ĐẨNG BỘ THỊ TRẤN CỦ CHI CHI BỘ TRƯỜNG THCS THỊ TRẤN 2 ---------- ---------- BÀI VIẾT THAM GIA HỘI THI TÌM HIỂU LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN CỦ CHI GIAI ĐOẠN 1930-2020 “TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG” Chủ đề dự thi: Cảm nhận, niềm tự hào của người viết về truyền thống anh hùng, tinh thần chiến đấu quật cường, anh dũng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân huyện Củ Chi Đảng viên dự thi: Liêu Thị Ánh Hồng Củ Chi, tháng 4 năm 2023
BÀI VIẾT THAM GIA HỘI THI TÌM HIỂU LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN CỦ CHI GIAI ĐOẠN 1930-2020 “TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG” Chủ đề dự thi Cảm nhận, niềm tự hào của người viết về truyền thống anh hùng, tinh thần chiến đấu quật cường, anh dũng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân huyện Củ Chi Họ tên tác giả: Liêu Thị Ánh Hồng – Ngày sinh 07/06/1978 Nghề nghiệp: Giáo viên. Số điện thoại liên hệ: 079702001 Địa chỉ nơi cư trú: 28 đường 24, Ấp Trung, Xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi Đơn vị tham gia: Chi bộ trường THCS Thị Trấn 2
BÀI DỰ THI “TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG” 1 --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Lịch sử đã qua đi lâu lắm rồi nhưng những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn vang vọng mãi trong những vần thơ và câu hát như cái cách mà sự thiêng liêng của mảnh đất địa đạo Củ Chi – vùng ngoại ô Tây Bắc của TP. Hồ Chí Minh, nơi được mệnh danh là “Đất Thép Thành Đồng” để lại trong trái tim của biết bao thế hệ, trong đó có chúng tôi. Xin phép được mượn bài thơ “Đất Thép Thành Đồng” để diễn tả cho bao cảm xúc dâng trào, niềm tự hào là người con Củ Chi qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Tác giả: Trần Đình Sơn CỦ mì đắng từng nuôi chiến sĩ CHI nhánh hầm nung chí hùng anh ĐẤT kia giặc xới tan tành THÉP bom phủ lấp màu xanh ruộng vườn. THÀNH bót ngự pháo vươn tầm nã ĐỒNG lửa bừng cháy cả cỏ cây QUÂN dân chung sức dựng gầy THÙ vây đánh trả nát thây bọn càn. MÀ chớ dại cả gan tàn phá ĐẾN đây rồi thịt rã hồn chao LÀ chôn xác ngập chiến hào KHÔNG còn manh giáp với bao mộng dài. ĐƯỜNG nào cũng bẫy gai chông hố VỀ chốn này máu đổ tràn sông CỦ CHI ĐẮT THÉP THÀNH ĐỒNG QUÂN THÙ MÀ ĐẾN LÀ KHÔNG ĐƯỜNG VỀ.
BÀI DỰ THI “TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG” 2 --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Củ Chi nằm ở cửa ngõ huyết mạch phía Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh. Có dòng sông Sài Gòn chảy qua, lắng sâu vào lòng sông bao huyền thoại về một quê hương đất thép anh dũng, kiên cường. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trực tiếp tham chiến bằng hai gọng kìm là “tìm diệt” và “bình định” đã đưa cách mạng miền Nam vào thử thách khốc liệt. Phát triển chiến tranh du kích được xác định là phương châm đánh giặc. Do điều kiện địa hình, đất đai đặc biệt, Củ Chi được chọn mở rộng xây dựng địa đạo làm căn cứ kháng chiến xuống lòng đất là yêu cầu cấp thiết để tránh những hao tổn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ có thanh niên trai tráng, mà còn có lực lượng nữ, trung niên tham gia. Họ vốn là những nông dân chân chất hiền lành, nhưng đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhìn đồng bào vô tội bị kẻ thù giết hại dã man, khiến lòng căm thù, uất hận trào dâng, biến họ thành những dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy. Du kích Củ Chi chính là nhân dân, nhân dân cũng chính là du kích. Ngày cày cấy, đêm vót chông, đào địa đạo, giặc càn quét thì cầm súng, ôm mìn chiến đấu, phục kích tiêu diệt bọn cường hào gian ác.
BÀI DỰ THI “TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG” 3 --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Quân dân Củ Chi linh hoạt trong cách đánh địch bằng vũ khí của mình, dùng vũ khí địch đánh địch. Những quả mìn gạt, mìn cán tự tạo của các chiến sĩ quân giới từ những quả bom chưa nổ trong số 500 ngàn tấn bom đạn mà Mỹ đã đổ xuống vùng đất này đã giúp du kích Củ Chi lập nên nhiều chiến tích lẫy lừng. Nhà nhà, người người trở thành dũng sĩ diệt xe tăng. “Lòng dân nổi dậy – ngày xuống đường – đêm không ngủ. Đạp rào gai – che họng súng. Liều thân mình cho Tổ quốc tồn sinh”. Đất và người Củ Chi hóa thép. “Trái tim thành chiến hào. Ánh mắt hóa vì sao. Bàn tay thành lưỡi kiếm”. Từ trong lòng đất, quân và dân Củ Chi đã duy trì cuộc kháng chiến trường kỳ bằng tất cả ý chí, nghị lực và niềm tin sắt đá vào ngày thắng lợi. Họ sẵn sàng đối đầu với các thế lực hùng mạnh, đối diện với chiến thuật chiến tranh hiện đại, vũ khí tối tân. Họ có những sáng tạo về cách đánh, về tổ chức trận địa, tạo thế bám trụ, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. Củ Chi trở thành biểu tượng của sức sống bất diệt, của cuộc chiến tranh nhân dân. Từ lòng đất, du kích Củ Chi thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh tan hàng trăm trận càn của địch với đầy đủ các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Và cuối cùng, chiến tranh nhân dân thắng chiến tranh hiện đại của đế quốc và tay sai. Dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường trong bom đạn, lập nhiều chiến công hiển hách, ngày 17 tháng 9 năm 1967, (miền Nam mở \"Đại hội Quyết Thắng giặc Mỹ xâm lược\"), quân và dân Củ Chi được Ủy Ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công nhận là: “Đất Thép Thành đồng”, được tặng Huân chương Thành đồng. Trong giai đoạn 1954 - 1975, Củ Chi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
BÀI DỰ THI “TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG” 4 --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới từ năm 1994 đến năm 2004. Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận huyện Nông thôn mới vào năm 2015. Đó cũng là động lực, là trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền Củ Chi luôn nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Đất thép Thành đồng”, danh hiệu Anh hùng không chỉ trong đấu tranh cách mạng mà cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thử thách hôm nay. Phải tiếp tục kiên định và trung thành; kiên quyết trong đổi mới; kiên trì các giải pháp đột phá để phát triển quê hương. Phải nỗ lực xây dựng Đảng bộ huyện thật sự trong sạch vững mạnh, đảm bảo năng lực lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thật sự là huyện Nông thôn mới, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình. Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, bản thân không thể nào cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh mất mát lớn lao của đất và người Củ Chi hào hùng trong bom đạn. Nhưng dòng máu chảy trong tim tôi là dòng máu cội nguồn, dòng máu của ông, của bà, của cha, của mẹ, của con người Củ Chi đất thép nên tôi rất tự hào về truyền thống cha anh. Càng tự hào, trân trọng truyền thống và công lao của các bậc tiền nhân, của các Anh hùng, liệt sĩ càng nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi luôn tự dặn lòng mình phải sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn đó của những người đã: “Trải tấm lòng son vì đất nước Đem dòng máu đỏ giữ quê hương” Thực hiện lời dạy của Bác, thế hệ đảng viên chúng tôi hôm nay luôn tích cực tu dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng để đủ phẩm chất, trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bản thân tôi luôn phấn đấu và hoàn thiện chính mình để trở thành tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo. Tôi luôn tâm
BÀI DỰ THI “TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG” 5 --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- niệm rằng không chỉ truyền đạt về kiến thức chuyên môn mà còn phải giáo dục, mang đến những giá trị đạo đức, truyền cảm hứng, lý tưởng sống tích cực đến các em trong những tiết dạy, giờ sinh hoạt ngoại khóa, góp phần đưa vào đời những công dân tốt, để cùng góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Trong cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, khi được kết nạp vào Đảng, dòng đầu tiên của ngày hôm đó chị viết: “Cái cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên một người cộng sản”. Vâng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, người đảng viên, người cộng sản luôn luôn thực hiện đúng mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy ngọn cờ của Đảng làm mục tiêu, là ngọn đuốc dẫn đường, là sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Chính những ngọn lửa đó đã truyền sức mạnh để thế hệ trẻ được thắp sáng lên ngọn lửa nhiệt huyết, trau dồi những kỹ năng, cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước. Tôi của ngày hôm nay luôn phải hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc và tôi của ngày mai sẽ trưởng thành và hoàn thiện hơn…”. Tự hào với danh hiệu \"Đất Thép Thành đồng\" của ngày hôm qua, các thế hệ hôm nay càng quyết tâm đoàn kết, bồi dưỡng lòng yêu nước, xây dựng mảnh đất Củ Chi trở thành huyện văn hóa Nông thôn mới - văn minh - giàu đẹp - nghĩa tình.
Search
Read the Text Version
- 1 - 7
Pages: