Người trai Hà Nội ham đá bóng, Tốt nghiệp Khoa tiếng Trung Quốc Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội năm 1967 không ngờ lại có ngày trở thành dịch giả. Anh chỉ là người học khá, ra trường lại dạy tiếng Trung Quốc cho sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc, rồi sau chuyển sang dạy Cổ văn. Các thế hệ sinh viên từng bái phục một thầy giáo trẻ mà có khả năng đọc nguyên bản Chiếu dời đô, Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô đại cáo không một thoáng ngập ngừng hay vấp váp. Đặc biệt là những kiến giải sâu sắc và mới lạ của thầy. Nhưng hành trang cho công việc dịch thuật Hán Nôm thì quá mỏng, nếu không nói là chẳng có gì. Thật ra, anh có theo học một lớp Hán – Nôm của Viện Văn học. Nhưng nhu cầu dạy học của khoa Văn đã khiến người thầy giáo trẻ bỏ lớp nửa chừng, ngược tàu lên Việt Bắc. Năm 1975 được chuyển về Viện Hán Nôm. Nhận nhiệm vụ mới, ông giáo Trung Văn kiêm tí Cổ Văn chưa hề biết nguyên tắc viết đài, kiêng huý, chấm câu. Nhìn vào văn bản cổ cứ như nhìn vào bức vách. Nản quá, thầy giáo trẻ đã định xin chuyển về trường Đại học Văn hoá để tiếp tục nghề giáo. Ý định không thành. Thế là đành bắt đầu “vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay”. Các cụ túc Nho Lê Duy Chưởng, Nguyễn Hữu Chế, Nguyễn Văn Lãng không tiếc công sức giảng giải cho người học trò có chí, thông minh, hiếu học. Đích thân Viện trưởng Nguyễn Đổng Chi khích lệ, động viên, kèm cặp và giao việc. Cuốn “Thơ văn Nguyễn Trãi” (Nxb Văn học 1980) là thành quả đầu tiên của anh. Mặc dù chỉ góp phần khiêm tốn trong công trình đó, nhưng anh đã khẳng định được năng lực của mình. Điều cơ bản nhất là trong quá trình làm việc, anh đã tự học hỏi, tự trang bị những gì cần thiết để có thể đi xa. Năm tháng lặng lẽ trôi qua, kiến thức và kinh nghiệm giúp cho những bản dịch của anh ngày càng hoàn thiện. Như có duyên nợ với nhà Phật, anh quen biết với nhà sư Thích Thanh Quyết. Thầy Quyết đã tiến cử anh với Thượng toạ Thích Thanh Ninh, người phụ trách Trung tâm tư liệu Phật học Việt Nam. Với kinh nghiệm dịch thuật, sự thông tuệ và có thể là do làm những việc “chí thiện”, anh nhanh chóng trở thành người “thỉnh kinh”, cộng tác chặt chẽ với Trung tâm tư liệu và phân viện Phật học Hà Nội. “Từ điển Phật học Hán- Việt”. “Lịch sử Phật giáo thế giới tập 2”, “Truyện ngụ ngôn nhà Phật” là kết quả của mối duyên lớn đó. Điều đáng nói là nhờ dịch sách Phật, dịch giả Mai Xuân Hải có điều kiện để làm rõ những tồn nghi trong văn thơ cổ. Chẳng hạn câu thơ: Thiên nhẫn tằng loan cổ hoá thành Các cụ dịch là Trong dãy núi cao ngàn nhẫn ở Hoá thành thời xưa Đây là bài thơ nói về núi Long Đội, sao lại nói Hoá thành? Nghi vấn, nhưng phải đợi đến khi đọc kinh Pháp Hoa, phẩm Hoá thành dụ, anh mới rõ hoá thành là chỉ ngôi chùa. Câu thơ đó vì thế phải dịch: Trên đỉnh núi cao ngàn nhẫn có ngôi chùa cổ Còn có thể kể ra đây khá nhiều ví dụ tương tự nữa. 101
Trong các bản dịch, Mai Xuân Hải có đóng góp nhiều về mảng dịch thơ. Bạn đọc hẳn còn nhớ bộ Tây Du Kí nổi tiếng trong bản dịch của Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Như Sơn. Phần lớn các bài thơ là do anh dịch. Những câu thơ được dịch trang nhã, giàu thi vị cổ: Thấm thoát đời người tựa bóng câu Kiếp người bọt nước khác gì đâu Sớm còn thắm đỏ đôi gò má Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu Hoặc đây nữa, những câu thơ dịch từ thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông: Nước triều lên giải sóng mênh mông Chót vót non xưa cắm giữa dòng Cổ thụ lờ mờ nhô trước vách Hoa đồng nhộn nhịp nở quanh song Bây giờ ngoài công việc dịch thuật và nghiên cứu, anh còn làm công tác quản lí. Chức vụ nhỏ thôi. Trưởng phòng nghiên cứu ứng dụng của Viện Hán Nôm thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia. Những chuyện lớn như dịch văn bia, gia phả, thần phả, sắc phong, câu đối, hoành phi đến những chuyện thường nhật như xem ngày cưới, làm nhà, hướng nhà, hướng cổng... đều là công việc của phòng. Bận rộn, nhưng người trưởng phòng vẫn dành nhiều tâm huyết cho thơ văn, cho sách Phật. Những bạn bè theo nghiệp Hán Nôm như Nguyễn Tá Nhí, Ngô Đức Thọ, Ngô Thế Long, Đỗ Thị Hảo,... cộng tác và làm việc rất hiệu quả với anh. Nói đến Mai Xuân Hải, bạn bè không chỉ nghĩ đến những đóng góp về việc phiên dịch, khảo cứu, chú giải sách Hán Nôm, trên hết và trước hết đó là sự mến yêu, khâm phục một tấm gương tự học, tự vươn lên để thành đạt trong công việc. Từ một thầy giáo ngoại ngữ trở thành một dịch giả Hán Nôm với trên một chục đầu sách và hàng ngàn trang dịch, thầy Mai Xuân Hải đã làm việc thật cần mẫn, siêng năng. Ham muốn lớn nhất của thầy là dịch thật nhiều những bản dịch hay. Khu nhà của người dịch Hán Nôm người người đua nhau lên tầng thấp, tầng cao. Nhưng nhà của trưởng phòng vẫn là ngôi nhà cổ của gia đình với nhiều cây và hoa trong mảnh vườn nhỏ xíu. Đêm đêm trong hương ngâu, hương nhài, hương bưởi, người dịch lại lặng lẽ “cảo thơm lần giở trước đèn” thành kính đưa các bậc tiền nhân trở về với cuộc sống hiện tại đầy sôi động. 102
Chử Thu Hằng Họ tên khai sinh: Chử Thu Hằng Năm sinh: 1957 Quê quán: Thanh Trì, Hà Nội Tác phẩm Khoảng trời hoa nắng (thơ), 2011 Hồn phố (tản văn), 2011 Cõi riêng (thơ), 2012 Nhớ một thuở Viêng Chăn (bút kí), 2012 Lạc mình trong phố (thơ) 2016 Những mùa phố gieo tôi (thơ), 2018 Sau những trang thơ (phê bình thơ), 2018 CHỬ THU HẰNG KHÁT VỌNG “HÃY CHO TÔI LÀ CHÍNH TÔI” Thời kinh tế thị trường với biết bao nhiêu thang bậc giá trị bị đảo lộn. Có những điều thiêng liêng hoá bình thường, thậm chí tầm thường. Có những điều tầm thường bỗng được đề cao, được tung hô ầm ĩ. Ngay cả thơ ca cũng vậy. Thơ từng được coi là viên ngọc long lanh dưới ánh mặt trời, được coi là ngôi đền thiêng liêng. Thơ là sản phẩm của con tim chắt lọc, là mật ngọt dâng đời. Nhà thơ từng được coi là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, là kĩ sư tâm hồn. Nhưng thơ viết nhiều quá, thơ in nhiều quá cũng góp phần làm giảm giá thơ đi. Thậm chí có nhà văn còn lên giọng cao ngạo miệt thị những người làm thơ. Có câu đùa nhưng cũng cho thấy người ta ngại thơ, ớn thơ, né thơ: Gặp nhau tay bắt mặt mừng Tặng gì cũng nhận, xin đừng... tặng thơ! 103
Ấy thế mà, có một người phụ nữ khi đã không còn trẻ mới bắt đầu công bố tập thơ đầu, nhưng thơ ca với người ấy là câu chuyện nghiêm túc, là một điều thiêng liêng. Không lớn tiếng tuyên ngôn, tuyên bố, nhưng rất đàng hoàng, công khai nói những điều chân thành từ đáy lòng mình. Với ai đó, thơ chỉ là trò chơi ngôn từ, là một cách xả stress, một cách để trút lẩm cẩm, ngẩn ngơ lúc trà dư tửu hậu. Với Chử Thu Hằng, dù khi bắt đầu tập viết cho đến khi in ba tập riêng, bao giờ thơ cũng là rất quan trọng. Thơ được nâng niu như là một niềm hạnh phúc của cuộc đời: Hạnh phúc biết bao được có mặt trên đời Để lãng đãng cùng thơ, để thăng hoa cùng nhạc Thư gửi Elise Cố nhiên, không phải lúc nào cũng đắm đuối thơ. Là một người hay suy tư, ngẫm ngợi, hay cật vấn, không khỏi có lúc người viết chợt thấy hoang mang và nghi ngờ: Thơ? Ừ thơ. Lại vẫn thơ? Câu ru mộng ảo, câu hờ hững bay Cười hoa khóc gió than mây Cúi nhìn mặt đất: còn đầy nỗi đau Thơ mà chi Ích gì đâu Vô đề Ý nghĩ ấy là có thật. Sự chân tình ấy cũng là... rất thật. Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Thơ là bạn tâm tình gần gũi, tin cậy nhất. Thơ là phương tiện để gửi gắm, để mộng mơ, để sẻ chia, trước hết là sẻ chia với chính mình, sau là với người đồng điệu, đồng tình: Một thời khát sống khát yêu Câu thơ giấu bao tiếc nuối Mơ thành sự thực bao nhiêu? Mùa cúc hoạ mi trên phố Mượn thơ mà trút nỗi niềm Có không, tri kỉ tri âm? Thơ là thế giới trong trẻo của tâm hồn, nơi bảo tồn, lưu giữ những bâng khuâng, những dại khờ, những bâng quơ, những chuyện đẩu chuyện đâu,... là nơi cất giữ những 104
thanh cao của các giá trị tinh thần, là chốn linh thiêng mà mỗi người thơ chân chính cần phải có: Thế gian ô trọc cũng nhiều Vẹn nguyên thơ - biết bao điều thanh cao [... ] Ngôi đền thơ mãi lung linh Thiêng liêng trong trái tim mình Thơ ơi! Với thơ Phố Hàng Buồm, trụ sở của Hội Nhà văn Hà Nội được nhà thơ nữ coi như nơi “Toạ lạc lâu đài của Nàng Thơ diễm lệ”. Và ở đó, thơ bay lên xanh búp bàng xanh và bầu trời mùa Xuân thật rộng. Đó chính là sự ngợi ca dành cho thơ ca: Từ bụi lầm, từ cuộc sống cần lao Thơ căng buồm bay lên, bời bời khát vọng [... ] Qua cuộc bon chen, thanh tao còn lại Ngự giữa trái tim ta Nàng Thơ tươi trẻ mãi Trong trẻo yêu tin Thiêng liêng Và ấm áp tình người... Viết ở phố Hàng Buồm Người đọc tin những tình cảm mà tác giả dành cho thơ. Ba tập thơ “Khoảng trời hoa nắng” (2011), “Cõi riêng” (2012) và “Lạc mình trong phố” (2016) là kết quả của một tâm hồn “trong trẻo yêu tin” dành cho chính mình và cho mọi người, những ai còn trân trọng, mến yêu thơ. Làm thơ, ấy là sống thêm một đời sống khác. Làm thơ ấy là tự bộc lộ và cũng là tự khám phá chính mình. Cuộc đời không hề ưu ái người làm thơ chỉ suốt ngày mộng với mơ. Nhà thơ Xuân Diệu từ lâu đã viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhà thơ nữ của chúng ta biết rất rõ điều đó. Chị đã từng sống rất tỉnh táo: Văn chương thơ phú cất kho “Đói thì đầu gối phải bò”. Tha phương Dấu xưa Và không khỏi xót xa âm thầm vì tuổi trẻ qua nhanh với những vất vả mưu sinh cơm áo gạo tiền: Lặng thầm qua một kiếp người Mưu sinh cơm áo chôn vùi tuổi xuân 105
Nhớ Tâm hồn thơ ấy đã không chịu lặng thầm qua một kiếp người tẻ nhạt. Bão tố cảm xúc đã âm thầm tích góp và đã đến khi bùng lên mạnh mẽ: Tích bão từ những bâng quơ Từ sâu thăm thẳm đợi chờ khát khao Bão Và khi viết thơ là khi nhà thơ không ngừng nghĩ suy, tìm hiểu, khám phá chính mình. Một người yêu đời, sống hết mình, sống trách nhiệm nên mới hay băn khoăn, trăn trở. Sẽ không ngạc nhiên khi có nhiều câu hỏi. Câu hỏi nhan đề của bài thơ: “Có ai cần gọi đến ta?”; “Có không, tri kỉ tri âm?”; “Còn ai thương hoa tiếc ngọc?”. Và rất nhiều những câu hỏi trong thơ: Tôi tìm chẳng biết tìm chi Tìm hoài ảo vọng, còn gì cho tôi? Tìm Ngập ngừng cầm bút vẽ mình Vẽ chi? Vẽ dáng vẽ hình, vẽ tâm Tôi là Sức mọn tài hèn, cuộc đời bao la thế Ta đứng ở góc nào Giống ếch đáy giếng không? Nhớ mẹ Lòng rỗng Lấp gì đầy trống vắng? Rỗng Còn lại những gì sau tất cả? Ta nhỏ nhoi. Mờ mịt luân hồi [... ] Sống sao đây cho trọn vẹn kiếp người? Bên cây dã hương ngàn tuổi Vâng! “Sống sao đây cho trọn vẹn kiếp người” là một câu hỏi lớn. Những người tử tế bao giờ cũng không chỉ sống cho riêng mình, mà còn sống cho mọi người. “Trọn vẹn kiếp người” là một đòi hỏi, một yêu cầu cao. Nhưng lẽ nào chúng ta lại không hướng tới? Điều nổi trội trong ba tập thơ đã in của Chử Thu Hằng đó là sự chân thành. Chân thành nói những băn khoăn. Chân thành nói những khát khao, mong ước. Chân thành sẻ chia những gì thầm kín trong “cõi riêng” của mình. Không phải là khóc mướn thương vay. Cũng không phải là cường điệu lên thái quá. Bạn đọc tin vào những giãi bày: 106
Thương mình... như chưa kịp sống Thương mình... như chẳng được yêu Xuân hạ thu đông thấm thoắt Thời gian... như chẳng còn nhiều Mùa cúc hoạ mi trên phố Và tin vào những băn khoăn khi nhà thơ làm mới lại mình: Còn kịp không? Em tập khóc tập cười Tập mềm mại đong đưa, tập dại khờ nông nổi Chẳng còn nhiều thời gian, em đang rất vội Làm mới lại mình. Em tập nói chữ “yêu”! Yêu Và thật là trẻ trung, hóm hỉnh, tinh nghịch khi có một anh chàng tự dưng ăn vạ bắt đền, nhà thơ đã trả lời: Hay là đền lúm đồng tiền Mắt dao cau nguýt ngả nghiêng đất trời Đền trong veo tiếng em cười Câu thơ đa nghĩa bắt người ngẩn ngơ Đền chi cho đủ bây giờ Bắt đền Một số người đánh giá thơ của Chử Thu Hằng là thơ “hồi xuân”. Tôi thì nghĩ rằng khát vọng sống, khát vọng yêu và sẻ chia, giãi bày của nhà thơ vẹn nguyên trong tâm hồn thanh xuân nên mới mẻ, mạnh mẽ, tươi tắn và giàu nữ tính đến vậy. Chỉ có những người trẻ mới giàu cảm xúc, mới nhiều bất chợt khát khao: Chợt nghe rưng rưng muốn khóc Chợt thèm được nhớ, được mơ Được đau tan hồn rã xác Còn hơn vô cảm hững hờ Bão II Chỉ có những tâm hồn trẻ trung mới thấy: Náo nức mùa xuân náo nức em! Lộng lẫy mùa xuân, lộng lẫy em! Phơi phới mùa xuân, phơi phới em! Yêu quá mùa xuân, yêu quá em! Xuân em 107
Có thể hiểu đây là nhà thơ nữ nhập vai một anh chàng si tình để viết về em (tương tự như trong bài “Quà tặng”). Nhưng tôi vẫn muốn hiểu rằng đây là tác giả tự xưng ở ngôi thứ nhất. Có căn cứ ngôn từ hẳn hoi chứ không phải suy luận vu vơ. Này nhé: Chuốt mi cong, tô môi hồng thắm lại/ Chúm chím soi gương ngỡ mình đang con gái. Rồi nữa: Ríu rít a lô rủ nhau đi hội/ Bạn gần bạn xa quên mình thêm tuổi. Có yêu mình thì mới yêu mọi người được. Đây cũng là bằng chứng của sự chân thành. Khát khao được là chính mình cũng là một khát khao đáng tôn trọng và ủng hộ. Dẫu rằng biết bao nhiêu ràng buộc, níu kéo trong cuộc đời phức tạp khiến cho con người thật khó mà thực hiện. Đập ngày bình yên tẻ nhạt Bay lên như cánh chim trời Chỉ có một lần được sống Hãy cho tôi là chính tôi Bão II Làm thơ cũng là một hoạt động để cho Chử Thu Hằng được sống chính là mình. Đã có 10 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà báo về thơ của Chử Thu Hằng gồm Trần Thị Trâm, Nguyễn Hoàng Đức, Vũ Bình Lục, Bùi Kim Anh, Bùi Hải Đăng, Vân Long, Nguyễn Sỹ Châu, Vũ Thiên Kiều, Lại Quang Phục, Bùi Thanh (trong tập “Lạc mình trong phố”). Tôi vẫn muốn thêm một bài viết để khẳng định thành công của một tác giả nữ có thành tựu và ấn tượng, dù chị mới chỉ khiêm tốn công bố ba tập thơ đã viết. 108
Hoàng Việt Hằng Họ và tên khai sinh: Hoàng Thị Hằng Ngày sinh: 29 tháng 12 năm 1953 Quê quán: Vân Hồ, Hà Nội Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Tác phẩm Thơ Những dấu lặng (1990) Tự tay nhóm lửa (1996) Chuông vọng (2000) Một mình khâu những lặng im (2005) Vệt trăng và cánh cửa (2008) Văn xuôi Những lời chưa nói hết (1987) Ngón nhẫn xinh xinh (1988) Dấu chấm than viết ngược (2007) Một bàn tay thì đầy (tiểu thuyết, 2010) Giải thưởng Giải A Hội Nhà văn Hà Nội, tập truyện ngắn “Những lời chưa nói hết”. Giải B Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập thơ “Những dấu lặng”. Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, tập thơ “Tự tay nhóm lửa” và tập thơ “Một mình khoả những lặng im”. Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho tập thơ “Vệt trăng và cánh cửa”. 109
HOÀNG VIỆT HẰNG - NHÀ THƠ CỦA NHỮNG PHẬN NGƯỜI LAM LŨ Không rõ có phải là một người phụ nữ đa cảm, nhiều khổ đau, bất hạnh và lầm lụi mà thơ Hoàng Việt Hằng rất hay nói về những phận người cô đơn, lam lũ? Những người ấy bao giờ cũng là con người bé nhỏ khiêm nhường. Họ thường khuất lấp trong những con ngõ nghèo thành phố, trong góc khuất tam quan một ngôi chùa, trong một túp lều liêu xiêu vách núi, một túp lều chăn vịt ngoài đồng, một khe sâu ven rừng... Trong tấm lòng và ngòi bút đồng cảm của Hoàng Việt Hằng, họ hiện ra rưng rưng như một niềm day dứt, như một đối sánh để mọi người suy ngẫm về phận người, về khổ đau, hạnh phúc. Những phận người bé mọn ấy làm những việc bình thường, có thể là những việc chẳng mấy quan trọng, chẳng mấy vẻ vang nhưng cần thiết trong đời sống. Một người trong số họ: Có một ông già làm nghề liệm xác Ông lặng lẽ nghe nhiều tiếng khóc Khi vuốt mắt cho người già ở tuổi hai năm mươi Khi bế ẵm đứa trẻ chỉ vài ba tháng tuổi Những người ông gặp chẳng trối trăng gì Ông sống một mình với chai rượu trắng Day dứt Một loạt người trong số họ, những người già ven biển một đời làm lụng không biết nghỉ ngơi: Người già cả vẫn còn dọn dẹp Bàn tay gầy phơi cá đuối cá chim Mắt những con chim biển Họ là con người cụ thể gần gũi với nhà thơ, là cậu Nghẹo, nguyên cái tên cũng đã đượm dặt dẹo, buồn phiền, còn cuộc đời thì cô đơn với rượu, với buồn: Một mình một rượu tái tê nỗi buồn Chiều chiều xin chị mấy đồng Cơm rau thì ít rượu suông thì nhiều Thơ viết cho cậu Nghẹo Họ là một phụ nữ khuyết tật, nghèo trong ngõ phố với ước mơ đau đáu không phải cho mình: ... bà Tư gù bán riêu cua bánh đúc Chỉ ước mơ con vào đại học nấu ăn Ngõ xuân 110
Họ còn là người đạp xích lô vô danh, nhà hoạ sĩ nghèo nhưng không chịu bán tranh, là mẹ Trần, là chị Thứ ở lều chăn vịt, là người đàn bà goá trong khe sâu, là chị Seo Mây địu con chơi vơi ở Mũi Lèng, chị Klung Lang trong chập chiều quét lá... Họ là người đàn bà Tày nghèo trong phiên Chợ Rã ngày mưa mà Nguyễn Thị Lan đã bình thật cảm động, coi như bài thơ viết “vì người nghèo” (Duyên mùa thu, tập tiểu luận phê bình, Nxb Hội Nhà văn, 2006): Bát phở và giỏ ngô Vừa ăn chan nước mưa Tôi ăn chan nước mắt Đi Chợ Rã Bắc Kạn Rượu nếp ngô rã chưa Mà lòng thì nức nở Áo mế già chưa khô? Đi Chợ Rã Họ còn không phải ai xa lạ mà chính là tác giả, một nhà báo, nhà thơ nhưng không khác người nữ nông phu: ... lữ thứ tha phương Đi viết nuôi con Như người mẹ đi nương Rắc ngô và rắc lúa Ta cày trên cánh đồng chữ Dốc Cun Hoàng Việt Hằng là người ham đi, ham viết, như người nông dân ham làm lụng. Chị chỉ ước trời cho khoẻ mạnh để có thể đi khắp nơi, có thể viết mãi về những người lam lũ - những người khác nghiệp nghề, nhưng cùng hội cùng thuyền thân phận. Viết về họ cũng như là nhu cầu đôi khi viết về chính mình. Hướng ngoại nhưng cũng là hướng nội. Hướng nội cũng lại là hướng ngoại. Vì con người nhỏ bé và lầm lũi là con người không xa lạ, không phải tìm. Có khi chẳng phải vượt ngàn cây số mà chỉ cần nhìn vào cuộc đời mình, viết về cuộc đời mình cũng đã là viết về họ. Người phụ nữ làm thơ đã phải gánh nỗi buồn duyên phận, đã coi mình như là một người vất vả và khổ đau tột bậc: Tôi sống cuộc đời vất vả Có đau khổ lớn hơn cả đau khổ Những dấu lặng 111
Chị đã dũng cảm biết bao khi yêu người lính từ mặt trận trở về, bệnh tật “Bước qua lời nguyền con chồng/ Bước qua gièm pha, thị phi... (Cánh cửa). Vì yêu anh, vì giữ gìn mầm sống cho anh mà chị trở thành một bà Tú Xương thời đại mới: Bao năm Em thân cò lặn lội để chăm anh và con đủ ấm đủ no Chỉ ước đủ thôi Mà tóc em bạc phơ Dấu chấm than viết ngược Khổ đau như là số phận, như là định mệnh đã buộc cuộc đời chị với cuộc đời một người lính - nhà văn “như dấu chấm than viết ngược” lặng lẽ viết những trang bản thảo ố vàng... Và vì thế chăng, vì những nỗi nhọc nhằn, lo nghĩ khác mà thiếu nữ tóc xanh thành thiếu phụ bạc đầu. Tóc bạc là hình ảnh hơn một lần ám ảnh trong thơ chị: Em khâu tóc trắng thay lời Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau Con chồng, vợ cũ đồng sâu Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng Một mình khâu những lặng im Thơ Hoàng Việt Hằng khiến người đọc nhìn vào cuộc mưu sinh đầy khó khăn gian khổ, thấy những những phận người lầm lũi, những gắng gỏi, an nhiên của họ để biết rằng cuộc sống của mình là hạnh phúc, cần phải quý trọng, nâng niu... Hoàng Việt Hằng là người thành phố, nhưng chị lại chọn cho mình, cho lối sống và cách viết của mình hướng nhà quê: Bạn từ tỉnh lị học làm người thành phố Tôi người thành phố học làm nhà quê Đối thoại Không phải là chị không yêu thành phố, không muốn và không thể viết về thành phố. Chị đã có những bài thơ như: Ngõ xuân, Cây sưa đỏ, Bên Hồ Gươm, Hồ Bảy Mẫu, Nhà mười chín Hàng Buồm... viết về thành phố. Nhà quê ở đây là biểu tượng của sự chân chất, vất vả và khổ nghèo. Những người nông dân thời nào cũng là những người khổ nhất. Ngay cả viết về thành phố thì chị cũng chọn khía cạnh nhà quê của nó. Chẳng hạn khi viết 112
về hoa. Chị chọn hoa cải ven sông Hồng của thành phố, thứ hoa của rau chẳng bao giờ đem cắm vào bình, nhưng vẫn rực rỡ vẻ riêng: Hoa cải vàng Rực rỡ Hoa cải vàng Nở bên nước sông trong Hoa cải mùa đông Phải chăng vì hướng đến những người lam lũ mà thơ Hoàng Việt Hằng thường nhạy bén chạm vào những góc khuất, những bất thường của cảnh vật làm bật ra những trăn trở, băn khoăn, day dứt. Cát Bà, hòn đảo du lịch nổi tiếng với cát vàng, biển xanh, với rừng quốc gia, với các khách sạn, nhà hàng... sang trọng, nhưng nhà thơ chỉ chú ý đến những người gánh củi, các đảo bé và những ngôi nhà đất thó: Những người gánh củi lẫn mây rập rờn Cát Bà lắm đảo con con Nhiều nhà đất thó vẫn còn liêu xiêu Một ngày Để ý đến khách sạn năm sao là để ý để so sánh khi ngủ một đêm trong cái lều vịt của chị Thứ về giá cả: Ở khách sạn năm sao Giá phòng trọ một đêm bằng thu nhập gần hai tấn lúa của chị Thứ ở túp lều chăn vịt Rồi ngậm ngùi: Đồng đô la và đồng tiền lẻ Không thể tính cho giấc ngủ sâu của một đại gia và của dân thường Tính Dọc miền Trung, nơi những cơn bão tàn phá, chị nhói lòng bởi những chiếc dây phơi bất bình thường: Đến dây phơi cũng phải phơi sào Cây sào trong nhà thay tủ áo Những dây phơi Nhạy cảm với những vất vả, lam lũ, nghèo khó của những phận người, nên Hoàng Việt Hằng có vệt thơ riêng. Cánh cửa thơ chị hướng về một thế giới những người cần lao, những phận người lặng lẽ, bền bỉ cuộc đời lương thiện. 113
Nguyễn Hiếu Họ và tên khai sinh: Nguyễn Văn Hiếu. Sinh ngày 15 tháng 10 năm 1948. Quê quán: Phùng Khoang, Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp năm 1970. Công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Giải phóng, hệ VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam. Tác phẩm Tiểu thuyết: Quá cảnh, 1988; Bụi đường, 1989; Chuyện tình người điên, 1990; Chân trời vỡ đôi, 1990; Người đàn bà quỷ ám, 1990; Em ở đâu, 1991; Vầng trăng hững hờ, 1991; Những mảnh trần gian, 1992; Trái tim nhiều màu, 1993; Tôi bán mình, 1993; Lặng lẽ cuối cùng, 1996; Vết xoáy trước ngực làng, 1988; Dòng sông máu vẫn chảy, 1996; Bốn bước đến chân trời, 1996; Biển toàn là nước, 2000; Con ngố 2007; Tình nhân 2009... Truyện ngắn: Chuyện cái vòi nước,1984; Cười dành cho tất cả, 1991; Bóng ảnh cuộc đời, 1994; Trưởng thôn xử án, 2001; Người đàn bà trở về, 2002; Trên mặt đất lại có người, 2009; Làng êm ả bên sông (in chung 2000;... Nguyễn Hiếu còn viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện cho thiếu nhi. Giải thưởng Giải thơ của Bộ Nội thương và Hội Nhà văn Việt Nam (1973), của Bộ Giáo dục do Thuỵ Điển tài trợ (1991) Giải truyện ngắn: Giải Ba của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1988), Giải Ba đề tài Nông thôn của báo Văn nghệ (1996). Giải tiểu thuyết: Giải Nhất cho tiểu thuyết Bụi đường (1990) Đồng Giải Nhất trong cuộc thi tiểu thuyết của TP. Hồ Chí Minh, tiểu thuyết “Tôi bán mình” (1992). Ngoài ra còn có giải thưởng cuộc thi truyện vừa, thi kịch bản, giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. NGUYỄN HIẾU - CHÀNG LỰC ĐIỀN TRÊN CÁNH ĐỒNG VĂN XUÔI (Cảm nhận tập truyện ngắn thứ 10 “Những mùa ngâu của Nguyễn Hiếu) Văn xuôi của Nguyễn Hiếu ở đây chỉ giới hạn trong 10 tập truyện ngắn và 25 tập tiểu thuyết, chưa tính đến những kịch bản sân khấu, kịch bản phim và truyện viết cho thiếu nhi. Có một vốn sống để viết khoẻ, in nhiều như thế, Nguyễn Hiếu cho bạn đọc hai ấn tượng nổi bật về mình. Thứ nhất, đó là một vốn sống và trải nghiệm vô cùng phong phú, dồi dào. Thứ hai là một sức viết ghê gớm mà bạn viết không ngại phong cho Nguyễn 114
Hiếu danh hiệu “lực sĩ”. Tôi thì muốn gọi tên dân dã, giản dị là “chàng lực điền trên cánh đồng văn xuôi”. Gọi như thế vì thấy rằng nhà văn này sinh ở làng Chèm, và cái làng ấy đã thành làng Chiện trong văn phẩm của anh. Những nhân vật mà anh thông thuộc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc là những nhân vật của làng. Lão Cu, cô Liễu, anh Tuệ, anh Dũng, ông Lẫm... trong các tiểu thuyết, truyện ngắn trước đây. Và gọi như thế, cũng là muốn liên hệ đến gốc gác làng của nhà văn từng bắt cua, mót lúa. Mười ba truyện ngắn trong tập thứ mười của Nguyễn Hiếu, người đọc vẫn có thể gặp những câu chuyện xoay quanh làng Chiện, với những nhân vật như lão Phỗng, lão Phềnh (Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi), Lão Mạc (Mớ đời nhà lão Mạc), Thống Tèo, Vịnh thịt chó, Tư Tít (Rồi có lúc ai đó làm vua), Ly, Lan (Cặp nhân tình đất), chị Lam, anh Lũi Phong Lai (Thủa ấy người ta yêu nhau lắm). Tuy nhiên, tác giả không chỉ giới hạn trong không gian làng Chiện. Người đọc có thể đến một thành phố cao nguyên (Chỗ nào thành phố cũng có hoa), trở lại bến phà miền Trung thời đánh Mĩ (Đêm cuối cùng bên sông), gặp một vị quan toà trong toà án thành phố (Chuyện ông Thẩm phán mặt vuông chữ điền), tiếp xúc với nhóm phụ nữ bán bún chả, thịt chó, phở gà, nem chạo trong cuộc đánh ghen tập thể (Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương), gặp gỡ với nhân vật trung uý Thịnh trong đội hình sự, một người bắt phạm nhân lại bị tra tay vào còng số tám vì “vô tình đánh chết nghi phạm” (Giống chó xoáy Phú Quốc). Cũng có thể bất chợt xem “tập Văn nghệ” của cặp vợ chồng nhà nọ với hai diễn viên khác là cô osin và chú Điền (Đơn côi). Hoặc chứng kiến tình cảnh dở khóc dở cười của nhân vật khi yêu đương, hẹn hò qua mạng (Tình yêu FB facebook). Có nghĩa là nhà văn đã mở rộng đề tài, đề cập đến nhiều không gian, nhiều mẫu người trong thời buổi kinh tế thị trường, lắm nhiễu nhương, nhiều đảo lộn. Có một điều dễ nhận thấy là có hai truyện ngắn, Nguyễn Hiếu viết dưới dạng ghi chép của nhân vật. Đó là “Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương” và “Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi”. Thật ra, đây chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mà thôi. Mặc dù trong ghi chép thứ nhất, Nguyễn Hiếu có xen vào lời của tác giả (đầu và cuối truyện), lại thêm cả lời bình của Y Trang nữa cho rằng “ghi chép rất gần với thể loại kí của báo chí vì vậy dễ đọc mà cũng dễ quên”. Tôi cho rằng nhận xét của Y Trang cần bàn lại, và nếu truyện “dễ đọc, dễ quên” thì sao có thể coi là truyện thành công? Nếu không có lời bàn và không có lời tác giả (LTG) thì những ghi chép của cô bán bún chả vẫn cứ là truyện ngắn sinh động như thường. Ngôn ngữ “chợ búa” của cô bún chả nói về việc thêm gia vị cho đỡ chán “Con dở hơi kia, cứ ngẫm mà suy ra. Trên đời này cái gì để đỡ chán, đỡ lộ cái dở, cái ươn ra đều phải thêm gia vị hết. Mày cứ xem trên tivi đấy. Trước cuộc họp nghiêm trang đến đâu chả có tí hát hò, nhảy nhót. Bún, rồi chả cứ trần cù xì chấm nước mắm thì có ma nó ăn. Phải có dấm, ớt, tỏi vào” là thứ ngôn ngữ đặc biệt. Rồi cô quan sát các vị khách nói việc “tranh ghế” trong cơ quan và âm mưu “hạ bệ” tay có ô dù chúa tham... Nhân vật cô bán bún chả là một nhân vật độc đáo của Nguyễn Hiếu để lại ấn tượng mạnh. Mặc dù vậy, tôi coi thú nhận “Càng đọc, càng thấy cô bún 115
chả viết hay hơn ối nhà văn trong đó có cả tôi” cũng là một cách thức để Nguyễn Hiếu thuyết phục rằng cô bún chả kia có thực trong đời. Còn truyện “Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi” thì “ghi chép” có vai trò khiêm tốn hơn. Về dung lượng nó chỉ gần một nửa số trang truyện ngắn. Về nội dung, nó chỉ là một phần trong bốn phần: Đám tang, Cuộc gặp, Ghi chép, Gặp lại Phềnh bàn bạc. Bởi thế mà nhan đề “ghi chép” và cả nội dung nữa, chỉ là một thủ pháp nghệ thuật để các truyện ngắn của Nguyễn Hiếu không đơn điệu mà thôi. Không phải điều đó làm cho truyện ngắn Nguyễn Hiếu gần với thể kí, lại còn là kí báo chí (hàm ý ít tính văn chương). Một thay đổi khác của Nguyễn Hiếu là nếu trước đây, truyện ngắn của tác giả thường sử dụng yếu tố giả tưởng và trào tiếu như một thủ pháp nghệ thuật căn bản (Nguyễn Văn Tùng: Truyện ngắn Nguyễn Hiếu - những nét đặc sắc, trong tập Nguyễn Hiếu – Văn, Nxb Hà Nội) thì ở tập truyện mới này, chỉ có một truyện sử dụng yếu tố giả tưởng là “Cặp nhân tình đất” và một truyện khác “Vật quý ở quanh ta” viết theo giọng cổ tích. Tác giả đã đi thẳng vào những vấn đề bức xúc của đời sống và việc tha hoá đạo đức với những con người bình thường hoặc kì cục, nhưng là người có thật trong cuộc đời chứ không phải thông qua các nhân vật truyện giả tưởng như Thần báo mộng, Ruồi có thể ăn được, Loài gián, Bóng ảnh của đời, Tuỳ hứng... Chúng ta sẽ gặp vị thẩm phán trước vụ trọng án mà người bạn thân đã chạy đủ các cửa, đã lo lót công phu. Tưởng là con tì hưu quý giá trị giá hàng tỉ và tình bạn cố tri sẽ làm cho ông thẩm phán làm lệch cán cân công lí. Nhưng không phải thế. Kết thúc truyện có phần đột ngột nhưng hợp lí. Về kiểu dẫn dắt bạn đọc và kết thúc đột ngột ngoài dự đoán có thể thấy trong truyện “Rồi có lúc ai đó làm vua”. Tư Tít đề xuất chuyện rước vua sống, tài trợ toàn bộ kinh phí cho việc này, nhưng ông ta khôn ngoan viện lí do để không là người đầu tiên làm vua sống. Thống Tèo thầy cúng làm vua đầu tiên mắt mũi lem nhem, bị rơi vương miện làm trò cười cho cả làng. Vua Vịnh thịt chó khá hơn Thống Tèo, nhưng lại bị con bé ôsin bế con ra nhận bố reo to: “Cu, cu... con thấy không. Bố con làm vua kia kìa. Oai không cu?”. Cứ nghĩ rằng Tư Tít tính toán, rút kinh nghiệm cẩn thận thì cuộc rước vua lần thứ ba sẽ thành công mĩ mãn. Nhưng thật bất ngờ là với tính toán kĩ lưỡng, cẩn thận của kẻ khôn ngoan như Tư Tít, vẫn không tránh khỏi... trục trặc còn tồi tệ hơn cả hai lần trước... Kiệu vua bị ném chất thải, lính khiêng kiệu vấp ngã, vua lăn xuống đường, khắp nơi bốc lên mùi xú uế... Hầu hết các nhân vật trong tập truyện ngắn này là những người không có địa vị cao, nhưng đều có một cái gì đó “bất bình thường”. Lão Phỗng hoạn lợn, nhiều con rơi vãi (Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi). Lão Mạc ganh ghét mọi người thành ra một kẻ độc ác đến con gái cũng không chịu nổi phải gào lên: “Bố là đồ độc ác. Tôi ghét bố. Ghét nhất bố” (Mớ đời nhà lão Mạc). Ông Tư ô tô mỗi lần ghé nhà lại tòi ra một đứa con. Ba Thú lấy em gái vợ ông Tư ô tô thì “con chính thức... sáu đứa, con rơi vãi xấp xấp chừng đó”. Ba Thú “có tiếng là gã đàn ông bất chấp tất cả để trở thành kẻ sát gái có hạng vùng đó” (Chỗ nào thành phố cũng có hoa). Anh chàng Lũi xấu giai, chả biết hát hỏng gì nhưng lại có chân trong đội cải lương, chủ yếu làm chân “vác tre bắc rạp”, may 116
mà được cho đóng vai Phong Lai “không phải hát nửa câu, chỉ hò hét là chính” (Thủa ấy người ta yêu nhau lắm). Cô bán bún chả có máu văn chương thì nói đặc thứ ngôn ngữ chợ búa chao chát nhưng thực lòng thương bạn, thương chồng (Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương). Cái sự bất bình thường ấy làm cho nhân vật có hồn vía riêng không lẫn vào những người bình thường vô danh vốn quá đông đảo trong đời sống. Trong các truyện ngắn mới của Nguyễn Hiếu, giọng điệu châm biếm, giễu nhại, phê phán gần như là quán xuyến trong hầu hết các truyện. Nhà văn châm biếm thói háo danh, cố in thành sách những thơ phú của người làng qua đoạn đối thoại giữa Phềnh và nhân vật “tôi”: - Tức là chú định in tập này cho anh chú chứ gì? - Hị hị. Ông anh đúng là sáng dạ. Chứ còn gì nữa. Tiền nong không thành vấn đề. Cốt là nó in ra được. - Nhưng để tôi phải xem nó thế nào đã chứ. - Hị hị. Ùi. Anh là nhà văn. Có gì anh sửa cho anh em. Nếu thấy còn mỏng thì anh viết thêm vào, rồi đề tên anh em. Tất nhiên em không để anh thiệt đâu. - Nhưng dứt khoát phải in à? - Vâng. Cái này em học thằng Tản. Nó bảo người nổi tiếng đến đâu mà không có sách vở để lại thì lâu lâu người ta cũng quên đi, thế cho nên... (Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi). Còn đây là lời bàn về nội tình cơ quan của mấy tay công chức ăn bún chả: “Hạ bệ nó chứ”? Thằng ria rậm “Còn sao nữa? Thằng ấy chúa tham, nó mà lên trưởng phòng thì bao nhiêu dự án nó ăn sạch. Nuốt không hết lại dúi cho con em nó bên tài vụ”. Thằng chân lòng khòng giơ cao cọng tía tô lên như soi rồi thủng thẳng: “Tôi sợ nó có ô là ông bí thư”. “Ô cũng chơi, thời dân chủ rồi, cứ móc thật mạnh vụ nó khai khống mấy tờ công lệnh”. “Xin ông, dân chủ con khỉ. Trên đã quyết thì giời thay đổi”. (Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương). Những chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”, chuyện “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, chuyện chạy án, chuyện hư hỏng chỉ vì muốn làm nghệ thuật, chuyện bày trò rước xách, chuyện lủng củng, cãi cọ nhau chỉ vì tiền được phản ánh với thái độ phê phán mạnh mẽ. Nhưng không chỉ có thế, Nguyễn Hiếu vẫn tìm thấy những con người, việc làm tốt để ca ngợi và khẳng định. Đó là ông thẩm phán, là gia đình nghi phạm Hoàng Vĩnh Danh (Chuyện ông Thẩm phán mặt vuông chữ điền), đó là con bé Mai (Mớ đời nhà lão Mạc), là chị Lam, anh Quân (Thủa ấy người ta yêu nhau lắm), là cô Chả, sau đổi thành Sen (Thành phố chỗ nào cũng có hoa). Truyện ngắn của Nguyễn Hiếu khá dài, thường ngổn ngang chi tiết, nhiều nhân vật và nhiều tình huống đan cài. Có người vì thế mà nhận xét rằng văn Nguyễn Hiếu xô bồ, ôm đồm, nhiều lời, bê nguyên xi những gì từ cuộc đời vào tác phẩm. Tôi không nghĩ như vậy. 117
Đúng là có một số chỗ rườm rà, hơi hơi “cà kê dê ngỗng”, nhưng cái tạng của Nguyễn Hiếu là thế. Anh muốn đem hết những gì mình chứng kiến (đã nhiều), mình biết nhờ đọc (lại càng nhiều) vào tác phẩm. Như tác giả từng bộc bạch về chí nguyện của mình: “sẽ kể lại một cách trung thành nhất về xã hội này”. Nguyễn Hiếu không chỉ kể, mà anh còn tả, còn phân tích, còn dựng lại cuộc đời trong tác phẩm. Nhờ có cái duyên ấy, mà những chuyện sở trường liên quan đến làng anh viết sinh động, cuốn hút. Ngay cả những mô tip đã thành nhàm như chuyện chàng lái xe và cô bán hàng bên sông thời đánh Mĩ trong “Đêm cuối cùng bên sông”, Nguyễn Hiếu vẫn có cách riêng để truyện của mình thuyết phục bạn đọc. Nói cho công bằng, có lẽ tại viết nhiều, viết khoẻ, như là một người đẻ quá nhiều cho nên Nguyễn Hiếu không có thời gian để chăm chút cho những đứa con. Thôi thì những đoạn rườm rà không cắt gọt có làm cho truyện bị tãi, bị lỏng lẻo một chút, cũng chẳng sao. Điều gây ức chế cho người đọc là những lỗi chính tả không đáng có. Rồi thì một số câu văn ra ngoài chuẩn mực văn chương. Nhân vật thì đầu truyện là “con đĩ Liệu”, cuối truyện là con Liễu (Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương). Đầu truyện có cô Hanh xăm lông mày vợ trung uý Thịnh, đến cuối truyện lại thành ra cô Hải (Giống chó xoáy Phú Quốc). Vợ của lão Mạc vì là “Giống đàn bà không đẻ, không thay máu sẽ teo tóp dần. Cô Đào đỏm đắn, trơn lông đỏ da ngày nào giờ thành bà Mạc thẳng đuỗn như cá rô đực”. Thế nhưng con bé Mai tòi ra từ cô Đào sau nửa năm uống lá lẩu thì sao? (Mớ đời nhà lão Mạc). Rồi chuyện cô Oản hàng xóm của lão Phỗng thọt chân, mà nhanh, nhảy tách đến ngay cạnh Phỗng thì cứ cho là được đi. Nhưng “ngoắt người một cái đã nhảy tách qua hàng rào khúc tần về bên nhà mình” thì hoạ chăng đó là người vận động viên nhảy cao, quyết không thể là cú nhảy của người đàn bà thọt. Những vụn vặt như thế ít nhiều ảnh hưởng đến cảm tình của người đọc. Thiết nghĩ với vốn sống và vốn trải nghiệm ngồn ngộn, phong phú như thế, nếu chăm chút hơn về văn chương, Nguyễn Hiếu sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa. Nhưng điều này không đơn giản với Nguyễn Hiếu, vì cây bút đa năng này có vẻ như không đủ thời gian. 118
Tô Hoài (1920 – 2014) Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen sinh ngày 07 - 9 - 1920 tại làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức - tỉnh Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy - Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công. Ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trung, Duy Phương, Mắt Biển, Hồng Hoa, Vũ Đột Kích,... Quê quán: xã Kim An - huyện Thanh Oai - tỉnh Hà Tây. Đến với con đường nghệ thuật từ cuối những năm ba mươi cho đến nay, Tô Hoài đã sáng tác được một số lượng tác phẩm đồ sộ (hơn một trăm năm mươi đầu sách) ở nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, vào năm 1996 ông được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông mất tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội. Các tác phẩm tiêu biểu Dế Mèn phiêu lưu kí (1941), Quê người (1941), O chuột (1942), Cỏ dại (1944), Nhà nghèo (1944), Truyện Tây Bắc (1953), Mười năm (1957), Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959), Miền Tây (1967), Nhật kí vùng cao (1969), Quê nhà (1969), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Đảo hoang, Chuyện cũ Hà Nội (1980), Cát bụi chân ai (1992), Chiều chiều (2000), Ba người khác (2006)... Giải thưởng Giải Nhất tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam cho “Truyện Tây Bắc”, 1956. Giải A của Hội Văn nghệ Hà Nội cho tiểu thuyết “Quê nhà”, 1970 Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi cho tiểu thuyết “Miền Tây”, 1970 Giải thưởng Thăng Long của UBND thành phố Hà Nội cho tập “Chuyện cũ Hà Nội”, 1996 Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt 1, 1996. TÔ HOÀI – CÂY ĐẠI THỤ VĂN HỌC THIẾU NHI Có những nhà văn giời phú cho nhiều tài năng cho nên ở lĩnh vực nào chúng ta cũng nhìn thấy họ sừng sững như một cây đại thụ. Tô Hoài là một nhà văn như thế. Trong thư mời viết tham luận của Ban tổ chức Hội thảo, chúng tôi thấy có 7 chủ đề: 1. Tô Hoài – văn và đời 2. Tô Hoài – nhà văn Hà Nội 3. Tô Hoài – nhà văn miền núi 4. Tô Hoài – nhà văn thiếu nhi 5. Tô Hoài – nhà văn tự truyện hồi kí 6. Tô Hoài – nhà văn du kí 119
7. Tô Hoài – nhà văn tiểu thuyết, truyện ngắn Ở lĩnh vực nào Tô Hoài cũng nổi bật, cũng thành công và để lại ấn tượng sâu sắc. Ngay cả về tuổi thọ và số lượng tác phẩm văn chương của ông thì Tô Hoài cũng đáng được xếp vào hạng siêu (Tô Hoài thọ 94 tuổi và có gần 180 tác phẩm được in). Bảy chủ đề trên, chúng tôi nghĩ Tô Hoài luôn luôn có vinh dự là một trong những nhà văn hàng đầu. Quả thật Nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014), một nhà văn lớn của văn học hiện đại Việt Nam, một gương mặt văn hoá tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội; thêm nữa, ông còn là nhà văn nổi trội ở các lĩnh vực miền núi, tự truyện hồi kí, du kí và tiểu thuyết, truyện ngắn. Nhà văn Nga Marian Tkachov đánh giá Tô Hoài là một trong những người viết văn xuôi hay nhất Việt Nam (Dẫn theo Truyện Đồng thoại Việt Nam. Tạp chí Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Việt Nam, số 1-2/ 2010, trang 274). Ở đây chúng tôi chỉ nói đến Tô Hoài với tư cách là cây đại thụ của văn học thiếu nhi. 1. Những tác phẩm viết cho thiếu nhi được đánh giá là kỉ lục Tô Hoài là một nhà văn viết đều, viết khoẻ. Trước cách mạng, ông viết như chạy thi “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng tháng Tám, 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chẳng có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khoẻ như vậy đấy”. (Tự truyện). Sau Cách mạng, Tô Hoài vẫn cần mẫn, đều đặn viết và in như thế. Đấy chính là sự say mê công việc, một cách làm việc chuyên nghiệp của người cầm bút. Hiện chưa có một thống kê chính xác nhà văn Tô Hoài viết và in bao nhiêu tác phẩm cho thiếu nhi, nhưng có thể thấy các truyện đồng thoại, các truyện cổ tích, các gương thiếu nhi là những đóng góp vô cùng quan trọng của Tô Hoài, khiến cho ông được dư luận tôn xưng là cây đại thụ văn học thiếu nhi. Những tác phẩm của Tô Hoài hay được nhắc đến gồm: Dế Mèn phiêu lưu kí, Võ sĩ bọ ngựa, Đám cưới Chuột, Chuột thành phố, Gã chuột bạch, O chuột, Mụ Ngan, Đực, Con gà ri, Đôi ri đá, Ngọn cờ lau,... Chim chích lạc rừng, Con mèo lười, Con chim gáy, Cá đi ăn thề, Ò ó o, Con le nghiện, Bồ nông, Kim Đồng, Vừ A Dính, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử... Theo thống kê của nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Vân Thanh, Tô Hoài khi “bước vào tuổi 75, đã có trên 50 tác phẩm cho mọi lứa tuổi thiếu nhi” (Bách khoa thư Văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 1, Nxb Từ điển Bách khoa, 2002, tr. 14). Như vậy số lượng đã nhiều, đủ loại đồng thoại, người thật việc thật, cổ tích, lại rải đều cho mọi lứa tuổi, chất lượng lại tốt. Điều đó ngay cả một nhà văn dành cả đời chuyên viết cho thiếu nhi cũng phải vị nể. 2. Đôi nét về ba loại tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài Như đã nói trên, tuy Tô Hoài viết nhiều cho thiếu nhi, nhưng tác phẩm của ông, tựu trung, có thể chia làm ba loại. Mà loại nào cũng có những thành công nổi trội. 120
a) Những truyện đồng thoại Những truyện đồng thoại về loài vật tiêu biểu như: Dế Mèn phiêu lưu kí, O chuột, Đám cưới chuột, Gã chuột bạch, Tuổi trẻ, Đôi ri đá, Một cuộc bể dâu, Mụ ngan, Đực, Chim chích lạc rừng... Qua các tác phẩm đó chúng ta thấy rằng nhà văn thường viết về cái tốt đẹp, khẳng định cái thiện trong cuộc sống, bày tỏ mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, bình yên trong xã hội, một cuộc sống tốt đẹp mang tính lí tưởng. Đồng thời ông cũng phê phán lối sống nhàm chán, ru rú một chỗ, hoặc kiêu căng, ngạo mạn, hoặc ù lì, an phận của những con vật khác. Thế giới loài vật trong tác phẩm của Tô Hoài thật phong phú và độc đáo. Thế giới đó được miêu tả thật sinh động nhờ sự quan sát tinh tế và chọn lọc chi tiết của nhà văn. Thế giới ấy gợi lên ở người đọc sự liên tưởng về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Có thể nói, từ trước cho đến khi Tô Hoài xuất hiện, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như Tô Hoài. Tác phẩm nổi tiếng nhất, thành công nhất, tiêu biểu nhất về mảng này chính là Dế Mèn phiêu lưu kí. b) Những truyện người thực việc thực Về đề tài này, Tô Hoài có hai tác phẩm tiêu biểu là Kim Đồng và Vừ A Dính, hai thiếu niên người dân tộc miền núi phía Bắc. Chính thời kì làm phóng viên báo Cứu Quốc, Tô Hoài đã viết báo ca ngợi hai tấm gương Kim Đồng và Vừ A Dính. Sau này có điều kiện tiếp xúc với mẹ và chị Kim Đồng; lên Pú Nhung, xuống bản Ban nơi Vừ A Dính bị bắn, nhà văn mới viết thành truyện. Với Kim Đồng, một thiếu niên người Nùng, tác giả dùng thể loại kịch phim để dựng lại hình ảnh người thiếu niên ham học, chăm làm vui tươi, và rất mưu trí trong công tác, dũng cảm hi sinh. Cùng với các bạn đi canh gác, học văn hoá, lấy củi, Kim Đồng đã thể hiện là một người có tinh thần tập thể và tính kỉ luật cao... Cái chết của Kim Đồng được tác giả miêu tả gây nhiều xúc động, cảm phục. Đối với Vừ A Dính, tác giả không trực tiếp miêu tả cuộc đời của nhân vật. Thông qua hồi ức của những người có điều kiện gần gũi, làm việc với nhân vật để khẳng định và nêu bật phẩm chất anh hùng của em. Biết không thoát được tay kẻ thù, Vừ A Dính đã đánh lừa địch, bắt chúng cáng em đi hết núi này sang núi khác tìm du kích. Không tìm được, bọn địch đã tức giận, treo Vừ A Dính lên cành đào và bắn chết em. Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Vân Thanh đánh giá: “Có thể nói Kim Đồng, Vừ A Dính là hình ảnh tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn của thiếu nhi Việt Nam trong cách mạng. Tô Hoài đã cố gắng thể hiện một số khía cạnh trong phẩm chất anh hùng ở các em. Cái chết của hai em ở cuối mỗi truyện cũng được Tô Hoài miêu tả với khá nhiều xúc động, không gây bi thảm, mà trái lại còn có khả năng gợi lên trong các em lòng căm thù đối với đế quốc, gợi cho các em suy nghĩ về trách nhiệm của mình phải làm gì để xứng đáng với bao nhiêu hi sinh của những người đi trước” (Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 1, đã dẫn, trang 246). c) Bộ ba truyện cổ tích viết lại 121
Đây là 3 tác phẩm khá dài hơi được viết từ cốt lõi là ba truyện cổ dân gian. Một cách tiếp cận khác của Tô Hoài nhằm giúp các em hiểu thêm về lịch sử và truyện cổ dân gian, hiểu thêm tổ tiên ta trong cuộc chinh phục thiên nhiên, đánh giặc giữ nước. Đảo hoang (1980), Chuyện nỏ thần (1982), Nhà Chử (1985). Bộ ba tiểu thuyết này nhằm dựng lại đời sống của người Việt cải tạo thiên nhiên hoang dã, chống giặc ngoại xâm, mong muốn sống một đời sống ấm áp tình người. Tôi có may mắn năm 1980 - 1984 sang Nga và được đọc bài phê bình của Marian Tkachov viết về cuốn Đảo hoang được dịch ra tiếng Nga. Tôi đã dịch và gửi về đăng ở báo Văn nghệ. Tôi chỉ nhớ là nhà văn Nga đã rất khen văn của Tô Hoài, khen sự lao động công phu để viết về ý chí và nghị lực của người Việt cải tạo thiên nhiên. Về Chuyện nỏ thần, nhà văn Văn Hồng đánh giá: “Theo tôi nghĩ, gần 250 trang sách, cả một cuộc “trường chinh”, tác giả đã như một người làm xiếc, như một diễn viên lão luyện luôn giữ được thăng bằng, thì đến vài trang cuối, người diễn viên ấy đã vứt cả dây bảo hiểm, bất chấp cả luật thăng bằng mà bay vút lên. Càng đẹp chứ sao! Cái hư đã hoàn toàn thoát cái thực để trở nên thực hơn – thực với lịch sử và thực với suy tư của người đọc hôm nay” (Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 1, đã dẫn, trang 265). Ba truyện này Tô Hoài đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu lịch sử, phục dựng lại đời sống của tổ tiên ta chinh phục, cải tạo thiên nhiên và chống giặc giữ nước. 3. Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí là một kiệt tác cho thiếu nhi và mọi lứa tuổi Phải nói công bằng rằng trước khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài thì tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài đã được các nhà văn nước ngoài tự phát dịch và giới thiệu, quảng bá ở nước họ. Hiếm có một nhà văn Việt Nam nào, mà ngay từ tác phẩm đầu tay đã thành danh và nổi tiếng như nhà văn Tô Hoài. “Dế Mèn phiêu lưu kí” được ông viết từ năm 17 tuổi, đã dịch ra 37 thứ tiếng và vẫn không ngừng được tái bản hàng năm ở trong nước và trên thế giới. Chưa có một bảng thống kê chi tiết những ngôn ngữ (thứ tiếng) nào, nhưng chắc chắn những thứ tiếng khá phổ biến như Anh, Pháp, Nga, Đức, Hán, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn,... đều dịch ghi chép cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn Việt Nam. Đó cũng là một kỉ lục mà không phải nhà văn nào ở xứ ta cũng có được. Điều đó cũng nói lên sức cuốn hút của kiệt tác Dế Mèn phiêu lưu kí. Điều độc đáo, đặc sắc nhất của tác phẩm là nhà văn đã viết rất nhanh (Tôi viết “Con Dế Mèn” chả lâu tí nào, viết bằng mực tím chỉ 1 - 2 tối là xong, còn “Dế Mèn phiêu lưu kí” thì chỉ mất 3 - 4 đêm. Có lẽ vì tôi thuộc con Dế Mèn quá, thuộc thực tế, cả thực tế xã hội nữa. Cứ thế là in thôi, không phải chỉnh sửa tí nào hết- Theo Khánh Linh, 17 tuổi với cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn, Báo Công an Nhân dân). Nhà văn viết về những con vật quen thuộc gần gũi bằng một sức tưởng tượng phi thường, một lối quan sát tinh tế, và với một mong muốn tiến bộ về thế giới hoà bình, muôn loài đều là anh em. Về sức tưởng tượng phi thường, nhà văn Nga Marian Tkachov đã đánh giá: “Hẳn là cái thế giới to lớn ấy, nơi Mèn đi chu du bao năm, thì có lẽ tôi cùng các bạn chỉ dạo bước một ngày là hết. Cái thế giới ấy chỉ là ven làng Nghĩa Đô. Bằng sức mạnh tưởng tượng của 122
mình, nhà văn đã cải biến nó để tạo ra bao nhiêu vương quốc với những điều kiện thiên nhiên khác nhau, các chế độ quốc gia khác nhau và những cư dân khác nhau” (Tạp chí Văn học nước ngoài, đã dẫn). Thế giới các con vật trong Dế Mèn với những tính cách khác nhau quả là một xã hội loài người thu nhỏ. Ông anh Dế Mèn tính tình bảo thủ, cổ hủ, không dám đi xa. Dế Choắt ốm yếu, gầy gò, nhút nhát. Dế Mèn, Dế Trũi như anh em kết nghĩa gắn bó, hăng hái, sẵn lòng mạo hiểm, sẵn sàng hi sinh vì bạn, vì nghĩa lớn. Chị Cốc bực mình, bắt nạt kẻ yếu dám trêu ghẹo. Ông Xiến Tóc trầm lặng, vừa yêu đời lại vừa chán đời. Bọ Ngựa hách dịch, kiêu căng, ngạo mạn. Cóc huênh hoang, dở hơi. Ếch Cốm Đại Vương thông thái rởm, Bà Kiến Chúa tháo vát, lanh lợi, nghiêm nghị đường hoàng,... Người đọc nhiều nước đều thú vị về sự quan sát và miêu tả sinh động những cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn Việt Nam. Hơn thế nữa, cái lí tưởng mà Dế Mèn theo đuổi thật tiến bộ và cao cả: Đó là lí tưởng HOÀ BÌNH. Trải qua các cuộc phiêu lưu, những sự hiểu nhầm, Dế Mèn, cùng Dế Trũi và các bạn đã đi đến lòng tin rằng chiến tranh chỉ mang đến cái chết, bất hạnh và đau khổ. Với sứ mệnh Hoà Bình, hoà hợp, chúng đã đi khắp thế gian, đã kêu gọi đoàn kết và đã đạt được thắng lợi. Lí tưởng nhân đạo ấy, đến bây giờ vẫn còn biết bao ý nghĩa khi mà nhân loại vẫn còn chiến tranh, khi mà việc sản xuất bom nguyên tử chưa bị thay thế hoàn toàn bằng việc sản xuất bánh ga tô cho trẻ em như mong muốn trong thông điệp của nhà văn Yalia R.Rô-đa-ri với cuốn sách “Giữa trời chiếc bánh ga tô”. Một điểm kỉ lục khác cũng cần ghi cho tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Ấy là tác phẩm này luôn luôn đồng hành với các thế hệ học sinh Việt Nam. Khi còn là một chú bé đi học trường làng, tôi đã thích thú với đoạn trích “đấu võ” giữa Dế Trũi, Dế Mèn với Bọ Ngựa. Sau nhiều lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa, chương trình Ngữ văn mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 05/ 5/ 2006, Dế Mèn phiêu lưu kí vẫn có mặt. Và sách giáo khoa Trung học cơ sở thì ngoài đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” dành cho phân môn Văn, còn có các đoạn trích làm ngữ liệu cho môn Tiếng Việt và văn liệu cho phân môn Tập làm văn, đặc biệt là văn miêu tả. Có thể nói tóm lại, đối với truyện thiếu nhi cũng như truyện cho người lớn, Tô Hoài đã sử dụng tài năng quan sát, khả năng miêu tả chi tiết, tinh tế, huy động mọi vốn hiểu biết trực tiếp và gián tiếp và bằng một lối văn trong sáng, giàu hình ảnh, những từ ngữ chính xác, ông đã chinh phục các bạn đọc nhỏ tuổi và cả những người lớn tuổi. Ông xứng đáng được tôn vinh là cây đại thụ văn học thiếu nhi của Việt Nam. 123
Phạm Khải Họ và tên khai sinh: Phạm Quang Khải. Sinh năm 1968. Nguyên quán: Ninh Sở, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội) Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từng công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, báo An ninh Thế giới, báo Văn nghệ Công an. Tác phẩm Cánh chuồn tuổi thơ (tập thơ), 1991; Giấc mơ ban ngày (tập thơ), 1992 Người gặp trong ngày, thơ đọc trong đêm (phê bình, chân dung), 1992 Sự sống thật (bình thơ), 1992; Thành phố đời mình (bình thơ), 1993 Cho mai này con lớn (bình thơ), 1996; Chuyện tình của những người nổi tiếng, 2000. Bình thơ cho học sinh tiểu học, 2004; Kể chuyện bút danh nhà văn (chung với Lê Hữu Tỉnh), 2007; Những vụ án và sự cố bi hài (bút kí - phóng sự), 2013; Người về từ chân trời cũ (kí chân dung). 2013; Quyền phản biện không của riêng ai (tập chính luận), 2013; Thời tốc độ và tâm lí sáng tạo (tiểu luận – phê bình), 2013; Mỗi nhà văn một chuyện lạ. 2014; Thuận chưa hẳn đã lợi (chuyên đề), 2014; Bài học nhớ đời (tản văn). 2014; Một người đâu phải nhân gian (thời luận, tản văn), 2016; Thêm một lần biển gọi (Thời luận - tản văn), 2016; Thời sự làng văn mười năm đầu thế kỉ (kí sự - phỏng vấn), 2016; Giới cầm bút, chuyện thật như đùa (chuyên đề), 2017; Giai thoại và đời thực (chuyên đề), 2017;Trang sách mạch đời (Phê bình, đối thoại văn học), 2017. Giải thưởng Giải Nhì báo chí Bộ Công an, 2009 - 2010. Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô , 2013 - 2014 Tặng thưởng loại B của Hội đồng lí luận phê bình VHNT Trung ương, 2014 Giải C báo chí quốc gia, 2014; Giải Nhì báo chí Bộ Công an 2013 - 2015. Giải thưởng Lí luận phê bình Hội Nhà văn Hà Nội, 2018. MỘT CÁCH LÀM MỚI PHÊ BÌNH (Đọc “Trang sách, mạch đời”, Nxb Văn học, 2017 của Phạm Khải) Đây là tập sách có phụ đề “phê bình đối thoại văn học”, nghĩa là ít nhất so với các tập sách của đồng nghiệp chuyên về “phê bình” thì Phạm Khải đã có thêm phần “đối thoại” là một phần khác biệt. Trong tinh thần tôn trọng bạn đọc và bạn văn hiện nay, “đối thoại” giúp cho nhìn đối tượng phê bình từ nhiều chiều, nhiều góc độ, làm cho việc tiếp nhận văn chương giảm tính chất áp đặt một chiều và tăng thêm tính dân chủ, khách quan. Tôi đoán rằng tác giả Phạm Khải không ngẫu nhiên mà chọn tên cho tập sách là “Trang sách mạch đời”. Ngoài ý tưởng về sự gắn bó hữu cơ, khăng khít giữa sách vở với đời sống, hẳn còn có những điều khác nữa. Ít nhất là khi phê bình, thẩm định, người viết không chỉ 124
thuần căn cứ vào sách (dù điều này là quan trọng nhất!) mà còn căn cứ vào những điều ngoài sách. Ấy là căn cứ vào đời sống. Ngoài chuyện đánh giá tập sách được phê bình của người viết phê bình, còn có thêm điều trao đổi lại với tác giả, Không chỉ thế, còn có các ý kiến đánh giá của những bạn văn, những nhà nghiên cứu, nhà phê bình khác nữa. Rõ ràng, nhiều kênh, nhiều chiều như thế, cốt làm cho việc thẩm định đạt được tính khách quan, thuyết phục bạn đọc và thuyết phục ngay chính tác giả có sách được thẩm bình. Mười chín bài viết trong tập có 6 bài viết năm 2008 và 13 bài viết năm 2007. Tất cả đều công bố trên báo Văn nghệ Công an nơi Phạm Khải công tác. Tác giả hoàn toàn có thể căn cứ vào ngày tháng công bố cuối bài để sắp xếp các bài theo trình tự thời gian. Như vậy, bạn đọc có thể thấy được sự “nối tiếp” và mạch “phát triển” của ngòi bút. Nhưng có lẽ làm như thế sẽ làm cho cuốn sách đơn điệu chăng? Vả lại ngày tháng đã ghi rõ dưới mỗi bài, vì thế mà việc “xáo trộn” chính là để tạo ra sự hài hoà giữa phê bình văn xuôi với phê bình thơ, phê bình thơ dịch với phê bình phê bình, phê bình tác phẩm với phê bình tác giả... Cũng là một cách để thay đổi “khẩu vị” cho những bạn đọc khó tính! Phạm Khải là một cây bút đa năng. Anh làm thơ, viết bình thơ, viết kí chân dung, viết kí sự - phỏng vấn, viết tiểu luận - phê bình văn học, viết tản văn, viết sách chuyên đề,... Những kinh nghiệm làm nghề văn, nghề báo đã được tác giả huy động tối đa và kết hợp nhuần nhuyễn trong tập sách “Trang sách, mạch đời”. Các bài viết đều nhất quán ở chỗ bên cạnh phần nhận định, đánh giá thận trọng, chừng mực và khách quan của nhà phê bình Phạm Khải, bao giờ cũng có phần tham gia của chính tác giả, của những người bạn tác giả, hay những nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lí am hiểu công việc văn chương, sách vở. Tuy nhiên, ngay trong sự nhất quán này, Phạm Khải cũng có cách tiếp cận uyển chuyển, biến hoá nhằm tránh đơn điệu. Có nhiều bài chỉ phỏng vấn tác giả. Có bài thì phỏng vấn người làm bộ sách kèm một nhà nghiên cứu (70 năm đồng hành cùng thời đại); bài khác thì phỏng vấn một nhà thơ trưởng ban biên tập báo và một Đại tá trưởng ban biên tập của Nxb (Cuộc du hành từ văn tới sử). Một bài khác nữa thì chỉ ghi lại ý kiến đánh giá của nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà báo (Mạnh hơn lí thuyết). Bài khác nữa thì vừa phỏng vấn (nêu câu hỏi) vừa ghi lại ý kiến đánh giá (Ngòi bút phê bình thấu tình đạt lí)... Tất nhiên, chất lượng của tập sách chủ yếu là phụ thuộc vào những đánh giá, phê bình, nhận định của chính người viết. Những phần phỏng vấn, ghi chép (dù có rất sắc sảo và cung cấp thêm thông tin) cũng chỉ là góp phần “khắc hoạ” hoặc bổ sung thêm, làm cho bài viết thêm tư liệu, thêm thuyết phục mà thôi. Như đã nói ở trên, Phạm Khải vừa làm thơ, vừa viết bình thơ, lại viết phê bình, tiểu luận. Tác giả vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Đó là một thuận lợi lớn để làm phê bình. Là người trong cuộc, anh hiểu rõ những vất vả, khó khăn của người làm văn chương. Bởi vậy mà khi viết về các tác phẩm khác nhau của đồng nghiệp, thái độ của Phạm Khải là một thái độ trân trọng. Có tác giả là người nổi tiếng, rất nổi tiếng, nhưng cũng có tác giả chỉ nổi tiếng vừa phải. Có tác giả được đề cập đến ở khía cạnh không phải là trội nhất hay mạnh nhất. Nhưng Phạm Khải đều tiếp cận một cách công bằng, thận trọng, chi tiết. 125
Chính điều đó làm cho các tác giả được đề cập cảm thấy hài lòng; không thể và không nỡ “bẻ”... Đọc khá nhiều những bài viết của Phạm Khải trước đây, có thể thấy rõ là Phạm Khải đọc rất kĩ những gì anh động bút. Phạm Khải đã từng tranh luận thẳng thắn và góp ý cho những bậc đàn anh khá thuyết phục khi bám chắc vào văn bản và đọc kĩ văn bản. Ở tập phê bình này cũng vậy. Không thể chỉ đọc lướt mà có thể viết ra đoạn văn như thế này về văn tuỳ bút của Đỗ Chu: “Có thể nói, “tạng cảm xúc” của Đỗ Chu cũng rất hợp với thể tài tuỳ bút, tản văn. Nó vừa trữ tình lại vừa hóm hỉnh. Giọng kể của tác giả sắc mà vẫn ngọt, có chỗ lem lém, cả cười nhưng cũng lắm chỗ trạnh buồn, chua chát. Nó như con người tác giả rất hoạt khẩu, kết hợp được nhuần nhị cả chất văn lẫn chất báo” (trang 9). Hoặc đánh giá vì sao nhà thơ Tạ Hữu Yên đi nhiều, viết khoẻ, có số bài thơ được phổ nhạc kỉ lục, nhưng “chưa có vị trí thật nổi trội”, Phạm Khải phân tích: “Ông có cách nhìn đời ấm áp đôn hậu mà thiếu những quan sát sắc cạnh có thể nâng lên thành những triết lí độc đáo, có tầm khái quát. Giọng thơ ông nghiêng về thủ thỉ, tâm tình nên cũng ít tạo nên những cuốn lốc bất ngờ gây náo nức tâm hồn người đọc. Ông nhạy cảm tinh tế trong phát hiện về sự chuyển đổi tâm lí, cảm xúc của mình trước những sự kiện lớn lao của dân tộc nhưng lại không nhiều những giây phút lắng nghe cảm xúc của mình khi đối mặt với biến chuyển đời thường”. Không đọc kĩ thơ của Tạ Hữu Yên, sao có thể có những nhận xét thấu tình đạt lí như thế. Một trong những ưu điểm của ngòi bút Phạm Khải trong tập sách là khi anh viết về mảng thơ mà anh vốn có làm thơ, bình thơ. Những nhận xét của anh tinh tế, chính xác và đem đến cho bạn đọc những cảm xúc thú vị. Ví như anh khen bản dịch của Trương Nam Hương (Không chỉ là “ngẫu dịch”). Khi anh nhận xét về bài “Trút” của Nguyễn Phan Hách khá thẳng thắn khiến nhà thơ đồng ý với “phát hiện”: “Trong bài “Trút”, ông nói ngoài đời ông “sống nghiêm”, còn bao nhiêu cái “dở dở điên điên” ông “trút vào sách vở”. Tôi thì tôi lại thấy, trong thơ, ông có cái hồn nhiên của một chú bé. Một chú bé thông minh, nghịch ngợm. Có lúc nào ông thấy như vậy và có ai đã nói với ông như vậy?” (trang 32). Hoặc để minh chứng cho nhận xét của mình về khả năng thẩm thơ chưa thật tinh và không phải là chỗ mạnh của một nhà phê bình gạo cội, anh dẫn ra một đoạn thơ và lời bình của ông rồi kết luận: “Với những câu thơ đầy ngậm ngùi, ăn năn hối lỗi này mà[... ] lại đọc ra là”Giọng thơ đay nghiến, chì chiết thậm chí ngoa ngoắt” thì chưa chính xác” (trang 64). Những câu thơ hay của Hoàng Nhuận Cầm được trích lại, kèm với đó là sự tỉnh táo trong đánh giá khách quan, sòng phẳng giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về tạng thơ của tác giả “Xúc xắc mùa thu”: “Thơ Hoàng Nhuận Cầm cứ đan xen như thế (mộng mơ và tinh nghịch, mơ màng cổ điển và tung tẩy phá cách, trang nghiêm và đùa cợt – VN chú). Bên cái mượt mà, thánh thót của piano, ta lại thỉnh thoảng giật mình bởi tiếng “thình thình trong đêm” của trống đệm, nghe có vẻ “khủng bố” quá” (tr. 169). Một ưu điểm khác của các bài viết trong tập là nhà văn, kiêm nhà báo Phạm Khải đã đưa ra những câu hỏi “trúng” vấn đề mà mọi người quan tâm. Ấy là những câu hỏi nhằm tìm hiểu thêm qúa trình thai nghén tác phẩm, những cảm xúc, suy nghĩ của tác giả; đồng thời là những đánh giá của người ngoài cuộc nhưng am hiểu văn chương. Không ít những 126
câu hỏi được tác giả đầu tư, kể cả những câu hỏi khó, đem đến những thông tin bất ngờ. Ví như những câu hỏi với nhà văn Đỗ Chu, với nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Chỉ lấy một ví dụ về việc hỏi nhà văn Hồng Diệu, ta có thể thấy Phạm Khải “khéo” và hóm như thế nào để vừa phê bình vừa không làm mếch lòng người đối thoại: “Xin được hỏi nhỏ. Ông từng có lần viết “Tôi rất lạ khi thấy một nhà thơ tinh tế, có ý thức trong việc chọn chữ, đặt câu như Xuân Diệu lại có chỗ sơ ý, rất sơ ý”. Đọc tập sách này, tôi cũng muốn thốt lên rằng: “Tôi rất lạ khi thấy một người cẩn thận, chính xác về số liệu như Hồng Diệu mà lại có chỗ sai đến độ nói rằng tập thơ “Nhật kí trong tù” của Bác Hồ được viết từ tháng 8 năm 1932 đến tháng 9 năm 1933” trong khi đúng ra phải là tháng 8 - 1942 đến tháng 9 - 1943. Hay đây là lỗi của nhà in?” (trang 32). Chắc là vì khuôn khổ của bài đăng báo không thể dài, nên một đôi bài, phần thẩm bình của người viết chưa được dày dặn lắm. Hoặc có chỗ đánh giá của người viết cũng chưa thật trúng. Ví dụ như về tập sách của ông Trường Chinh. Ông là nhà lí luận chứ không phải là nhà phê bình văn học. Coi ông là “ngòi bút phê bình thấu tình đạt lí” e có vẻ gượng. Phạm Khải bộc bạch: “Với một tác phẩm dù độ dày chỉ vài ba trăm trang thì một bài viết (phê bình) về nó, dẫu dài đến thế nào chăng nữa, cũng không thể ôm hết được tất cả những điều tác giả muốn nói. Cái chính là ta phải “nhấn” được một số nét đặc trưng của tác phẩm” (Cùng bạn đọc). Tôi nghĩ rằng anh đã làm được điều anh quan niệm trong 19 bài của tập “Trang sách mạch đời”. Còn bài viết này, chẳng rõ tôi đã “nhấn” được nét nào về cuốn sách của anh chưa. Điều đó thì bạn đọc sẽ đánh giá! 127
Ngô Ngọc Liễn Họ và tên khai sinh: Ngô Ngọc Liễn. Năm sinh: 1934. Quê quán: La Khê, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Tốt nghiệm Đại học Y khoa Hà Nội. Từng là Chủ nhiệm bộ môn, Chủ nhiệm khoa Tai - Mũi - Họng của trường. Tu nghiệp tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Là Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa đầu ngành Tai - Mũi - Họng. Tác phẩm Có hơn 20 cuốn sách y khoa. Trong đó đáng kể nhất là: Bệnh học Tai - Mũi - Họng hơn 500 trang; Từ điển thuật ngữ Tai - Mũi - Họng Anh Pháp Việt, hơn 1000 trang. Văn xuôi Thân thế và thơ văn Tiến sĩ Ngô Duy Viên, 2010; Mẫu Ỷ Lan (tiểu thuyết kịch sử), 2013. Đi tìm hồn Việt trong Thăng Long – Hà Nội, 2014; Đi tìm hồn Việt trong Hồ Tây, 2015. Đi tìm hồn Việt Hồ Gươm lịch sử và di tích, 2017; Lê Văn Thịnh - Vụ án: Thái sư hoá hổ (tiểu thuyết lịch sử), 2018, Các tập thơ Hà Nội đêm thu, 1997; Thu, 2004; Thoảng qua và suy ngẫm, 2006; Hồ Tây chiều thu, 2010; Hồ thu, 2016. Giới thiệu tiểu thuyết MẪU Ỷ LAN của Ngô Ngọc Liễn Lịch sử luôn đồng hành với mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền, dòng họ và mỗi con người. Nhân thức lịch sử để suy ngẫm quá khứ, sống cho hiện tại và hướng tới tương lai là một nhu cầu quan trọng trong đời sống. Tháng 12/ 2012, Hội đồng Lí luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “SÁNG TẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ”, có 22 tham luận bàn tới Sáng tạo văn học về đề tài Lịch sử. Các cuốn sách viết về Lịch sử tiếp tục xuất hiện: Trăm năm li hợp của Lê Khắc Hoan, Bắc Cung Hoàng hậu của Nguyễn Vũ Tiềm, Mẫu Ỷ Lan của Ngô Ngọc Liễn,... Kì sinh hoạt CLB tháng trước, chúng ta đã bàn đến cuốn sách Trăm năm li hợp (Lê Khắc gia phả kí) của tác giả Lê Khắc Hoan, một cuốn sử sinh động, hấp dẫn về dòng họ Lê Khắc. Kì này CLB lại tổ chức toạ đàm và giới thiệu cuốn MẪU Ỷ LAN, một cuốn tiểu thuyết Lịch sử được viết bởi một nhà khoa học tự nhiên, GS. TS.. y khoa Ngô Ngọc Liễn. Tôi đã đọc cuốn sách và xin nêu lên một số cảm nhận coi như đề dẫn. 1. Là nhà khoa học tự nhiên viết văn, tác giả đem sự tỉ mỉ, thận trọng và chắc chắn, tỉnh táo của người làm khoa học vào một lĩnh vực không quen là văn chương nghệ thuật. Nhưng một thuận lợi là tác giả vốn say mê với lịch sử, trăn trở với số phận con người, nên 128
có thể nói là ông đã có những thành công đáng ghi nhận. Trước khi viết tiểu thuyết, tác giả đã dày công sưu tầm, đọc và suy ngẫm 20 đơn vị sách sử rất cơ bản, trong đó có những cuốn quý giá như 2 tập sách của học giả Hoàng Xuân Hãn về nhân vật Lý Thường Kiệt (Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao triều Lý, tập 1, 2, Nxb Sông Nhị, Hà Nội, 1949). Các chương được viết mạch lạc với tên chương ngắn gọn, phản ánh nội dung chính được triển khai. Mỗi chương, đều có trích tóm tắt chính sử (Chủ yếu là Đại Việt sử kí toàn thư) để bạn đọc có thể so sánh, đối chiếu. Chính sử thường ngắn gọn, súc tích, chỉ cốt ghi sự việc. Nhưng bằng trí tưởng tượng và niềm say mê văn chương, tác giả đã giúp người đọc hình dung ra không gian, tình cảm, tâm lí nhân vật đã làm cho câu chuyện có chất văn chương, giàu cảm xúc. Về cơ bản, có những chương, đoạn đọc khá hấp dẫn không chỉ bởi những chi tiết lịch sử mới mẻ mà còn bởi sự miêu tả, trình bày, phân tích của tác giả. 2. Tác giả đã suy nghĩ, nghiền ngẫm khá kĩ về nhân vật chính Ỷ Lan. Đây chính là một trong những nữ kiệt của lịch sử dân tộc. Một phụ nữ nông thôn thông minh, xinh đẹp, quyết đoán; đã hai lần nhiếp chính trong thời kì huy hoàng nhất của triều Lý: Bình Chiêm, phá Tống, đánh bại cuộc xâm lược của quân thù; bảo toàn được lãnh thổ quốc gia. Không những thế, Ỷ Lan còn có quyết sách đúng đắn là dựng Nho, hưng Phật, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Một sự kiện trong đời nhân vật không thể không đề cập là việc giết Hoàng hậu Thương Dương cùng với 72 cung nữ. Cũng vì thảm án kể trên mà các nhà chép sử khi xưa tỏ ra khá dè dặt khi đề cập đến Ỷ Lan, dù ghi nhận công lao của bà trong việc tạo dựng nên một nền văn hoá rực rỡ thời Lý. Cho đến tận thời hiện đại, các sử gia vẫn tranh cãi về tính chất của tội lỗi mà Ỷ Lan đã mắc phải. TS.. sử học Đinh Công Vỹ cho rằng, Nguyên phi Ỷ Lan không thể được dung thứ vì đã phạm tội giết người hàng loạt chỉ vì sự tham lam quyền lực, sự ích kỉ cá nhân đã giết chết mọi nhân tính. Một số nhà sử học khác thì biện hộ cho Ỷ Lan với lí lẽ rằng, trong nền chính trị cung đình thời xưa, những hành động thanh trừng như vậy là điều thường gặp. Trong khi đó, PGS. - TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam) lưu ý rằng dưới triều Lý có tục “tuẫn táng”, tức là khi vua, hoàng hậu hay thái hậu mất thì triều đình có thể chôn theo cung phi để hầu hạ ở thế giới bên kia. 72 cung phi của Dương thái hậu có thể đã phải chết vì nguyên cớ này”. (“Giải” ẩn số Ỷ Lan bức chết vợ vua, 72 cung nữ - Kienthuc.net.vn) Tác giả Ngô Ngọc Liễn trình bày sự kiện như một sai lầm có tính ngộ nhận, bực bội nhất thời và sám hối suốt đời của Ỷ Lan. Tác giả chú ý nhấn mạnh đến những nét độc lập về văn hoá của “Thời đại Ỷ Lan”. Đó là “Triều Lý không theo như quy định Trung Quốc, trong cung thất duy chỉ có một hoàng hậu mà vua có thể lấy vài vợ và đều phong là Hoàng hậu, ngay đức tiên đế Lý Thái Tông 129
cũng có ba hoàng hậu” (tr. 60), việc mở khoa thi Minh kinh bác học, xây dựng Văn miếu và Quốc Tử Giám, việc thờ Chu công và Khổng Tử cũng một nơi, nhưng không đặt tên là Không miếu, mà là Văn miếu... Việc đối đáp với các nhà sư và bài kệ của Ỷ Lan cho thấy nhân vật am hiểu đạo Phật. Tất cả đều cho thấy ý chí tự cường và độc lập của chúng ta. 3. Việc nghiên cứu sử sách, đi sâu khảo sát thực địa đã làm cho tác giả có cơ sở để xác định tên thật của nhân vật, làng quê của Ỷ Lan. Đây cũng là một đóng góp thiết thực của tác giả. Bản thân chúng tôi rất quý các bài báo phụ lục, những ảnh chụp của tác giả về làng Sủi (Thổ Lỗi), Dương Xá, chùa Đại Dương Sùng Phúc, võng kiệu ở đình Yên Thái, đền thờ Thái giám Nguyễn Bông. Điều đó thể hiện sự ngưỡng mộ nhân vật và thái độ làm việc khoa học, thận trọng, tỉ mỉ của tác giả. 4. Bằng con mắt của một nhà khoa học tác giả cũng đã lí giải hiện tượng “mang thai tâm linh”, hiện tượng hoàng tử “hoá thú” khi mọc lông, la hét. Đặc biệt là tác giả đã “minh oan” cho Thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ đạt đầu tiên của khoa thi Minh kinh bác học, thầy dạy của vua, bị vu oan “hoá hổ” hãm hại vua. Đặt vấn đề các thế lực hoàng gia bị mất đặc quyền, đặc lợi khi Lê Văn Thịnh thực hiện dựng Nho hưng Phật, Ỷ Lan đã sáng suốt khuyên Vua không giết thái sư mà chỉ lưu đày, thể hiện ân đức cao sâu của nhà Vua. Thái sư Lê Văn Thịnh trong vở chèo của nhà viết kịch Tào Mạt khác hẳn với một số nhà sử học và nhân dân vùng quê Lê Văn Thịnh đánh giá về ông. Đây cũng là một cách góp phần làm sáng tỏ lịch sử. 5. Thật là khó khăn khi phải hình dung, mô tả các nhân vật sống cách chúng ta hàng ngàn năm mà không có căn cứ chính xác về trang phục, ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ cung đình. Thêm nữa các nhân vật vừa theo đạo Phật lại vừa dựng đạo Nho, ngôn ngữ của nhà chùa, của nhà nho, của vị Nguyên phi vừa biết chữ nho, vừa sùng Phật với các nhân vật khác như vua, quan, tướng lĩnh,... Tất cả đều được tác giả vượt qua. Tuy nhiên không khỏi có những chỗ khiến người đọc phân vân. Ví dụ, chiếu phế truất Thương Dương Thái hậu (tr. 139); hoặc câu thơ nổi tiếng về ngô đồng (tr. 258); hoặc bản dịch bài Cáo tật thị chúng (bản dịch Ngô Văn Phú, trang 311); bản dịch Quốc tộ (tr. 316),... 6. Là nhà khoa học yêu lịch sử, mong muốn góp phần nhỏ vào việc lí giải lịch sử, giúp các bạn trẻ yêu mến lịch sử: Dân ta phải biết sử ta Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam Tôi nghĩ, tác giả đã thành công với cuốn sách của mình. Chí ít, ông đã bổ sung những hiểu biết về một nhân vật nữ kiệt trong Lịch sử dân tộc, người đã làm nên thời đại Ỷ Lan hùng cường của Đại Việt. 130
Chử Văn Long Tên khai sinh: Chử Văn Long Năm sinh: 1942 Quê quán: Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội Từng là Thanh niên xung phong, Biên tập viên và phóng viên báo Người Hà Nội. Tác phẩm Nguồn yêu thương (tập thơ), 1976 Tán bàng xanh góc phố (tập thơ), 1985 Lời ca từ đất (thơ hai tác giả), 1987 Bông hồng bỏ quên (tập thơ), 1991 Ru những trăm năm (tập thơ), 1997 Ngôi sao đã khóc (thơ), 2000 Người gánh rơm vào thành phố (thơ chọn), 2001 Niềm khao khát vĩnh hằng (tiểu luận thơ), 2003 Nghìn câu ca dao, 2004 Giải thưởng Giải Nhì, Giải Ba cuộc thi thơ về đề tài Lâm nghiệp 1964, 1967. Giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1982. Giải Nhì cuộc thi viết cho trẻ em do UNICEP và Uỷ ban Chăm sóc trẻ em Việt Nam tổ chức 1997. Tạm bợ Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà Có gian buồng không đủ mua cánh cửa Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng Để ghép nên cánh cửa Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền... Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ 131
Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi? 5/ 12/ 2002 Lời bình Khi lần đầu tiếp xúc bài thơ Tạm bợ trong dạng chép tay, không hiểu sao, tự nhiên, tôi nhớ ngay đến câu thơ của Trần Đăng Khoa viết hồi ở nước Nga: “Cái còn thì vẫn còn nguyên. Cái tan dù tưởng vững bền cũng tan... ”. Phải chăng vì những câu thơ này đều là triết lí về cái còn, cái mất. Bài Tạm bợ không nói trực tiếp về tan, không tan, nhưng nói về điều nghịch lí là cái tạm bợ thì còn, mà cái tưởng vĩnh cửu, vững bền thì mất. Và đau xót và đau đớn ở đây chính là ngày ngày, người viết đối mặt với cái chứng tích tạm bợ của một thời. Chử Văn Long là nhà thơ hay nói đến “những số phận nhỏ nhoi, khuất lấp, u buồn” (Lời tác giả trong Tuyển thơ văn chọn lọc Chử Văn Long) và nhà thơ không ít lần thốt ra cảm khái về sự ngắn ngủi của đời người, nhất là từ khi người vợ tảo tần thương mến của anh ra đi mãi mãi. Cuộc đời ngắn quá và buồn quá Như giấc mơ dài Tôi mới thấy đời người giống đời hoa quá ngắn Thương hoa Trong bài thơ này cái ngắn ngủi của đời người được so sánh với cái ngắn ngủi của sự tạm bợ, một sự so sánh rứt ra từ nỗi đau mất mát: Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ Tạm bợ ở đây có chứng tích hẳn hoi. Đó là một thời nghèo đói, túng bấn của chính nhà thơ, và đâu chỉ riêng anh. Căn buồng hạnh phúc nhưng không có cánh cửa. Nên cánh cửa đó được làm tạm bợ bằng những mảnh, những mẩu gỗ vụn chắp vá: Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng Để ghép nên cánh cửa Nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ, miếng nhỏ, miếng to, miếng lành, miếng khuyết, bằng tình yêu đằm thắm, anh đã ghép, đã làm nên tấm cửa buồng. Hệt như tinh thần của câu ca dao “... gian khó chẳng nề. Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Anh tự hứa coi đó là tạm bợ, sẽ thay bằng cánh cửa vững bền. Nhưng cái tạm bợ ấy mãi còn. Còn người vợ, người “gánh chịu” đớn đau thử thách của người chồng (người được ví như cây cột thu lôi, nhưng “Nơi dập sét cuối cùng lại là nơi tiếp đất”), người mà anh mãi mãi biết ơn, thương mến, cảm thông, tôn thờ... thì lại không còn nữa. 132
Ở đây có hai lần nhà thơ nhắc đến nỗi đau, gây hiệu quả nghệ thuật về nỗi đau chồng chất: Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ Đây là nỗi đau chung về kiếp người, khác nào Nguyễn Du xưa từng than: Đau đớn thay phận đàn bà. Và nỗi đau đớn riêng: Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi? Không phải là cánh cửa nhà tạm bợ, mà là cánh cửa buồng, cánh cửa mở vào nơi hạnh phúc riêng tư chồng vợ, những tưởng keo sơn vững bền mãi mãi trăm năm. Đau thấm thía tận cùng nỗi đau mất mát, Chử Văn Long đã neo vào trái tim bạn đọc một bài thơ giản dị mà ám ảnh. Không phải ngẫu nhiên mà chị Mỹ Lâm tôi quen, nghề nghiệp không liên quan gì đến thơ văn, lại trân trọng chép bài thơ này vào sổ tay. Và khi thay quyển sổ mới, chị cũng không quên chép lại cạnh bài thơ Tiễn con gái về nhà chồng của Nguyễn Hoàng Sơn và Con hãy yêu người yêu thương của văn hào Vích-to Huy-gô người Pháp. 133
Nguyễn Đăng Luận (1945 -2018) Tên khai sinh: Nguyễn Đăng Luận Năm sinh: 1945. Dân tộc: Kinh. Nguyên quán: xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây. Kĩ sư kinh tế vận tải. Mất ở quê năm 2018 Tác phẩm Bài ca đường sắt (tập thơ), 1996 Em (tập thơ), 1996 Ngày không em (tập thơ), 1991 Thơ Nguyễn Đăng Luận và lời bình, 2001 Buổi ban đầu (tập thơ), 2003 Nguyễn Đăng Luận - người mê mải thơ tình Lặng lẽ viết, lặng lẽ in, khác hẳn với tính cách sôi nổi, hồn nhiên, cởi mở của mình, Nguyễn Đăng Luận đã có 5 tập sách riêng. Tập nào in cũng trang trọng và đẹp. Đúng là những thi phẩm của tình yêu. Chỉ có một tập thơ Nguyễn Đăng Luận ghi tên là Bài ca đường sắt để nói về nghề mình, ngành mình. Còn lại thì nhan đề đều là nói về Em, nói về tình yêu. Bảo Nguyễn Đăng Luận là thi sĩ của tình yêu thì kể cũng không có gì là lạm phong. Đi vào vương quốc tình ái, mỗi người có một nẻo riêng. Và hình như cái lối đi, cái tạng yêu, cái duyên tình mỗi người cũng vì thế mà riêng mỗi vẻ. Nguyễn Đăng Luận không có cái rạo rực, sự mê đắm, cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Cũng không có sự thoả mãn, hạnh phúc của người dâng hiến tình yêu và biết được yêu. Thơ tình Nguyễn Đăng Luận là một mảng thơ buồn dìu dịu trong một “không gian đầy những bâng khuâng đợi chờ”; trong một “chiều tương tư” buồn nhất; trong cảnh cô đơn “Một mình ở với một mình trống không”; trong sự cách xa vời vợi ngàn trùng “Xa nhau cả chín phương trời xa nhau”. Cũng như bất cứ một trái tim thi sĩ nào, đa cảm là điều dễ nhận thấy ở Nguyễn Đăng Luận. Dễ cảm đấy, dễ rưng rưng đấy, nhưng đấy lại là sự cảm thầm, thương thầm, nhớ thầm, cái sự lặng thầm đi kèm với rụt rè, nhút nhát. Thành ra không phải dễ nhận ra cái tình lặng lẽ ấy: “Đôi ba lần suýt hỏi. Lại thôi, mắt em buồn” (Hàng xóm). “Thương em tôi biết thương rồi. Mà chưa dám nói một lời với em. Ngại ngùng cứ ngại ngùng thêm” (Tính 134
tôi). Cũng tại cái lặng lẽ, rụt rè đó mà mối tình chớm nở đành là tình đơn phương để rồi ngày tháng vùn vụt trôi, nó cứ trong nỗi mong, niềm ước, rồi thành một niềm tiếc nuối khôn nguôi. Có người tình mạnh bạo hành động, có người tình nhút nhát mộng mơ,... Nguyễn Đăng Luận là người tình mộng mơ: rất nhiều câu thơ với ao ước, mong đợi, giá như, thầm mong, cầu mong. Chỉ 2 câu thôi nhưng đã là bao nhiêu giả định: Giá thời gian đừng nhanh và con đường đừng gần. Anh không ngập ngừng và em không lặng lẽ (Buổi ban đầu). Vì cái lí do ấy mà sau này không ít lần “Giật mình gặp lại ngày xưa giật mình”. Một sự ngẩn ngơ, tiếc nuối. Trong cuộc sống cũng như trong tình yêu, có bao nhiêu là chuyện tình cờ, bất ngờ, ngẫu nhiên. Nhiều khi chính sự ngẫu nhiên ấy lại nên duyên khiến người ta không thể không nghĩ đến số phận, đến một cái gì như là tiền định. Cái chuyện ngẫu nhiên ấy, thường thì người ta gặp rồi người ta quên. Còn Nguyễn Đăng Luận thì khó quên, có khi là không bao giờ quên nổi. Cái tóc đuôi gà ngộ nghĩnh; ánh chớp của cặp mắt vô tình liếc nhìn bắt gặp; một lần đưa tiễn, một lần tránh mưa; một lần gặp gỡ tình cờ. Ngẫu nhiên, vô tình cả thôi nhưng trong lòng người mộng mơ thì cứ được coi như là dấu hiệu, là điềm báo, là có một sự sắp đặt nào đó. Để rồi thành câu hỏi: “Người đâu gặp gỡ làm chi. Kiếp xưa biết có duyên gì?” Cũng nhiều khi chỉ là hỏi vu vơ vậy thôi. Nhưng ở đây vu vơ rồi ám ảnh, vu vơ rồi giật mình, vu vơ rồi thao thức, mất ngủ “Bức tranh trên tường cũng không ngủ được”. Và thế là lại nhớ, lại nghĩ, lại ao ước, lại mộng mơ. Có lẽ trong những giây phút bâng khuâng trằn trọc “chỉ toàn thao thức”, Nguyễn Đăng Luận đã sinh hạ những câu thơ thiết tha, sâu lắng: Tình xưa tưởng đã phong rêu. Về theo chiếc lá nhuộm chiều bâng khuâng (Mùa thu). Em hào phóng như mưa mùa hạ. Anh như cây khô khát suốt mùa hanh (Nơi bắt đầu mùa trái ngọt). Say đắm nhưng tỉnh táo, anh đã có những câu thơ về người tình thật sâu sắc, bất ngờ. Cứ như là một thi sĩ - triết gia: Em đã thả vào hồn tôi. Một con rắn. Một con mèo. Một con chim chiền chiện hót. Và nụ hôn đặt ở phía chân trời (Em). Thật là ngắn gọn, nhưng cũng thật là khái quát với các biểu tượng giàu tính ẩn dụ. Tuy nhiên, nói đến thơ tình của Nguyễn Đăng Luận là nói đến sự hồn nhiên, sự trân trọng, sự đằm thắm yêu thương, dù có là tình đơn phương cũng vậy. Cảm giác này thì thật là trẻ trung mà cũng hơi trẻ... con: Cái hôn đầu tiên đến giờ vẫn ngọt. Rồi Tôi cầm hoa thấy ngọt ở môi mình (Hoa sinh nhật) thì quả là người rất nhạy cảm. Rồi tụng ca tình yêu viết như thế này cũng là tay yêu lắm: Anh yêu em. Làm đắm say mọi con đường. Anh đi bên em. Làm rưng rưng những vì sao xa lắc (Anh yêu em). Nguyễn Đăng Luận có những câu thơ hay thật bất ngờ: Thời gian đi qua lòng tay Gieo mầm ưu tư lên trán Tóc rụng vào tháng vào năm Mọc thành rừng nơi dĩ vãng (Dĩ vãng) 135
Những mối tình qua hồn thơ Nguyễn Đăng Luận không mất dạng nơi dĩ vãng, nó tái sinh, xum xuê và đã đơm hoa, kết trái trong hồn thơ của anh, thành những vần thơ tình anh gửi cho bạn đọc, những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu. Tôi tin câu thơ của nhà thơ Ngô Quân Miện: Dẫu là anh cũng là tôi. Dẫu ai thì cũng là người đang yêu (Nghe khúc hát Trương Chi). Và càng có lí do để tin rằng những ai khi bước vào vườn tình, họ có thể tìm đến thơ tình để được đồng cảm, được sẻ chia. Khu vườn ấy mênh mông lắm, nhưng Nguyễn Đăng Luận, một người mê mải với thơ tình cũng có thể là người chỉ cho ta một trong những nẻo đi về. 136
Nguyễn Thị Mai Họ và tên khai sinh: Nguyễn Thị Mai Ngày sinh: 20 tháng 6 năm 1955 Quê quán: Quận Long Biên, Hà Nội Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Tác phẩm Thời hoa gạo cháy (1995) Nón trắng sang đò (1997) Thả diều (thơ thiếu nhi, in chung 1997) Một khúc sông trăng (2001) Vầng trăng trước nhà (thơ thiếu nhi 2003) Tảo tần gót khuya (2005) NGƯỜI THƠ TẢO TẦN BẾN THỰC BẾN MƠ Phụ nữ làm công tác Hội phụ nữ các cấp thì rất nhiều, nhưng cán bộ Hội trở thành nhà thơ như Nguyễn Thị Mai thì thật hiếm hoi. Phải chăng vì công việc của Hội phụ nữ bộn bề không cho người cán bộ có thời giờ đến với thơ ca nghệ thuật? Hay tại công việc hành chính sự vụ chẳng có mấy chất thơ? Hay còn nguyên nhân nào khác nữa? Trường hợp của nhà thơ Nguyễn Thị Mai cho chúng ta thấy một sự thực là chính công việc cho phép người phụ nữ đi sâu vào thực tế phong phú và bộn bề của cuộc sống để thăng hoa cảm hứng thi ca. Sự tảo tần hết mình với công việc chung và riêng “Việc đời nhiệt thành, việc riêng đam mê” (Đêm phù vân, tập Tảo tần gót khuya) đã khơi nguồn cho thơ Nguyễn Thị Mai và chắp cánh cho thơ chị. Người phụ nữ ấy là một người có tâm hồn thật đa cảm và trong trẻo. Cảnh vật quê hương, những ấn tượng về chị em cùng giới như ùa vào thơ chị với nét đẹp giản dị, dân dã mà tươi trẻ, khoẻ khoắn: Dòng sông trong, gầy mùa cạn Khoai ngô xanh mướt bãi làng Nón trắng sang đò ngày chợ Tiếng cười bến nước râm ran Quê ngoại, tập Nón trắng sang đò 137
Những vần thơ viết về mẹ của chị được viết bằng tấm lòng thơm thảo của người con hiếu thuận. Bài thơ Qua hàng trầu vỏ xúc động mọi người bởi tấm lòng và tình cảm yêu quý mẹ. Khi mẹ còn sống, người hưởng niềm vui nho nhỏ quà trầu vỏ của con gái: Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa Mẹ ngồi thong thả bên hè mát Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà Khi mẹ mất rồi, kỉ niệm nhói lòng là sự trống trải của chiếc cơi: Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh Con đặt tay vào ngón buốt đau Qua hàng trầu vỏ, tập Thời hoa gạo cháy Tuy hình bóng mẹ đã xa khuất, nhưng mẹ vẫn trở lại nhà sống động nguyên vẹn trong giấc mơ khát khao gặp mẹ của người con: Người về vận áo cánh nâu Vấn trần mái tóc, ăn trầu đỏ môi Bên hiên thong thả người ngồi Hoa cau trắng, hoa cau rơi, nhẹ nhàng Giấc mơ gặp mẹ, Thời hoa gạo cháy Với tình cảm nhân ái của người phụ nữ - người mẹ, tác giả đã dành tình cảm yêu thương, chi chút cho những em bé “không có bố”, hay vắng bố trong nhà. Cùng với đó là sự cảm thông với người mẹ nuôi con một mình, hi sinh lặng lẽ: Ngày đông gió bấc mưa dầm Đậy che mưa dột âm thầm mẹ con Nhà không có bố, Thời hoa gạo cháy Đây có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất của các nhà thơ nữ viết về đề tài này. Thương cảm trẻ thơ, thương cảm cảnh ngộ của người cùng giới, những dây bầu dây bí cùng phận đàn bà, Nguyễn Thị Mai thấu hiểu nỗi niềm của người mẹ kế, thấu hiểu cả hành vi “Cứ lầm lũi bước vào ra” của đứa bé gái con chồng. Tưởng như chính chị hoá thân, nhập vào bạn gái mà thương xót: Dì không mang nặng đẻ đau Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi Nói với con chồng, Thời hoa gạo cháy Cũng với tấm lòng nhân hậu và sẵn sàng chia sẻ đó, nhà thơ thân thiện với người bạn gái láng giềng “thanh sắc đủ đầy”, nhưng thiếu hơi ấm của gia đình hạnh phúc, bơ vơ trong cảnh cô đơn chờ đợi: 138
Trăng chiều đã tỏ sang đêm Vẫn không ai cả về bên tóc vàng Máy bàn chuông chẳng reo vang Gọi đi thì sóng phủ hoang vùng chờ Bạn gái xóm giềng, Tảo tần gót khuya Ngay cả với những người đàn bà một thời lầm lỗi thì vẫn bằng tấm lòng trắc ẩn của người cùng giới, nhà thơ cảm nhận được hi vọng thắp lên trên con đường hoàn lương của những mảnh đời khác nhau chính là những đứa con: Chợt thoáng ngoài xa cổng trại Trong ngần tiếng trẻ cười vang Bao gương mặt buồn bỗng ngẩng Cùng quay nhìn hướng có làng Những người đàn bà đan giỏ, tập Một khúc sông trăng Người Việt ta có câu “Thương người như thể thương thân”. Tình thương ấy bao giờ cũng sâu lắng, da diết và cụ thể trong trái tim phụ nữ. Và cũng chỉ có phụ nữ mới có thể diễn tả cụ thể và cảm động nhất về nó. Đó là tình thương yêu dành cho người lính từ mặt trận trở về. Cần phải nói rằng thời ấy không một làng nào, xã nào lại không có “người về sau chiến tranh”. Vì thế mà cảm nhận về hạnh phúc của những người phụ nữ đơn sơ mà sâu lắng: Căn phòng bây giờ mới thực sự có anh Mắc áo mắc thêm áo bạt dày đại cán Giày cao cổ dưới chân giường, bi đông treo đầu chạn Tiếng điếu cày, mùi khói thuốc, bóng đàn ông Người về sau chiến tranh, Thời hoa gạo cháy Cũng chỉ người phụ nữ tình cảm thuỷ chung mới có thể cất lên tiếng gọi đầy ân tình dành cho chiếc ba lô- vật bất li thân, biểu tượng của người lính trong thời trận mạc: Chiến tranh giờ đã đi qua Ba lô ơi! Hãy về nhà với em Giữa đời túi, bị bon chen Có sao sờn cũ... gần em được rồi! Tâm tình về chiếc ba lô, Nón trắng sang đò Những bài thơ trích dẫn ở trên chứng tỏ Nguyễn Thị Mai là người tảo tần nơi bến thực cuộc đời. Những vần thơ công dân với tính xã hội cao làm phong phú thêm tình cảm 139
và tâm hồn những người phụ nữ, những người chịu thiệt thòi, bền bỉ và anh dũng nhất trong mọi cuộc chiến tranh. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bến mơ của tình yêu và thi ca trong thơ chị. Chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Thị Mai khao khát tri âm, thích ước ao và tràn đầy hoài niệm. Phải chăng vốn là người nết na, cẩn trọng nên hay rụt rè? Phải chăng sự đoan trang, chững chạc của cô giáo, của người cán bộ Hội phụ nữ thường kìm nén sự mơ mộng, phóng khoáng của người thơ? Chỉ biết rằng chị đã không thể như mọi người, không thể như mong ước: Chỉ mình không đi hết Tận cùng lòng yêu thôi Với Cà Mau, Tảo tần gót khuya Chỉ biết rằng có khi vì cẩn thận, tôn trọng và giữ gìn cho hạnh phúc của người mình thương quý mà đành cầm lòng: Thôi đừng gõ cửa nhà anh Phút vô tâm ấy rồi thành nhẫn tâm Căn nhà, Nón trắng sang đò Cũng có khi chẳng rõ nguyên nhân vì sự rụt rè, e ngại hay nhường nhịn mà thành ra thiệt thòi: Đã nâng cụng một cốc tình Lại san sẻ hết để mình cốc không Chia tay, Nón trắng sang đò Phải vậy chăng mà Nguyễn Thị Mai hay hồi tưởng, hay nuối tiếc sự lỡ làng hoặc sự muộn màng: Biết người hờn dỗi là yêu Thì người đã hoá sương chiều Trường Sơn Biết sông quãng tắm là nguồn Thì sông đã đáy nỗi buồn chiêm bao Bến sông trưa, Tảo tần gót khuya Có lẽ vì chậm muộn, lỡ làng, cho nên lỡ chuyến tàu cuối năm ám ảnh như lỡ hẹn hò và có thể lỡ luôn cả cơ hội làm nên hạnh phúc. Và đã không ít lần sự chậm muộn, lỡ làng để lại niềm tiếc nuối, ngẩn ngơ: “Hạnh phúc tuột tay tự bao giờ?” (Muộn màng, Nón trắng sang đò). Để rồi sau này ân hận và hối tiếc: “Giá ngày xưa nói một câu” (Về với Bát Tràng, Nón trắng sang đò); “Giá ngày đặt móng, tôi vôi/ Nói câu gì đó với người ươm hoa” (Tiếc một nhành hồng, Nón trắng sang đò). Cũng đã vài ba lần, người thơ bơ vơ, đơn độc trước sự phũ phàng: 140
Bỏ em mây nước nhạt nhoà Gửi người trên phố, Nón trắng sang đò Bỏ em ngồi dưới mái xoan, bóng nghèo Người về, Nón trắng sang đò Kệ tôi ngược núi một mình Kể cùng xứ Lạng, Tảo tần gót khuya Nhưng không thể tìm thấy một lời oán trách nào. Và niềm tin yêu, nhân hậu thì không bao giờ tắt. Người thơ vẫn dịu dàng “Nhắn người đợi ở đầu sông” (tập Thời hoa gạo cháy), vẫn nhẹ nhàng giãi bày và an ủi người lỡ hẹn: Thôi đừng giận nhé người ơi Có ai mười hẹn gặp mười được đâu Dù em lỡ hẹn đã lâu Còn câu hứa đó bắc cầu sang anh Lời người lỡ hẹn, Thời hoa gạo cháy Và vẫn không ngừng khao khát kiếm tìm người tri âm tri kỉ. Niềm khát khao giao cảm ấy là khát khao muôn đời của những người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ làm thơ. Có hiểu được quan niệm hạnh phúc giản dị này: “Cho dù bãi mật phù sa/ Mà không bên lở chẳng là dòng sông” (Nhà không có bố, Thời hoa gạo cháy) thì mới cảm nhận được ao ước ẩn sâu trong thoáng chốc Hòn Chồng: Nép im bên đá tôi ngồi Thành đôi chồng đá - vợ người khập khênh Trước đá Hòn Chồng, Thời hoa gạo cháy Nguyễn Thị Mai đã in riêng 5 tập thơ (trong đó có một tập thơ cho thiếu nhi). Những bài thành công nhất của chị thường là thơ lục bát. Phải chăng lục bát mềm mại, gần âm hưởng ca dao, phù hợp với điệu tâm hồn của Nguyễn Thị Mai? Và một trong những bài lục bát ấy đã thể hiện khá trọn vẹn tình người, tình thơ, tình đời và nhất là tâm hồn nhân hậu của người viết: Người còn thất vận có khi Thơ đành lục bát, lục... gì cũng thương Lục bát em và anh, tập Một khúc sông trăng 141
Trần Minh (1952 – 2018) Tên khai sinh: Trần Văn Minh Năm sinh: 1952 Dân tộc: Kinh Nguyên quán: Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội. Cử nhân Văn khoa. Dạy học tại trường THCS Tiên Dương, Đông Anh. Tác phẩm Khoảng trời riêng (tập thơ), 1997 Vầng trăng non của bé (tập thơ), 2014 THẾ GIỚI XUNG QUANH QUA MẮT NHÌN CỦA BÉ (Đọc Trần Minh - Vầng trăng non của bé, Nxb Hội Nhà văn 2014) Trẻ em làm thơ trực tiếp nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ. Người lớn làm thơ cho trẻ em thì có thể vẫn bằng đôi mắt của riêng mình. Nhưng Trần Minh chọn cách nhìn bằng đôi mắt trẻ em. Một cách lựa chọn thông thường của phần lớn những nhà thơ người lớn. Chúng ta đều biết người lớn không phải tự nhiên sinh ra. Trong mỗi một người lớn/ Có một đứa trẻ con. Có thể với phần lớn những người bình thường thì đứa trẻ đó nhanh chóng trưởng thành, già đi và không bao giờ trở lại. Nhưng với một số người, nhất là những người làm thơ cho trẻ em thì đứa trẻ đó hình như không chịu lớn, không chịu già. Mỗi khi họ làm thơ thì đứa bé hồn nhiên quay trở lại. Nó giúp người viết luôn có cái nhìn tươi mởn, trong trẻo và hồn nhiên. Một trong những đặc tính của trẻ thơ là luôn luôn muốn khám phá, luôn luôn lạ lùng trước thế giới xung quanh, luôn luôn đặt câu hỏi về chúng để nhận thức, để hiểu biết. Bé, nhân vật chính trong tập thơ VẦNG TRĂNG NON CỦA BÉ là em bé như vậy. Cái gì cũng ngạc nhiên, cũng gây tò mò. Bé đã từng biết đến quả lựu, quả na, quả ổi, quả thị... Quả nào cũng có nhiều hạt. Vậy thì chắc quả mưa phải to lắm nên mới có bao nhiêu là hạt mưa. Câu hỏi của Bé bật ra từ hiểu biết về hạt và quả: Quả mưa có to không Mà hạt mưa nhiều thế Rơi khắp cả cánh đồng Quả mưa Cũng một lối tư duy, một cách phán đoán như thế, trong mắt Bé, mùa xuân phải rất vui tươi, rất hào phóng, có rất nhiều quà tặng cho mọi người: Chắc xuân có nhiều tuổi lắm 142
Nên tặng cho khắp cả nhà Xuân mừng tuổi bố tuổi mẹ Còn mừng tuổi cả ông bà Mùa xuân vui tươi và ngoan ngoãn như thế cho nên Bé mới mơ ước: Bố ơi ngày mai con lớn Con sẽ là mùa xuân cơ Mùa xuân của bé Một loạt các sự vật, hiện tượng đều gây cho Bé tò mò muốn hiểu biết. “Bé thấy gì cũng lạ”.Từ chuyện Trâu có sừng, chắc là khó mà đội mũ hay đội nón, Bé lo lắng: Làm sao đội mũ được Nó cảm nắng mất thôi Thăm quê ngoại Đến chuyện cây gạo có hoa, sẽ có quả, vậy thì “ hạt gạo” của cây có ăn được như hạt gạo của lúa hay không “Hoa gạo nở như vậy/ Hạt có ăn được không”? Người đọc không thể không mỉm cười vì cách cảm nhận bằng con mắt trẻ thơ của Bé. Ví như chuyện ve cứ kêu hoài giống chuyện học trò đọc bài: Chắc gặp câu khó thuộc Nên đọc mãi không thôi Trưa hè Rồi cây trứng gà đẻ trứng mà không cục ta cục tác như gà mái, trứng không nằm trong ổ, mà lại ở tít ngọn cây, gây cho Bé băn khoăn: Trứng gà không nằm trong ổ Leo lên tít tận cành cao Mẹ ơi nếu gà con nở Rơi xuống biết làm thế nào? Cây trứng gà Chuyện cây cầu, gọi là “cây” mà chẳng giống cây vì “Không có cành có lá/ Chẳng có hoa có quả/ Chẳng mọc ở ngoài vườn” (Cây cầu). Bé nhìn sự vật quanh mình, phán đoán và suy luận theo cái lí của Bé. Bởi vậy mà luôn luôn có những nét ngộ nghĩnh. Thấy đàn cò, Bé nghĩ cò cũng như trâu, như dê, như gà,... chắc phải có người chăn. Mà đàn cò nhiều như vậy thì Bé có thể xin một con về nuôi: Ai chăn cò bà nhỉ Để cháu xin một con Nhìn vầng trăng non, Bé liên tưởng đến quả chuối chú Cuội không ăn. Chú chàng không ăn vì... ăn tham, cái tính của những người không ngoan, không biết nhường em bé: 143
A! Tại tính ăn tham Không muốn nhường em bé Thấy mẹ cho một quả Cuội chê ít chứ gì Trăng non của bé Bé gọi mưa về vì Bé thấy cây cối buồn rầu, nhất là lúa của mẹ cấy ngoài đồng nghẹn lòng. Bé trò chuyện với mưa: Mưa ơi có biết không Chỉ đợi mưa đi vắng Thế là cái anh nắng Thả sức mà oi nồng Lúa mẹ cây ngoài đồng Nghẹn lòng vì cơn khát Gọi mưa Tất cả thế giới xung quanh Bé đều được khám phá từ cái nhìn trẻ thơ, từ cách phán đoán, suy luận trẻ thơ. Bởi thế mà cả Bé và người thân, rồi người đọc luôn cảm thấy thích thú. Đấy chính là điểm quan trọng nhất làm nên thành công của tập thơ này. Có thể thấy nhìn chung các bài thơ đều được viết chắc tay, với sự quan sát tinh tế, sự diễn đạt trong trẻo, hồn nhiên. Có điều giá như tác giả trau chuốt kĩ hơn, lập tứ chắc hơn nữa thì chất lượng của tập thơ còn có thể được nâng lên cao hơn. Sự hứng thú cũng sẽ theo đó mà tăng cường hơn. Chẳng hạn so sánh năm ngón tay của Bé “Như năm mẩu phấn tròn” thì quá thô (trong khi Hiền Mặc Chất viết: Tay con xoè ra như năm cánh hoa đào/ Khi chụm lại hồng lên sắc quả). Tên bài thơ là “Nhà của Bé” nhưng không thấy nhà của Bé là gì, toàn là nhà của chim chích, chị gió, buồm nâu, chú Cuội, ông mặt trời. Và kết thúc bài thơ: Bàn tay xinh của bé/ Nhà của những chữ O thì gượng. Chữ O từ tay bé tạo ra, nhưng chữ O không ở trong tay Bé như ở trong nhà. Một vài bài thơ khác, tính logic không chặt (Vườn cây của bà, Cánh diều ngoan, Bé tập làm cô giáo). Dẫu vậy, nhưng nhìn tổng thể, tập thơ của Trần Minh là một tập thơ hay viết cho thiếu nhi trong những năm gần đây. Nó càng có giá trị hơn khi mà những người viết cho các em càng ngày càng thưa hiếm và các tập thơ cho các em lại càng hiếm hoi hơn nữa. 144
Phan Thị Thanh Nhàn Họ và tên khai sinh: Phan Thị Thanh Nhàn Sinh năm 1942. Dân tộc: Kinh. Nguyên quán: Tứ Liên, Từ Liêm, Hà Nội. Cử nhân báo chí. Từng là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Phó Tổng biên tập báo Người Hà Nội. Tác phẩm chính Hương thầm (tập thơ), 1973 Chân dung người chiến thắng (tập thơ), 1977 Bông hoa không tặng (tập thơ), 1987 Nghiêng về anh (tập thơ), 1992 Xóm đê ngày ấy (truyện), 1977 Hoa mặt trời (truyện), 1978 Tuổi trăng rằm (truyện), 1982 Ánh sáng của anh (truyện), 1982 Bỏ trốn (truyện),1995 Bài thơ cuộc đời (thơ), 2000 Sự cực đoan đáng yêu (Chân dung văn học), 2010 Giải thưởng Giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ, 1969 Giải A Hội Văn nghệ Hà Nội (1980 – 1984) Giải A Nxb Kim Đồng (1996) Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2007) HƯƠNG THẦM THƠM MÃI Giữa khi các nhà thơ nữ còn đang thưa thớt như sao buổi sớm, vắng vẻ như lá mùa thu thì bỗng xuất hiện Phan Thị Thanh Nhàn với chùm thơ được giải báo Văn nghệ, trong đó có bài thơ nổi tiếng Hương thầm. Hương thầm thành tên riêng của chị. Nhà thơ Hương Thầm là cách gọi thân mật, thương mến của bạn bè và những người mến mộ Phan Thị Thanh Nhàn. Hương thầm trở thành thương hiệu nổi tiếng của tác giả trong làng thơ Việt. Gần nửa thế kỉ, người con gái Hà Nội vẫn miệt mài với thơ, bền bỉ và lặng lẽ toả hương. 145
Phan Thị Thanh Nhàn xuất hiện trong thời kì chiến tranh chống Mĩ. Ngày ấy, cả dân tộc dành những người con ưu tú nhất cho chiến trường. Có bao nhiêu là cuộc tiễn người ra trận. Nhưng một cuộc tiễn đưa đã đi vào lịch sử cùng với hương bưởi và người con gái rụt rè, e lệ của hậu phương: Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì Mà hương thầm thơm mãi bước người đi Hương thầm Một thế hệ những người ra trận đã mang hương thầm của quê hương đi khắp chiến trường. Họ chiến đấu bằng tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và tình yêu trinh nguyên chưa nói được thành lời. Có rất nhiều người đã được hương thầm của hậu phương nâng bước chân đi để rồi trở thành những anh hùng, dũng sĩ, làm nên chiến thắng thần kì 30 tháng Tư lịch sử. Một bài thơ kiệt tác của Phan Thị Thanh Nhàn lại cũng viết về những người lính và tình yêu, hạnh phúc trong chiến tranh. Rất thời sự, rất công dân nhưng cũng tràn đầy tinh thần nhân văn của thời đại. Chú rể là bộ đội Về phép rồi đi xa Cô dâu bằng lòng cưới Má ửng lên thẹn thò Có bao nhiêu là đám cưới của người lính diễn ra trong kì phép ngắn ngủi, trong sự bận rộn, khẩn trương của mùa thu hoạch. Gọi là kì phép cho sang, chứ thời ấy tàu xe đi lại khó khăn, có khi về đến quê hương, người lính chỉ còn một đôi ngày. Như trường hợp chính uỷ trong thơ Hữu Thỉnh: Tối ăn một bữa ở nhà/ Sáng bên ngoại... thế là xa một lèo/ Một ngày vừa biết vừa yêu/ Vừa xin vừa cưới (Đường tới thành phố). Với tất cả lòng yêu đời và tình yêu dành cho bạn trẻ, nhà thơ đã quan sát và khái quát rất thành công tâm trạng của những thành viên dự cưới: Các cụ ông say thuốc Các cụ bà say trầu Còn con trai con gái Chỉ nhìn mà say nhau Một đồng nghiệp bình thơ đã nói với tôi: Chỉ cần hai bài thơ Hương thầm và Đám cưới ngày mùa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng đã xứng đáng là nhà thơ tình yêu của tuổi trẻ. Nhưng con đường thơ của nhà thơ Hương thầm còn dài. Chị đâu chỉ làm thơ về mọi người. Là một cô gái Hà Nội, một người đa cảm và hồn nhiên, Phan Thị Thanh Nhàn còn làm thơ về xóm đê, về thành phố, về cuộc đời mình, về tình yêu của riêng mình. 146
Mến mộ Hương thầm, mến mộ Đám cưới ngày mùa, bạn đọc ưu ái và mến mộ tất cả những gì Phan Thị Thanh Nhàn đã sống, đã yêu, đã viết. Hơn nữa, họ đọc Phan Thị Thanh Nhàn là để thấy bóng dáng của mình, tình cảm của mình, tâm tư thầm kín của mình: Khi nào tác giả xưng em Tưởng như thơ viết gửi riêng một người Khi nhà thơ gọi em ơi Lòng nao nao muốn thốt lời chào thưa Thơ tình ai viết Như bao cô gái trong đời, nhà thơ đã mộng mơ, đã chờ đợi và hồi hộp tìm kiếm tình yêu thật vô cùng bền bỉ: Em chờ anh đã từ lâu Chờ anh từ rất lâu rồi là em Tâm hồn Hà Nội Vì thế, khi người ấy đến, đời ngọt ngào hạnh phúc bao nhiêu. Những lần đi dạo với nhau “giữa phố vui rộn rã” (Những người Hà Nội), những lần đi “không định hướng” / “đôi chân như cánh bướm, giữa màu sắc âm thanh” (Chợ tết vùng cao) để lại trong lòng bao kỉ niệm. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu lắng nhất là khi họ đi để chia tay: Trời vừa mưa vạt cỏ mềm đẫm nước Đất mịn màng tinh nghịch dấu chân đôi Lặng im anh nhé lặng im thôi Với sông Hồng Cũng như bao cô gái yêu đương trong thời đánh Mĩ, sau giây phút hạnh phúc ngắn ngủi là những ngày tháng dằng dặc chia xa, đầy ắp những nhớ mong chờ đợi. Một nỗi nhớ phổ biến của những người đang yêu nhưng mang dáng vẻ riêng rất Phan Thị Thanh Nhàn: Mừng vui em gọi vội vàng Ai ngờ lúc đến gần hơn em nhầm Một ngày không biết mấy lần Bâng khuâng em tự cười thầm vẩn vơ Nhớ “Nỗi nhớ như khêu” không chỉ làm cho người nhớ nhầm lẫn giữa ban ngày, mà ban đêm còn lan cả vào trong mơ, huyền ảo như hương dạ lan: Gặp anh trong mơ em tỉnh dậy Hương nồng nàn thơm suốt đêm xa Dạ lan ơi chẳng thấy hoa Sao thơm lạ thế như là cầm tay 147
Hoa dạ lan Người phụ nữ đã yêu hết mình, đã dành tất cả cho người mình yêu, đặt tất cả niềm hi vọng, tin cậy nơi anh. Anh là ngọn đèn, anh là bàn tay, anh là mặt trời, anh là tia nắng, anh là thực, anh là ước mơ. Thật khó mà nói hết ý nghĩa của anh đối với cuộc đời mình: Đâu đây trong cuộc đời thường Của em. Ngày tháng vui buồn có anh Như niềm hi vọng mong manh Cầm tay rồi lại hoá thành giấc mơ Mặt trời đằm thắm thiết tha Mà tia nắng ấm bên ta vô hình Nghĩ về anh, nghĩ về anh Mơ hay thực cũng không đành trong em Không đề Nhưng đừng nghĩ rằng cô gái ấy chỉ luôn luôn coi người yêu như một một thần tượng để mà tôn thờ. Tình cảm của cô với anh rất là đa dạng, cũng rất là phụ nữ, cao cả, bao dung: Em muốn anh bé bỏng làm sao Để em được chăm thương dịu nhẹ Để em có bàn tay người chị Và tấm lòng người mẹ cho anh Nghĩ về anh Cô gái ấy đã yêu như thế: một đời tất cả cho người mình yêu. Nói đến tình yêu, người ta hay nói đến nỗi đau, sự mất mát và những giọt nước mắt cay đắng nhiều hơn là những ngọt ngào hạnh phúc. Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã từng đặt câu hỏi: Hỡi người yêu của muôn xưa Của muôn sau với bây giờ đang yêu Những ai lướt sóng cưỡi triều Biển ân tình có trải nhiều xót xa Trong thơ tình yêu của Phan Thị Thanh Nhàn, chúng ta gặp chủ yếu là sự nâng niu, chắt chiu vun đắp cho tình yêu, những giây phút hẹn hò, chờ đợi, những sung sướng hạnh phúc được ở bên nhau, chăm thương nhau, những tình cảm bình dị, gần gũi đời thường. Ít có những triết lí về bản chất của tình yêu, ít có những băn khoăn day dứt, ít những nghi ngờ, ghen tuông, ít những ngổn ngang, những tâm trạng bộn bề mâu thuẫn. Song nếu vì thế mà cho rằng thơ tình của chị đơn điệu, một chiều thì không phải. Nói là ít, chứ không phải không có. Mặt khác, mỗi nhà thơ có một sở trường, một “điệu tâm hồn”. Không nhất 148
thiết cứ phức tạp hoá vấn đề, cứ viết bề bộn mâu thuẫn mới là sâu sắc, mới là mãnh liệt, mới là hết mình. Thái độ sống và yêu của Phan Thị Thanh Nhàn là một thái độ đúng mực, khiêm nhường, trân trọng. Chị hiểu cái giá của hạnh phúc nên luôn luôn chi chút, giữ gìn, che chắn, nâng niu: Ta như hai đứa trẻ nghèo Quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn Đừng bao giờ nhé, chín thêm Sợ tan mất giấc mơ em một thời Không đề Yêu đương, ai mà chả ghen. Nhưng thái độ ghen tuông như thế nào cũng là một ứng xử văn hoá: Hai ta ai biết vì đâu Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài Nếu cùng người mới dạo chơi Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu Con đường Việc “xa nhau xa hoài” và thái độ ghen ngọt ngào nhưng cũng quyết liệt kia sẽ có lí do để tồn tại dài lâu trong những trái tim thiếu nữ. Thái độ cầu xin này là một thái độ đáng khâm phục, vì người đàn bà ấy cũng còn là một thi sĩ biết nén tình cảm của mình để giữ gìn hạnh phúc cho người mình yêu: Xin đừng bước lại gần hơn Xin đừng gửi kẹo cho con ở nhà Xin đừng trò chuyện gần xa Xin đừng điện thoại, đừng qua trước thềm Không đề Đọc thơ Phan Thị Thanh Nhàn, ta như được thấy cuộc sống đời thường của tác giả với những yêu đương, khát vọng, lo toan, sung sướng, mất mát, đắng cay, hi vọng... Ta như được chứng kiến biến thiên tâm lí của một thiếu nữ Hà Nội lần đầu được yêu với bao thẹn thùng nũng nịu (Cửa nhà tôi). Một người đàn bà giản dị với những nỗi vui, buồn của đời thường (Trời và đất, Bàn tay, Hoa dạ lan, Với sông Hồng, Căn phòng và anh, Không đề...) và nỗi xót đau mất mát của người mất người một đời mình quý, mình yêu (Một người). Quả là một biến đổi sâu xa giữa khoảng đời thiếu nữ và thiếu phụ, hơn nữa một goá phụ: Như chớp mắt như chiêm bao Vừa thơ ngây đã chớm vào già nua. Không đề 149
Hôm nào đó chị còn trẻ trung hăm hở “Đêm ngủ cứ chập chờn, mơ con đường phía trước” (Trước mỗi chuyến đi) và đầy khát vọng yêu đời “Mỗi ngày sống có bao nhiêu điều đẹp quá” (Rồi có thể)... Còn sau bao nhiêu năm tháng, chị đã khác nhiều, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ cái chính là do: Lời yêu tan giữa bụi đời lấm lem Những bài thơ cũ Có phải sự đắng cay mất mát đã làm cho nhà thơ yêu mến của chúng ta mất hết mọi khả năng rung động và xúc cảm hay không? Với người thường thì thường là như vậy, nhưng với các nhà thơ thì không hẳn thế. Những cay đắng nghiệt ngã của số phận có khi lại là yếu tố làm nảy sinh những sáng tạo mới (Nghiệm ra Xuân Quỳnh, Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến đều như thế). Phan Thị Thanh Nhàn cũng vậy. Chị tự vấn: Sao tôi không xúc động Sao tôi không vấn vương Tôi cứ bơ vơ mãi Giữa cuộc đời mến thương? Tạ lỗi Câu trả lời có thể tìm thấy ở cuối bài “Mùa xuân”. Lòng chị vẫn còn trẻ lắm “Lòng bỗng run như lá” đấy thôi. Ai mà chả phải có lúc giã từ tuổi trẻ. Nhưng khát vọng được sống, được yêu đâu có thể rời bỏ con người một cách dễ dàng. Còn sống còn yêu (Ratxpuchin). Chị vẫn còn có những bất ngờ: Bất ngờ ở tuổi bốn mươi Băn khoăn bỡ ngỡ như hồi mười lăm. Bất ngờ Chị vẫn còn “Lặng im yêu vụng thương thầm” kia mà. Đau đớn xót xa đấy, nhưng đúng như lời chị tự thú: Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau Tôi vẫn còn yêu đời quá. Yêu đời Yêu đời, yêu người đó là nguồn mạch dào dạt của thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Nhưng gần nửa thế kỉ, sau những tháng năm đằng đẵng “bao nhiêu ngày lẻ bóng, tóc chớm bạc trên đầu”, liệu nhà thơ có còn bền bỉ? Có thể nói dù qua bao nhiêu buồn vui, sướng khổ trước nắng mưa, dông bão cuộc đời, hình như trong chị vẫn vẹn nguyên một niềm khao khát khoẻ khoắn và mãnh liệt, vừa đậm, vừa sâu, vừa dịu dàng vừa nồng ấm: Vẫn mặn mà như biển Vẫn sâu đằm như sông Vẫn dịu dàng như khói Vẫn nồng ấm như than Mùa xuân 150
Search
Read the Text Version
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
- 36
- 37
- 38
- 39
- 40
- 41
- 42
- 43
- 44
- 45
- 46
- 47
- 48
- 49
- 50
- 51
- 52
- 53
- 54
- 55
- 56
- 57
- 58
- 59
- 60
- 61
- 62
- 63
- 64
- 65
- 66
- 67
- 68
- 69
- 70
- 71
- 72
- 73
- 74
- 75
- 76
- 77
- 78
- 79
- 80
- 81
- 82
- 83
- 84
- 85
- 86
- 87
- 88
- 89
- 90
- 91
- 92
- 93
- 94
- 95
- 96
- 97
- 98
- 99
- 100
- 101
- 102
- 103
- 104
- 105
- 106
- 107
- 108
- 109
- 110
- 111
- 112
- 113
- 114
- 115
- 116
- 117
- 118
- 119
- 120
- 121
- 122
- 123
- 124
- 125
- 126
- 127
- 128
- 129
- 130
- 131
- 132
- 133
- 134
- 135
- 136
- 137
- 138
- 139
- 140
- 141
- 142
- 143
- 144
- 145
- 146
- 147
- 148
- 149
- 150
- 151
- 152
- 153
- 154
- 155
- 156
- 157
- 158
- 159
- 160
- 161
- 162
- 163
- 164
- 165
- 166
- 167
- 168
- 169
- 170
- 171
- 172
- 173
- 174
- 175
- 176
- 177
- 178
- 179
- 180
- 181
- 182
- 183
- 184
- 185
- 186
- 187
- 188
- 189
- 190
- 191
- 192
- 193
- 194
- 195
- 196
- 197
- 198
- 199
- 200
- 201
- 202
- 203
- 204
- 205
- 206
- 207
- 208
- 209
- 210
- 211
- 212
- 213
- 214
- 215
- 216
- 217
- 218
- 219
- 220
- 221
- 222
- 223
- 224
- 225
- 226
- 227
- 228
- 229
- 230
- 231
- 232
- 233
- 234
- 235
- 236
- 237
- 238
- 239
- 240
- 241
- 242
- 243
- 244
- 245
- 246
- 247
- 248
- 249
- 250
- 251
- 252
- 253
- 254
- 255
- 256
- 257
- 258
- 259
- 260
- 261
- 262
- 263
- 264
- 265
- 266
- 267
- 268
- 269
- 270
- 271
- 272
- 273
- 274
- 275
- 276
- 277
- 278
- 279
- 280
- 281
- 282
- 283
- 284
- 285
- 286
- 287
- 288
- 289
- 290
- 291
- 292
- 293
- 294
- 295
- 296
- 297
- 298
- 299
- 300
- 301
- 302
- 303
- 304
- 305
- 306
- 307
- 308
- 309
- 310
- 311
- 312
- 313
- 314
- 315
- 316
- 317
- 318
- 319
- 320
- 321
- 322
- 323
- 324
- 325
- 326
- 327
- 328
- 329
- 330
- 331
- 332
- 333