bình Ngô đại cáo cũng là tác giả của những câu thơ đầy tràn trở nỗi đời: Phượng những tiếc cao diều bay liệng Hoa thường hay héo cỏ thường tươi. Đã hơn một lần con người với tâm hồn sáng tựa Sao Khuê ấy phải đau đớn mà thốt lên rằng: Bui một tấm lòng ưu ái cũ hay Bui một tấm lòng trung với hiếu. Trong cảnh đời bon chen đầy những kẻ xúc xiểm ấy, Ức Trai tiên sinh đã hơn một lần phải thốt lên tiếng kêu trung hiếu để tỏ nỗi mình. Con người ấy đã có một cuộc đời oai hùng dậy tiếng gươm khua nhưng lúc về già, chứng kiến thói đời ấm lạnh đã phải tuyệt vọng mà cất lên tiếng kêu trung nghĩa để tỏ cùng nhật nguyệt. Những câu thơ của ông trăn trở một nỗi đời, cứ đằm lên buốt nhói. Con người ấy đã đi nhiều, trải nhiều, thấu hiểu những cái đẹp đẽ tài hoa thường bị dập vùi còn những gì tầm thường, vô ích lại nhởn nhơ: Phượng hãy tiếc cao diều bay liệng / Hoa thường hay héo cỏ thường tươi. Đằng sau câu thơ ẩn chứa một nỗi đau đớn của con người khám phá ra cái nghịch lí của cuộc sống. Bầu trời cao rộng kia giờ chẳng còn chỗ cho những cánh chim bằng sải cánh bay nghìn trùng mà chỉ thấy bóng diều bóng cú. Cho nên, cánh chim hạc khát bay cao là Nguyễn Trãi phải giấu mình nơi núi rừng Côn Sơn để ngày ngày làm bạn với cây cỏ, chim hoa, với cái thú suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn? Con người ấy lui về sống với non xanh nước bạc, bầu bạn cùng với văn chương, dồn 11

hết những nỗi niềm khắc khoải của mình vào những trang thơ nặng tình đời. Bởi vậy, hơn năm thế kỉ rồi, đọc thơ Nguyễn Trãi ta vẫn thấy vòi vọi một nỗi lo âu điển hình. Hơn năm thế kỉ rồi, thơ Nguyễn Trãi không bao giờ ngủ, Nguyễn Trãi vẫn thức trong thơ của ông. Những nỗi đau đời của Nguyễn Trãi, thuở còn sống ông chỉ biết gửi gắm vào trong thơ. Nỗi niềm ấy đã vượt qua khoảng cách hơn 500 năm để đến với chúng ta hôm nay. Những tiếng thơ kêu xé lòng của ông còn đó, những nỗi đau đời của người anh hùng tráng trí ngất trời còn đó. Văn học đã làm được một nhiệm vụ vĩ đại là bất tử hóa những tâm hồn cao khiết. Ngày nay, đọc lại thơ Nguyễn Trãi, ta nghiêng mình kính phục trước một tâm hồn lớn, một nỗi đau lớn như ông. Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người. Nguyễn Trãi đã lấy văn chương làm tri kỉ để tỏ mình, để dồn tụ mọi nỗi đau. Trước đó 700 năm, một nhà thơ với nỗi niềm thương đời cũng từng mượn văn chương để tỏ nỗi lòng tha hương da diết của mình: Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ Con thuyền buộc chặt mối tình nhà Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước Thành Bạch chày vang bóng ác tà. (Đỗ Phủ) Mỗi câu thơ từng lời từng chữ đều được dệt nên từ nỗi đau thương của thi nhân. Nhà thơ của những nỗi đời đã mượn văn chương để tỏ nỗi niềm tha hương. Lời thơ đằm sâu, trữ tình mà tha thiết. Năm trước thu về, cúc nở ta đã khóc. Năm nay thu về, ta lại khóc. Dòng lệ năm nay đã khác dòng lệ năm xưa. Giọt lệ xưa buồn thương thì giọt lệ nay còn buồn thương da diết hơn. Thời gian xa quê đã được tính bằng năm. Thêm một lần cúc nở là thêm một năm trời đằng đẵng tha hương. Cúc thì cứ thế, cứ vô tình nở rồi lại tàn, chỉ có lòng người quặn thắt nỗi đau thương. Trong thơ Đỗ Phủ, hình ảnh con thuyền cứ trở đi trở lại như một ám ảnh nghệ thuật. Hình ảnh ấy đã theo vào trong nỗi đau cuối cùng của thi nhân. Ông đã chết trên một con thuyền giữa dòng sông vắng, những câu Thu hứng tha hương thuở nào vẫn còn đau đáu xót thương. Có lẽ thi nhân đã đem vào trong văn chương những dự cảm về nỗi đau đang chờ đợi mình. Câu thơ trĩu nặng một nỗi buồn, một tâm tư. Giữa cảnh người quây quần trong buổi chiều tà ấy, có người lữ khách xa quê gửi nỗi lòng mình vào những vần thơ. Tiếng thơ ấy dẫu chẳng thể đưa thi nhân vượt bao cách trở để trở về với tiếng chày đập vải thân thương chốn quê nhà nhưng cũng phần nào làm dịu nỗi sầu trong tâm hồn thi nhân lúc ấy và gọi dậy những nỗi niềm đồng điệu tự mai sau. Có lẽ nghệ thuật là điểm tựa vững chắc cho hồn người. Những lúc con người cô đơn đến tuyệt đỉnh thì văn chương trở thành người bạn tâm tình và sẻ chia. Thời đại càng điêu tàn thì văn chương càng nở hoa bởi khi ấy con người chỉ còn một điểm tựa là văn chương, nghệ thuật. Văn chương nâng con người lớn dậy, thanh lọc tâm hồn người. Bởi vậy, hành trình đến với văn chương là hành trình kiếm tìm, vươn tới. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Nghệ thuật là một hành trình đòi hỏi con người phải tự vượt mình để vươn tới những giá trị tốt đẹp. Xét đến cùng, hành trình của một đời người hay hành trình của một tác phẩm văn chương cũng để tìm tới con đường Chân - Thiện - Mĩ. 12

Tính người - đó là hai từ mà Nguyên Ngọc dùng để chỉ những gì đẹp đẽ nhất của hồn người. Con người! Hai tiếng ấy thật cao cả. Tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết bao! (M.Gor-ki). Được là con người đã là một niềm kiêu hãnh nhưng nghệ thuật còn thúc đẩy ta vươn tới những giá trị cao cả hơn. Câu nói của Nguyên Ngọc đã khẳng định nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp của hồn người: SỐNG ĐẸP - NGHĨ ĐẸP - TÂM HỒN ĐẸP; đó là một triết lí mĩ học về con người. Nghệ thuật níu giữ tính người cho con người nhưng đồng thời cũng nâng đỡ bồi đắp hồn người. Chỉ có nghệ thuật với sức mạnh nâng đỡ tâm hồn con người mới có thể khiến cho Pu- skin viết nên những câu thơ đẹp đến vậy. Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm Cầu em được người tình như tôi đã yêu em. R.Gam-da-tốp từng viết: trước một trí tuệ vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trải tim vĩ đại tôi quỳ gối. Đọc câu thơ của Pu-skin, tôi quỳ gối ngưỡng mộ. Còn câu thơ nào đẹp hơn, trong sáng hơn, thánh thiện hơn những câu thơ ấy. Tôi yểu em là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của hồn người, là sự hướng về, sự vươn tới cao nhất của tính người. Còn có sự hi sinh nào cao cả hơn sự hi sinh của chàng trai Pu-skin? Yêu là khiến cho người mình yêu được hạnh phúc. Yêu có nghĩa là hi sinh. Chàng trai trong bài thơ từng sống trong tình cảm yêu đương sôi nổi, bồng bột nhất, đã từng rụt rè, lại có lúc hậm hực lòng ghen nhưng rồi anh đã tự nguyện rút lui với ước vọng cầu em được người tình như tôi đã yêu em. Tôi yêu em ấy là bài ca về tình yêu hay bài ca về vẻ đẹp của hồn người, là sự vươn tới tột đỉnh cái cao thượng của tính người? Chỉ có nghệ thuật mới làm được cái điều vĩ đại là níu giữ và nâng đỡ hồn người, khiến nó không sa xuống tầm thường, nhỏ nhen mà lấp lánh ánh sáng thánh thiện. Ước vọng cuối cùng của người con trai đẹp vô ngần. Tôi nghĩ không ai có thể yêu người con gái trong bài thơ một cách trong sáng tuyệt vời đến vậy. Với bài thơ Tôi yêu em, Pu-skin đã vươn tới sự cao thượng tột đỉnh. Có lẽ điều làm nên sức hấp dẫn của bài thơ đối với bao thế hệ người yêu nhau là ở sự trong sáng thánh thiện tuyệt vời, là sự níu giữ, vươn tới vẻ đẹp CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa. Chức năng của văn học, nghệ thuật là thanh lọc hồn người, làm cho nó trong sáng hơn, sự biểu hiện ở nghệ thuật là tính nhân đạo, là lòng yêu thương con người. Nếu coi thứ nghệ thuật cao đẹp nhất là thứ nghệ thuật vì con người thì tình cảm cao thượng nhất là tình cảm yêu thương con người. Văn học, ấy là tiếng nói yêu thương, tri âm, đồng điệu. Đọc văn, con người biết sống yêu thương người hơn. Tự bao đời nay, tình cảm yêu thương đã trở thành một tình cảm lớn của loài người và những tác phẩm lớn vượt qua khỏi mọi giới hạn, mọi bờ cõi là những tác phẩm cất lên tiếng gọi yêu thương. Nhìn ra văn học thế giới, những tác phẩm Những người khốn khổ (V.Huy-gô), kịch Hăm-let của Sêc-xpia... còn trường tồn cùng với nhân loại là bởi tinh thần nhân đạo thống thiết trong từng trang văn hiện thực. Những tâm hồn lớn như V. Huy-gô, Sêc-xpia... đã cúi xuống mảnh đời của những con người khôn cùng nhất, để mà đau mà thương nỗi đau của cả nhân loại để rồi cất lên những lời ca bi thiết về những giá trị người cao đẹp. Những tác phẩm ấy đã vượt qua giới hạn bờ cõi một quốc gia để trở thành tiếng nói yêu thương chung của triệu người trên thế giới. Nhưng những tình cảm yêu thương ấy phải xuất phát từ một trái tim nặng nỗi đau 13

đời, một trái tim day dứt vì cuộc đời. Ấy là trái tim đau đời của người nghệ sĩ. Nói như Na-dim Hit-met thì Trái đất nứt ra làm đôi - vết nứt xuyên qua trái tim nhà thơ, tất cả những nỗi đời, tất cả những nỗi thống khổ bi thiết của cuộc đời đều chạm tới trái tim nhạy cảm của nhà thơ trước nhất. Người nghệ sĩ là người giàu tình yêu thương bởi vậy tác phẩm của họ nặng giấc những kẻ cùng đường tuyệt lộ. Trong văn học Việt Nam có một tác phẩm lớn còn sống với muôn đời: ấy là giọt nước mắt vĩ đại của Nguyễn Du, là một tiếng kêu xé lòng trong hàng triệu tiếng kêu xé lòng: Đoạn trường tân thanh. Làm nên giá trị cao đẹp nhất của tác phẩm là tấm lòng yêu thương vô bờ bến của Nguyễn Du, tình yêu ấy đã tràn qua đầu ngọn bút khiến từng câu như có máu chảy trên đầu ngọn bút. Truyện Kiểu của Nguyễn Du thao thức một tình yêu, một tấm lòng nghệ sĩ suốt nghìn đời để đến hàng trăm năm sau, những dòng thơ: Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. còn khiến người đọc ở những thê hệ sau xúc động. Câu thơ hay không phải vì bút lực thần kì mà bởi cái tình của người viết trào dâng. Ấy là tiếng nói của yêu thương muôn đời. Nhà thơ Trường Trào (Trung Quốc) từng có câu thơ ca ngợi cái tình của con người: Một chữ TÌNH để duy trì thế giới - Một chữ TÀI để tô điểm càn khôn. Nguyễn Du và Trường Trào đã gặp nhau ở quan niệm về chữ TÂM, chữ TÌNH. Chỉ có cái TÂM lớn, cái TÌNH sâu mới là những tình cảm muôn đời để duy trì thế giới này, để nó mãi trong sáng, tốt đẹp. Nguyễn Du đã dùng tình yêu lớn của mình để bao bọc mọi kiếp chúng sinh trong bể nước mắt trầm luân. Ông mượn tiếng nói yêu thương của nàng Kiều để nói những nỗi thương người, thương đời của mình, ông bao bọc tất cả bởi một tình thương không đẳng cấp trong văn chiêu hồn. Trái tim vĩ đại ấy không chỉ trùm phủ nỗi đau của nàng Kiều mà còn trùm phủ nỗi đau của mọi kiếp tài hoa. Tình yêu thương lớn ấy đã vượt ra ngoài giới hạn của một quốc gia, một thời đại để cất lên tiếng nói tri âm, đồng điệu với số phận nàng Tiểu Thanh. Son phấn có thần chôn vẫn hận Văn chương không mệnh đốt còn vương Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi Cái án phong lưu khách tự mang Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa Thiên hạ ai người khóc Tố Như. Đọc thơ Nguyễn Du ta thấy nỗi niềm đồng điệu với người tài hoa, những người cùng một thanh khí. Nỗi đau của nàng Tiểu Thanh ba trăm năm sau đã có một Nguyễn Du than khóc. Ông tự nhận là người khách thơ tự mang lấy cái án phong lưu, tự vận lấy những nỗi đau của bao kiếp người thuở trước. Nỗi đau của nàng Tiểu Thanh năm xưa đã sống dậy trong nỗi đau của Nguyễn Du hôm nay, cả hai con người ở hai thời đại khác nhau nhưng lại mang trong mình nỗi đau muôn đời của những kiếp người tài tình đa truân. Trong tiếng khóc nàng Tiểu Thanh có tiếng khóc cô đơn của Nguyễn Du. Liệu ba trăm năm nữa có còn ai khóc ông như ông khóc Tiểu Thanh hay người ta chỉ còn nhớ về ông qua một tập sách mỏng? Nỗi niềm tự thương ấy làm bừng sáng cả bài thơ. Nguyễn Du đã nhân đạo đến tuyệt đích khi đưa vào trong văn chương nỗi niềm tự thương của mình. Còn gì có thể nhân đạo hơn, yêu thương hơn nỗi niềm tự yêu thương, xót xa cho mình. Người ta chỉ có thể có được một trái tim lớn bao dung mọi người bằng một tình yêu vô bờ bến khi người ta biết sống là mình, 14

biết nói những tiếng nói yêu thương, xót xa của riêng mình. Trong Truyện Kiều, chính Nguyễn Du cũng bộc lộ tình cảm tự xót thương mình qua nỗi đau của nàng Kiều: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh Giật mình mình lại thương mình xót xa. Lời khẳng định của Nguyên Ngọc: Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân bản đã khái quát những giá trị to lớn của nghệ thuật. Với người nghệ sĩ, nghệ thuật là sáng tạo, là được bộc lộ những tình cảm của mình và kiếm tìm sự tri âm, đồng điệu. Với độc giả, nghệ thuật là sự hướng về những giá trị cao đẹp, là sự tự nâng mình lên xứng với tầm của nhà văn để mà tri âm, mà đối thoại. Nghệ thuật đã bất tử hóa tâm hồn con người tới ngàn đời. Trước cái chết của nhà văn, nhà thơ, ta nghĩ tới sự bất tử của người nghệ sĩ. Nghệ thuật đã khiến cho những tâm hồn lớn giàu yêu thương mãi bất tử cùng sông núi, để họ sống mãi trong lòng người đọc. Nhưng, phải chăng lời khẳng định giá trị nghệ thuật của Nguyên Ngọc mâu thuẫn với quan điểm của Lép: Nếu có một phép lạ làm cho tất cả những tác phẩm văn chương biến mất thì trái đất này cũng chẳng mất đi gì cả. Những nghệ sĩ lớn suốt cả một đời trải qua bao nỗi đau đớn, dằn vặt nên đã có lúc thốt lên những lời đắng cay, chua xót. Nhưng vẫn phải khẳng định rằng văn học có vị trí lớn lao với việc bồi đắp hồn người. Nếu thiếu vắng văn học thì thế giới này sẽ mất đi rất nhiều thứ. Nhiều thế kỉ sau ta vẫn có thể khẳng định văn học sẽ trường tồn cùng con người. 15


Like this book? You can publish your book online for free in a few minutes!
Create your own flipbook