Important Announcement
PubHTML5 Scheduled Server Maintenance on (GMT) Sunday, June 26th, 2:00 am - 8:00 am.
PubHTML5 site will be inoperative during the times indicated!

Home Explore Gánh Hàng Hoa (Nhất Linh)

Gánh Hàng Hoa (Nhất Linh)

Published by TH Ly Tu Trong Hai Duong, 2023-04-20 07:13:50

Description: Gánh Hàng Hoa (Nhất Linh)

Search

Read the Text Version

- Trời ơi! Tôi chịu thôi! - Sao lại chịu? - Ai lại lòe loẹt như thế? - Vậy người ta mặc như thế thì sao? - Nhưng tôi quê mùa cục kịch, bắt chước thế nào được người ta? Mấy lại tôi nghèo khó lấy tiền đâu mà sắm sửa? - Chị tưởng thế thôi. Chứ một cái quần lĩnh, một cái \"san\" mùi, một đôi giày nhung giá có là bao. Còn như mái tóc không rẽ giữa mà rẽ lệch một bên, hàm răng đương đen mà đem cạo trắng đi thì có tốn gì. - Nhưng mà người ta sẽ gọi là cô... me tây mất. - Người ta gọi thế mặc người ta chứ. Rồi cũng quen mắt hết. Tôi chắc chỉ mươi năm nữa, nhà quê ta y phục cũng như thành thị. - Thì chờ đến mươi năm nữa vậy. - Nhưng cái kế của tôi lại phải thi hành ngay kia. Còn như chị nói chị không có tiền, thì tiền nhuận bút của anh ấy có đến hơn trăm bạc một tháng, làm gì không đủ cho chị dùng. Được, chị cứ để mặc tôi. Thế nào tôi cũng giúp chị. Một người có bụng tốt như chị, không khi nào chị bị chồng đối đãi lại một cách bạc bẽo như thế được. Ngừng một lúc, Văn lại nói: - Rồi chị coi, chị mà trang sức vào lại không ăn đứt hết cô gái giang hồ hay sao? Câu nói của Văn có mãnh lực bắt trí Liên nghĩ tới những việc đã qua.

Điều thứ nhất mà nàng nhớ ra là điều thất vọng của Minh khi bắt đầu trông thấy ánh sáng. Không bao giờ nàng quên được rằng hôm ấy Minh thấy nàng già đi, gầy đi, xấu đi. Một điều nữa, nàng nhớ lại không khỏi làm cho hai má nàng hây hây đỏ. Là lần đầu gặp nàng, Văn đã nhìn nàng bằng cặp mắt nồng nàn, thèm muốn, khiến nàng đã phải đem lòng ngờ vực bạn chồng trong ít lâu. Thốt nhiên một ý tưởng bất chính chạy vụt qua tâm trí nàng như cái chớp nhoáng, khiến nàng thẹn thùng và hối hận rằng sao lại nghĩ bậy đến thế. Nàng tự hỏi: \"Giá chồng ta là anh Văn?\". - Chị nghĩ gì vậy? Câu hỏi của Văn càng làm cho nàng lúng túng ngượng nghịu. Nàng định quay xuống bếp thì Văn lại nhắc: - Vậy cứ thế nhé? - Cứ thế nào? - Mặc theo lối tân thời. Liên không trả lời. Văn nói tiếp: - Giá chị đến chơi được đằng nhà cậu tôi, thì cô Kim, cô ấy sẽ giúp chị việc ấy... Mà để tôi bảo cô ấy lại đây cũng được. Vậy cứ thế nhé. Thôi chào chị, tôi xin về. Liên chưa kịp trả lời, Văn đã đỡ xe đạp đi ra cổng. Mười hôm sau, cái mái tóc cao, cái khăn nhung vận lẳn vành, - ngoài không trùm chiếc khăn vuông hầu như bắt buộc phải có của các cô hàng hoa, - đã làm cho khuôn mặt Liên thêm bầu dục, thêm xinh tươi. Nhất là nước da của Liên xoa một lượt phấn mỏng đã trở nên trắng mát và làm lộ vẻ đẹp của

đôi mắt sắc và cặp môi hồng. Theo lời khuyên bảo của Kim, Liên đã sửa đổi lại hẳn lối y phục. Tuy mái tóc rẽ giữa, cái áo dài cài khuy, đôi giày nhung mũi nhọn cũng chưa lấy gì gọi là y phục tân thời, nhưng Liên hầu như đã bước ra ngoài vòng hạng đầu đội, vai mang, và đã nghiễm nhiên trở nên một bà giáo trong hạng trung lưu, một bà giáo trẻ tuổi, xinh xắn. Ít lâu nay Liên không mó tới gánh hàng hoa, chỉ ở nhà bán cất cho các chị em. Trong khi Minh ốm, công việc vườn tược, Liên bỏ lười biếng, kế khi Minh khỏi bệnh sinh ra ham mê chơi bời, Liên buồn bã cũng không thiết gì đến làm ăn. Chẳng qua không biết làm gì trong khi chờ chồng, nàng cũng ra vườn nhắc tới cái cuốc, cái xới, cái dầm cho qua thời khắc. Sự buồn bực chán nản vẩn vơ tiêu tan nghị lực của ta. Và ngày nay, Minh đã khỏi bệnh, đã kiếm được nhiều tiền, thì sự bán hoa của nàng, nàng cho không phải là một bổn phận cần thiết như xưa nữa. Bộ óc chất phác, giản dị của Liên chẳng bao giờ tự đặt những câu hỏi nghĩa đời người. Ngày này sang ngày khác, Liên yên lặng như dòng sông lãnh đạm chảy xuôi... Từ ngày Minh khỏi bệnh, nàng cảm thấy trong đời nàng thiếu một thứ gì. Đó chỉ là sự yêu thương nó cần cho tâm hồn ta cũng như các món ăn cần cho thân thể ta. Song Liên có biết đâu rằng sự thiếu đó là sự yêu thương. Luôn ba hôm nay, nàng trang điểm phấn sáp, ngồi mong đợi chồng. Sự biến cải hình dạng của nàng, nàng cho đã là quá lắm rồi và nàng yên trí rằng Minh về gặp nàng là phải yêu nàng ngay. Chẳng thế thì bộ cánh mới của nàng mà cô Kim sắp giúp thành ra vô ích hay sao? Tâm hồn ngây thơ của nàng không bao giờ có mơn trớn tới sự xa hoa. Chẳng qua Văn cho rằng như thế là để vừa lòng Minh thì nàng cũng tuân theo mà thôi. Nhưng buổi sáng ra cổng, gặp chị em bạn đường, Liên chào, thì thấy họ

nhạt nhẽo với mình lắm, khiến Liên tủi cực nghĩ thầm: \"Thực chồng ta làm ta khổ sở quá\". Lại có người bĩu môi, ngắm nghía Liên một cách khinh bỉ. Ngồi soi gương, Liên nghĩ tới những cử chỉ và ngôn ngữ của bọn chị em bán hàng hoa. Liên nhớ mang máng rằng có ai nói một câu mà Liên chỉ nghe rõ một chữ Văn, và câu khôi hài ấy đã làm cho cả bọn cười vang. Liên tự hỏi \"Không biết họ nói gì mình vậy?\"... Một hồi chuông xe đạp như trả lời câu hỏi còn đương ở trong trí nghĩ Liên. Nàng đặt vội cái gương xuống bàn đứng dậy ra sân đón chào Văn. Nhưng nàng kinh hãi xiết bao khi nàng thấy bạn hầm hầm tức giận, luôn mồm nguyền rủa: \"Thế thì chó thật! Thế thì tệ thật!\". Lo lắng Liên hỏi: - Anh mắng ai thế, anh? - Lại còn ai nữa. Chị tính sáng nay lên tòa báo gặp anh ấy, tôi bảo phải về ngay. Thế mà ngoảnh đi, ngoảnh lại, anh ấy đã trốn đâu mất. Liên thở dài không đáp, buồn rầu, cúi xuống nhìn giày. - Tôi nghĩ mà thương chị quá. Câu nói rất thẳng thắn của Văn vụt nhắc Liên nhớ tới lời giễu cợt của chị em bạn. Lần đầu đứng trước Văn, Liên bẽn lẽn, thẹn thùng. Rồi câu nàng hỏi tự hôm nào lại vẩn vơ trong tâm trí mà nàng cố lãng quên đi cũng không sao quên được câu: \"Giá anh Văn là chồng ta\". Hôm qua ngồi một mình, nàng đã nghĩ đến câu ấy. Rồi tuy không tự trả lời lại, nàng thấy thoáng vẽ ra thật mau, cả một đời sung sướng của một cặp vợ chồng biết thương yêu nhau. Nàng cho Văn là một người chồng hoàn toàn và lấy làm mừng thầm cho người vợ sau này của chàng. Nàng có ngờ đâu rằng cái cảnh hòa thuận, đề huề của một gia đình mà nàng đương tưởng tượng ra đó chỉ là một quãng đời dĩ vãng của

nàng, một quãng đời nàng chung sống với Minh hai năm vừa qua. Thấy Liên im lặng, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn trộm mình, Văn ngượng nghịu, thở dài nhắc lại câu nói: - Tôi thương chị quá. - Thì tôi, tôi cũng thương... anh vất vả khó nhọc. Câu trả lời ở cái mồm xinh xắn của vợ bạn nói ra, lần thứ nhất đối với Văn có ngụ một ý nghĩa huyền bí... âu yếm. Cái hình tươi tắn mơn mởn của Liên cùng với cảm giác mới mẻ khi gặp Liên buổi đầu bỗng vụt trở lại trong trí nhớ Văn. Chàng đăm đăm nhìn Liên: cặp má Liên hây hây đỏ dần. Từ từ Liên cúi mặt... Chung quanh không một ai... Sự yên lặng... sự cám dỗ... sự thèm muốn... chỉ một bước, chỉ một tiếng nói, chỉ một cái tắc lưỡi, chỉ một cái giơ tay... là cặp thanh niên... Thoảng qua một luồng gió lạnh. Văn giật mình bảo Liên: - Đó chị coi, tôi nói có sai đâu. Chị ăn vận thế này vẫn hơn. - Thế à, anh? - Thôi chào chị, tôi xin về. - Làm gì mà anh vội thế? - Tôi cần phải đi đằng này một lát. Dứt lời, Văn hấp tấp ra cổng lên xe, đạp thực mau. Đến chỗ rẽ ra con đường vào bách thảo Văn đãng trí không kịp xuống xe đâm sầm vào cái bực gạch. Năm phút sau ngồi nghỉ trên một chiếc ghế trong vườn, Văn mới nhớ tới

sự quan hệ của cuộc hội kiến cùng vợ bạn ban nãy: Chàng cảm thấy chàng nhỏ nhen... khốn nạn. Chàng có ngờ đâu những sự nhỏ nhen, khốn nạn của loài người chỉ bắt đầu trong một phút, trong một giây. Tránh được, qua được cái phút khủng hoảng đó là trở nên bậc nghĩa hiệp. Nếu không, ta sẽ bị liệt vào hạng vô lại ngay. Phải, người ta vẫn là người, và chỉ là người. Người ta không phải là thần thánh mà cũng không phải là súc sinh. Đứng trước những sự diễm lệ, những sự dịu dàng, âu yếm, con người, dù là con người có giáo dục, giữ sao không cảm động, không thèm muốn được. Vậy thì cái phút khủng hoảng kia thực là cái giới hạn của con người và con vật. Bao ý tưởng về luân lý và triết lý lộn xộn trong óc Văn. Rồi Văn lo sợ, lo sợ cho vợ bạn, lo sợ cho mình, lo sợ cho tình bằng hữu thiêng liêng, vì Văn vẫn không quên được cái cảm giác nhẹ nhàng, êm ái khi chàng đứng trước mặt Liên, một người đàn bà trẻ tuổi và ngây thơ. Cái cảm giác ấy vẫn còn man mác trong tâm hồn chàng. Chàng bỗng cau mặt lẩm bẩm như mắng ai: \"Khốn nạn! Không bao giờ mình lại khốn nạn thế được\". Bỗng một cảnh tượng vụt vẽ ra. Cái cảnh tượng đoàn tụ của vợ chồng bạn, mà chàng chắc rằng sẽ làm cho chàng được sung sướng hơn là nhớ cái cảm giác êm đềm khi đứng trước mặt cô gái xinh đẹp dịu dàng. Văn đi thực mau về nhà, sắp sách vở đến trường. Chàng muốn chăm chút vào việc học, để quên lãng hẳn cái hình ảnh vợ bạn, nhất là để xóa bỏ cái cảnh tượng cám dỗ nó còn phảng phất trong tâm trí. Còn Liên thì sau khi Văn đi, nàng vào trong nhà ngồi gục đầu xuống bàn, khóc nức nở không ra tiếng. Vì sao nàng khóc, nàng cũng không biết một cách rành mạch. Chẳng qua bao tính tình, bao sự xúc động cùng một lúc đập mạnh vào tâm hồn nàng và làm cho nàng bật lên tiếng khóc đó thôi. Nàng chỉ biết rằng nàng yêu chồng và thương tiếc cái quãng đời sung

sướng khi xưa. Rồi sự liên tưởng đưa ý nghĩ nàng nhớ tới từng mẩu đời một. Có một điều nàng ghê sợ, lo lắng là: Không biết sao mỗi lúc tưởng tới lòng tệ bạc của Minh thì tự nhiên nàng lại nhớ tới lòng hào hiệp của Văn. Câu hỏi: \"Giá chồng ta là Văn\" lại đến làm vẩn đục những tư tưởng tốt đẹp về buổi đời xưa, khi vợ chồng thương yêu nhau. Giữa lúc ấy Minh về. Thoáng thấy bóng chồng ở cổng, Liên chạy vội vào trong xó nhà lấy khăn lau nước mắt: Nàng không muốn để chồng biết rằng nàng vừa khóc, sau nữa nàng muốn chồng ngắm thấy nàng đẹp... Đon đả, nàng chạy ra sân, vui vẻ chào chồng, coi như không hề xảy ra sự gì khác thường. Minh mỉm cười, gật đầu chào lại, nhưng cái cười ấy, Liên thấy ngượng nghịu, lúng túng. Đợi mãi không thấy Minh bình phẩm đến y phục của mình, Liên nhìn chồng khen: - Mình vận tây trông đẹp nhỉ? Minh hơi chau mày, đáp: - Ra đường vận tây gọn và tiện lắm. Rồi hình như để bịt miệng vợ vì chàng tưởng lầm rằng Liên sắp sinh sự và kì kèo chàng, Minh thở dài ngồi phịch xuống ghế, có dáng mệt nhọc. Liên lại gần hỏi: - Công việc bận lắm, phải không mình? - Bận lắm. Liên buồn rầu nhận xét thấy chồng không nói với mình được một câu vui vẻ, âu yếm. Nhưng nàng vẫn cố nén lòng mà giữ bộ mặt tươi tỉnh:

- Mình có ăn cháo đậu xanh không, em đi nấu. - Không Minh bước chân về tới nhà vẫn yên trí rằng vợ lôi thôi to tiếng, hay ít ra cũng khóc lóc kêu van. Nhưng thấy Liên không đổi sắc mặt, không buông một lời nói nặng hay nói xa xôi, bóng gió thì chàng lấy làm tức giận, sự tức giận không căn cứ. Rồi chờ mãi không thấy vợ hỏi xem một tuần lễ nay mình ở đâu, Minh kể lể: - Ít lâu nay tôi phải ở luôn đằng tòa soạn... Liên đáp: - Thế à! Thôi, mình chịu khó một tí. - Đây, tiền lương họ đã trả. Vừa nói, Minh vừa mở ví đưa cho vợ một xấp bạc. Liên yên lặng đỡ lấy ngồi đếm: - Những năm chục? - Năm chục... Thôi, mình ở nhà, tôi phải lên ngay tòa soạn. Liên đứng ngây người không đáp, hai giọt lệ ngập ngừng. Còn Minh thì không dám nhìn thẳng vào mặt vợ, lững thững bước ra sân. - Mình! Nghe vợ gọi, Minh quay hỏi: - Cái gì thế mình?

Liên đưa số tiền năm chục trả lại chồng: - Thôi, mình cầm lấy tiền mà tiêu, em không cần, vì đã có tiền bán hoa. Minh thong thả bảo vợ: - Tôi không muốn mình lam lũ như thế. - Có gì mà lam lũ. Cái nghề của cha mẹ tôi thì tôi theo, chứ tôi sợ gì lam lũ. Minh nhạt nhẽo: - À ra thế đấy? Vừa nói Minh vừa tiến bước ra cổng. Liên bỗng nhớ lại lời dặn bảo của Văn: Là hễ Minh về thì cứ ngọt ngào hỏi chuyện, không được nhắc tới sự chơi bời của Minh. Lòng căm tức đã khiến nàng thốt ra một câu nhiễm đầy những ý mỉa mai. Song nói buột mồm và thấy Minh bỏ ra đi thì nàng hối hận ngay. nàng chạy theo giữ chồng lại. Nhưng nàng còn ấp úng chưa biết nói sao, Minh đã quay lại hỏi: - Lại cái gì nữa? Liên cố lấy giọng dịu dàng bảo chồng: - Mình ạ, mình ở nhà ăn cơm đã rồi hãy đi. - Tôi phải đi ngay. - Mình sợ muộn quá chăng? Hay chúng ta đi ăn cao lâu... Đi ăn ở cái hiệu mà chúng ta đến hôm mình mới thi đỗ ấy mà. Minh buồn rầu ngẫm nghĩ, nhớ tới cô gái quê với bộ quần áo mới và đôi

dép quai ngang. Chàng đưa mắt liếc nhìn vợ, mỉm cười khen: - Mình vận thế có lẽ dễ coi hơn trước. Liên sung sướng hai má đỏ hây hây. Tự nhiên Minh so sánh Liên với Nhung: một cái nhan sắc kín đáo và dịu dàng, một cái nhan sắc lộng lẫy và rực rỡ. Song, một tháng ròng rã sống với ái tình ủy mị, Minh không còn cảm động ngây thơ như thuở xưa nữa. Vì thế, Minh chỉ nhìn vợ bằng con mắt lãnh đạm khiến Liên lấy làm tủi thân. - Sao tự nhiên mình lại đổi y phục như thế? Liên bẽn lẽn: - Vậy mình muốn em cứ ăn mặc như xưa à? - Không, ăn mặc thế này hơn chứ. - Mấy lại mình sắp đi giáo học thì em cũng phải ăn mặc cho tử tế chứ. Minh không đáp, vơ vẩn nhìn ra vườn. Liên cũng nhìn theo, rồi chỉ giàn móng rồng nói: - Này mình ạ, hễ em ngắm cái giàn móng rồng thì em lại nhớ tới ngày mình mắc bệnh mà em buồn. Nhưng Minh, Minh chỉ thấy hiện ra giữa luống cúc cái hình ảnh Nhung đương cúi xuống ngắt hoa. Chẳng biết nói gì để chậm giờ đi của chồng, Liên hỏi Minh: - Lâu nay mình có gặp anh Văn không? - Không.

Minh nói dối mà Liên cũng biết thế, vì vừa ban nãy Văn có nói với nàng rằng gặp Minh ở nhà báo. Nghe Liên nói đến tên Văn, Minh có vẻ mặt lo lắng. Chàng chỉ sợ gặp bạn, nhất là gặp bạn ở trước mặt vợ. Vội vàng chàng ra đi, để Liên ngây người đứng trông theo... Liên chép miệng thở dài, vào vườn ngắt một bó hoa. Xưa kia, khi Minh còn đương theo học, bao giờ Liên cũng sửa sang và đặt trên bàn học một lọ đầy hoa tươi. Ngày nay có phải vì thói quen mà nàng còn tưởng tới bó hoa ấy chăng? Không, chỉ vì hôm qua Văn ngỏ ý yêu hoa, Văn, người bạn hào hiệp của vợ chồng nàng.

GÁNH HÀNG HOA Khái Hưng & Nhất Linh www.dtv-ebook.com Hai Cảnh Mộng Ngồi trước lọ hoa, Liên mơ mộng. Đã hơn một tuần lễ nay, Liên trơ trọi chiếc thân. Chồng chẳng về mà Văn cũng chẳng đến. Trong lọ thủy tinh, nước hầu cạn mà hoa cũng hầu tàn. Mấy bông cẩm chướng màu đỏ sẫm nay đã trở nên tím đen, những lá xanh mà dài, nhọn đã vàng úa hay héo khô và rủ xuống bàn. Nhất là những hoa thược dược thì lại càng có vẻ tang thương lắm, chiếc thì rụng hết cánh, còn trơ cái bầu nhị, chiếc thì mềm oặt gãy gập lại, đài trắng nhợt nhạt và dăn deo. Ngắm lọ hoa tàn, Liên chạnh nghĩ đến tuổi già. Ngày xuân qua đã gần sang hạ. Mà cái thời niên thiếu của Liên, Liên tưởng tượng ra ngắn ngủi như bảy ngày đối với bó hoa kia. Hoa khô héo há không phải vì không ai thay nước? Mà trái tim Liên khô héo há không phải vì thiếu sự yêu đương? Cầm gương, Liên ngắm nghía. Không. Liên chẳng như bông hoa tàn, Liên còn trẻ. Tự nhiên, Liên nhớ tới thời kỳ ân ái của hai vợ chồng son. Một cảnh êm đềm vụt vẽ ra trước mắt Liên: một buổi chiều mùa xuân, Minh ngồi xem sách, Liên đi bán hoa về, rón rén lại cắm mấy bông hoa vào lọ. Minh ngước mắt nhìn vợ mỉm cười. Liên sung sướng, cặp má hồng hồng.

Cái thời ấy mới cách hai năm mà Liên coi xa lắc. Liên cảm thấy tâm linh báo cho biết rằng nó không trở lại nữa. Nhìn những cánh hoa sắc hồng tan tác trên mặt bàn, Liên bỗng buông tiếng thở dài. Tờ báo nhận được từ hôm qua vẫn để trên bàn, băng còn y nguyên chưa bóc. Buồn rầu Liên mở ra xem, tìm tới bài của chồng. Nhưng cũng như kỳ báo hôm trước, chẳng một bài báo nào ký tên Minh, Liên tự hỏi: - Hay chồng ta ốm? Liên giật mình kinh sợ, vì Liên tưởng tới sự mê gái của chồng, mê gái đến nỗi không có thì giờ mà viết văn. Khuôn mặt Liên phản chiếu trong gương, với cặp mắt ướt. Liên nhếch một nụ cười chua chát, lẩm bẩm: - Không cần! Tức thì Liên đứng phắt dậy, vào thay quần áo. Một lát sau, Liên nghiễm nhiên trở nên một cô hàng hoa ngày nọ, với cái khăn vuông và tấm áo tứ thân. Rồi Liên ra vườn để cô quên mọi sự phiền muộn. Quả thật, những bông hoa đủ các sắc rực rỡ hay dịu dàng như hớn hở chào mừng và an ủi một người bạn thân từ thuở nhỏ. Hoa leo \"ti gôn\" sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người. Hoa kim liên sắc vàng thắm như một nụ cười thân yêu... Song Liên chẳng kịp ngắm tới mọi vật, chỉ cặm cụi ngồi xới đất ở các gốc huệ, gốc hồng. Khi tới gần giàn móng rồng, Liên không thể không nhớ lại cái thời kỳ mắc bệnh của Minh. Ngậm ngùi, Liên ứa hai hàng lệ. Sáng hôm sau, Liên sắp quang gánh đi bán hoa.

Xưa nay ở chợ, Liên vẫn ngồi chung hàng với một người chị em bạn. Song lâu nay nghỉ công việc buôn bán, Liên sợ chỗ ấy người bạn không dành cho mình nữa, nên chưa sáng rõ, Liên đã tìm tới nhà bạn gọi cửa. Tiếng bạn hỏi: - Ai đấy? - Tôi. - Tôi là ai? - Liên đây mà. Một dịp cười khanh khách trả lời lại, khiến Liên luống cuống muốn bỏ chạy về chạy. Nhưng cánh cổng đã mở: - Kìa chị Liên... à quên, chào bà giáo. Liên mặt nóng bừng ấp úng: - Chị... cứ giễu. - Thế nào? Sao hôm nay bà lại quay lại với bộ quần áo quê mùa của chúng tôi thế? Liên vừa tức giận vừa xấu hổ, không nói được nên lời, ứa nước mắt cúi nhìn xuống đất, sự đau đớn khổ sở hiện ra dáng điệu. Người bạn hối hận, sẽ hỏi như để xin lỗi: - Chị lại đi bán hoa với em, đấy ư? - Vâng. Em lại đến cùng đi với chị như xưa.

- Phải đấy, chị ạ. Nghề của ông cha mình thì mình phải giữ lấy. Ông ấy đỗ giáo học cũng mặc ông ấy chứ. Nghe bạn nhắc đến chồng, Liên thở dài. Bạn thương hại không nỡ nói nữa, vì trong làng Hữu Tiệp còn ai lạ câu chuyện Minh mê gái. Nhưng tự nhiên, Liên kể lể: - Chị tính đỗ mà làm gì? Giỏi mà làm gì? Anh chị như thế có sung sướng hơn không? Chồng làm vườn, vợ bán hoa. Vợ chồng cùng làm một nghề thì bao giờ cũng vẫn hơn, chị ạ. - Ừ, không ai ngờ anh ấy thế mà tệ nhỉ? Liên buồn rầu đáp: - Tôi khổ lắm chị ạ. Bạn an ủi: - Chả nên nghĩ ngợi, chị ạ... - Tôi có nghĩ ngợi gì đâu? Rồi chị coi, từ nay tôi lại đi bán hoa với chị như thường. Nghề bán hoa là nghề nhà mình, có phải không chị? Dứt lời Liên cười ngất, tưởng như không còn sự phiền muộn chi làm bận lòng nữa. Phải đấy. Có đi bán hoa mới đáng là con gái trại hàng hoa chứ. Hai người lại cất tiếng cười rồi cùng nhau ra đi. Khi qua các nhà chị em đồng nghiệp, Liên vui vẻ gọi bạn, nhưng phần nhiều họ đã đến chợ từ lúc còn tối để được bày hàng ngay khi chợ vừa mở cổng. Ra tới chợ Đồng Xuân, chị em ai nấy gặp Liên cũng đon đả hỏi thăm.

Liên lúng túng ngượng nghịu chưa biết đáp lại ra sao, thì người bạn đã đỡ lời ngay. - Chị ấy bị ốm... - Ốm bệnh gì thế, chị? - Tôi cảm xoàng thôi, nhưng đã khỏi hẳn rồi. Đến quá trưa, một bọn hai người đàn bà và hai người đàn ông vào chợ đứng hỏi mua cam. Bốn người đều say mềm. Hai người đàn bà tóc vấn trần, lệch một bên, song phấn sáp còn giữ được, nên trông vẫn đẹp, có lẽ càng đẹp hơn lên vì đôi má hồng và cặp mắt lim dim. Còn hai người đàn ông thì đầu lảo đảo, tóc rối bù, giơ chân múa tay, nói huyên thiên: nào nói đùa cô hàng cam, nào nói pha trò với bạn, trông có vẻ trơ tráo và tức cười lắm. Một người trỏ dãy hàng hoa ngồi lùi về phía sau: - Ồ hoa! Đến mua đi, Mạc đi? - Vâng, phải đấy, dì ạ. - Đức ơi, Minh ơi, lại mua hoa đi! Nhưng Đức còn đương tít mắt đứng bên cô hàng cam, và Minh, mồm ngồm ngoàm vừa nhai vừa nói nên không ai nghe rõ tiếng. Mạc gọi: - Thôi mặc họ đứng đấy, dì ạ, ta lại mua hoa đi. Cháu thích hoa lắm. Khi hai người đến gần, Liên sẽ bảo bạn hàng ngồi bên: - Quái, cái người này tôi đã gặp ở đâu mà quên bẵng mất. Người kia cười, đáp lại:

- Các cô me tây thì phần nhiều họ giống nhau cả! - Không, thật tôi có gặp ở đâu. Nhung thấy Liên đăm đăm nhìn mình và thì thầm nói chuyện, liền đứng dừng lại hỏi: - Cô có bán hoa không? Nghe tiếng nói càng quen lắm, Liên mải ngẫm nghĩ để nhớ lại nên không tưởng tới trả lời, thì người chị em bạn đã vừa cười vừa đáp: - Thưa bà, chúng tôi là hàng hoa chả bán hoa còn bán gì? Mạc trỏ Liên nói to, bảo Nhung: - Dì ơi! Này dì trông, cô hàng hoa đẹp nhỉ! - Ừ, đẹp đấy. Nếu diện bộ cánh vào thì có lẽ còn khá nữa. Nghe họ bình phẩm nhan sắc mình, và thấy chị em khúc khích cười, Liên cáu tiết, gắt: - Ô hay, mua hoa thì mua đi chứ. Mạc nhếch cặp môi mỏng, nhoẻn bộ răng trắng, đáp lại: - Bán hàng phải chiều khách chứ lị. Nhưng quay lại gọi: - Anh Minh, anh Đức ơi! Nhìn về phía hàng cam thoáng thấy bóng chồng, Liên cúi gằm mặt xuống rổ hoa. Có tiếng Minh trả lời:

- Cái gì đấy, Nhung? - Lại mua hoa. - Chúng tôi còn bận ăn đây, bà muốn mua thì cứ mua. - Vậy mua hoa gì? - Đã bảo muốn mua hoa gì cũng được, mà lị. Mỗi tiếng của Minh như xé trái tim Liên. Nhung lại hỏi: - Mua hoa huệ nhé? - Đừng! Ruồi nó về thì khổ. Mạc chêm một câu: - Nhà bán hoa có khác, biết rành mạch lắm. Nhung quắc mắt, mắng: - Cháu chỉ hỗn! Liên nghe càng tức uất người. Nhung trỏ bó cẩm chướng, hỏi sõng: - Bao nhiêu? Thấy Liên mặt tái mét không nói gì, ngồi vân vê buộc lại bó hoa, người bạn ngửng lên trả lời: - Xin bà năm hào.

- Ba hào. - Thôi, xin bán hầu bà. Rồi người ấy nhắc Liên đưa hoa cho khách. Bó hoa chỉ đáng hào rưỡi, song vì Nhung quen giá hoa bán ở bờ hồ Hoàn Kiếm nên trả hớ. Trả tiền xong, Nhung vừa đi thì Liên ngã vật ra. Chị em bạn hàng xúm xít đỡ dậy hỏi han ầm ĩ. Nghe có tiếng ồn ào ở chỗ Nhung và Mạc đứng, Đức cất tiếng gọi: - Mạc, cái gì thế? Lạnh lùng, Mác đáp: - Một cô hàng hoa, cô ấy cảm, hay phải gió, chả biết. Rồi Mạc lôi Nhung đi. Gặp Đức đi lại, Mạc xua tay bảo: - Về thôi, anh Đức. Lại làm gì? Nhung có vẻ cảm động hơn, bảo Minh: - Thương hại! Con bé khá lắm. Nhất cả bọn hàng hoa đấy. Lúc bấy giờ mấy quả cam vừa ăn chừng đã giã bớt sức mạnh của rượu sâm banh, nên Minh đã hơi tỉnh. Chàng ngơ ngác nhìn quanh như lấy làm lạ rằng sao mình lại ở trong chợ. Rồi hai chữ hàng hoa, Nhung nhắc đi nhắc lại càng làm cho chàng tỉnh hẳn. Chàng bỡ ngỡ hỏi: - Hàng hoa nào? Mạc mỉm cười, lạnh lùng đáp:

- Vâng, hàng hoa. Hàng hoa thì có gì lạ mà phải hỏi. Nhung quắc mắt: - Mạc. Rồi Nhung ghé vào tai Mạc, nói sẽ: - Mạc ác lắm. Không tốt! Mạc ác thật, cất giọng trả lời Nhung một cách vui vẻ: - Cô hàng hoa, cô ấy ngất đi thì mặc kệ cô ấy, có được không? Minh mê mẩn, nhắc: - Ngất đi. - Vâng, ngất đi. Cô ấy ngất đi rồi chốc cô ấy lại tỉnh... như ở xi-nê-ma ấy mà. Nhung giật quả cam ở tay Đức đưa cho Mạc: - Này, ăn đi cho giã rượu, vì mày say lắm. Bây giờ thì đi về. Mấy người kéo nhau ra cổng chợ. Đức gọi sốp phơ. Tức thì ô tô hòm kính ghé bên thềm, và Minh như người không hồn theo Nhung, Mạc và Đức bước lên xe... Về tới nhà, Mạc còn liến thoắng thuật câu chuyện cô hàng hoa cho mọi người nghe, làm như chưa ai biết hết. Trỏ Minh ngồi thiu thiu ngủ ở trong chiếc ghế bành dài, Nhung bảo Đức: - Con bé nó giống mẹ nó đấy, hễ say là ác.

- Tôi có thấy Mạc yêu quý của tôi ác đâu. - Thì vợ anh Minh cũng bán hoa, nó còn lạ gì mà đứng trước mặt anh ấy, nó cứ gợi đến chuyện bán hoa. Đức bưng miệng cười: - Thế à? Vậy \"toa\" có gặp vợ hắn ngồi bán hoa ở chợ không? - \"Moa\" ngờ lắm, \"toa\" ạ. - \"Toa\" ngờ gì? - Không... Thôi đấy, xếp câu chuyện ấy đi đấy nhé. Nguyên ngay lúc mới gặp Liên, Nhung đã ngờ ngợ và đoán ra là cô hàng ngày nọ gánh hoa đến nhà mình bán. Vả cái nhan sắc của Liên cũng khó lẫn, và khó quên. Đến khi Liên ngất đi thì Nhung lại càng chắc chắn lắm. Vì thế nàng đã ngăn Minh và Đức không cho tới gần, và lôi họ vội vàng ra ô tô. Đưa mắt nhìn Minh nằm ngủ mệt, Nhung lắc đầu tỏ vẻ ái ngại. Đức lại hỏi: - \"Toa\" ngờ gì vậy? - Suỵt! Để cho anh ấy ngủ. Đức buồn rầu, nói sẽ: - Mình yêu hắn đến thế kia? Nhung toan trả lời. Đức toan nói nữa thì Nhung lại giơ tay ra hiệu bảo im đi, rồi thong thả ngồi xuống ghế, vẻ mặt lạnh lùng. Đức đến ghé vào tai Nhung thì thầm:

- Sao mình nỡ tệ thế? Nhung đứng dậy, rón rén ra phòng ngoài. Mạc ở nhà dưới hấp tấp chạy lên, và hớn hở nói: - Dì ơi! Bó hoa lạ lắm! Lạ lắm! Nhung tưởng Mạc lại sắp gợi chuyện cô hàng hoa cốt để làm đau lòng Minh, giơ tay tát một cái nên thân. - Ô hay! Sao dì lại đánh cháu? Nhung lôi tuột Mạc xuống nhà: - Đã bảo để yên cho anh ấy ngủ mà lại. - Nhưng dì đã bảo cho cháu biết rằng, anh ấy ngủ đâu? Nhung mỉm cười: - Thôi, dì xin lỗi. Mạc vẫn phụng phịu không bằng lòng. Nhung ghé má lại gần, nói: - Thì đây, cháu tát lại đi. Mạc và Đức phải phì cười. Rồi Đức toan ôm lấy Nhung để hôn. Nhung lại tát luôn Đức một cái, khiến chàng đứng thừ người lấy làm kinh ngạc. Mạc nói: - Đáng kiếp! Có vợ đứng đây mà dám hôn dì vợ. Rồi ba người cùng cười. Nhung hỏi: - Nhưng có chuyện gì thế, cháu?

- Lạ lắm kia, lạ ghê gớm lắm kia. - Nhưng lạ thế nào mới được chứ? - Đố dì đoán được. - Sốt ruột lắm cháu ơi, mày đừng trêu tao nữa, kẻo tao cáu tiết lên, tao lại tát cho mấy chiếc nữa bây giờ. Mạc lạnh lùng: - Thôi vậy. - Ô kìa! Con bé khó bảo nhỉ? Đức pha trò: - Không sợ, Mạc ạ, đã có Đức! - Thôi dì lạy cả hai cháu. Mạc cười: - Ừ, có thế chứ. - Vậy chuyện lạ gì thế? Mạc đưa Nhung cuốn giấy bạc mà nói rằng: - Ban nãy, cháu giở gói hoa ra, trong có... năm chục bạc. Nhung kinh ngạc: - Năm chục bạc?

Đức cũng sửng sốt: - Năm chục bạc? Của ai vậy? - Lại còn của ai, của cô hàng hoa chứ lại còn của ai vào đấy. - Cô hàng hoa ngất đi lúc bấy giờ? Thế thì lạ lắm nhỉ. Bí mật lắm nhỉ. - Hay ta gửi tặng nhà văn sĩ đấy? - Gửi trả lại nó, dì ạ. Nhung tay cầm giấy bạc, buồn rầu ngồi ngẫm nghĩ. Trong khi ấy, Minh phần uống nhiều rượu quá, phần vì cảm xúc quá mạnh, thiêm thiếp trên ghế bành, đầu cúi gục xuống cánh tay. Tiếng cười nói bên tai Minh nghe một lúc một nhỏ, một kém rõ dần. Rồi Minh bỗng thấy mình đến một nơi xa lạ, ở giữa một đám đông người không quen biết. Nơi ấy là một tòa nhà tráng lệ nguy nga, bài trí theo những kiểu cực kỳ tân xảo. Nhất là những người Minh gặp ở đấy đều là những hạng ăn chơi, sang trọng, y phục lộng lẫy... Chủ nhân, một phong lưu mỹ nhân, với đôi mắt sáng ngời và cặp môi mỏng đỏ thắm, ra đón tiếp Minh. Minh cúi đầu chào, chủ nhân đưa tay ra bắt. Những hạt kim cương ở cái vòng tay phản chiếu ánh đèn điện làm cho Minh chói mắt. Minh ngồi xuống ghế, loay hoay tự hỏi: \"Sao mình lại đến đây?\". Bỗng tiếng máy hát ở đâu lên tiếng, du dương êm ái, xa xăm trong cõi mộng. Rồi chủ nhân mời khách sang phòng ăn...

Thốt nhiên một cảnh tượng rất ghê tởm như bức tranh tả chân vụt vẽ ra rất rõ ràng ở trước mắt Minh. Trên một cái bàn dài trải khăn trắng, các món ăn còn thừa để lộn xộn, lẫn với những cánh hoa tan tác. Chỗ này chai rượu đổ làm hoen đỏ cả khăn bàn trông như vấy máu, chỗ kia cái cốc úp ngược trên vũng rượu sâm banh. Ngó tới những người dự tiệc, Minh càng ghê tởm hơn. Người thì nằm gục đầu xuống bàn tóc lòa xòa và ướt đẫm rượu, người thì hai tay chống gối, đầu cúi xuống. Người thì nôn, người thì oẹ, người thì cười, người thì khóc. Lại có nhiều cặp trai gái quàng lấy vai nhau mà ngã gục bên lưng tựa ghế. Minh tưởng tượng như đứng trong nhà điên. Chàng kinh hãi chừng nào, khi ghé lại gần nhìn kĩ, thì một cặp trong những cặp trai gái ấy chính là chàng với Nhung. Minh cắm cổ chạy. Nhưng kỳ dị biết bao, hết thảy những yến khách cũng đều đứng dậy chạy đuổi theo. Minh chạy mau, bọn họ cũng chạy mau. Minh đứng lại thở, bọn họ cũng đứng lại. Một lát sau ngoái cổ trông về phía sau, thấy bọn kia đã biến đâu mất, Minh mới dám dừng bước. Tiếng máy hát một bài điệu \"foxtrot\" vẫn còn văng vẳng đuổi theo. Bấy giờ đưa mắt nhìn quanh, Minh thấy mình đứng ở giữa vườn hoa trăm sắc. Vạn vật dấm trong bầu không khí hoàn toàn yên lặng. Cả tiếng máy hát cũng im. Và lạ nữa, những con chim bay nhảy trên cành cây hoàng lan cũng đều im phăng phắc. Có con, Minh trông đang hót mà lắng tai nghe vẫn không có tiếng.

Những bông hoa huệ trắng muốt rung rinh trên cuống dài mà mềm. Minh trông như đàn bướm trắng xếp hàng mà bay lượn, xa tắp tận chân trời. Minh vẫn đi... Rồi chàng đến một cái vườn chung quanh có giậu nứa đan mắt cáo, ken bằng lá và hoa kim liên. Trong vườn trồng toàn một thứ cẩm chướng có đủ các sắc. Minh vui sướng, nhếch một nụ cười, đến ngồi dưới giàn móng rồng, đưa mắt ngắm vườn hoa vừa vụt biến vào trong một cảnh tượng khác: Các cây và hoa lá đều tắm ánh nắng râm xanh mát dịu dàng. Một luồng gió lạnh thổi qua. Minh quay lại: Liên đứng ngay sau lưng và nhìn chàng một cách âu yếm và phục tòng. Chàng nhớ lại một thời kỳ dài đằng đẵng. Rồi hai người đi hái hoa. Liên ngắt rất nhanh, chỉ trong vài phút đã đưa tặng Minh một bó hoa. Minh đưa lên mũi, mỉm cười nhìn Liên. Nhưng kinh ngạc xiết bao, Minh không ngửi thấy mùi cẩm chướng, mà chỉ nhận ra có mùi nước hoa linh lan, thứ nước hoa Nhung thường dùng. Cau mặt, Minh vứt bó hoa xuống đất thì mỗi bông hoa biến thành một người, mà trong đó có Liên nằm ngã ngất ở trong lòng chị em bán hoa. Minh nhớn nhác nhìn quanh. Cảnh vườn hoa đã biến ra cảnh chợ Đồng Xuân... Văng vẳng tiếng kêu cầu cứu xen lẫn với tiếng cười khanh khách. Minh sợ cuống quýt thì có tiếng hổ gầm bên tai. Chàng mở mắt tỉnh choàng giấc mộng, thấy mình vẫn nằm trong chiếc ghế bành. Dưới nhà, tiếng Mạc cười như nắc nẻ. Một cái ô tô vừa mở máy chạy. Nhung ngồi bên, sực nức mùi nước hoa linh lan và vẻ mặt buồn rầu, một tay mát lạnh nắm tay chàng. Minh thở hổn hển, hỏi Nhung: - Có can gì không?

Nhung ghé lại đáp: - Không, mình ạ. Nhưng mình làm sao thế? - Không... Tôi ngủ có lâu không? - Độ nửa giờ thôi. Nhưng mình có ngủ đâu! Em thấy mình luôn luôn thở dài và nói mê. - Thế à!... Sợ quá! Xe ô tô nào thế? - Anh Đức về đồn điền đấy! - Ừ... Nhưng mình làm sao vậy? Minh như người mất trí khôn, nhếch một nụ cười vơ vẩn. - Mình ngồi đây nhé, để em xuống pha cà phê mình xơi. Một lúc sau, Mạc lên gác. Tưởng Minh còn ngủ, nàng không dám đi mạnh, sợ lại bị Nhung mắng. Song khi nàng thấy Minh đã thức giấc và đương đứng chải đầu ở trước tủ gương, thì nàng cất tiếng cười lanh lảnh. Minh quay lại hỏi: - Có gì thú mà Mạc lại cười thế? - Anh đã dậy đấy à. Anh phải biết vì anh ngủ mà ban nãy, em phải cái tát nên thân. - Sao vậy? - Chả biết tại sao. - Nhưng ai tát Mạc thế?

- Lại còn ai. Nhung chứ lại còn ai nữa. Minh mỉm cười: - Khốn nạn! Tội nghiệp, em tôi bé bỏng. - Rõ khéo! Ai khiến anh thương hại đấy. Có tử tế thì hôn đền đi. Vừa nói, Mạc vừa ghé má lại gần mồm Minh. Không nghĩ ngợi, Minh đặt môi hôn... Bỗng chàng rùng mình, ghê sợ. Cái cảnh trong mộng, cảnh xa hoa, nhục dục lại hiện vẽ ra rất rõ ràng trong trí nhớ. - Anh làm sao vậy? Anh đừng giận chứ, em trông anh như người điên vậy. Quả thực, hình dáng, diện mạo Minh như hệt một người điên, nhất là cặp mắt trợn trừng nhìn vào gương càng như chứa đầy những tư tưởng ghê gớm. Mạc không có vẻ sợ hãi vẫn cười khanh khách, rồi bảo Minh: - Anh là một người rất lạ. - Sao lại lạ? - Anh mù, anh viết văn, anh nghèo mà được dì em yêu. Tưởng thế cũng đã lạ lắm rồi. Nhưng chưa thấm vào đâu với một sự lạ hôm nay. Minh chau mày, Mạc lại nói luôn: - Ban nãy chúng mình vào chợ, hẳn anh còn nhớ? - Còn nhớ. - Một cô hàng hoa ngất đi, chính cái cô bán hoa cho ta ấy. Vừa rồi em giở gói hoa ra cắm lọ, thì lạ quá, anh ạ.

- Nhưng lạ thế nào mới được chứ? - Trong bó hoa có năm chục bạc. - Năm chục bạc? - Vâng, năm chục bạc. Chẳng biết cô hàng hoa gửi tặng anh, hay cô ta vô ý bỏ quên đấy... Thảo nào lúc ấy em thấy cô ta lúng túng buộc lại bó hoa, thì cô ta nhét tiền vào giữa mớ lá cúc tần, anh ạ. Minh đứng lặng người, không nói được nên lời. Mạc lại tiếp luôn: - Nếu cô ấy định tặng thì chỉ tặng anh mới có lý. Anh Đức giàu có, chẳng cần đến năm chục bạc ấy, mà tặng chúng tôi thì không có nghĩa gì hết. - Đâu? Năm chục bạc ấy bây giờ để đâu? - Đây. Dì em bảo giữ để trả lại cô hàng hoa. Minh thấy tập giấy bạc năm đồng chàng đưa cho Liên bữa nọ. Chàng còn nhớ rành mạch bốn tờ giấy mới và sáu tờ giấy cũ mà trong số ấy, một tờ rách gần đứt làm đôi. Minh bỏ tiền vào túi áo. Bảo Mạc: - Thôi cô để rồi tôi trả lại cho. Mạc mỉm cười, nhớ tới lời Nhung: \"Vợ anh ấy cũng bán hoa\", rồi nhí nhảnh hỏi một cách rất ranh: - Anh quen cô bán hàng hoa à? - Có. - Thú nhỉ, cô ta đẹp lắm anh ạ.

Minh đã lấy mũ đội và thong thả bước xuống thang gác. Mạc chạy theo hỏi: - Anh đi đâu đấy? Hay anh đi trả tiền cô hàng hoa? - Phải! - Anh nhớ về ăn cơm chiều nhé! - Được. Một lát sau, trong khi đứng đánh phấn trước gương, Mạc trông thấy bóng Nhung bưng cốc cà phê lên gác. Nhung hỏi Mạc: - Anh Minh đâu? - Không biết, dì ạ. - Vậy lúc Mạc lên, anh ấy còn ở đây không? - Còn. Nhung đặt cốc cà phê xuống bàn, đăm đăm nhìn bóng Mạc phản chiếu trong gương: - Mày đã lôi thôi gì với anh ấy hẳn? Mạc quay lại đáp: - Không. Cháu có lôi thôi gì đâu? Nhung nhiếc: - Mày ác lắm kia, tao còn lạ gì?

- Ô hay! Dì cứ mắng cháu hoài, cháu có ác gì đâu. Cháu chỉ kể chuyện năm chục bạc cho anh ấy nghe thôi chứ. - Đã biết ngay mà! Mày ác lắm, vậy mày có biết anh ấy đi đâu không? - Cháu đưa tập giấy bạc cho anh ấy rồi. Anh ấy bảo anh ấy đi trả lại cho cô hàng hoa. Nhung bỗng chép miệng, lẩm bẩm nói một mình: - Thôi, thế cũng xong! Là vì Nhung yên trí rằng Minh trở lại với Liên. Trong một tuần lễ nay, Nhung nhận thấy tính nết Minh đổi khác hẳn, không vui vẻ, đùa giỡn như xưa nữa. Có khi chàng ngồi thừ người ra một lúc, rồi cất tiếng cười, Nhung nghe mà ghê sợ rùng mình. Trước kia, đọc văn của Minh, Nhung tưởng Minh chỉ có một tâm hồn lãng mạn, chứa đầy những sự yêu thương nồng nàn... Nhưng mỗi ngày nàng một hiểu rõ thêm rằng hai trái tim của Minh và Nhung không thể đập hòa cùng một nhịp, và sự lãng mạn của Minh chỉ là sự lãng mạn êm đềm, trong sạch, khác hẳn với tình yêu phóng đãng của mình: Hạnh phúc của Minh chỉ có thể ở trong gia đình chất phác, mộc mạc. Một cảnh êm đềm lại vẽ ra cái cảnh nhà tranh có vườn hoa bao bọc. Trí nhớ của Nhung ôn lại hôm nàng đến nhà Minh. Nàng nghĩ thầm: \"Địa vị ta không phải ở đấy, mà địa vị chàng không phải ở đây... Mỗi người nên đi một ngả không thể cùng nhau đề huề trên con đường ân ái mãi được.\" Mỉm cười, Nhung đứng dậy gọi Mạc. Mạc hấp tấp chạy lại. Nhung hỏi:

- Anh Minh có nói bao giờ về không? - Không, dì ạ. - Mạc ạ, dì chắc cái người ngất đi ấy là Liên. - Liên là ai vậy, dì? - Là vợ anh Minh... Mạc cười một cách ngây thơ: - Ồ! Vợ anh ấy đẹp nhỉ. - Dì nhớ lại thì đích lắm rồi. Với lại chẳng phải Liên thì sao anh Minh lại nhận số tiền năm chục ấy. Chắc anh Minh viết giấy cho vợ kêu túng, nên vợ gửi cho bằng một cách gián tiếp như thế đấy. - Bán hoa mà giàu nhỉ? - Hẳn chứ lị. Cháu không thấy chán người bán hoa đi xe cao su sau nhà đấy ư? - Thế rồi sao, dì nhỉ? - Dì nghĩ mà thương hại con bé. Dì cháu ta quen chơi bời chẳng còn tấm ái tình ngây thơ, thành thực như nó nữa. Nhác thấy chồng đi với gái, nó vừa tức, vừa ghen, đến nỗi ngất đi, đủ biết nó yêu chồng nó đến đâu. - Có lẽ anh Minh về với vợ đấy, dì nhỉ? - Dì cũng mong thế. - Ồ! Thế thì sướng lắm nhỉ?

- Đừng hỗn, Mạc! Nhưng Mạc nói luôn: - Thực dì đừng giận, chứ cháu chẳng biết sao dì lại yêu được một người nghèo xác nghèo xơ như vậy. - Im, Mạc! - Còn những người, nay tặng dì cái nọ, mai tặng dì cái kia, có khi khuynh gia bại sản về dì, thời dì chẳng coi ra đâu. - Đã bảo im mà lại. - Cháu cũng phải nói cho dì biết chứ... Cháu không muốn dì bất công như vậy. - Im ngay, không tao tát chết bây giờ. Mạc phụng phịu, lẩm bẩm, bước xuống thang gác.

GÁNH HÀNG HOA Khái Hưng & Nhất Linh www.dtv-ebook.com Con Đường Cũ Minh ở nhà Nhung ra, diện mạo bơ phờ tinh thần mệt mỏi. Chàng cắm đầu đi thẳng trước mặt, mà chàng chẳng biết đi đâu. Đến chỗ ngã tư trước cửa hiệu thuốc tây, Minh vừa chạy được sang bên bờ hồ, đứng chau mày nhìn theo chiếc ô tô suýt đè phải chân, thì sau lưng có tiếng mời: - Ông mua hoa. Nghe hai tiếng \"mua hoa\", Minh đứng lặng không nhúc nhích mà cũng không dám quay đầu lại, tuy mấy cô bán hoa đã mời đến ba lần. Các cô hàng khúc khích cười bảo nhau: \"Cái ông này sao mà khinh người đến thế? Mời mãi chả thèm nói gì\". Minh toan ngoảnh lại cự, nhưng chàng chỉ sợ gặp mặt quen. Nghĩ lẩn thẩn, Minh định đi giật lùi. Ý tưởng ngộ nghĩnh ấy khiến chàng bật cười. Một cô hàng hoa ngước mắt ngắm nghía dáng điệu cái ông đứng cười một mình, rồi bảo chị em: - Quái! Ai trông như anh Minh ở làng ta ấy nhỉ? Có tiếng trả lời: - Bậy! Minh làm gì có tiền mà ăn mặc bảnh thế? Minh vội vàng lại chạy sang phía hè bên kia, rồi rảo bước đi về nhà hát Tây. Cái gương của hiệu bán các đồ trang sức phản chiếu bóng Minh. Tần ngần chàng đứng lại ngắm bộ mặt hốc hác, và cặp mắt khô khan sâu hoắm của mình.

Vượt qua nhà hát từ lúc nào, Minh vẫn không hay, mà chàng cũng không hiểu chàng đi ra con đường ấy để làm gì. Mãi lúc có luồng gió lạnh thoảng qua, chàng rùng mình đưa mắt nhìn mọi phía mới biết rằng đã ra tới bờ sông. Chàng tự hỏi: \"Ta ra đây làm gì? Mà ta đi đâu mới được chứ?... Ừ giờ ta đi đâu?\". Đứng trên bờ đê, gió lạnh từ sông thổi vào làm cho mặt Minh bớt nóng, và máu ở trong các huyết quản hình như cũng vì thế mà chạy chậm lại. Minh thấy đỡ sốt ruột, đỡ nóng nảy, trái tim đỡ đập mạnh, tâm trí được thư thái hơn, tư tưởng được có trật tự hơn. Rồi Minh bình tĩnh ôn lại những chuyện đã xảy ra. Minh luôn luôn nhớ tới quang cảnh náo nhiệt của chợ Đồng Xuân khi Liên ngất đi. Chàng lẩm bẩm: - Sao lại ngất đi? Chắc vì Liên nghe thấy lúc bấy giờ có người gọi đến tên mình nên tức uất lên chứ gì. Minh chỉ mong Liên không trông rõ mình đi với tình nhân. Chàng cố nhớ lại lúc bấy giờ chàng đứng chỗ nào, và hàng cam cách hàng hoa bao xa. - Dẫu sao, Liên cũng nhìn thấy ta, vì ta đứng mà Liên ngồi. Nghĩ lẩn thẩn, Minh mong rằng người ngất đi ấy không phải là Liên. Chàng tìm hết các lẽ để tán cho sự mong ước của chàng có thể là sự thực được. Phải, ai chẳng có lúc ngất đi. Vả lại lâu nay Liên vẫn ở nhà, chứ có đi bán hoa đâu. Thò tay vào túi lấy thuốc lá hút, Minh lôi ra tập giấy bạc mà ban nãy Mạc đưa cho chàng. Đó là cái bằng cớ hiển nhiên, chắc chắn rằng người hàng hoa ngất đi đích là Liên. Minh ngắm nghía từng tờ, nhớ lại một cách rành mạch tập giấy bạc năm đồng mà chàng đưa cho vợ hôm nào. Mấy người đi chơi trên đê gặp Minh

bấm nhau cười khúc khích. Minh cho là họ chế giễu mình, vội ấn tập giấy bạc vào túi, rồi đánh diêm hút thuốc lá, đưa mắt nhìn ra phía sông. Bấy giờ trời đã gần về chiều, phong cảnh ngoài bãi sông trông có vẻ lạnh lẽo. Xa xa cát ở cái cù lao nhỏ giữa sông bị gió cuốn bay tản ra một làn trắng xóa tựa đám sương mù, nhẹ nhàng hoạt động trên dòng nước lờ đờ đỏ. Tâm trí Minh cũng đương bị bao bọc trong đám sương dày. Chàng loay hoay tự hỏi: - Bây giờ làm thế nào? Bây giờ đi đâu? Chàng đã toan về ngay nhà xem bệnh trạng của Liên ra sao. Nhưng chàng lại sợ gặp mặt Liên. Chàng vẫn biết rằng nàng dịu dàng nết na và phục tòng thì chẳng bao giờ dám lớn tiếng mắng trách. Song chàng lấy làm hổ thẹn với lương tâm... Rồi sự chơi bời và thói quen đã khiến lòng chàng trở nên ủy mị, chàng muốn trở về nhà Nhung. Chàng tưởng tới những lời an ủi, những cách âu yếm của Nhung. Đã bao phen phiền muộn, chàng tìm sự quên lãng ở trong lòng khách giang hồ. Vừa đi lang thang, vừa đăm đăm nghĩ ngợi, Minh đã tới bờ hồ Hoàn Kiếm từ lúc nào mà không biết. Chàng đi đến ngồi nghỉ ở một cái ghế dài. Cái tháp giữa hồ rung rinh in hình trên mặt nước. Cảnh bỗng nhắc Minh ôn lại cả một thời kỳ đau yếu dài đằng đẵng với bao nhiêu sự khó nhọc khổ sở của những người thân yêu: vợ và bạn. Hai tay ôm đầu, Minh ngồi suy nghĩ. Từ hôm chàng khỏi bệnh đến nay, chưa bao giờ chàng kịp để ý tới quãng hơn nửa năm bị mù. Có phải sự kiêu sa khiến được con người trở nên bội bạc

chăng? Minh đứng phắt dậy, quả quyết gọi xe ra về để tạ lỗi cùng Liên. Xe rẽ vào vườn bách thảo. Minh xuống xe đi bộ về nhà. Hình như Minh sợ đột ngột gặp mặt Liên. Có ai chào: - Kìa cậu Minh! Minh quay lại thì đó là một người đàn bà láng giềng. Minh chưa kịp chào lại, người ấy đã hỏi luôn: - Thế nào? Mợ ấy đã khỏi chưa cậu? Minh sợ run cả người, nhưng không muốn để người kia biết rằng mình chưa về nhà, chàng cố giữ nét mặt thản nhiên, đáp lại: - Cảm ơn bác, nhà tôi đã khá nhiều. - Ghê quá! Ban trưa ở chợ, mợ ấy làm chúng tôi hết hồn. Chẳng biết mợ ấy cảm kiếc ra làm sao mà lại ngất đi như thế. Minh mặt tái dần, không nói được nên lời, yên lặng đi bên người hàng hoa để nghe nốt câu chuyện. - Cậu Văn là bạn cậu đấy, phải không? - Phải. - Cậu Văn tử tế lắm nhỉ. Hôm nay mợ ấy ngất đi, chúng tôi gọi mãi mới tỉnh. Rồi mợ ấy nhờ tôi đưa về nhà... Hỏi thì mợ ấy bảo thường vẫn thế... Mợ ấy thường vẫn ngất đi như thế à, cậu?

- Thường vẫn thế. - Nhưng cậu sao thế? Mặt trông xanh nhợt nhạt, mắt sâu hoẳm. - Không... tôi vẫn thế. - Tôi đưa mợ ấy về đến nhà, mợ ấy lại ngất đi lần nữa. Tôi cuống quýt bảo ông Hoạt đi tìm cậu, nhưng ông ấy bảo không biết cậu ở đâu. Mãi sau mợ ấy tỉnh, tôi hỏi có biết cậu ở đâu không, thì mợ ấy nói đến phố Cửa Đông số nhà 510 mà hỏi ông Văn thì khắc biết. Tôi bảo ông Hoạt đi ngay, rồi mãi lúc cậu Văn đến mới lại ra chợ để bán hàng. Nhưng kìa cậu sao vậy? Lúc ấy Minh thấy chân tay bủn rủn, phải vịn vào một gốc cây cho khỏi ngã. Người đàn bà đặt gánh xuống đất, lại đỡ Minh. - Cậu sao vậy? - Cảm ơn bác... Tôi hơi chóng mặt. - Có sao không? - Không hề gì. Thôi bác về trước đi, tôi ngồi nghỉ một tí. Sau khi người đàn bà về làng, Minh cố men lại cái ghế ven hồ ngồi thở. Chàng chép miệng lắc đầu lẩm bẩm: - Không ngờ... Liên hiền lành nhu mì thế... mà ghen dữ dội đến thế! Chàng đem lòng oán trách Đức với dì cháu Nhung, vì trong lúc tức bực chàng cho rằng bọn họ định bụng nhử mình vào cạm. Một khắc sau, Minh đã đỡ thổn thức, tinh thần đã được tỉnh táo mà nghĩ tới những chuyện vừa xảy ra. Chàng nghĩ thầm:

\"Sao Liên lại cho tìm Văn? Hỏi Văn xem mình ở đâu thì vô lý, vì Văn biết thế nào được chỗ mình ở... Hay... Hay họ thế nào với nhau rồi?\". Thoáng hiện ra trong trí Minh cái hình ảnh Liên chít khăn nhung đen và vận áo cài khuy. Và câu nói giỡn của Nhung: \"Bạn anh mà lại không hôn vợ anh cái nào!...\" còn như vẳng bên tai chàng. Nhưng cố nhớ lại những cử chỉ và ngôn ngữ của Văn, Minh chỉ thấy Văn là một người bạn ngay thẳng. Rút khăn lau nước mắt, nước mắt cảm động, Minh lại lôi ra mười tờ giấy bạc năm đồng, mà ban nãy trong vội vàng, chàng ấn vào túi quần. Trong trí rối loạn, Minh đưa mắt nhìn vơ vẩn như người không linh hồn. Cảnh vật đã gần dấn vào màu u ám của buổi chiều tà. Trong vườn vắng không còn một ai qua lại. Ở cái cù lao giữa hồ, con bồ nông bệ vệ, lười biếng đặt bước, bìu nặng trĩu ở dưới cái mỏ kếch sù. Minh đứng dậy buồn rầu quay đi: Chàng vừa lờ mờ trông thấy đám rễ chằng chịt của cây si, mà trong khi chàng mù, Liên đã cố tả cho chàng nghe bằng những ý tưởng giản dị và ngây thơ. Chàng không thể ngồi ở đấy mà lòng không đau đớn được. Mỗi gốc cây, mỗi vật nhỏ mọn đều là những kỷ niệm êm ái của một quãng đời ký vãng. Chàng tưởng như nghe ai mắng nhiếc bên tai: \"Đồ bạc bẽo!\". Qua bãi cỏ ra đến đường, Minh đứng tần ngần, do dự chẳng biết về hay đi. Chàng cũng định liều vác mặt về nhà, ê đến đâu cũng cam chịu, quý hồ được biết tin bệnh trạng của Liên ra sao. Nhưng một người mà chàng còn sợ gặp mặt hơn nữa là Văn. Chàng chỉ lo bị Văn trách mắng. Văn, ân nhân của chàng. Minh giật mình, vì đèn điện trong vườn vừa bật. Chàng hoảng hốt cắm đầu rảo bước đi ra phía cổng vườn, thỉnh thoảng lại quay cổ lại nhìn xem có Văn đuổi theo không. Vì chàng đoán chừng đã tối thì thế nào Văn cũng sắp rời nhà mình để về trên phố. Chàng đã toan núp một nơi, chờ Văn đi qua, rồi

lẻn về nhà. Nhưng chàng cho lẩn lút như thế là xấu, nên lại đi thẳng. Nửa giờ sau, Minh lang thang ở phố Hàng Buồm. Tuy suốt ngày chưa có hột cơm nào trong bụng, Minh vẫn không thấy đói. Nhưng vì buổi sáng uống nhiều rượu sâm banh quá, nên Minh thấy trong ruột nôn nao. Chàng liền vào một hiệu cao lâu nhỏ, để ăn qua loa cho đỡ mệt, họa may trí có được sáng suốt bình tĩnh hơn, mà nghĩ tới những việc bộn bề khó xử. Minh đi thẳng vào cái buồng ở phía trong cùng, ngồi phịch xuống một chiếc ghế đẩu vuông, bên cái bàn tròn phủ kẽm. Nhưng khi người hầu sáng vào hỏi ăn gì, thì chàng nhớ chắc chắn rằng đã gặp mặt người ấy lần chàng đi với Liên đến ăn. Thì ra vô tình, Minh đã tới hàng cơm ấy. Minh toan đứng dậy bỏ đi, nhưng hình như nghị lực đã tiêu tán hết, khiến chàng trở nên do dự. Người hầu sáng hỏi: - Ăn cơm nhé? Minh gật. - Ăn thịt bò cải lăn nhé?... Gà rán nhé... Thế thôi à? Đáp lại ba câu hỏi, Minh lại gật ba lần. - Mỗi thứ một góc nhé? Người hầu sáng vừa ra vừa cất tiếng hát những món ăn cho nhà bếp làm. Minh ngồi một mình đưa mắt ngắm cái buồng quen thuộc. Các vật bài trí, sau bảy tám tháng, hình như không xê xích chút nào. Cả đến các địa đồ nước Trung Hoa treo lệch này vẫn hoàn nguyên treo lệch. Một lát sau, người hầu sáng bưng món ăn vào. Minh đăm đăm nhìn đĩa thịt bò khói nghi ngút... Rồi chẳng biết nghĩ tới điều gì khổ sở, chàng gục đầu

xuống cánh tay, như ngồi ngủ. Người hầu sáng đem cơm vào lay Minh dậy. Cặp mắt đỏ ngầu, chàng nhớn nhác hỏi: - Bao nhiêu tiên? - Nhưng thưa ông chưa ăn. - Tôi no lắm. Thôi bác ăn hộ. Người hầu sáng lắc đầu lấy làm ái ngại cho ông khách, rồi mời ra ngoài trả tiền. Nhìn lên tường, Minh thấy kim đồng hồ treo chỉ tám giờ rưỡi. Chàng nghĩ thầm: \"Bây giờ thì chắc Văn chả còn ở đấy nữa, vì tị hiềm nghi, thế nào anh ấy cũng về rồi\". Tới cổng nhà, Minh đứng nấp bên giậu, lắng tai nghe ở trong nhà im phăng phắc. Lù mù ngọn đèn hoa kỳ thấp thoáng qua một khe liếp. Chờ lâu sốt ruột, Minh đã toan đi, thì bỗng nghe tiếng Liên bảo ông Hoạt: - Ông sắp quang gánh giúp tôi để mai tôi đi chợ nhé. Minh mừng quýnh, định đập cửa, nhưng lại thôi, vì không những chàng xấu hổ với Liên, mà chàng còn lo nhỡ thốt gặp chàng, Liên chưa hết giận lại ngất đi một lần nữa chăng. Buồn rầu, Minh đi thẳng. Đêm hôm ấy, chuông đồng hồ nhà thờ lớn đã điểm hai giờ sáng, Minh còn vơ vẩn quanh hồ Gươm, co ro trong bộ quần áo dạ tím. Mấy hôm sau, Văn dò la tìm được nhà Nhung, đến đó hỏi thăm tin tức

Minh. Lúc bấy giờ Nhung đi vắng, chỉ có một mình Mạc ở nhà. Văn vừa xưng tên vừa nói mục đích đến là cốt để thăm một người bạn mà lâu nay chàng không gặp. Nhưng Mạc cười khanh khách trả lời ngay: - Tôi lạ gì anh. Anh là anh Văn, bạn rất thân của anh Minh chứ gì? Văn mỉm cười: - Sao cô biết? - Anh Minh nói chuyện đến anh luôn. - Nhưng thưa cô, bây giờ anh Minh ở đâu? - Đã ba hôm nay không thấy anh ấy về, mà có lẽ anh ấy chẳng về đây nữa đâu. Rồi Mạc mỉm cười thì thầm bảo Văn: - Vợ anh Minh đẹp nhỉ? - Sao cô biết vợ anh Minh? Mạc làm ra mặt thạo: - Tôi còn lạ gì vợ anh Minh. Tôi còn biết nhiều chuyện bí mật nữa kia... Văn đã hơi nóng ruột, bảo Mạc: - Nhưng tôi cần gặp anh Minh có việc cần, vậy nhờ cô nói anh ấy xuống đây, tôi chỉ hỏi anh ấy một câu thôi. - Ô hay! Tôi đã bảo Minh không có ở đây mà anh còn không tin! Anh tính tôi giấu anh ấy ở đâu, mà giấu anh ấy làm gì mới được chứ.

Văn thất vọng, đứng dậy cáo từ, thì Mạc lại mời: - Anh hãy ngồi chơi đã nào. Rồi nàng hỏi luôn: - Anh có ơn dì cháu tôi không? - Thưa cô, ơn về việc gì? - Còn khéo vờ. Người ta giữ anh Minh ở đây để ở nhà được tự do hú hí với cô hàng hoa xinh đẹp kia lại còn ơn về việc gì! Văn tức uất người hầm hầm đứng dậy ra về, trong lòng thương hại bạn đã trụy lạc vào một hoàn cảnh trái ngược với hoàn cảnh êm đềm của một gia đình quê mùa chân thật. Chàng nghĩ thầm: \"Không trách anh ấy quên hẳn vợ và bạn được\". Nhưng một lát sau, nhớ lại lời cô gái giang hồ, Văn lấy làm lo lắng. Văn chỉ sợ bạn nghe lời xúc xiểm của bọn kia mà ngờ vực lòng tiết liệt của vợ và lòng thành thực của mình: \"Hay vì thế mà anh ấy không muốn về nhà nữa? Nếu vậy thì thực anh ấy khốn nạn quá\". Rồi Văn nhớ tới sự cám dỗ của sắc đẹp, và lấy làm mừng rằng tình bằng hữu đã thắng nổi được tình thương yêu. Từ hôm ấy, Văn càng muốn gặp mặt bạn. Chiều nào cũng vơ vẩn gần nhà Nhung để xem Minh có lai vãng tới đó không. Nhưng hơn một tuần lễ, Văn vẫn không thấy Minh trở về, mà cũng chẳng rõ tin tức chàng ra sao. Một hôm vào uống cà phê ở hiệu cao lâu nhỏ, tình cờ Văn gặp Minh.

Thoáng thấy bóng Văn, Minh quay mặt vào phía trong rồi lấy mũ định lẻn đi. Nhưng Văn đã trông thấy và lại gần vui vẻ chào hỏi như không xảy ra sự gì. Ngắm cặp mắt sâu hoắm và vẻ mặt buồn rầu của Minh, Văn không muốn làm phiền lòng bạn, nên chỉ hỏi những chuyện đâu đâu, hoặc công việc soạn sách viết báo, hoặc sức khỏe và bệnh đau mắt của bạn mà thôi. Minh thì bẽn lẽn, ngượng nghịu, hai, ba lần giơ tay bắt tay bạn để xin đi. Văn tươi cười: - Thì hãy thong thả uống với tôi cốc cà phê đã! Bất đắc dĩ Minh phải nhận lời, nhưng chỉ ngồi như tượng, chẳng nói một câu. Uống xong cà phê, Minh nhất định nhận trả tiền rồi khi ra đến đường lại giơ tay bắt tay Văn, Văn nói: - Làm gì mà anh vội thế? Anh em lâu ngày không gặp nhau thì hãy đi chơi với nhau nói câu chuyện đã nào. Minh nghĩ thầm: \"Khổ rồi! Thế nào bạn mình cũng giảng đạo đức cho mình nghe thôi\". Nhưng không, hai người đi nửa vòng hồ Hoàn Kiếm mà Văn chỉ toàn nói chuyện văn chương. Chàng ôn lại những bài Minh viết mà chàng đã được đọc. Chàng lại thuộc lòng nhiều đoạn nhất là những bài thơ ngắn của Minh. Thấy Văn lưu ý đến tác phẩm của mình một cách rất cảm động, Minh sung sướng và vui vẻ bàn chuyện về văn chương với bạn. Văn phàn nàn: - Hình như độ này anh viết ít lắm. - Vâng, có thể. - Ý chừng anh mệt. - Vâng, tôi cũng hơi mệt.

- Thảo nào trông anh gầy đi nhiều... Chị cũng vậy, độ này trông xanh lắm. Minh buồn rầu, hỏi bạn: - Anh vẫn gặp nhà tôi? - Hôm nọ tôi đến thăm anh. Lúc ấy anh đi vắng, chỉ có chị ở nhà. Hình như chị không được mạnh. Có phải thế không anh? - Vâng. Nói buông lời, Minh lấy làm xấu hổ, vì chàng biết Văn chẳng lạ gì tình cảnh của mình. Chàng còn nhớ hôm vợ chàng ngất đi, Văn cũng ở nhà chàng. Rồi chẳng biết nghĩ thế nào, chàng kể hết chuyện cho bạn nghe, từ khi Nhung đến nhà chàng cho đến khi chàng mê man say đắm cái đời giang hồ phóng đãng. Nghe bạn thuật lại, Văn đem lòng thương hại và chỉ có những lời an ủi: - Bây giờ anh nên về nhà, chứ chẳng nên lang thang nữa, vừa hại sức khỏe, vừa mất cả thì giờ quý báu. - Tôi hối hận lắm, anh ạ. Bây giờ không những tâm trí tôi không còn được bình tĩnh mà nghĩ đến viết văn, tôi lại đã bị cái thói quen chơi bời nó lôi kéo vào một đời lười biếng mất rồi. Lắm lúc, tôi thấy sự trống rỗng trong cái đời lạnh lẽo của tôi mà tôi ghê sợ. Minh kể cho Văn nghe một buổi chiều chàng lang thang trên con đường Cổ Ngư, lòng chán nản, trí u ám. Những ý tưởng ghê gớm đến ám ảnh tâm trí chàng. Và chàng cảm thấy con đường tương lai đưa chàng đến một nơi địa ngục, tối tăm. Nhất là nghĩ tới sự bạc bẽo của mình, chàng càng thấy chàng là một người khốn nạn không đáng sống ở đời nữa: Cái hình ảnh kém tươi của vợ chàng trong khi chàng mắc bệnh hiện ra trước mắt chàng một cách rõ rệt. Chàng nói tiếp:

- Lúc bấy giờ tôi tưởng chỉ còn lấy cái chết để tạ lỗi lại người vợ hiền và người bạn tốt. Tôi ngồi bên vệ đường lấy quyền sổ và cái bút chì, cố thuật lại hết mọi sự cám dỗ của tửu sắc. Song trí tôi rối loạn, không còn viết được một câu cho có nghĩa. Ngồi hàng giờ mà tôi chỉ nguệch được một dòng: \"Tôi xin anh Văn và vợ tôi tha thứ cho tôi\". Văn cảm động, an ủi: - Anh rõ lẩn thẩn lắm, anh có lỗi gì đâu. Còn như chơi bời thì ai chả có lúc chơi bời. Như không để ý tới lời bạn, Minh nói luôn: - Rồi tôi toan tự tử cho hết cái đời vô vị. Song tôi lại nghĩ: \"Nếu cứ làm liều rồi chết thì chả hóa ra ai cũng có thể làm liều được ư? Không, ta phải sống, sống một cách khốn nạn, khổ sở để chuộc lại lòng bội bạc của ta!\". Từ đấy tới nay tôi sống mà thực ra cũng như chết, anh ạ, vì ngày nay đời tôi rỗng tuếch, đã nhiều khi, tôi toan viết thư cho anh và cho vợ tôi để xin lỗi, song tôi biết anh và nhà tôi dễ tính lắm, thế nào cũng sẵn lòng tha thứ cho tôi, mà tôi thì không đáng được tha thứ chút nào. Văn yên lặng để cho bạn nói, nói mãi. Vì chàng biết rằng khi nào ta khổ sở mà được kể lể hết sự khổ sở của ta với một người thân thì ta thấy đỡ khổ. Bấy giờ hai người đi tới một cái ghế dài. Văn bảo bạn ngồi nghỉ cho đỡ mệt, rồi ôn tồn nói: - Thế mà đã khuya rồi đấy. Anh có nghe thấy đồng hồ nhà thờ đánh chín giờ từ nãy không? - Thế à? - Anh về nhà tôi nghỉ đi. Đã lâu nay không gặp anh, tôi có nhiều chuyện muốn nói với anh.

- Cảm ơn anh. Xin anh để khi khác. - Vậy bây giờ anh ở đâu? Minh không trả lời. Chàng không muốn cho bạn biết chỗ ở của chàng, nên khi Văn nhắc lại câu hỏi thì chàng nói lảng ngay: - Tôi đương soạn một truyện về cái đời phóng đãng của những văn nhân quá yêu sự lãng mạn mà dần dần trụy lạc vào sự xa hoa, nhục dục. Anh ạ, tôi cứ tưởng đời văn sĩ phải trái ngược với đời êm đềm trong gia đình đầm ấm! Nhưng mà không. Ta càng phóng đãng bao nhiêu, tri thức ta chỉ nặng trĩu những tư tưởng vật dục. Rồi khối óc ta một ngày một thêm mờ ám. Muốn sống một đời văn chương, ta phải có tâm hồn bình tĩnh, nhẹ nhàng. Mà được thế, không gì bằng có một người bạn trăm năm và những người bạn trung thành luôn luôn ở bên mình mà khuyến khích ta, mà an ủi ta khi ta bị thất vọng. Văn tươi cười đáp lại: - Vậy anh nên trở về nhà... Minh vội ngắt lời: - Không được. Tôi còn phải bắt tôi chịu nhiều sự khổ sở ê chề đã. Vả tôi biết vợ tôi còn giận tôi lắm. Anh thì anh hiểu tôi và sẵn lòng tha thứ cho tôi. Nhưng vợ tôi là đàn bà, không thể dễ tha thứ như anh được. Trước kia, tôi vẫn tưởng vợ tôi quê mùa chẳng biết gì, nhưng từ khi tôi thấy vợ tôi không thèm nhận số tiền năm chục bạc tôi gửi cho, tôi mới hiểu không phải chỉ có hạng trí thức mới có những cử chỉ và tính tình cao thượng. Minh bỗng im bặt, lẳng lặng đưa mắt nhìn mặt nước hồ, phản chiếu ánh đèn điện. Dịu dàng, Văn bảo bạn:

- Anh thực có tâm hồn thi sĩ. Nghĩa là anh lãng mạnh lắm. Cứ một cách anh muốn khổ sở để chuộc lỗi của anh cũng đủ tỏ rằng anh có những tư tưởng kỳ dị, điên cuồng... Anh phải biết trong khi anh tự ý chịu nhục như các thầy tu phạm tội đời xưa thì vợ anh và bạn anh cũng vì anh mà khổ sở. Anh nên về nhà ngay. Biết bao hạnh phúc đang chờ đợi anh ở trong gia đình êm đềm, đầm ấm... Rồi chúng ta lại cùng nhau viết văn, soạn sách, cùng nhau trao đổi những công việc ích lợi cho đồng bang. Minh hai tay ôm đầy ngồi so sánh cái đời giản dị, đạm bạc trong một gia đình, có tính cách bình dân và cái đời xán lạn của một nhà văn kiêu căng sống với những lạc thú phóng dật. Thốt nhiên chàng đứng dậy đưa tay bắt tay Văn. Rồi như tên phạm tội, chàng rảo bước chạy trốn. Chàng có biết đâu rằng người bạn trung thành của chàng vẫn lẽo đẽo theo sau. Một lúc lâu quay lại không thấy bóng Văn, chàng gọi xe để về nơi trú ẩn. Một giờ sau, Văn đã trở về nhà, trong lòng vừa vui sướng, vừa lo sợ: vui sướng, vì đã tìm được chỗ ở của bạn, lo sợ, vì chàng cho là bạn có lẽ mất trí khôn. Chàng có ngờ đâu rằng như phần nhiều trong bọn thiếu niên, Minh đương qua cái thời kỳ thần kinh khung hoảng. Trong thời kỳ ấy, ta thường thấy đời ta vô vị. Nhưng Văn hiểu thấu sao được những ảnh hưởng ghê gớm của khói thơm thuốc phiện trong những đêm dài, bên cạnh các cô gái giang hồ đầy tính nhục dục. Sáng sớm hôm sau, Văn đến nhà Liên, kể cho Liên nghe sự gặp gỡ của chàng và Minh. Liên lạnh lùng bảo Văn: - Thôi, anh ấy không muốn về thì mặc anh ấy. Văn đáp: - Chị nói thế không được. Anh Minh đang mê man. Nếu mình cứ để mặc anh ấy thì bao giờ cho anh ấy tỉnh ngộ được. Bây giờ ta nên bỏ hết những

điều hờn giận mà chỉ nghĩ tới sự cứu vớt một linh hồn đương sắp sửa chìm đắm. Rồi Văn thuật lại hết mọi điều chàng đã nhận xét trong sự hoàn cải tâm hồn của Minh, từ tư tưởng cho chí tính tình. Chàng nói tiếp: - Xem ra bây giờ anh ấy không được giản dị và vui vẻ như xưa nữa. Nét mặt anh ấy ủ rũ và lời nói có nhiễm vẻ chán nản, ghét đời. Chắc anh ấy khổ sở lắm, chị ạ. - Anh ấy làm cho anh ấy khổ chứ! - Nhưng anh ấy khổ thì liệu mình có sung sướng được không? Liên động lòng thương. Trong lúc tức giận, nàng tưởng nàng có thể ghét được người đã ruồng rẫy nàng để đi với gái. Nhưng cái ân tình chân thật của cô gái quê ta vẫn bền chặt, nhất là ái tình ấy lại nhóm ngay từ khi đôi bạn thơ ấu yêu nhau. Tình bằng hữu vào thuở mười hai, mười ba tuổi mà đã trở nên tình ái thì ái tình ấy chôn sâu trong trái tim ta, hòa hợp với tâm hồn ta, nó thành một phần ta rồi. Cặp vợ chồng ấy mà một người mất đi thì người kia khó lòng yêu được một người khác. Có lẽ Văn cũng hiểu vậy nên thấy Liên làm ra mặt hầm hầm tức giận, chàng ôn tồn nói: - Ấy tùy chị đấy. Sau này bị lương tâm cắn rứt cũng mặc chị. Liên ngẫm nghĩ, cảm động vì lòng tốt của bạn đã tận tụy với vợ chồng nàng. Nàng lấy làm hối hận rằng một đôi khi nàng đã dám ngờ oan cho Văn là yêu thầm thương trộm mình. Nàng có biết đâu, chính các cử chỉ của Văn đã tỏ ra chàng có tấm ái tình cao thượng phi thường: vì yêu Liên mà chàng muốn hết sức giúp cho gia đình nàng lại được đầm ấm, sung sướng như xưa. Không thấy Liên trả lời, Văn hỏi:

- Thế nào, chị? - Vậy mai đi nhé? Văn vui mừng: - Có thế chứ. Nhưng ta nên đi ngay bây giờ thì hơn. Liên nghĩ lại những lời dọa nạt của Văn mà lấy làm lo sợ cho chồng, liền vội vàng nghe lời Văn khoác nón ra đi. Vả, tuy giận chồng mà nàng vẫn mong mỏi gặp mặt vì đã gần hai tháng nay Minh không bước chân về tới nhà. Người làng chỉ trỏ thì thầm và khúc khích cười, khi họ thấy Liên đi với Văn, người mà họ thường gặp lui tới nhà nàng. Nhưng nàng cũng không để ý đến, tâm trí rối loạn những ý tưởng tương phản. Ra đến đường cái, Liên toan gọi xe, thì Văn gạt đi bảo đứng chờ xe điện. Lúc bấy giờ nàng mới kịp hỏi bạn rằng Minh ở đâu, và đi xe điện về phía nào. Nàng lấy làm lạ xiết bao khi nàng biết Minh ẩn núp tận trong làng Mọc, ở nhà một người bạn học ngày xưa. Tới bờ hồ, Liên và Văn sang xe để về Ngã Tư Sở. Vừa bước lên xe điện Hà Đông chỗ chờ khách, nghe có tiếng ai cười, Văn quay lại. Mạc ngả đầu chào rồi giới thiệu với Nhung: - Anh Văn là bạn của anh Minh đấy, dì ạ. Liên còn đương bỡ ngỡ là không hiểu sao Văn lại quen biết hai cô lạ mặt ấy thì hai người đã giơ tay bắt tay chàng một cách rất tự do. Mạc hơi nháy mắt bảo Văn: - Thú nhỉ! Thế mà giấu giếm mãi. Văn đỏ mặt toan đi thẳng sang bên hạng nhì. Mạc, tinh ranh, lại giữ chàng


Like this book? You can publish your book online for free in a few minutes!
Create your own flipbook