Important Announcement
PubHTML5 Scheduled Server Maintenance on (GMT) Sunday, June 26th, 2:00 am - 8:00 am.
PubHTML5 site will be inoperative during the times indicated!

Home Explore SÁCH ĐIỆN TỬ

SÁCH ĐIỆN TỬ

Published by thuha251186, 2022-12-23 09:11:23

Description: SÁCH ĐIỆN TỬ SƠN TÂY- XỨ ĐOÀI- MIỀN DI SẢN

Search

Read the Text Version

Tiền bái có tháp thiêu hương để hóa vàng mã sau khi cúng tế xong. Ngôi nhà chữ công cách tiền bái 1,2 m, đầu nhà có bể nước và một gian nhà nhỏ để kiệu. Tòa Tiền bái được làm theo kiểu ba gian hai chái lớn, mặt bằng bốn hàng chân, với kích thước dài 13,15 m, rộng 5 m, trong đó gian giữa dài 3,25 m, hai gian bên 2,75m, hai gian hồi 2,2 m. Từ sân lên nền của Tiền bái với bệ năm cấp, được chia làm ba lối lên. Lối giữa và lối hai đầu đều được thể hiện có thành bậc với dạng vân xoắn lớn hình chữ S cách điệu. Toà kiến trúc này ở trên mái cũng có hai đầu kìm dưới dạng thủy quái Makara hóa rồng, cũng có rồng chầu mặt trời ở chính giữa bờ nóc, khúc nguỷnh có lân đang trong thế vận động nhìn vào giữa sân. Ở góc mái với đầu guột vươn lên đội một cụm mây và đầu đao dưới dạng hồi long. Tất cả những sản phẩm ở trên mái cũng như ngói của nó đều mang niên đại muộn thế kỷ XX. Nơi thờ chính của Đền Và là một kiến trúc hình chữ công (I), một kiến trúc, ở lĩnh vực đền, hiện nay được coi là sớm nhất nước ta bởi những dấu vết liên quan đến kiến trúc và hiện vật đã mang niên đại ít nhất từ khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII với nhiều chi tiết được xác định ở thời Mạc và mang phong cách thời Mạc. Tòa ngoài của kiến trúc chữ công có kết cấu mặt ngoài cũng với 3 gian 2 chái lớn (dài 14,10 m, rộng 8,90 m). Kiến trúc của đền vẫn theo một phong cách rất xưa, rất cổ và chúng ta có thể biết được đó là sản phẩm giữa thế kỷ XVII trở về trước. 101

Bộ chấp sự Tòa Hậu cung đã chiếm 1/2 tòa ống muống và cả tòa nhà bên trong. Tòa nhà bên trong này cũng có kết cấu 3 gian 2 chái và khá thấp, đó là sản phẩm mang kiểu thức của thời gian sớm. Tuy nhiên kết cấu của tòa nhà này cũng đã được sửa lại rất nhiều với bộ vì nóc cũng chỉ làm theo kiểu giá chiêng và hai bên của cột trốn được bổ sung bằng 2 rường, ăn mộng, chạy ra đỡ hoành mái. Kết cấu gỗ của mái tòa nhà hình chữ công này, trong phần liên kết với ống muống, có những kẻ xối theo kiểu kẻ suốt đỡ mái giọt gianh ở vị trí rất thấp. Hiện tượng này càng khẳng định hơn, khi tu bổ di tích người ta đã không chú ý nâng cao lên, chứng tỏ đã tôn trọng hình thức kết cấu truyền thống. Bố cục tổng thể cho thấy Đền Và là một di tích tương đối lớn, tuy nhiên nó cũng chỉ là một công trình tôn giáo tín ngưỡng nằm trong hệ thống kiến trúc làng xã và không nằm ngoài quy tắc chung của các di tích kiến trúc Việt Nam, đó là di tích có xu hướng dàn trải trên bề rộng mà không phát triển về chiều cao. Giá trị kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn, gìn giữ tại di tích Đền Và thể hiện sự sáng tạo, tỉ mỉ công phu của các nghệ nhân xưa. Họ biết khai thác các đề tài nội dung gắn liền với 102

cuộc sống, ước mơ, khát vọng của nhân dân, tình yêu quê hương đất nước, hay các loài hoa, giống cây, các linh vật quý luôn đồng hành với đời sống tâm linh, thể hiện tính chất vừa cao quý vừa mộc mạc, giản dị. Những giá trị kiến trúc đó đã góp phần to lớn để tôn vinh các giá trị văn hóa giá của di sản văn hóa Đông Cung - Đền Và. 103

RỪNG LIM Cây di sản Đền Và Đối với mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh những cây có thụ tỏa bóng mát đã gắn liền với những ngôi đền, ngôi đình cổ kính. Cây cổ thụ được ví như một biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thiêng liêng trong không gian văn hóa Việt. Bởi vậy, cây cổ thụ không đơn thuần là một cá thể thực vật mà nó gắn với văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của cộng đồng. Nó được tôn thờ như những vị thần linh thiêng gìn giữ đất đai, che chở cho dân làng. Ở di tích Đền Và cũng vậy. Trong không gian linh thiêng và đầy huyền thoại của ngôi đền cổ kính là rừng lim già xanh mướt có diện tích khoảng 17.500 m2. Những cây Lim khổng lồ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi hiện lên như một biểu tượng của sự trường tồn, vĩnh cửu; đó như những cánh tay khổng lồ bao bọc, che chở cho ngôi Đền. Với màu xanh bất tử đầy huyền thoại ấy, những cây Lim với dáng vẻ trầm tĩnh, thân cây xù xì, cao lớn, tán cây to rộng tỏa bóng mát tạo nên sức sống mãnh liệt, trường tồn cùng thời gian, năm tháng. Rừng Lim cũng là những nhân chứng thầm lặng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. 104

Nhìn từ xa, rừng cây như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Theo thống kê của Viện Sinh thái rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp, tại Đền Và có 167 cây lim cổ thụ có đường kính trung bình 37,9 cm đến 75,8 cm. Có cây đường kính lên tới 132,5 cm. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng tìm về Đền Và để nghiên cứu về loài cây gỗ quý trong bộ tứ thiết này. Đây là loại gỗ đặc biệt nhất nhì để tạo dựng nên những công trình tâm linh vừa có giá trị thẩm mỹ và khoa học... Rừng Lim Đền Và Rừng Lim đã tạo thành một lá phổi xanh khổng lồ cung cấp ô xy, điều hòa không khí, tạo cảm giác dễ chịu, thân thiện, trong lành cho mỗi du khách khi đặt chân đến Đền Và; tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, giữ gìn môi trường sinh thái, tôn vinh thêm giá trị lịch sử của khu di tích. Du khách khi đến Đền Và không thể không dừng bước ngắm những tán cây lim rộng lớn, hay những cây hoa ngọc lan nở hoa thơm ngát; ngắm những bông hoa đại trắng tinh nở hoa trước cổng Đền. Rừng cây Đền Và rộng lớn, thơ mộng, bốn mùa xanh mướt ấy đã tôn nên cảnh quan cho ngôi đền, cũng là đề tài cảm hứng sáng tác cho bao nhiêu thế hệ họa sỹ, nhiếp ảnh, nhà thơ, nhà văn... Năm 2016, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 90 cây cổ thụ trong quần thể rừng cây của Đền Và là Cây di sản Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa rất lớn. Nó là sự khẳng định công lao giữ gìn, bảo vệ chăm sóc di tích nói chung và cây cối tại di tích nói riêng. Sau nữa là thông điệp kêu 105

gọi mọi người tiếp tục chung tay bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm, quý hiếm, góp phần bảo vệ môi trường và không gian linh thiêng của di tích. Việc bảo tồn rừng lim có hiệu quả chắc chắn sẽ góp phần to lớn nâng tầm giá trị của di tích lịch sử Quốc gia Đền Và, để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của thủ đô Hà Nội. 106

Lễ hội tháng Giêng Mỗi mùa xuân đến, khi đến với Sơn Tây, không thể không nhắc đến Đền Và với lễ hội vùng mang đậm nét truyền thống xứ Đoài. Từ xưa, lễ hội Đền Và là lễ hội quy mô lớn nhất trong vùng. Dân gian vẫn truyền tụng nhau câu ca: Cả năm đi lễ bao miền Không bằng cầu lễ tháng Giêng Đền Và. Đông vui nhất hội Đền Và Thứ nhì hội Nả, thứ ba hội Thầy! Nói thế xem ra đủ thấy: Trong tâm thức của người dân thì Đức Thánh Tản là vị thần tối linh, danh tiếng trong tín ngưỡng dân gian. Lễ hội Đền Và có từ xa xưa. Đây là hội vùng liên quan đến 8 làng trong vùng là làng Vân Gia, Mai Trai, Ái Mỗ, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Phú Nhi, Phù Sa (thuộc ba phường Trung Hưng, Phú Thịnh, Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) và làng Duy Bình (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Vào dịp tháng Giêng hằng năm, Đền Và lại mở hội đón tiếp những người con quê hương và du khách thập phương về dâng hương, trẩy hội, tỏ lòng tri ân Đức Thánh Tản. 107

Theo truyền thuyết, đứng đầu hàng “Tứ bất tử” nói riêng, bách thần nói chung của người Việt là “Nam Thiên Thánh tổ - Thượng đẳng tối linh Thần - Tản Viên Sơn Thánh”. Người là một trong những vị thần cổ xưa nhất được thờ phụng ở hầu khắp khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Truyền thuyết Sơn Tinh gắn liền với tín ngưỡng dân gian, với nền kinh tế nông nghiệp, thể hiện qua các câu chuyện, tục hèm được truyền miệng khá phong phú và đa dạng. Nhưng có lẽ, không ở đâu những truyền thuyết về Sơn Tinh lại kỳ thú như ở vùng sông Đà, núi Tản - nơi Ngài được tôn vinh là Sơn thần của ngọn núi Chủ thiêng liêng và được nhân dân địa phương gọi một cách kính cẩn là “Đức Thánh Tản”. Lễ hội Đền Và Trong dân gian hiện vẫn còn lưu truyền huyền thoại về lễ hội Đền Và: Đức Thánh Tản Viên Sơn sau khi hiển Thánh đi du ngoạn khắp nơi. Lần đó khi đến làng Duy Bình (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), Ngài gặp một cô thôn nữ đang cắt cỏ. Ngài nhờ cô mang sọt xuống sông gánh cho Ngài một gánh nước để Ngài tắm. Cô thôn nữ ngạc nhiên bảo: “sọt đựng cỏ sao đựng được nước”. Ngài nói: “Cứ lấy nước vào khắc đựng được”. Quả nhiên, cô xuống nước múc đầy được hai sọt nước gánh lên cho Ngài. Thấy việc lạ, cô thôn nữ vội vã chạy về làng kể lại câu chuyện cho dân làng nghe. Nghe chuyện, dân làng liền chạy ra bờ sông xem xét sự tình thì Ngài đã đi mất. Biết là Thánh hiện về, dân làng Vĩnh Ninh vội vã quay về làng bắt lợn làm thịt 108

tế Ngài. Vì là vội vàng nên lợn cạo chưa sạch lông, gạo chưa kịp thổi thành xôi, trầu chưa vào vôi đã mang ra tế. Quay kiệu tại lễ hội Đền Và Có tích chuyện khác kể rằng: “Tương truyền, có lần Đức Thánh qua thôn Duy Bình. Khi đó, ngựa của Ngài bị thương rất nặng. Ngài nhìn mặt nước mênh mông rồi hướng về phía núi Tản xanh mờ, lòng đầy lo lắng. Nếu cho ngựa vượt qua sông thì e rằng sức nó đã kiệt. Tay Ngài dắt con ngựa ròng ròng máu đi dọc bờ sông. Gió từ bờ Nam thổi hắt sang lay lắt những bông lau trắng xóa. Nắng trưa táp đến những cồn cát nhức mắt. Bỗng Ngài nhìn thấy một cô gái đang cắm cúi cắt cỏ. Người cất tiếng gọi: “Hỡi cô gái, hãy giúp ta!”. Cô gái khép nép cúi đầu trước vị tướng quân. - Ngươi hãy giúp ta gánh mươi gánh nước lên đây. - Thưa! Con chỉ có đôi sọt đựng cỏ. - Được! Ngươi cứ lót cỏ dưới đáy sọt rồi múc nước mang lên. Cô gái làm theo. Nàng cúi xuống chao nghiêng miệng sọt. Ngọn cỏ bỗng dựng lên. Ngọn cỏ cao đến đâu. nước đầy đến đó. Nàng phăm phăm gánh nước chạy lên bờ. Hai sọt nước sóng sánh, đầy ắp nhưng không một giọt rơi ra ngoài. Vị tướng vội lấy mũ đồng múc nước ở sọt, dội lên lưng, lên đầu ngựa. Con ngựa rùng mình, xù bờm. Tướng quân múc nước rửa mặt, rửa tay. Bỗng Ngài nắm chặt một túm cỏ, chấp hai tay, hướng về phía núi Tản. Ngài rì rầm gọi 109

Mẹ Núi và cầu xin mẹ hiển linh. Lạ thay, ngọn cỏ trong tay ngài bỗng sáng bừng lên và trào ra một dòng nước trắng, sánh như sữa. Ngài vò nát nắm cỏ, áp vào vết thương ở ức ngựa. Vết thương từ từ liền dấu. Con ngựa cất vó, hí vang. Tướng quân mặc áo giáp, nhảy lên mình ngựa. Ngài cúi xuống và nói: “Hỡi cô gái! Ta cảm ơn con! Từ nay, con đã biết tác dụng của những ngọn cỏ bên bờ sông này. Con hãy theo lời ta dặn...”. Tiếng Ngài ầm ầm như sấm rền. Khi cô gái ngẩng đầu lên thì cả người và ngựa của vị tướng đã bay đến gần bờ sông bên kia. Mọi người được chứng kiến cảnh ấy đều cúi lạy theo. Họ biết Đức Thánh đã ngự giá qua đây. Tại nơi Ngài rửa mặt và tắm cho ngựa, dân làng lập đền thờ, đặt tên là đền Ngự Dội”. Ngày đó đúng vào ngày rằm tháng Giêng năm Tý. Từ đó, định kỳ ba năm một lần, vào hững năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Đền Và tổ chức hội lớn. Lễ hội diễn ra từ chiều 14 đến 17 tháng Giêng âm lịch. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội. Đây là nghi thức hoành tráng và đặc sắc nhất của lễ hội Đền Và bên cạnh các nghi lễ trang trọng, thiêng liêng khác như: Tổ chức rước nước tại Sống Hồng, cử hành lễ mộc dục, lễ tế... Rước lễ qua sông Lễ hội bắt đầu từ chiều 14, Ban nghỉ lễ làm lễ Phong triều và các nghi thức tế lễ trong đền. Ngày 15 là chính hội. Từ mờ sáng, nhân dân các thôn đã bắt đầu rước lễ vào đền. 3 giờ sáng, lễ Phụng nghinh (đón) các Ngài ra kiệu được tiến hành. Bốn cụ già dùng khăn khẩu bằng vải đỏ để che miệng, cẩn trọng khiêng long ngai Tam vị đức Thánh ra kiệu. Bài vị Tần Viên Sơn Thánh được đặt ở giữa, bên tả là bài vị của Cao Sơn, bên hữu là bài vị của Quý Minh (hai em họ của Đức Thánh). Trước khi xuất phát, các kiệu lễ được sắp đặt ngay ngắn, 110

hương khói nghi ngút, hai bên kiệu là hai hàng đô ăn mặc chỉnh tề cùng hai hàng trai tráng cầm bát bửu lục bộ. Lễ rước xuất phát từ Đền Và qua cầu Hưng Cộng - phố Ngô Quyền - phố Phùng Hưng – phố Phó Đức Chính - phố Lê Lợi - Cảng Sơn Tây - qua sông Hồng sang đền Ngự Dội. Đoàn rước bắt đầu bằng đội múa lân, múa rồng tiếp đến là đội cờ thần. Nối tiếp là kiệu lễ của các thôn, đội chiêng trống, đội tế, đội cầm bát bửu, đội cầm lục bộ. Tiếp theo là kiệu chính, kiệu Văn, kiệu Lồng mũ. Cuối cùng là kiệu quả do hai người khiêng. Để tỏ lòng thành kính, dọc theo các tuyến phố mà đoàn rước đi qua, nhân dân thành tâm sắm lễ, dâng hương trước cửa nhà nghênh đón kiệu Đức Thánh. Tại các điểm giao cắt giữa các tuyến phố, trước cửa đình, đền, chùa nơi đoàn rước đi qua đều lập đàn nghênh lễ, trang hoàng lộng lẫy để vừa cầu xin Đức Thánh ban phước lộc vừa lễ tạ tri ân Ngài. Khi kiệu Thánh đến nơi, mọi người đều cúi rạp xuống và chắp tay vái lạy. Già, trẻ, gái, trai, nhất là những trẻ biếng ăn, chậm lớn, người bệnh tật từ các gia đình hai bên phố đua nhau chui ngang qua gầm kiệu để cầu Thánh ban cho sức khoẻ. Tục chui kiệu trở thành một nét độc đáo trong lễ hội Đền Và. Đến bờ sông, đoàn rước dừng lại làm lễ Độ Hà, sau đó, xuống thuyền sang sông. Đoàn thuyền đi một vòng ngược lên phía bắc Sông Hồng (khoảng 2 km) rồi mới quay lại để Thánh thăm thú phong cảnh rồi cập bến đền Ngự Dội. Đền Ngự Dội cũng rước kiệu ra đón ba Ngài ở bến sông. Khi đến đền Ngự Dội, kiệu quay ba vòng rồi hạ kiệu. Kiệu Lồng mũ và kiệu Văn đặt hai bên, kiệu Ngai ở giữa. Sau khi ba có ngại của Tam vị Đức Thành được đặt lên ban thờ chính trong hậu cung thì buổi tế bắt đầu. Đầu tiên là tế “Yên vị” rồi đến tế “Đốn” và tế “Mộc dục”. Lễ vật là một con lợn sống chừng 30 cân được cạo sót một đám lông ở gáy, mỡ chài phủ trên thủ, trầu không vôi, gạo chưa thổi, để ghi nhớ câu chuyện vì Thánh đến và đi quá nhanh, dân làng không kịp sửa lễ chín tế Ngài. Nước dùng vào lễ Mộc Dục được dân làng Duy Bình lấy ở giữa sông Hồng lúc sáng sớm rước về. Nghi thức lấy nước diễn ra rất trang nghiêm thành kính. Sau khi lấy nước xong, chóe nước được rước về đền để dùng cho tế Mộc Dục. Khi tế Mộc Dục kết thúc, các cụ bô lão thực hiện nghi lễ tế \"Khải Hoàn\". Buổi chiều, khi nào thấy là cơ hội to nhất gặp gió bắc nổi lên, phất đuôi cờ về phía Nam (hướng về bên kia sông) thì sẽ làm lễ “Triệu Hồi”, đưa kiệu, đồ rước, đồ tế tự trở về Đền Và. Các cụ nói cứ mỗi kỳ hội lớn đều thấy hiện tượng như vậy, đó là “Thánh hiện”. Đoàn rước giữ nguyên đội hình và quay trở về Đền 111

Và, phụng nghinh Tam Vị Đức Thánh Tản vào đền. Khoảng 5 giờ chiều các cụ làm lễ “Yên Vị”. Ngày 16, ban tế tiếp tục thực hiện các nghi thức tế lễ. Ngày 17, các cụ làm lễ tạ. Vào hai ngày này, nhiều trò chơi dân gian rất vui được tổ chức tại sân đền và khu vực đồi làm quanh đến như: Cờ tướng, chọi gà, kéo co, nấu cơm thi, đấu vật... Ngoài những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, những năm khác, nhà Đền chỉ làm lễ Kỳ Phúc. Những năm ấy, vào sáng ngày 15 tháng Giêng, dân làng Duy Bình rước nước sang Đền Và, các làng khác rước kiệu quả lên đền để làm lễ. Những năm hội lệ (trừ năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu), lễ rước nước được tiến hành theo hành trình từ thôn Duy Bình (Vĩnh Phúc) sang Đền Và (Sơn Tây). Đó là cảnh diễn ra trong ba hội chính mùa xuân Đền Và - một nét đẹp văn hóa mà nhân dân vùng Sơn Tây - xứ Đoài đã cùng nhau duy trì, bảo tồn, gìn giữ qua hàng trăm năm. Để ghi nhận công đức của nhân dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa ấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội Đền Và là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (năm 2016). 112

Lễ hội Đền Và có một vị trí đặc biệt quan trọng trong bối cảnh di tích và tín ngưỡng thờ thần Tản Viên Sơn ở xứ Đoài. Nói đến lễ hội Đền Và, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến Hội rằm tháng Giêng, nhưng còn có một lễ hội nữa mà không phải ai cũng biết, đó là Hội Đả ngư diễn ra vào rằm tháng Chín âm lịch hàng năm. Lễ hội Đả ngư (đánh cá) là lễ hội truyền thống của vùng non Tản, bắt nguồn từ một truyền thuyết về lần Đức Thánh Tản kéo vó trên sông Tích. Chuyện kể rằng, có một hôm Thánh Tản giả dạng thành một lão nông đi dạo trên sông Tích, đến đoạn giữa Cầu Vang (thuộc xã Đường Lâm) và Mả Mang (thuộc phường Trung Hưng) thấy một ông già ngồi kéo vó. Lúc trời đứng bóng, ông già mở cơm nắm muối vừng rồi mời Ngài cùng ăn. Cảm kích trước tấm lòng của ông, Ngài hỏi thăm và muốn giúp ông việc kéo cá. Ông già than phiền vì từ sáng đến giờ chả được con nào. Ngài vui vẻ xin ông kéo thử một mẻ. Thật kỳ lạ, khi cầm vó kéo lên ông già thấy bao nhiêu là cá, cá lớn, cá nhỏ thi nhau quẫy đành đạch làm ông hoa cả mắt. Ông sung sướng vội vàng bắt cá vào giỏ. Hai người vừa bắt vừa đếm được 99 con. Thấy đáy vó còn duy nhất một con cá trê đang mang bụng chửa, ông già đã nghe lời Ngài thả nó về sông để làm phúc. Rồi vì mải vui vì được nhiều cá, khi ngoảnh lại ông già đã không thấy vị khách qua đường đâu. Nhớ lại phong độ đạo mạo và việc làm dị thường của người khách lạ, ông biết rằng mình vừa được gặp Thánh nhân nên vội về làng loan báo tin vui. Từ đấy hằng năm, dần trong vùng lại mở hội đánh cá trên trên sông Tích, chọn 99 con cá làm lễ vật dâng lên Thánh Tản để cảm tạ ân đức của Ngài. Lại nói chuyện con cá trê, sau khi được phóng sinh đã sinh nở đầy đàn. Nhớ ơn cứu mạng, khi sắp chết, cá trê nọ đã cố bơi về gần Đền Và, ngoảnh đầu bái lạy. Nơi này về sau gọi là xóm cá Trê. Lễ hội Rằm tháng Chín ở đền Và có năm làng (cũ) của phường Trung Hưng là: Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai và Ái Mỗ (phường Trung 113

Hưng), làng Phú Như (phường Phú Thịnh), làng Phù Sa (phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây) và làng Duy Bình (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) tham gia. Từ ngày 14, dân các làng trên mang theo những dụng cụ đánh bắt cá ra sông Tích, đoạn từ cầu Vang đến Mả Mang, tổ chức đánh bắt cá tập thể để làm tiệc tế Thánh. Quy định đánh được cá trắng và là cá to thì nộp cho làng, còn cá đen hoặc cá nhỏ thì lấy. Lại quy định số cá làm việc tế Thánh phải đủ 99 con, vì vậy, thời gian không kể lâu, mau, khi nào đã 99 con, cuộc đánh bắt mới dừng lại, những ai có cá trong số 99 con được chọn để tế Thánh được cho là người trong năm ấy làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn. Theo quan niệm dân gian, đây là con số thiêng như là có 99 núi Voi quay đầu về đền Hùng, 99 núi Voi quay về chùa Hương.... Con số 99 ở hội Đả ngư còn nhắc chuyện con cá trê mang bụng trứng được phóng sinh năm xưa. Nghĩa cử ấy mang tính nhân văn sâu sắc, nhắc nhở con người quan tâm đến việc bảo tồn nguồn thủy sản ngày nay. 114

Tiệc cá để tế Thánh bao gồm các món: Luộc, nướng, nham, gỏi và được bày làm mười mâm, một mâm cúng ông Táo, còn chín mâm chia làm ba, bày trước ba ngai Tam vị Đức Thánh Tản. Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần, sau khi tế xong, mọi người lại cùng nhau vui vẻ thụ lộc. Đặc biệt, trong ngày này cỗ cúng ở đây không có muối và sau khi thụ lộc xong, có tục ăn trầu không có vôi, nên mới có câu: “Hội Đền Và trầu không vôi, xôi không muối”. Lúc nướng cá người ta dùng lá nghệ để bọc cá rồi nướng bằng rơm, than hoa. Họ lấy phần ruột lành của cá để nấu với mật nhạt làm nước chấm gọi là món Nham. Hội Đả ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống mang nhiều ý nghĩa sâu sắc của vùng xứ Đoài. Ngoài mục đích dựng lại tích Thánh Tản kéo vó, nhớ công đức của người anh hùng trị thủy trong dân gian, lễ hội Đả ngư còn mang tính khuyến ngư, là bài học giữ gìn môi trường sinh thái vùng sông Tích, và như lời nhắn gửi đến các ngư dân rằng: Khai thác, đánh bắt phải đi đối với bảo tồn, phát triển; để thủy, hải sản trên sông, biển Việt Nam mãi mãi là nguồn tài nguyên quý giá của nước nhà. 115

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. GS, TSKH Vũ Minh Giang , Văn hóa xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam- Kỷ yếu hội thảo khoa học nhân kỉ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây. 2. Thành cổ Sơn Tây, NXB Thông tin và truyền thông, năm 2022. 3. Đền Và, NXB Thông tin và truyền thông, năm 2022. 4. Di tích làng cổ ở Đường Lâm, NXB Thông tin và truyền thông, năm 2022 5. Cẩm nang du lịch ở Sơn Tây (UBND thị xã Sơn Tây phát hành năm 2022) 6. Website: https://sontay.hanoi.gov.vn/chi-tiet-tim-kiem/-/view_content/864837- net-van-hoa-dac-trung-xu-doai.html 116


Like this book? You can publish your book online for free in a few minutes!
Create your own flipbook