Important Announcement
PubHTML5 Scheduled Server Maintenance on (GMT) Sunday, June 26th, 2:00 am - 8:00 am.
PubHTML5 site will be inoperative during the times indicated!

Home Explore VŨ NHO - HÀ NỘI VĂN CHƯƠNG TỪ MỘT GÓC NHÌN

VŨ NHO - HÀ NỘI VĂN CHƯƠNG TỪ MỘT GÓC NHÌN

Published by TẬP HUẤN VIOLET, 2021-07-27 13:01:40

Description: 6. VŨ NHO Văn chương bản VN sửa sau cùng

Search

Read the Text Version

Phạm Thị Bích Thuỷ Họ và tên khai sinh: Phạm Thị Bích Thuỷ. Năm sinh: 1964. Quê quán: Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Cử nhân văn chương Đại học Sư phạm Ghéc-sen, Xanh Peterburg (Liên xô). Cử nhân Anh văn ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội. Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Từng làm Giảng viên Đại học Ngoại Ngữ, đang làm cho công ty đa quốc gia về đồ uống tại Việt Nam. Tác phẩm Chạy trốn, tập truyện ngắn, 2014. Đồi cát bay, tiểu thuyết, 2014. Tiếng sáo lạc, tiểu thuyết, 2015. Đáy giếng, tiểu thuyết, 2015. NHÀ VĂN CỦA NHỮNG PHẬN NGHÈO VÀ TRẺ NHỎ (Đọc Tiếng sáo lạc, tiểu thuyết của Phạm Thị Bích Thuỷ, Nxb Hội Nhà văn, 2015) Năm 2014, Phạm Thị Bích Thuỷ cho ra mắt tập truyện ngắn Chạy trốn và tiểu thuyết Đồi cát bay. Khi giới thiệu tập Chạy trốn trên báo Văn nghệ trẻ, chúng tôi đã dự cảm tác giả có vốn sống phong phú và có kĩ thuật nghề nghiệp cao, có thể sẽ đi xa trên con đường sáng tạo. Tiểu thuyết tiếp theo Đồi cát bay đã minh chứng điều đó và bây giờ tiểu thuyết 301

Tiếng sáo lạc với 13 chương hoàn thành từ giữa năm 2014, xuất bản quý 3/ 2015 lại càng khẳng định dự cảm đó. Nhìn xuyên suốt ba cuốn sách mà tác giả đã công bố, thấy nổi lên mối quan tâm nhất của người viết chính là những phận nghèo và trẻ nhỏ. Đó không chỉ là mối quan tâm mà còn là nguồn cảm hứng, cũng là chỗ mạnh của cây bút nữ. Ba truyện ngắn về nông thôn trong tập Chạy trốn là “Thằng Tê”, “Chạy trốn” và “À í a... ” tác giả đã viết về cái nghèo của làng quê, của nông thôn một cách thấm thía, cảm động. Những nhân vật ấn tượng là những đứa trẻ. Đó là thằng Tê, thằng Nhất, cái Phúc, con Na... Đến tiểu thuyết Đồi cát bay thì những phận nghèo được khắc hoạ sâu sắc. Cái nghèo ở một khu du lịch đẹp bậc nhất Việt Nam. Hai nhà nghèo làm người đọc bức bối, ngột ngạt và ngậm ngùi là nhà mẹ của thằng Út Lớn và nhà của bà Hhai Ù, bà ngoại của cái Bàu. Ấn tượng ám ảnh người đọc chính là việc “họ nghèo quá, họ không được học hành nên họ không biết cần làm sạch thế nào và cũng không cần thấy phải làm sạch”. Và những nhân vật quan trọng nhất của tiểu thuyết Đồi cát bay chính là những đứa trẻ thất học, ngày ngày đi cho thuê tấm trượt với cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, nghèo nàn, tăm tối. Trong Đồi cát bay, tác giả đã chú ý đến đằng sau vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên, của những nhà hàng, cửa hiệu lấp lánh sáng là “những căn nhà nghèo nàn lợp lá, lợp tôn, ngược xuôi lúp xúp, nhấp nhô trên những cồn cát đỏ - nhà của những người nông dân, ngư dân”. Bây giờ trong tiểu thuyết “Tiếng sáo lạc” tác giả viết về Hà Nội, nhưng không phải là những toà nhà cao ngất, những cửa hiệu sáng trưng, mà là một Hà Nội khác. Đây là Hà Nội của những người nghèo. Hà Nội của những con ngõ “không có ánh sáng, sâu hun hút, những nhà bé tí, dựa vào nhau thò ra thụt vào bám chặt vào mặt con ngõ, không có một khoảng hở nào để nhìn thấy được một tí trời” (tr. 101). Hà Nội của người nghèo như vợ chồng Thành, Dung, anh Mễ, và những công nhân xây dựng, người tứ xứ dạt về, “tất cả đều đang lẳng lặng sống, lẳng lặng làm đủ mọi loại công việc”. Trong những nhân vật quan trọng của tiểu thuyết này, vẫn có những đứa trẻ. Đó là thằng Hạnh con của Thành và Dung, cu Tròn (thằng Phúc) con do Dung đẻ thuê, và thằng Thừa bạn đánh giày của thằng Hạnh. Bên cạnh đó còn có thằng Kình, thằng Hách cũng làm việc đánh giày. Thành và Dung không phải là những người nông dân thuần tuý. Cả anh và chị đều đã học hết phổ thông. Không chịu nổi sự nghèo khổ của nhà quê, hai người đã “liều” ra thành phố mong đổi đời. Thật sự, nếu so sánh với cuộc sống ở thôn quê mà hai người từng trải thì dù phải ở trong lán thuê ổ chuột, dù phải làm việc phụ hồ, nấu cơm cho thợ thì cả hai đều thấy “Đúng là Hà Nội sướng thật!”. Nhưng rồi Dung mang thai thuê, cô được người ta trả cho đến năm mươi triệu, lại được ăn uống, tẩm bổ nên cô thấy cái sướng của vợ chồng mình khi mới ra thành phố... vẫn là quá khổ. Cô đã nghĩ về thân phận những người nông dân: “Hoá ra họ - những người nông dân như Dung, như Thành và bao nhiêu người nông dân quê Dung, bao nhiêu người nông dân khác không được biết thế nào là sống cả. Họ đã lao động và làm việc quần quật suốt cuộc đời để rồi luôn sống một 302

cuộc sống nghèo đói, túng quẫn, ăn đói, mặc rách và ở trong những điều kiện khốn khó cùng cực nhất, áo quần không ra áo quần, giường chiếu không ra giường chiếu, nhà hoá ra không phải là nhà. Dung thấy cay đắng” (tr. 121). Và cô đã mong cuộc sống sướng hơn bằng cách dứt khoát bỏ chồng con, đi lao động nước ngoài. Rồi vì ham lợi, bị trục xuất về nước với hai bàn tay trắng. Vấn đề là không phải làng quê nào cũng như làng quê của Thành và Dung. Không phải người nhà quê nào ra thành phố cũng chịu một kết cục bi thảm là cái chết vì tai nạn lao động như Thành. Không phải ai đi nước ngoài lao động cũng bị trục xuất tay trắng như Dung, hoặc trở về nhếch nhác, khổ sở như đám thợ đi làm ở Anggola về mà Dung gặp: “vẫn mặc y chang quần áo cũ, vẫn còn đi dép tổ ong”. “Họ tha lôi đồ xách tay là những túi ni lông nhàu nhĩ, cáu bẩn, buộc bằng những sợi dây nhựa chằng chịt. Họ mặc những chiếc sơ mi cũ kĩ màu cháo lòng, có người thì mặc áo kiểu bảo hộ lao động ở công trường xây dựng, có người mặc hai ba chiếc áo chồng lên nhau vì cô thấy hai ba lớp cổ áo nhô ra, thụt vào. Họ có nhiều những cái túi lắt nhắt như vậy quá nên chật cả khoang phía trên ghế ngồi của họ” (tr. 179). Có không ít người nghèo ở quê ra phố đổi đời nhờ chịu khó nhặt đồng nát, làm ô sin, hoặc làm những công việc vất vả khác. Có biết bao người nhờ xuất khẩu lao động mà đổi đời mình, đổi đời cho những người thân. Vậy thì tại sao nhà văn lại chọn Thành và Dung, lại chọn những người đi Anggola mà không chọn những người khác? Liệu Thành và Dung có phải là số đông, là phổ biến cho tất cả những người nhà quê ra thành phố? Liệu mấy người đi về trên máy bay Dung gặp ngẫu nhiên có thể đại diện cho nhiều người Việt đang làm việc ở Đài Loan, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Li- bi, và một số nước châu Phi? Chúng tôi nghĩ rằng nhà văn nữ này không quan tâm lắm đến cái gọi là tính chất đại diện hay điển hình. Chắc chắn là trong nhiều người nhà quê ra phố có những người như Thành và Dung. Chắc chắn có những người đi xuất khẩu lao động nhếch nhác, khổ cực như một số người Dung gặp trên máy bay. Và hẳn nhiên, có các chú nhỏ đánh giày như thằng Thừa, thằng Hạnh thất học. Nếu trong cuộc đời này, họ tồn tại và làm việc âm thầm, lẳng lặng, họ không là số đông, nhưng họ tồn tại thì họ xứng đáng được đề cập đến trong những trang viết. Nhà văn Phạm Thị Bích Thuỷ đã gặp họ ở những góc khuất của cuộc sống. Chị nhạy cảm với cái nghèo, cái cơ cực và đặc biệt nhạy cảm với trẻ em, nhất là những đứa trẻ thất học, đánh giày. Chị đã chọn họ hay chính họ đã chọn chị để xuất hiện. Trong tiểu thuyết này, những trang đặc sắc là trang viết về Chân đất – Hạnh, thằng Thừa và cu Tròn. Có thể liên tưởng về hình ảnh tượng trưng trong hai tiểu thuyết của Bích Thuỷ. Trong Đồi cát bay, những đứa trẻ lấm láp, thất học và cha mẹ chúng chỉ như những hạt cát bị cuốn xoáy vào cuộc đời luẩn quẩn nghèo nàn, thất học, không có học nên lại càng nghèo nàn, bế tắc. Còn ở “Tiếng sáo lạc” thì những con người từ quê nghèo dạt lên thành phố cũng tựa như là một tiếng sáo lạc lõng chỉ cất lên trong đêm. Tiếng sáo đó “giữa đêm mùa 303

đông nó như một lưỡi dao âm thanh, nó mỏng, nó sắc, nó cắt ngang tim người nghe, nó đơn độc, nó mong manh, nó lặng ngắt giữa thành phố sáu triệu người ồn ã” (trang 22). Tiếng sáo đó của Thành cất lên trong công viên thì chỉ có thằng Hạnh - thằng đánh giày Chân đất nghe thấy. Rồi khi Thành chết, thằng Hạnh lại tiếp nối bố mà thổi sáo. Cái điệu bèo dạt mây trôi nói về nỗi mong manh, trôi nổi của kiếp người. Để rồi Dung, mẹ nó từ nước ngoài về chợt nhớ đến Thành chồng cũ, đến con trai. Những nhân vật thoáng qua như Hưng, anh Mễ, cũng là những tiếng sáo lạc. Người đàn bà có biệt danh mà thằng Hạnh đặt cho là bà ma đen làm nghề đồng nát kiêm mại dâm “ai cho bao nhiêu cũng được” cũng là một tiếng sáo lạc giữa cuộc sống chốn thị thành. Và ngay cả cô Toan, cô gái được học hành tử tế, được làm trong nhà khách Quân đội, tự cho là đảm đang, tháo vát, là “cô Tấm ngày nay” cũng thành một tiếng sáo lạc khi mọi toan tính của cô đều là tìm chỗ dựa, tìm cách trở thành bà chủ, có của nả riêng đứng tên mình. Có thể nói tiểu thuyết được viết chặt chẽ, lớp lang với một kĩ thuật khá nhuần nhuyễn. Đặc biệt là ngôn ngữ của các nhân vật trẻ em, ngôn ngữ của nhóm làm thuê về từ Anggola. Về lớp lang có thể thấy, chẳng hạn tiếng sáo ở đầu sách và tiếng sáo ở cuối sách gợi cho Dung nhớ chồng, con. Cái vết chàm đen mà cu Tròn phát hiện là bẩn ở cổ Hạnh, chính là để sau này Dung nhận ra con trai mình là Hạnh trong tai nạn bất ngờ. Và anh chàng Tưởng trí thức cận thị, người đầu tiên Toan lừa trả tiền áo diện, sau đó đã đến ngủ với Toan khi Việt đi Sài Gòn, sau này chỉ xuất hiện với cái tên kính trắng khi Toan đã gá nghĩa với ông Cần. Việc Dung gây nên cái chết của Hạnh và làm cu Phúc cũng bị thương nặng... là một kết thúc để lại ấn tượng mạnh. Tuy nhiên, có thể thấy một nhược điểm lớn của tác giả nữ này, chị đã không kìm được sự khách quan khi miêu tả. Tôi không muốn tác giả gọi Dung là “ả”, một cách gọi miệt thị, dù Dung có xấu đến đâu chăng nữa. Mặt khác Dung nói rằng Dung chỉ muốn mượn thằng Tròn để làm xét nghiệm AND cho các con ông Cần. Những đứa con ông ấy có ngu gì mà phải đợi đến sự giúp đỡ của Dung, trong khi chúng còn mò đến tận nhà Toan, bắt quả tang Toan ngoại tình với kính trắng? Lại nữa nhà văn quên rằng nhân vật của mình đã hết phổ thông trung học. Thế mà Thành nghĩ về phương Nam “ở đó nghe nói có thành phố to hơn Hà Nội gọi là Sài Gòn”. Đấy là ý nghĩ của một thanh niên mù chữ chứ không phải của người hết cấp 3. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là sự miêu tả cẩu thả này: “Đêm nằm ôm thằng Hạnh, nước mắt Thành cứ lăn ra rơi lộp độp xuống cái quần bò cũ Toan cho Dung” (tr. 117). Hình như thế chưa đủ gây ấn tượng chăng, ngay trang sau, tác giả lại tả: “Nước mắt cứ lăn ra lộp cộp” (tr. 118). Phải chăng tôi là người khó tính, khe khắt, vụn vặt? Có thể. Nhưng vì có ấn tượng tốt với tác giả, với thành công của tiểu thuyết nên cứ phải nói ra. Đúng hay sai thì bạn đọc sẽ phán xét! 304

Đỗ Phấn Họ và tên khai sinh: Đỗ Phấn Năm sinh: 1956 Quê quán: Hà Nội Học Đại học Mĩ thuật Hà Nội, là họa sĩ, viết văn. Tác phẩm Truyện ngắn và tiểu thuyết Chảy qua bóng tối; Gần như là sống; Dằng dặc triền sông mưa; Ruồi là ruồi; Vắng mặt; Rừng người; Con mắt rỗng; Thác hoa; Kiến đi đằng kiến; Đêm tiền sử; Chuyện vãn trước gương; Phượng ơi; Ông ngoại hay cười; Hà Nội thì không có tuyết. Tản văn Ngồi lê đôi mách với Hà Nội Ngẫm ngợi phố phường Đi chơi bờ hồ Bâng quơ một thời Hà Nội Giải thưởng 305

Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2014 cho tác phẩm Dằng dặc triền sông mưa. HÀ NỘI TRONG TẢN VĂN CỦA ĐỖ PHẤN Cho đến thời điểm này có thể nói Đỗ Phấn là một trong hai người say mê với Hà Nội nhất trong thể loại tản văn. Nói như thế là vì bên cạnh họa sĩ viết đến hơn 20 tác phẩm về Hà Nội, trong đó gần đây có 4 tản văn, còn có một nhà văn khác số lượng tản văn cũng nhiều là Nguyễn Trương Quý với các tác phẩm Ăn phở rất khó thấy ngon, Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống, Còn ai hát về Hà Nội… Gần 1000 trang viết về Hà Nội của Đỗ Phấn chia ra bốn cuốn sách: “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội” (viết chủ yếu 2013, 2014, in 2015); “Ngẫm ngợi phố phường”, in 2016; “Bâng quơ một thời Hà Nội” (viết chủ yếu năm 2015, in 2018); Đi chơi bờ hồ…” (viết chủ yếu 2016, in 2018). Một con người sinh ra ở Hà Nội, sống một đời gắn bó buồn vui với Hà Nội, yêu quý Hà Nội hết lòng nên nói, kể, viết về Hà Nội cả đời cũng không hết chuyện. Bốn cuốn tản văn của tác giả khi thì chia mục: Ăn, Chơi, Ở (trong Ngồi lê đôi mách với Hà Nội); Nếp cũ nhà xưa, Ẩm thực lưu kí, Đi và nghĩ (Đi chơi bờ hồ…); Quà quê quà phố, Sắc màu chớm đông, Biển trời nhung nhớ (Bâng quơ một thời Hà Nội). Có thể nói khái quát là tác giả đã viết về ba vấn đề lớn Ăn, Ở, Chơi của người Hà Nội. Tất nhiên điều đó chỉ có tính chất tương đối như trong bất kì việc phân loại nào. Bởi vì ngay trong món ăn, cách ăn thì nó cũng đã phản ánh cách “chơi” mà người ta thường gọi bằng một từ ghép “ăn chơi” của mỗi vùng đất. Và nơi ở, những con phố, những ngôi nhà, những khu tập thể, khu chung cư với cách mua bán, nấu nướng cũng không thể tách rời với chuyện “ẩm thực” – ăn uống của cư dân Thủ đô. Chuyện xem phim, xem ca múa nhạc, đi chơi bờ hồ Hoàn Kiếm, hay là những chuyến chơi xa, đi “phượt” lên Cao Bằng, Đồng Văn, chuyện Hà Nội mặc, Hà Nội bên lề,… xếp vào cách chơi, cách giải trí, hay nói khái quát hơn là sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Hà Nội, nhưng vẫn gắn với cách ăn uống, cư xử của những người Hà Nội: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Chẳng thanh lịch cũng là người Thủ đô”. Nói tóm lại là tất cả những gì liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của một thành phố nghìn năm tuổi, một “đô thị đáng sống” đều được tác giả nâng niu, trân trọng làm sống lại trên những trang viết của mình. Có thể nói không quá rằng tản văn của Đỗ Phấn đã làm nên một bảo tàng sống về Hà Nội một thời bao cấp vất vả thiếu thốn cho đến thời mở cửa phát triển bung ra. Từ một Hà Nội gồm những ngôi làng lớn yên bình, vỉa hè nền đất đầy cỏ xanh, giao thông chủ yếu bằng xe đạp và tàu điện thành một thành phố Hà Nội sôi động với những tòa nhà cao ngất, bạt ngàn xe máy ô tô. Trong cái bảo tàng khổng lồ đó, có thể tìm thấy rất nhiều 306

“hiện vật” mà ngày nay thế hệ 8x hay 9x chỉ có thể nghe kể và đọc trong sách báo, xem trong những tranh ảnh, phim tài liệu. Ví như bia hơi Cổ Tân lấy nắp hầm cá nhân mới đúc chưa khô làm bàn, nước giải khát “si-rô” là món quà ao ước của trẻ con thời đó, món “chè đỗ đen đá” là món ưa thích và phổ biến với mọi người. Rồi thì hầm hố ở thành phố. Những khoanh bê tông làm hầm trở thành khoanh thành giếng thời Hà Nội thiếu nước sạch. Rồi thức ăn độn cho cư dân, loại cá biển cắt ô tem phiếu, chè chén vỉa hè đồng giá 5 xu,… Hà Nội không ngừng phát triển và thay đổi. Phố chuyển nghề. Mọi thứ cũng thay đổi theo. Có những thứ chỉ còn trong hoài niệm như vòi nước công cộng, chạn bát, kính coong xe đạp phố, “cán bộ cặp lồng”, cà cuống,… một thế giới biến mất (đồ chơi cho trẻ em), và “mai một hào hoa”. Nhưng Hà Nội cũng có thêm những cái mới, những khu nhà cao tầng hiện đại, những siêu thị, những cột đèn cao áp, những công viên,… Cái ăn, cái mặc của Thủ đô nghèo khó quần thâm, tem phiếu, mì sợi, bo bo một thời giờ đã lùi sâu vào dĩ vãng. Nhà văn Lê Minh Khuê đánh giá: “tha thiết yêu Hà Nội, Đỗ Phấn chỉ viết về cái đẹp Hà Nội xưa, ông vẽ ra những cái đẹp để chúng ta thêm yêu mà giữ lại những nét đẹp ấy. Trong khi đó, bạn đọc đánh giá hầu hết tác phẩm của Đỗ Phấn, từ tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết đều hiển hiện một Hà Nội đăm đắm tình yêu xưa, đều như tiếng thở dài chua xót của một người bất đắc dĩ phải làm nhân chứng cho sự đổi thay xấu xí của sự vật, con người Hà Nội nay, mà chẳng thể ngăn chặn, chẳng thể can thiệp và đau đớn nhất là chẳng thể bỏ đi, rời xa nơi chốn chôn nhau cắt rốn của mình. (VN nhấn mạnh)” (theo Trung Kiên - Thời báo Ngân hàng). Tôi đọc và tôi không đánh giá như vậy. Tôi nghĩ rằng nữ nhà văn đánh giá chỉ đúng một nửa. Ấy là sự say mê vẻ đẹp của Hà Nội. Vẻ đẹp ngày xưa và cả những vẻ đẹp bây giờ. Nhưng nhà văn Đỗ Phấn viết về Hà Nội với cả vẻ đẹp và vẻ chưa đẹp của nó, sự sang trọng và sự nhếch nhác của nó. Đó là một Hà Nội nhôm nhoam đan cài cái đẹp, cái xấu, cái văn minh, cái lạc hậu, cái xô bồ, cái điềm đạm. Dù nó thế nào thì Đỗ Phấn vẫn yêu quý, tự hào về nó. Tất nhiên, yêu quý thì sẽ xót xa, sẽ buồn bã khi cái đẹp bị mất đi. Nhưng cũng sẽ vui mừng, phấn khích vì những vẻ đẹp mới của đô thị hiện đại xuất hiện. Đỗ Phấn đã đúng khi viết rằng “Thay đổi vì cần phát triển là việc tất yếu” (Miền đất nhung nhớ). Những tản văn của Đỗ Phấn chính là một bảo tàng lưu giữ những kỉ niệm sống của Hà Nội với những buồn vui một thuở. Đó là giá trị của tác phẩm văn học chân chính. Đỗ Phấn viết về những gì đã thấy, đã nghe, đã trải nghiệm trong suốt cuộc đời mình từ khi là một cậu bé có trí nhớ cho đến khi thành ra “cánh già” hay hoài niệm. Không những thế, tác giả còn là một người chịu đọc, đọc đủ thứ như trong một bài trả lời phỏng vấn đã bộc bạch: “Tôi đọc gần như tất cả những gì có chữ quanh mình. Kể cả những tờ hướng dẫn sử dụng thuốc chữ nhỏ li ti”. Có lẽ ông bố làm Tổng biên tập Nhà 307

xuất bản Thanh Niên đã cung cấp cho tác giả không ít sách vở. Bởi thế mà trong những bài viết ngăn ngắn, Đỗ Phấn đã có thể làm người đọc thích thú về những hiểu biết “cụ tỉ” của mình. Chẳng hạn nhiều thứ, Đỗ Phấn có thể viết “lược khảo” hoặc không có tên lược khảo thì cũng là “biên niên”, hay hành trình. Ví như “Lược khảo về quả cà”, “Xà phòng biên niên”,“Chậu thau lược khảo”,“Hành trình quà vặt”,… Những món ăn thức uống hay sự vật, đồ dùng cũng đều có nguồn gốc, lịch sử, chẳng hạn Bia hơi vỉa hè, Bún chả Hà Nội, Cà phê giải khát, Chè chén 5 xu, Cầu Long Biên, Chợ Giời, Đèn dầu, Đèn bão,… Có thể bắt gặp những chi tiết lịch sử thú vị, rõ ràng mà có khi không biết có thể tra cứu ở cuốn sách nào. Chẳng hạn, chiếc đồng hồ công cộng có chuông đầu tiên ở Hà Nội ra đời cùng với việc xây dựng Nhà Thờ Lớn vào năm 1886 (Chuông đồng hồ). Người Hà Nội chỉ thực sự dùng điện lưới kể từ khi nhà máy điện Yên Phụ do người Pháp xây dựng khánh thành năm 1932 (Cột đèn một thuở). Tìm theo dấu vết khảo cổ thì thấy chiếc đèn dầu có mặt ở Việt Nam từ thời văn hóa Phùng Nguyên hậu kì đồ đá mới (Đèn dầu). Tàu hỏa hơi nước lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam là vào năm 1881 khi người Pháp xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn- Mĩ Tho dài 70 km.[…] Tàu hỏa hơi nước biến mất từ năm 1993 (Tu tu xình xịch). Có thể phỏng đoán chiếc bánh mì đầu tiên có mặt ở Việt Nam vào năm 1533 đời Lê Trang Tông. Nó hẳn là phải được giáo sĩ I-nê-khu (Ignacio?) mang theo khi đến Việt Nam truyền giáo (Bánh mì). Vòi nước công cộng ở Hà Nội phải ra đời sau khi nhà máy nước Yên Phụ đi vào hoạt động năm 1896 (Vòi nước công cộng). Chợ Hàng Bè chính thức giải tán vào năm 2010 khi kỉ niệm 1000 năm Thăng Long (Thịt luộc mắm tép). Internet đến Việt Nam từ quãng hai chục năm trước đây do tay giáo sư đại học người Úc tên là Rob Hurle mang vào (Thời của soi mói),… Để cho những trang viết của mình thêm sinh động, tác giả đã huy động một số lượng không nhỏ những ca từ, tục ngữ, thành ngữ và đặc biệt là thơ ca từ dân gian cho đến hiện đại của các nhà thơ nổi tiếng. Lời văn của tác giả thanh thoát, giàu nhịp điệu, hình ảnh tự nó đã mang chất thơ. Thêm những câu thơ trích dẫn hợp lúc, hợp cảnh càng làm cho bài viết như một món ăn ngon gia vị thích hợp càng thêm hấp dẫn. Nhắc đến kem, Đỗ Phấn nhắc bài hát nhại về kem. Nói chuyện “Cối chày tản mạn” thì dẫn ca dao về nhịp chày Yên Thái, dẫn thơ của Nguyễn Bùi Vợi, của Nguyễn Khuyến về việc giã gạo, giã trầu. Kể chuyện “ Bữa rượu nhớ đời” thì nhắc đôi câu thơ của Vũ Hoàng Chương. Viết “ Bạn với rác” thì dẫn thơ Nguyễn Khoa Điềm “…Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy/ Mà được gì cho cuộc sống hôm nay?”. Bàn về “Chợ Giời” thì nhắc đến thơ về chợ Trời Hương Tích của Hồ Xuân Hương, của Nguyễn Khuyến. Viết về “Béo và Gầy” thì dẫn thơ Nguyễn Khuyến “ Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng”. Viết “ Giấc mộng làng” dẫn thơ Bùi Giáng. “Miền đất nhung nhớ” dẫn ca từ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, thơ của Bùi Thanh Tuấn được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc trong ca khúc “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Viết “ Lụa” thì dẫn thơ Nguyên Sa,… Có cảm giác 308

người họa sĩ thông thuộc các gam màu cũng chẳng kém gì những tục ngữ, ca dao, ca từ, những bài thơ mà anh đã đọc và thuộc nằm lòng. Một trong những điều thú vị khi đọc tản văn của Đỗ Phấn ấy là người đọc bắt gặp một người ưa hài hước. Thi thoảng trong không khí nghiêm trang lược khảo, chỉn chu thực chứng, “ăn chơi điềm đạm” vẫn thấp thoáng nụ cười kín đáo, nhẹ nhàng, làm cho trang văn bỗng nhiên tươi tắn, lấp lánh. Ví như khi viết “Tạ ơn rau muống”, tác giả cười mà thấy chí lí: “Nếu như có cuộc thi vinh danh một loài rau trên cả nước thì dứt khoát rau muống không có đối thủ. Danh hiệu “Quốc rau” không thể lọt vào tay loài rau Việt nào khác”. Đi trên những con đường hiểm trở Hà Giang, tác giả liên tưởng đến anh chàng trong truyện cổ Grim đi học rùng mình “ Giá như anh ấy lên Lũng Cú ngay trong ngày đầu tiên ra khỏi nhà thì đã không mất nhiều thời gian đến thế”. Nói về chiếc cầu thang, kể chuyện ngày bé, lũ trẻ thi nhau trèo lên tầng hai, ngồi trên tay vịn tụt xuống chỉ để “thi xem đũng quần đứa nào bục chỉ trước”. Bất ngờ, tác giả liên hệ “Chẳng biết những bậc thang danh vọng hình thù như thế nào nên không bao giờ mơ thấy chúng. Cho nên cũng chẳng sợ bục chỉ đũng quần” (Cầu thang trong mơ). Sự hài hước, tự trào là một nét riêng Đỗ Phấn làm nên cái duyên của những bài viết. Cũng phải nói thêm là bằng con mắt hội họa của một họa sĩ được đào tạo bài bản, Đỗ Phấn cũng đem lại cho những tản văn của mình những sắc màu riêng. Nhất là khi tác giả viết về hoa, về cây, về màu nắng và cả về việc vẽ như “ Vẽ gà – thú chơi bất tận”. Điều cuối cùng là những tản văn của Đỗ Phấn thường ngắn, gọn và cô đọng. Người đọc như thể đang theo bước chân người viết “đi chơi bờ hồ”. Có thể ngắm tháp Rùa, ngắm cây cối, nghe chim hót. Rồi hứng lên, có thể làm cốc bia hơi vỉa hè, làm suất bún bung, rồi nhâm nhi tách cà phê. Mỏi thì dừng lại. Các phố xá, cửa hàng cửa hiệu Hà Nội được Đỗ Phấn giới thiệu với ta như một hướng dẫn viên du lịch lành nghề và rất am hiểu thắng cảnh cũng như tâm lí du khách. Vì thế mà các cuộc đi chơi, khám phá Hà Nội lúc nào cũng thú vị, hấp dẫn! Tôi đồng cảm với đoạn văn mà tác giả Nguyễn Thị Hậu viết về tản văn Đỗ Phấn: “Đọc sách của Đỗ Phấn cũng giống như xem tranh. Cùng chất liệu, cùng bút pháp mà vẫn phải lúc nhìn “cận cảnh” lúc lại phải lùi xa, khi nheo mắt chăm chú, khi mở to mắt bao quát cả bức tranh. Và cũng như hội họa, tác phẩm của Đỗ Phấn mang lại cảm xúc hơn là nội dung câu chuyện, bởi nó làm người đọc trở về với dằng dặc triền kí ức của tác giả, và của cả một thế hệ…” (Những triền kí ức của thế hệ - trong “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”). Hà Nội, đầu xuân Kỉ Hợi 2019 309

Cao Ngọc Thắng (Tiểu sử tóm tắt, xem ở phần I) Hà Nội yêu Góc phố nào cũng in dấu chân quen Thuở chúng mình chung nhau một lối Mỗi gốc cây là một lời bối rối Cột đèn đường làm chứng những nụ hôn Những lần hẹn em lòng dạ bồn chồn Dưới mái hiên nhìn ra con đường dốc Chỗ quành kia chảy dài suối tóc Em đến rồi anh muốn chẳng dám ôm Hà Nội ngày xưa thánh thiện có em Bờ vai xuôi và môi em đỏ mọng Trong tay nhau tình lên cao ước vọng Mắt mơ màng đọng lời nói dịu êm Nhớ Hà Nội là nhớ Hà Nội đêm Ánh đèn vàng vàng sang cây vào lá Tiếng dương cầm quyện nước hồ sóng sánh Cánh tay vòng anh mềm mại lưng em 310

Xào xạc Hà Nội gió mùa thân quen Hai đứa mình đuổi dọc con đường lá Gió heo may thổi tung tà áo lụa Chạm ngực em run rẩy tuổi học trò Nhớ Hà Nội tim anh nặng lời thề Nước Hồ Gươm viết cao xanh thăm thẳm Em lên xe hoa cớ gì anh giận Chôn trong lòng da diết một tình yêu Hà Nội ơi, cứ mỗi sớm mỗi chiều Mỗi đêm thâu dạo quanh từng ngõ phố Tiếng rao khuya lẫn trong hơi gió thở Đẫm ngọt ngào nhung nhớ làn môi thơm. Lời bình Nhà thơ Cao Ngọc Thắng là người Hà Nội. Anh sinh ra và lớn lên ở thành phố của mình. Anh làm thơ, viết truyện, viết kí. Khi một người có tâm hồn thơ, lại sống và công tác ở giữa lòng thành phố đẹp và thơ như thành phố Hà Nội thì chắc chắn không thể không viết thơ về thành phố. Trong 6 tập thơ đã xuất bản, tập thơ nào anh cũng có bài viết về Hà Nội. Chỉ lướt thoáng đã thấy 7 bài. Ấy là các bài: Hà Nội 30 tết, Thoáng thu Hà Nội, Tình thơ (Hà Nội sớm thu tinh khiết), Giã từ (Đã đến lúc giã từ cốm xanh chuối tiêu trứng cuốc/ Chiều Hồ Tây, ốc luộc, bánh tôm), Về Trường Sa (Tạm biệt nhé Em – Hà Nội), Hà Nội yêu, Hà Nội và tôi. Trong những bài thơ về Hà Nội ấy, có nhiều câu thơ rất gợi không khí phố phường: Hàng cây lá lơ mơ thở khói Quán vỉa hè ấp chén nôn nao (Tình thơ) Cành đào trên vai thênh thênh phố vắng Cái chật chội ngày thường say lướt khướt hương xuân Cái lo toan vấn vương nơi cửa ô gió lộng Chợt nồng nàn mưa bụi thắt lưng sông (Hà Nội 30 Tết) Năm nay lá bàng vàng thúc thắc Một vòng quanh Hà thành say ngủ 311

Mái ngói thâm trầm mặc thở sương Nhoe hồng mặt gương hơi gió Cuộc đời nhớ nhớ thương thương (Hà Nội và tôi) Riêng bài thơ “Hà Nội yêu” là một bài thơ hoài niệm về một tình yêu chanh cốm vô tư trong sáng tuổi học trò. Nó là bóng dáng thành phố, bóng dáng những mối tình thánh thiện. Nó khác với tình yêu của những người lớn tuổi trong không khí chiến tranh. Tôi nhớ câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài “Chia tay trong đêm Hà Nội”: Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em Có người cho rằng câu thơ có vẻ lên gân, có vẻ lập trường “sẵn sàng chiến đấu”. Sao cứ phải “ôm cả khẩu súng trường” vướng víu cho... chắc ăn? Người khác cho rằng viết thế mới thực, mới đúng là tình cảm trong chiến tranh. Dẫu sao đó cũng là tình yêu của những người lớn tuổi. Còn trong “Hà Nội yêu” của Cao Ngọc Thắng, tình yêu mới chớm của tuổi biết yêu nên rụt rè: Em đến rồi anh muốn chẳng dám ôm Hành động rụt rè ấy gợi nhớ sự không dám của một đôi trai gái Hà Nội trong bài thơ Hương thầm của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Nào ai đã một lần dám nói/ Hương bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao”. Ngay cả cái ôm của người con trai cũng được thể hiện thật nhẹ nhàng mà kín đáo: Cánh tay vòng anh mềm mại lưng em Và thật vô tình nhưng ý tứ biết bao khi hai đứa trẻ mới lớn, mới bước vào tuổi thanh niên hồn nhiên đuổi nhau trên đường nhiều cây lá của con phố Thủ đô : Xào xạc gió mùa Hà Nội thân quen Hai đứa mình đuổi nhau trên đường lá Gió heo may thổi tung tà áo lụa Chạm ngực em run rẩy tuổi học trò Giống như bao tình yêu mơ mộng tuổi học trò, yêu đấy nhưng không đi đến hôn nhân. Tình yêu có thể đẹp nhưng vì nhiều lí do mà... tan vỡ. Người con trai không oán trách, cũng không giận hờn. Một thái độ tôn trọng bạn gái: Em lên xe hoa cớ gì anh giận Và từ đó kỉ niệm về một mối tình đẹp vẫn in mãi trong lòng, vẫn sống mãi trong kí ức thẳm sâu: Hà Nội ơi cứ mỗi sớm mỗi chiều Mỗi đêm thâu dạo quanh từng ngõ phố Tiếng rao khuya lẫn trong hơi gió thở 312

Đẫm ngọt ngào nhung nhớ làn môi thơm Đấy chính là một cách yêu rất Hà Nội, một Hà Nội yêu say đắm, ngọt ngào trong kí ức một chàng trai Hà Nội, một công dân của thành phố Thủ đô. Đường Văn Họ và tên khai sinh: Nguyễn Văn Đường. Sinh ngày 22 tháng11 năm1949. Quên quán: xóm Đại Đồng, xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, dạy học ở trong huyện. Tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô cũ, dạy học tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Tiến sĩ chuyên ngành Lí luận dạy học Văn - Tiếng Việt. Tác phẩm Một số giáo trình cho trường Cao đẳng Sư phạm. Tham gia biên soạn sách giáo khoa Trung học phổ thông. Nhiều sách bài soạn dùng cho giáo viên. Hồn Trèm I, 2014. Hồn Trèm II, 2017. Lá nhặt cuối chiều, 2018. Dâng khúc Trèm hương, 2018. HỒN LÀNG, VÍA NGƯỜI TRONG “DÂNG KHÚC TRÈM HƯƠNG” (Cảm nhận “Dâng khúc Trèm hương” của Đường Văn) Nếu làng Trèm có tục phong tặng danh hiệu “công dân danh dự” của làng thì tôi đoan chắc trong bản danh sách không dài đó thế nào cũng có tên Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường với bút danh Đường Văn. Bởi vì, người con dân làng Trèm đã dành nhiều bút lực và tâm huyết viết về quê hương mình, làng mình. Từ việc giải thích tên làng, đến viết về cổng 313

làng, ao làng, đường làng, đình làng, đồng làng, chợ làng, những món ăn độc đáo, nổi tiếng của vùng quê làng. Những bài viết khảo cứu văn xuôi, tản văn, thơ đó đã công bố trên các trang mạng như trannhuong.com, vandan nguyennguyenbay.com, vunhonb.blogspot.com. Và đã in thành sách trong các tập Hồn Trèm I (2014), Hồn Trèm II (2017), Lá nhặt cuối chiều (2018) và giờ đây là Dâng khúc Trèm hương. Trong lời nói đầu “tự bạch, tự tựa”, tác giả khiêm nhường cho rằng những viết lách của mình là của “một gã giáo quê, một tấm lòng quê, kẻ chân quê, cố vẽ hồn quê, hồn Trèm”. Giáo quê nhưng đã từng học Đại học ở Nga, từng viết sách giáo khoa Ngữ văn Trung học phổ thông, lại có bằng Tiến sĩ phương pháp dạy học Văn - Tiếng Việt thì kể ra... cũng hiếm. Trong sự khiêm nhường ấy có một sự thật là tấm lòng quê cố vẽ hồn quê. Tuy sách chia ba phần (tác giả gọi là 3 chuyên đề) nhưng nét chung nhất của cả ba phần đó là hồn làng quê Trèm cùng với vía (tâm hồn) người viết hồn quê, gia đình và ẩm thực. Ngoài những dòng tự sự trữ tình của tác giả, còn có những lời bình ngắn của bạn văn qua email, qua facebook, thêm phần phụ lục với lời bình tán của ông bạn già Hoàng Dân, một trong những gã “gàn gàn ương ương” “tiếu ngạo ba hoa giỡn cả trời”, kèm với ít ca dao tục ngữ về ẩm thực Việt, về tương Bần để phụ hoạ thêm cho phần ba “Tâm hồn ẩm thực”. Có nhiều chú thích về địa danh, món ăn, sách vở, điển cố mà tác giả dùng, kể cả chú thích về trăn trở, sửa chữa. Điều đó cho thấy tác giả là người chỉn chu và nó cũng tựa như những gia vị thêm vào cho món quà quê thêm ngát chút hương, thêm đằm chút vị. Làng Trèm (Chèm) là một làng Việt cổ ở Thủ đô Hà Nội đã được tác giả viết nhiều trong những bài khảo cứu, tản văn in thành 2 tập sách. Nhưng hình như thế là chưa thoả với một người yêu tha thiết làng mình. Vì thế mà Đường Văn còn nói về làng bằng những vần thơ. Cũng như các bài tản văn, bạn đọc có thể thấy làng Trèm với những cảnh vật quen thuộc Cầu Sông - Cống Trèm, Tung tẩy dốc Trèm, Cầu đồng Trèm, Khắc khoải ao Trèm, Cổng Trèm,… Mong! Tiếc! Cả đến chi tiết kiến trúc “Đao mái Đền Trèm” cũng được tác giả khắc hoạ trong thơ. Ngoài phần ngợi ca, tự hào, yêu đến đắm đuối, thiết tha, còn thấy một sự hoài cổ, nuối tiếc những nét “đẹp xưa”. Không phải là người cố chấp nhưng bằng tình yêu làng tha thiết, tác giả hoài nhớ cổng làng cổ kính, đồng thời dị ứng với cái cổng sắt tân thời: Nửa thế kỉ trụi trơ Trèm hương không còn cổng Trông hổng, cổng làng tôi Dựng cổng khung, tuýp sắt Tự hào đón chào khách Làng văn hoá!... Than ôi! (Cổng Trèm,... Mong! Tiếc!) Làng lên phường, nhà quê lên phố, được nhiều thứ, nhưng cũng mất mát không ít. Ông giáo tròm trèm 70 cảm thấy bức xúc khi “Văn minh đô thị cưỡng duyên hồn làng!” 314

(Chẳng còn tre). Tâm hồn người viết nghiêng về “thương nhớ ngày xưa” hoài tiếc “Hồn quê Trèm cổ - Thuỵ Phương/ Vía làng bảng lảng khói sương... ngậm ngùi”: Ao lấp từ lâu... hoá đất bằng Nghênh ngang cao ốc hững hờ trăng Tre xưa san sát giăng thành lũy Nay đào trọc lóc, hết thò... măng (Khắc khoải ao Trèm) Có lẽ không ai lo lắng như tác giả trước cảnh ô nhiễm, bức tử môi trường do con người vụ lợi. Đấy là sự xót xa, lo lắng và cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc của một con dân làng xã: Miên man đê quai, thẫn thờ thả bộ nửa buồn nửa vui, tìm thương gom nhớ Đen ngòm sông Nhuệ ngùn ngụt phì hơi Trơ đáy, ngược trào, lào phào tăm sôi! Sông chết bởi người! (Chiều Trèm, thả bộ) Ngoài những buồn vui về sự thay đổi của làng, người đọc còn thấy được hồn vía của người viết gửi vào những vần thơ Hoài niệm gia đình. Đây là một đề tài dễ viết, khó hay, bởi thế mà bao nhiêu thi sĩ nhưng rất ít người viết thành công. Tác giả không đua tranh với những cây thơ chuyên nghiệp mà chỉ ghi lại tấm lòng của một người cháu, người con, người chồng, người cha và người ông. Nguyên cái đận từ anh cu Bòi Tạo cho đến khi lên chức “thằng ông” (cháu nội ba tuổi gọi tác giả) với bao thay đổi, nhưng tấm lòng gắn bó với người thân vẫn vẹn nguyên và ngày càng thắm thiết. Tác giả đặc biệt dành nhiều vần thơ cho người mẹ thương quý của mình, có lẽ vì bà là người gần gũi nhất và cũng vất vả nhất, rời cõi tạm gần đây nhất. Chỉ đôi dòng, mà hình ảnh người bà, một bà mẹ nông thôn thật ấn tượng và thật đẹp: Ngón chân Giao Chỉ bà tôi Doãng to như cánh chim trời đang bay Theo trâu lội nát xá cầy (Bà trưởng họ) Với chùm thơ tặng cháu, tác giả cho thấy một gia đình hoà thuận, ông bà, con cháu. Ông làm nhiệm vụ đón đưa. Còn bà thì chờ đợi... chiều cả ông lẫn cháu, có bóng dáng của câu ca dao xưa: Dream êm phóng nhong nhong Nước cam, bà đợi cháu ông chúng mình (Đưa đón) 315

Đúng như tác giả đã tự phê bình và định giá “xúc cảm chân thành, nồng nhiệt, chi tiết hình ảnh, nhân vật và sự việc khá phong phú, nhưng... ”. Theo ý riêng tôi, chỉ bấy nhiêu ưu điểm thì nhược điểm nào cũng không quan trọng nữa. Vì cái gốc của thơ là tình, là cảm xúc! Tôi không ấn tượng lắm về các món ăn được viết trong tập thơ này. Phải chăng, điều ấy tác giả đã thành công ở tản văn, vì vậy khi chuyển thành thơ thì có gì đó hơi hơi bất cập chăng? Không chỉ với tác giả mà có thể thấy hầu hết những bài viết về ẩm thực, về món ngon, món lạ trong văn học Việt đều là văn xuôi chứ không phải bằng thơ, với các tên tuổi Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân. Nhưng tôi lại rất ấn tượng với cách ăn của người viết. Hay chính xác hơn, cái phần “ẩm thực” lại nổi trội về khí chất “tâm hồn ăn uống” của người viết cùng với những người bạn tâm giao, tâm đắc của làng Trèm hay khách làng Trèm. “Bài ca Ẩm thực vang Trèm Vẽ” nhưng có lẽ tiếng vang vang ấy chủ yếu là ở các cuộc tụ bạ “Tìm vui”: Lưng cút tửu tăm bày tiểu ẩm Phở bò, bún cá... gẫu năm châu Sương sương, trà nước, “chém” văn thơ Anh đọc, tôi gật gù... lơ mơ... Tôi ngâm, anh vỗ bàn đánh nhịp “Tao đàn tự sướng”!... đã đời chưa? (Tìm vui) Tôi thích cái tiếng gọi “bay ơi” (Vừa miệng, lành, ngon, gần, sạch, rẻ/ thì chiều Thẩn Khẩu. Chén!... Bay ơi!” - Ngất III), “mày ơi” thuở nào giờ bật ra ở những ông lão mon men thất thập hồn nhiên: Chúng mình như một chùm ba gật gù gật gà- Ngon ngỏn ngòn ngon Nhà kia - rồi cũng cho con Món này, cốt sự,... nóng ròn... mày ơi!... (Ba chàng tửu cẩu) Quả thật tác giả đã rất táo bạo khi viết về món ăn dân dã, khoái khẩu là tiết canh, cháo lòng. Một thứ quà ẩm thực mà dân nhậu sành không thể bỏ qua, dù cho các vị bác sĩ, nhà đài, nhà mạng đã nghiêm khắc cảnh báo. Dù cho con trai lo, con dâu ngăn, vợ khuyên, nhưng bất chấp: Cháo lòng ngất với tiết canh Sáng chơi, chiều ngỏm! Chết thành... ma no (Ngất) 316

Cái chữ ngất ở đây dùng thật sáng tạo. Ngất là chén một cách thích thú cùng với rượu. Cháo lòng ngất, tiết canh càng ngất. Và ngất ngây, sung sướng như thế cho nên không gọi là ăn ở câu sau mà phải là chơi mới đã. Chơi hai thứ đó mà chủ yếu là tiết canh, dù có ngỏm ngay chiều cũng chẳng ngán! Thế mới đáng mặt ăn chơi! (Tất nhiên, đây là nói phách trong thơ, mới lại biết chắc thực phẩm an toàn mới thế. Từ ngày xem cảnh báo, người viết cũng “cạch” món tiết canh ở quán “bà Tình chợ Đuổi”. Nếu không đừng được khi dùng tiết canh dê thì hấp chín!). Cái giọng đùa vui, giễu nhại, trào tiếu của người viết làm cho phần này vui nhộn, hài hước. Đúng như nhận xét khá tỉnh táo trong trạng thái liêng biêng say: Ma đọc... rùng mình, cười ngặt nghẽo đội mồ, nương gió đến thăm ta! (Liêng biêng) Chẳng rõ ma có đọc những bài thơ “chém bão” của lão già nhà quê như tác giả tự nhận và tưởng tượng ra hay không nhưng tôi tin là ai đọc tập thơ này, chắc cũng không nén được tiếng cười vui vẻ. Đem đến cho độc giả tình yêu làng, tình yêu gia đình, bè bạn, yêu cuộc sống và những tiếng cười vui dù là ngắn ngủi. Như vậy cũng là thành công rồi. Đến cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều lừng danh như thế cũng chỉ dám mong “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Vì đã được vui cho nên tôi cũng muốn giới thiệu để cho mọi người cũng được thưởng thức một món đặc sản của dân làng Trèm do ông bạn đồng nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường chế biến “Hồn quê dâng khúc Trèm hương”! 317

Vũ Nho (Tóm tắt tiểu sử trong “vài thông tin về tác giả”, xem ở cuối sách) Ở ngoại thành mùa xuân Mùa xuân chớm ở ngoại thành Trời tơ như thể mới xanh lần đầu Nồng nàn ánh mắt trao nhau Dưới chân sóng đã từ đâu cuộn về Dập dềnh như ở bến mê Sao người lại vội dứt về người ơi Để vương lại một nụ cười Một tôi ngơ ngẩn, một trời mộng mơ 1988 Đêm thì ngắn đời thì dài Vườn cây Hà Nội không tên Từ nghìn năm để đợi em bây giờ Thơ trong em, em trong thơ Bên nhau mà vẫn còn ngờ chiêm bao Trời ranh mãnh đổ mưa rào Đem ai ngượng nghịu buộc vào với ai Đêm thì ngắn đời thì dài... Hà Nội, tháng 9/ 2001 318

Khoang Xanh một ngày Một ngày bằng mấy trăm năm hỡi người Ba Vì thiêng đắm trong mây Sinh Khoang Xanh mảnh đất này thần tiên Một vùng dào dạt thiên nhiên Hương rừng hoa núi và em dịu dàng Dập dìu tiên nữ mơ màng Xiêm y bỏ, tắm trăng vàng suối trong Nào lên thung lũng Khủng long Xuống Hồ tạo sóng một vòng dạo xem Thác vượt xong, tắm suối Tiên Rượu Tiên* uống với người Tiên tự tình Khoang Xanh xanh ngắt trong lành Một ngày như thể cũng thành trăm năm ----------------------- * Rượu Nàng Tiên, đặc sản của khu du lịch Khoang Xanh Cầu duyên nơi Phủ Tây Hồ Chắc là bởi tại duyên Trời Phật Nên mình không hẹn hoá thành đôi Rồi quên trời đất quên phường phố Ta cứ đi và mưa cứ rơi Em còn trẻ quá xinh tươi quá Anh cũ như là chuyện của anh Mưa xuân mát bật mầm cây cỏ Thấm ngọt vào trong chuyện chúng mình Giá lại vào chùa dâng lễ nữa 319

Vẫn khấn cho ai tóc mãi xanh Mãi thắm môi cười long lanh mắt Như bây giờ Em đi bên Anh. Phủ Tây Hồ mùa xuân Một thế kỉ Hà Nội thơ tình (Tập thơ Hà Nội thơ tình tuyển chọn của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) Góp vào kỉ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội và tiến tới kỉ niệm 1000 năm thành phố Rồng Bay, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã làm một số việc có ý nghĩa: ấn hành tập Hà Nội thơ tình tuyển chọn với 437 bài thơ của 295 tác giả. Đất và người Hà Nội Từ Thăng Long, Đông Đô Bốn nghìn năm tụ hội Nông Quốc Chấn Hà Nội là nơi nghìn năm văn hiến, nơi trăm nẻo yêu thương trìu mến đổ về. Hà Nội được hình dung như trái tim của cả nước. Từ tim máu lại chảy về tim. Có sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội nào của đất nước mà không vọng về Thủ đô , từ Thủ đô toả đi muôn nẻo. Bởi vậy, Hà Nội trong thơ, thơ về Hà Nội là một đề tài vô cùng phong phú và rộng lớn. Có lẽ thấy được tính chất đồ sộ của khối lượng, tính chất hoành tráng, đa dạng, phong phú của nội dung nên Ban tuyển chọn chỉ khuôn vào một khoảng hẹp, một đề tài mang tính chất riêng tư - đó là thơ tình. Ấy vậy mà cũng đến non nửa nghìn bài. Chưa kể việc giới hạn số bài của mỗi tác giả đã làm cho con số kia thu nhỏ xuống bao nhiêu lần. Thế mới hay, chúng ta yêu cuộc đời này, yêu thành phố này với tình yêu khổng lồ biết mấy. Thi sĩ Tản Đà, người gắn bó với Hà Nội, người dạo những bản đàn cho cuộc hoà nhạc tân kì của thơ mới và thơ trữ tình Việt Nam hiện đại được trân trọng coi như người đánh dấu cuộc “lưu tình” của gần một thế kỉ thơ. Tiếp đó là trùng điệp những tên tuổi các thế hệ làm thơ sinh ra ở Thủ đô , từ khắp trăm miền về Thủ đô lập nghiệp, hay chỉ một lần đến Thủ đô rồi một đời Hà Nội thương nhớ mang theo, hoặc chưa một lần tới, chỉ mơ về kinh thành ánh sáng. Những tên tuổi quen thuộc trên thi đàn: Tản Đà, Sóng Hồng, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Hoàng Trung Thông, Vũ Quần Phương, 320

Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Nhuận Cầm, Đoàn Thị Lam Luyến, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Hoàng Sơn... Và rất nhiều tên tuổi quen biết hay chưa quen biết lắm. Họ chuyên làm thơ hay chỉ ngẫu hứng dạo qua đường thơ một thoáng. Họ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, hay Hội Nhà văn tỉnh bạn. Tất cả đều đem tình riêng góp nên tình chung, làm thành tình yêu nước, yêu đời, yêu cuộc sống, con người Hà Nội. Riêng tư là chuyện tình yêu. Nhưng tình yêu của hai trái tim, hai tâm hồn, hai con người bao giờ cũng gắn bó với nơi họ hằng sống, hằng yêu. Sẽ không có gì là ngạc nhiên khi Hồ Gươm xanh màu cổ tích lại xuất hiện nhiều trong những mối tình đến thế. Rồi mái phố buồn sấu rụng, quảng trường, những con đường như bàn cờ, những cây cơm nguội, hoa sữa, bằng lăng, những đường đê, bến đò, bờ cỏ, những mưa chiều, nắng sớm, sương khuya đều là chứng nhân gắn bó với những chia li, đoàn tụ, với trăm năm buồn vui thành phố. Thơ tình Hà Nội ôm trùm những khoảng rộng đời sống xã hội, ôm trùm chiều sâu lịch sử và bề dày văn hoá Thủ đô. Đây là tình yêu bồng bột, hồn nhiên của nam nữ thanh niên Thủ đô ngày đầu cách mạng: Em hát tiến quân ca Tay anh cầm cờ đỏ Mùa thu ấy quê ta Lữ Giang Đây là cuộc chia li màu đỏ cháy đỏ một góc công viên Hà Nội những năm chống Mĩ hào hung: Chiếc áo đỏ rực như than lửa Cháy không nguôi trước cảnh chia li Vườn cây xanh và chiếc nón kia Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy Nguyễn Mĩ Và đây, nỗi nhớ mong của cô gái Hà Nội có người thương đang ở chiến trường xa, cũng là tiêu biểu cho nỗi nhớ của hậu phương một thời đánh giặc: Em nhớ anh không chỉ trong giấc ngủ Em nhớ anh không chỉ lúc dạo chơi Em nhớ anh không chỉ đêm trăng tỏ Em nhớ anh không chỉ lúc mưa rơi. Hoàng Thị Minh Khanh Là thơ tình, nên tình yêu đôi lứa được nói đến nhiều nhất, âu cũng là đương nhiên. Thật phong phú về cung bậc, rực rỡ, đa dạng về sắc thái, thắm thiết, nồng nàn về rung cảm. Ở đây, ta sẽ gặp những ánh nhìn đắm say, những nụ hôn bỏng cháy, những nỗi nhớ cồn cào, những âm thầm khát khao... Tất cả vui buồn, sướng khổ, mất mát, tiếc nuối, xót 321

xa, đớn đau, hi vọng... những tình cảm chân thật của những con tim tha thiết yêu thương. Tình yêu khiến cho con người trẻ mãi: Ngày đi anh chẵn hai mươi Còn em mười tám tuổi Thống nhất chúng mình sẽ cưới nhau Lúc ấy anh chẵn hai mươi Còn em vẫn mười tám tuổi Lê Anh Xuân Những con người biết chờ đợi, biết hi sinh, biết dành dụm tình yêu cho nhau trong mọi hoàn cảnh chiến tranh và hoà bình là những người không biết đến tuổi tác, mãi mãi trẻ trung: Em có cháu gọi bà Gọi em anh vẫn gọi Năm mươi tuổi ai già Chúng mình sao trẻ vậy Yến Lan Đọc Hà Nội thơ tình, người yêu thơ như được đắm mình vào thế giới tình cảm bình dị mà thiêng liêng của con người. Tình cảm lớn ấy được sinh ra từ Hà Nội, gắn bó với Hà Nội, thành một phần tâm hồn Hà Nội. Nhìn bằng con mắt yêu, cảm bằng trái tim yêu, ta sẽ sung sướng thấy Hà Nội sao thân quen mà cũng thật lạ lùng. Tình yêu đã làm cho cảnh vật như lung linh ánh sáng. Hồ Gươm xanh màu cổ tích: Một bóng Tháp Rùa anh ánh gươm Nguyễn Thanh Kim Một thoáng thu Hà Nội mênh mang Mùa thu Hà Nội liễu phơi tơ vàng Anh Thơ Những con đường Hà Nội đầy mến thương, vương vấn: Đường nào cũng lắm thương yêu Lối nào cũng đẹp rất nhiều lứa đôi Nguyễn Duy Bến sông Hà Nội hào hùng mà vẫn thấm đẫm những tình cảm đời thường bình dị: Bữa ấy bên sông chỉ toàn bộ đội Trên mặt đê Chèm đầy pháo phòng không Bữa ấy bên sông còn đầy chia li Mẹ tiễn con đi, chồng giục vợ về. 322

Vũ Quần Phương Cả những khi nhìn cảnh sắc không có địa danh, ta vẫn mơ hồ thấp thoáng cái nắng, cái gió, màu mây của thành phố cạnh sông Hồng: Nắng mơ hồ như có, như không Chỉ lấp loáng phớt vàng trên mặt lá Mây mỏng mảnh như là không có Vũ Đình Minh Có thể nói, mỗi tác giả đều góp vào một cách nhìn, một cách nghe, một cách cảm, một cách yêu người, yêu đời, yêu Hà Nội, qua một giọt nắng, một sợi mưa, một ánh nhìn, một màu hoa, một sắc lá, một mùi hương hay một hàng cây, một con đường, ngõ phố... Đọc thơ Hà Nội để thấy thành phố có thêm mình, và mình có thêm Hà Nội mến yêu. Chắc là còn phải bàn thêm với Ban tuyển chọn về tiêu chí chọn thơ, về các bài thơ chọn, về cách trình bày sắp xếp theo thời gian (Chẳng hạn tác giả trước năm 1945 in bài thơ viết năm 1978 hoặc 1992), về một số bài thơ còn ít dấu in Hà Nội, về những lỗi in sai... Nhưng dẫu sao đây vẫn là tập thơ đáng quý, một món quà mừng Thủ đô 990 năm, một sự khởi đầu để có những tuyển thơ, tuyển truyện, tuyển lí luận phê bình của Thăng Long - Hà Nội tròn một nghìn năm. BA MƯƠI NĂM THƠ THỦ ĐÔ ĐỔI MỚI (Tham luận tại Hội thảo Thơ ở Hà Nội ba mươi năm đổi mới và phát triển) 1. Sự đổi thay có ý nghĩa cách mạng thơ ca Có lẽ cần nhận rõ sự khác biệt giữa sự tìm tòi đổi mới thường xuyên của một vài nhà thơ có ý thức cao về nghề nghiệp với một sự đổi mới mạnh mẽ có tính chất cách mạng, hay đó là cuộc canh tân rộng lớn của một nền thơ. Trước khi có cuộc cách mạng thơ mới, thi sĩ Tản Đà cũng đã từng cảm thấy sự gò bó, tù túng của thơ cũ. Ông đã đặt vấn đề thay đổi: Nếu không phá cách, vứt điệu luật Khó cho thiên hạ đến bao giờ Bản thân Tản Đà cũng sáng tạo ra các thể thơ riêng, đó là sự tìm tòi của cá nhân. Thật ra mãi đến năm 1939 Tản Đà mới mất, nghĩa là nhà thơ này có 7 năm viết khi sự đổi thay của thơ mới bắt đầu. Thế nhưng ông không được xếp vào các nhà thơ mới - mặc dù: “Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng phóng túng lắm”! 323

Cá nhân một nhà thơ, dù có tài năng, dù có ảnh hưởng rộng thì cũng không thể làm nên một cuộc cách mạng thi ca (nhưng có thể “châm ngòi” cho một xu hướng cách tân nào đó. Chẳng hạn trường hợp thơ Nguyễn Đình Thi trong kháng chiến chống Pháp – như báo Văn nghệ số đặc biệt Ngày thơ Việt Nam 2003 đã tường thuật lại). Nói về một cuộc cách mạng trong thi ca là phải nói đến sự thay đổi của số đông các nhà thơ, nói về thời gian khá dài của cuộc biến đổi, và chắc chắn số lần thay đổi lớn như thế không nhiều. Phải mất nhiều năm những nhà thơ mới dần dần mới trở thành thi sĩ của cách mạng. Và họ đã đi suốt từ cuộc kháng chiến chống Pháp qua cuộc kháng chiến chống Mĩ. Trong khi đó, các cây bút thơ ở miền Nam khi đất nước chia cắt vẫn viết chủ yếu theo tinh thần của thơ mới. Cái Tôi trong phong trào thơ mới vẫn phát triển tự do. Những tìm tòi thay đổi của một vài cá nhân không thể gọi là một cuộc cách tân thơ được. Bởi vậy khó có thể kết luận sự đổi mới thơ nước ta bắt đầu bằng những cố gắng, tìm tòi của một vài cây bút sống và viết ở miền Nam. Một cái mốc thời gian nữa phải kể đến là thời kì Đổi mới của đất nước từ Đại hội Đảng VI (tháng 12 năm 1986). Sau khi nước ta tiến hành mở cửa và xác định theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xã hội có những biến động sâu sắc. Việc từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, việc phát triển nhiều thành phần kinh tế, việc cởi trói cho văn nghệ sĩ khỏi những ràng buộc vô hình đã thổi một luồng gió mới vào xã hội. Một lần nữa, chúng ta lại được chứng kiến sự đổi thay. Như vậy, có thể nói tóm tắt rằng cuộc cách mạng về thơ ca ở nước ta có ba cái mốc đáng chú ý: phong trào thơ mới 1932 - 1941; thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ (Rất tiếc là chưa thể làm một cuộc tổng kết về sự bắt đầu và tạm hoàn thành như thơ mới. Có ý kiến lại muốn chia thời chống Pháp, thời chống Mĩ làm 2 thời kì đổi mới) và cuộc đổi mới hiện nay gắn liền với thời kì đổi mới của nước ta. 2. Những xu hướng tìm tòi Trước hết cần thấy quan niệm về vai trò của thơ ca và vai trò của nhà thơ có một thay đổi lớn. Thơ miền Bắc là vũ khí đấu tranh cách mạng, trong khi ở miền Nam, thơ không nhất thiết phải có vai trò đó. Sau thống nhất đất nước, người ta muốn mở rộng chức năng thơ. Thơ không chỉ để phản ánh, ca ngợi mà thơ cũng để giãi bày, để chiêm nghiệm. Thơ không nhất thiết hướng ngoại mà có thể và cần hướng nội. Thơ không chỉ làm vai trò chở đạo của văn chương, mà thơ cũng dùng để giải trí, để chơi. Có nhiều xu hướng tìm tòi đổi mới về ngôn ngữ và hình thức. Chúng tôi muốn điểm lại những xu hướng đó trong phạm vi Hà Nội. Những từ ngữ réo rắt, mùi mẫn, đèm đẹp với vẻ óng ả giả tạo đã không còn thích hợp. Các nhà thơ muốn đưa ngôn ngữ bình dị, đời sống thô rám, xù xì vào thơ mình. Những từ 324

ngữ có tính khẩu ngữ đi thẳng từ bãi chợ, bến sông, xưởng thợ vào thơ. Nào là: ừ thì, ối giời ơi, té ra, thế là, đã đời, hồng nhan ạ, tự dưng, tôi chã, đành rằng, vãi cả ba linh hồn...; những từ ngữ thời kinh tế thị trường bùng nổ thông tin có mặt trong thơ như là một lẽ tự nhiên, nhưng cũng phải có ý thức thì mới làm được cái điều có vẻ đơn giản ấy: tiếp thị, hợp đồng, quảng cáo, xa lộ thông tin, nghẽn mạch, nối mạng, vỡ nợ... Một người muốn đổi mới triệt để ngôn ngữ thơ là Lê Đạt. Ông có cả một tuyên ngôn về chữ và nghĩa của thơ. Nhưng ý đồ tách chữ ra khỏi nghĩa, ý đồ tách nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị ra khỏi chữ là một sự cực đoan trong sự tìm tòi của tác giả “Bóng chữ”. Cũng như khi nhà thơ Vũ Quần Phương chủ trương “quên chữ, quên câu”. Thơ nằm trong câu chữ, câu chữ là hình thức, nhưng cũng là nội dung (Eptusencô: Nội dung cũng chính là hình thức). Làm gì còn thơ nữa khi quên chữ, quên câu? Cũng may mà đấy chỉ là lời tuyên bố, còn nhà thơ vẫn miệt mài trăn trở với chữ, với câu. Nếu khảo sát về vần nhịp thì rõ ràng, thơ bây giờ ít vần hơn, nhịp phóng túng hơn. Đặc biệt xuất hiện loại thơ văn xuôi. Hầu như cây bút nào cũng có một đôi bài. Thơ văn xuôi chính là một cách làm mới lạ từ ngữ, nhịp điệu của thơ, đưa thơ gần với lời ăn tiếng nói thường nhật (Tuyển tập thơ văn xuôi - Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, Nxb Văn học, 1997). Bên cạnh đó, các nhà thơ có ý thức cao hơn về việc chọn chữ, dùng từ. Không phải ai cũng tán thành tuyên bố của Lê Đạt “Chữ bầu lên nhà thơ”, nhưng các nhà thơ đều có ý thức dùng chữ sao cho đắt, sao cho không nhàm chán. Sự dụng công trong lao động sáng tạo ngôn từ đã dẫn đến việc hầu như không có những từ ngữ ngô nghê, những sự cẩu thả trong diễn đạt. Người hăng hái và có nhiều thành công nhất trong lĩnh vực này là nhà thơ Nguyễn Duy, sau đó là Y Phương và Vũ Xuân Hoát. Có thể nói Nguyễn Duy đã sáng tạo một loạt những từ “lạ” trên cơ sở ngữ liệu quen thuộc. Ta không thể không ngạc nhiên một cách thích thú khi gặp những từ đại loại: tuây huẩy, ngun ngủn, loằng ngoằng, nhờn nhợn mỡ, mòm mom móm, nưng nứng mộng, xơ xác bờm xơm, núng nính bâng quơ... Phải đặt những từ ngữ đó trong câu thơ Nguyễn Duy mới thấy hết cái hay của nó. Nguyễn Duy đã tìm tòi sáng tạo một giọng điệu dân gian ngang ngang, bi hài nhưng nghiêng hẳn về hài, một giọng điệu không thể lẫn, trong khi cũng có nhiều nhà thơ khác tìm về nguồn mạch dân gian mà người thành công nổi trội là Phạm Công Trứ. Cái chất “nhà quê”, hóm hỉnh của những vai hề chèo thể hiện khá rõ trong thơ Nguyễn Duy, mà trước hết thể hiện trong chất liệu ngôn từ. Sáng tạo từ mới, làm mới lại những từ đã dùng mòn bằng cách đặt nó hoà thanh với các từ ngữ khác một cách táo bạo, các nhà thơ đồng thời làm mới các hình thức thơ ca. Một thời trường ca được coi như một cách để diễn đạt những đề tài có tính sử thi của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Không có một cây bút có tên tuổi nào lại không thử thách với trường ca. Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Trần Cương, Trần Anh Thái, Nguyễn Linh Khiếu,… làm trường ca. Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa cũng làm đến ba bốn trường ca, trong đó Khúc hát người anh hùng là một thành công đáng kể. Nhưng dần dần, 325

trường ca không phải là cách tìm tòi thể hiện, vì nó... dài, cảm xúc hay bị tãi mỏng; mặt khác, một số người viết chưa đủ nội lực, lại cũng chưa hiểu biết một cách thấu đáo về đặc trưng thể loại. Bởi vậy những tìm tòi về thể loại rẽ sang ngả khác, phổ thông hơn, đại chúng hơn, và cũng thời đại hơn. Chúng tôi muốn nói đến các bài thơ ngắn, rất ngắn. Phải nói rằng trước đó, chúng ta đã có những câu tục ngữ hết sức cô đọng và ngắn gọn và những bài ca dao mà chỉ có 2 câu: một câu sáu, một câu tám. Nhưng trong sự phát triển của thơ ca, cái hình thức ngắn gọn, cô đọng đó đã bị vượt qua. Chỉ đến bây giờ nó mới lại được người ta để ý. Thơ một câu, thơ 2 câu, thơ ba câu xuất hiện trên báo, trong các tập riêng. Có người thích thú vì những bài thơ ngắn ở mức kỉ lục như kiểu: Vợ chồng, xong (Xem: Nguyễn Hoàng Sơn - Tranh luận Văn học, Nxb Văn học, 2000). Tuy nhiên, trong truyện có việc thi truyện ngắn mi-ni, thì trong thơ, người ta thi thơ tứ tuyệt. Dù là ngắn nhưng cũng phải đảm bảo cỡ bốn câu thì mới đủ để cảm xúc và trí tuệ hoà quyện. Nhưng đó cũng chỉ là một cách quan niệm. Nguyễn Hoa đã in tập thơ Từ một đến tám (Nxb Văn hoá Thông tin, 1997), trong đó số bài thơ một câu có 2, bài 2 câu có 9, bài ba câu chỉ có 2, chiếm một vị trí đáng kể nhất là bốn câu với 62 bài. Nguyễn Duy có không ít các bài thơ 2 câu. Thơ 2 câu, ba câu có thể dễ dàng tìm thấy trong phần lớn các tập thơ xuất bản gần đây. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Kí đã thử nghiệm và công bố tập thơ “Khoảnh khắc” (Nxb Hội Nhà văn, 2001) với hơn một trăm bài thơ ba câu. Như vậy rõ ràng nhu cầu cô đúc cảm xúc, tăng cường sức gợi đã được hầu hết các nhà thơ để ý, tuân thủ. Gần đây, có phong trào làm thơ Haiku theo kiểu Nhật. Các tác giả Đinh Nhật Hạnh, Phùng Gia Viên, Cao Ngọc Thắng, Nguyễn Duy Quý đó cho xuất bản những bài, những tập Haiku, được Chủ tịch Hiệp hội Haiku thế giới của Nhật bản, ông Ban’ya Natsuishi đánh giá cao. Tuy nhiên nếu Đinh Nhật Hạnh theo hình thức Haiku sát hơn thì Nguyễn Duy Quý lại “cải biến” thành thơ ba dòng, có nhan đề như thơ Việt (So sánh hai tập: Trăng Bùa của Đinh Nhật Hạnh, Nxb Văn học 2014 với Suy tưởng trước tàn phai của Nguyễn Duy Quý, Nxb Hội Nhà văn 2014). Trong sự tìm tòi đổi mới này, không thể không nhắc đến Thái Bá Tân với tập Thơ sáu câu (Nxb Lao động, 1997) với 188 bài và 65 bài thơ dịch thơ cổ Triều Tiên. Kiểu thơ sáu câu ít lời, cân xứng, dễ gây ấn tượng và có phong cách gần gũi với thơ cổ phương đông được Thái Bá Tân thể hiện khá thành công trong tập. Tuy nhiên, thơ sáu câu có trở thành một hình thức để các nhà thơ phải dụng tâm thể nghiệm hay không lại là việc khác. Sáu câu của Thái Bá Tân mỗi câu đều 6 tiếng và không có nhan đề. Còn Sáu câu của Nguyễn Hoa thì có nhan đề, số chữ trong mỗi câu khi thì 2, khi thì 4, khi 5 hay 6 tiếng. Sự cách tân về thể loại còn được thể hiện trong những tìm tòi về cấu trúc khổ thơ. Trước đây người ta chú ý đến khổ cân đối 4 câu, hoặc khổ tự do không hạn định câu chữ. Nhưng có lẽ với Lê Thị Mây, chị bắt đầu thể nghiệm loại khổ ba câu. Đáng lưu ý là những khổ thơ ba câu của Lê Thị Mây có thể tồn tại như một bài thơ ba câu độc lập. Có khá nhiều khổ thơ như thế. Ví như: Người tiễn hồn tôi hẹn cỏ găm. Tôi chẳng nỡ đâu, tôi 326

chẳng gỡ. Đem buồn hai vạt đắp thành chăn (Hờn). Khổ thơ ba câu cũng có thể thấy trong thơ Phạm Công Trứ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Trọng Hoàn, Bùi Kim Anh, Phạm Đình Ân... Một kiểu cấu tạo khổ thơ khác cũng khá phổ biến là khổ 2 câu. Điều này Xuân Diệu đã thể nghiệm trong bài Biệt li êm ái, Đêm trăng đường Láng. Trước đó lác đác có người viết. Nhưng bây giờ thì nó trở thành một hiện tượng phổ biến. Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Quần Phương... đều viết thơ có khổ 2 câu. Song có lẽ phổ biến hơn cả là sự đan xen các khổ 2, 3, 4 và có khi một câu trong một bài thơ. Điều đó nói lên sự đa dạng của cấu trúc bài thơ. Cứ đều đều đối sánh mãi 2 câu thì cũng là một biểu hiện của sự gò bó. Bởi thế, sự linh hoạt và phóng túng, không hạn định số câu trong khổ, số khổ trong bài cũng là một biểu hiện của sự cách tân. Về hình thức thơ, cũng cần nói đến một tìm tòi của Nguyễn Trọng Tạo về đồng dao cho người lớn. Đồng dao truyền thống thường gần với vè về số chữ. Có thể là ba, bốn hoặc năm chữ trong một dòng. Thế nhưng Nguyễn Trọng Tạo đã nhân đôi loại đồng dao 4 chữ. Đồng thời tạo ra các cặp song song trong một khổ như đã nói trên. Tuy vậy, hình như kiểu đồng dao này cũng có một cái gì đó sắp đặt, nên trong những Thời gian 1, Lưu lạc, Tự vấn, Nỗi nhớ không tên, Nguyễn Trọng Tạo lại quay về với 4 chữ và 5 chữ quen thuộc của đồng dao thông thường. Phải đợi đến Nương thân (Nxb Văn hoá thông tin, 1999) Nguyễn Trọng Tạo mới phát triển, hoàn thiện đồng dao cho người lớn với những cặp câu tám chữ cân đối nhịp chẵn. Trong khi đó Trần Lan Vinh trở lại với đồng dao cho trẻ em. Những bài đồng dao với cách bắt vần có vẻ tuỳ hứng nhưng theo một lôgic riêng, phù hợp với lối tư duy “dung dăng dung dẻ” hồn nhiên, tự nhiên của con trẻ (Gọi mưa, Nxb Thanh Niên, 2002). Thái Bá Tân sau khi đã dịch hàng nghìn trang thơ nước ngoài, đã làm một tập thơ sáu câu học kiểu thơ Xitgiô, lại công bố tập thơ Bàn tay hình chiếc lá với 87 bài toàn là thơ năm chữ. Tác giả cho rằng hình thức thơ này giàu chất trữ tình, nhạc tính cao, dễ đi vào lòng người. Đây cũng là một cách trở lại với thể thơ truyền thống của dân tộc. (Gần đây trên mạng, Thái Bá Tân làm rất nhiều thơ năm chữ kiểu châm ngôn và xuất bản thành sách trong đó có nhiều bài đọc lí thú). Mượn các hình thức thơ nước ngoài như xon nê, vô đề, ban lát, bậc thang... cũng là một cách làm giàu thêm hình thức thể hiện của thơ. Điều đáng chú ý là trong khi mọi người cứ việc thể nghiệm với những đổi mới về hình thức đủ loại thì người ta lại quay trở về với lục bát cổ truyền. Việc xuất bản tuyển tập lục bát Việt Nam, việc thi thơ lục bát trên báo Giáo dục và Thời đại, báo Văn nghệ trẻ (năm 2002, Nxb Hội nhà văn in tập thơ 300 bài lục bát dự thi) đã khẳng định sự trường tồn của thể loại này. Một điều lí thú nhưng cũng đáng để suy ngẫm là Trúc Thông, một cây bút trăn trở, tìm tòi nhưng bài thơ hay nhất của anh lại chính là bài lục bát Bờ sông vẫn gió. Điều đó cho thấy chất lượng nghệ thuật của tác phẩm không hề phụ thuộc vào các yếu tố 327

cách tân. Chúng ta mới hiểu vì sao có người khăng khăng nói chỉ có thơ hay, chứ không phân biệt cũ hay mới, bảo thủ hoặc cách tân. Những tìm tòi của Hoàng Hưng trong Ngựa biển, của Đặng Đình Hưng trong Ô mai em, của Lê Đạt trong Bóng chữ, của Nguyễn Quang Thiều trong Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sụng, Chõu thổ; của Trúc Thông trong Một ngọn đèn xanh, của Phạm Công Trứ trong Cỏ may thi tập, của Thái Bá Tân trong Thơ sáu câu, Bàn tay hình chiếc lá, của Hoàng Xuân Tuyền trong Bến thời gian và nhiều người khác nữa, dù thành công ít hay nhiều hoặc ngay cả khi thất bại... đều khẳng định xu hướng tìm tòi đổi mới thơ. Có người lớn tiếng phê phán giễu cợt những tìm tòi này. Có nhà thơ cho rằng mọi sự tìm tòi đổi mới về ngôn từ và nhịp điệu đều là vô ích. Song nếu có thái độ bình tĩnh, chúng ta sẽ thấy cần phải ghi nhận và khích lệ mọi cố gắng. Nếu không có sự thất bại, làm sao có thành công. 3. Người thành công nhất nhưng... Nguyễn Quang Thiều là một gương mặt tìm tòi, đổi mới thơ thành công nhất trong vòng mấy chục năm qua không chỉ ở phạm vi thơ Thủ đô mà trong phạm vi cả nước. Chúng tôi đã có một bài dài phân tích những mặt thành công và những điều chưa thành công của cây bút này. (Quân đội nhân dân cuối tuần số 955 ngày 20/ 4/ 2014). Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng: Tưởng tượng và liên tưởng ư? Thơ văn xuôi ư? Từ chối vần nhịp thông thường ư? Sử dụng ngôn ngữ không đặc tuyển cho thơ và không sử dụng những quy phạm vần luật thơ truyền thống ư? Trùng điệp các thi ảnh ư? Ca ngợi làng quê, người phụ nữ, đất đai (cánh đồng), ngọn lửa ư? Những giấc mơ như là mê sảng ư? Đó không phải là cách đổi mới chỉ riêng thấy ở Nguyễn Quang Thiều, và đó cũng không phải là bí quyết để nhà thơ này thành công. Vậy Nguyễn Quang Thiều làm mới và thành công ở chỗ nào? Chính là ở chỗ vận dụng tất cả các yếu tố đó một cách tổng hợp. Khi vận dụng một cách chừng mực và tỉnh táo, Nguyễn Quang Thiều thành công. Khi vận dụng quá đà, Nguyễn Quang Thiều thất bại. Tôi không cho rằng càng viết, càng đổi mới thì thơ Nguyễn Quang Thiều càng hay. Mà chỉ thấy khi không chừng mực, không tiết chế, say sưa với sự khác lạ, Nguyễn Quang Thiều tự làm hỏng thơ mình. Thiết nghĩ những người làm thơ Thủ đô và cả nước, muốn đổi mới, cách tân thành công, không thể không suy ngẫm về bài học từ Nguyễn Quang Thiều. 328

Vµi th«ng tin vÒ t¸c gi¶ Vò Nho Bót danh kh¸c: Vâ Nhu, Anh Nhu, Võ Ninh Bình N¨m sinh 1948 Quª qu¸n: Th«n Trµ §Ýnh, x· Gia Minh, huyÖn Gia ViÔn, tØnh Ninh B×nh. Tèt nghiÖp Khoa Ng÷ v¨n §¹i häc S- ph¹m ViÖt B¾c 1970 TiÕn sÜ §¹i häc S- ph¹m GhÐc-xen, Lª-nin-gr¸t (Liªn X« cò) 1984 Phã gi¸o s- 1991 Héi viªn Héi nhµ v¨n Hµ Néi Héi viªn Héi nhµ v¨n ViÖt Nam C¸c t¸c phÈm chÝnh ®· xuÊt b¶n - Th¬ chän vµ lêi b×nh (2 tËp) - §i gi÷a miÒn th¬ (3 tËp) - TrÇn §¨ng Khoa - thÇn ®ång th¬ ca - 33 gương mặt thơ nữ - Thơ và dạy học thơ - Bình thơ - Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều - Thơ cho tuổi thơ - Hà Nội - văn chương từ một góc nhìn - NghÖ thuËt ®äc diÔn c¶m - Chµo c¸c em (dÞch) - TruyÖn c-êi d©n gian T¸c-ta (dÞch) - TruyÖn cæ tÝch dµnh cho ng-êi lín (dÞch) - Cha mÑ vµ con c¸i (dÞch) - Cã mét chiÕc ®Üa bay (dÞch) Có 113 đầu sách dịch, viết chung và riêng về văn chương và giáo dục. 329

C¸c nhµ xuÊt b¶n ®· in Kim §ång, Thanh niªn, Gi¸o dôc, V¨n häc, Héi Nhµ v¨n, V¨n hãa d©n téc, V¨n hãa Th«ng tin, Hµ Néi, §¹i häc quèc gia, Đại học Thái Nguyên. §Þa chØ email: vunho_bgd @yahoo.com hoÆc [email protected] Blog: vunhonb. blogspot. com MỤC LỤC L ời n ói đ ầu Trang Phần một: Người Thăng Long – Hà Nội 3 I. Các tác giả Trung đại Mãn Giác Thiền sư 5 Trần Quang Khải 8 Trần Nhân Tông 11 Nguyễn Trãi 13 Hồ Xuân Hương 20 Bà Huyện Thanh Quan 25 Nguyễn Văn Siêu 27 29 Cao Bá Quát 33 Nguyễn Du 49 II. Các tác giả hiện đại 49 Nguyễn Việt Anh 54 Phi Tuyết Ba 60 Lê Ngọc Bảo 63 Nguyễn Ngọc Căn 67 Hoàng Nhuận Cầm 70 Nguyễn Huy Dung 74 Quang Dũng 85 Vân Đài 330

Ngân Giang 89 92 Tô Hà 94 Nguyễn Thị Ngọc Hà 100 Mai Xuân Hải 103 Chử Thu Hằng 109 Hoàng Việt Hằng 114 Nguyễn Hiếu 119 124 Tô Hoài 128 Phạm Khải 131 Ngô Ngọc Liễn 134 Chử Văn Long 137 Nguyễn Đăng Luận 142 Nguyễn Thị Mai 145 Trần Minh 152 Phan Thị Thanh Nhàn 157 Xuân Quỳnh 161 166 Khang Sao Sáng 171 Lê Sơn 174 Nguyễn Hoàng Sơn 180 Cao Ngọc Thắng 184 Nguyễn Đình Thi 192 Nguyễn Ngọc Thiện 199 Nguyễn Quang Thiều Nguyễn Vũ Tiềm 203 Vũ Ngọc Tiến 210 Nguyễn Tuân 214 219 Hoàng Minh Tường 222 Nguyễn Huy Tưởng 226 Bằng Việt 226 Lê Tiến Vượng 227 Phần hai: Viết ở Hà Nội Hồ Chí Minh Tuyên ngôn Độc Lập 331

Bài thơ xuân 1947 231 Phần ba: Viết về Hà Nội 234 Thoáng chốc Hồ Tây - ca dao 234 Chiếu dời đô - Lý Công Uẩn 236 Đề đền Sầm Nghi Đống - Hồ Xuân Hương 237 Ông đồ - Vũ Đình Liên 239 Vui bất tuyệt - Tố Hữu 243 Ngày về - Nguyễn Đình Thi 246 Đêm trăng đường Láng - Xuân Diệu 249 Hà Nội - Trần Đăng Khoa 253 Hà Nội vắng em - Tế Hanh 257 Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn 259 Lại ở giữa lòng Hà Nội - J. Fossenbell 262 Viếng lăng Bác - Viễn Phương 265 Lên núi Ba Vì - Phạm Tiến Duật 269 Mùa hoa doi - Xuân Quỳnh 271 Ngõ hẹp - Nguyễn Linh Khiếu 274 Ba mét cách mặt đường - Nguyễn Hoàng Sơn 277 Hà nội mùa... - Từ Hồng Sơn 280 Một người Hà Nội - Nguyễn Khải 286 Thành phố đời mình - Phạm Khải 289 Những hòn sỏi... - Trần Thuỷ Thạch 292 Cảm tác Hà Nội - Vũ Công Hoan 296 Tiếng sáo lạc - Phạm Thị Bích Thuỷ 301 Hà Nội trong Tản văn Đỗ Phấn 305 Hà Nội yêu - Cao Ngọc Thắng 310 Dâng khúc Trèm hương - Đường Văn 313 Ở ngoại thành mùa xuân - Vũ Nho 318 Đêm thì ngắn, đời thì dài - Vũ Nho 318 Khoang Xanh một ngày - Vũ Nho 318 Cầu duyên ở phủ Tây Hồ - Vũ Nho 319 Một thế kỉ thơ tình Hà Nội - Vũ Nho 320 Ba mươi năm thơ Thủ đô - Vũ Nho 323 332

Vài thông tin về tác giả 329 Mục lục 330 333


Like this book? You can publish your book online for free in a few minutes!
Create your own flipbook