Dễ thương thì rõ rồi. Nhưng sao lại dễ ghét ở đây? Xuân Diệu là như vậy đấy. Đây không phải là cái ghen của người đàn ông (Thương khi mắt nhìn mình, ghét khi mắt nhìn người khác). Xuân Diệu nói dễ ghét là để nói cái dễ thương, để thương hơn nữa. Cũng tựa như: “Em là yêu mến của ta. Mến yêu vô hạn em là nỗi đau”. Nhưng đêm trăng đâu phải chỉ để nhìn vào mắt nhau? Họ đã cùng đi vào thế giới ngập tràn yêu mến. Đường Láng bình dị đã thành đường mơ: Em đưa anh vào trong bóng trăng Anh đưa em cành liễu thung thăng Họ đi “chân luyến bên chân” (chữ của Xuân Diệu), người này đưa người kia, cùng đi vào trong bóng trăng huyền ảo, đi vào trong bóng liễu thung thăng. Hai chữ thung thăng Xuân Diệu dùng thật hợp cách. Ca dao xưa đã ngẩn ngơ: Ai đem người ngọc thung thăng chốn này. Còn đây là hai người thung thăng. Thung thăng vừa có sự nhẹ nhàng, lại vừa có sự bay bổng, phóng khoáng. Phải có niềm vui rạo rực bên trong, phải thanh thản “cởi hết ưu phiền gởi gió mây” con người mới có thể nhẹ nhõm, mới hồn nhiên thơ trẻ đến thế. Cành liễu thung thăng hay tay người cầm cành liễu, hay bước người đưa, người cầm cành liễu thung thăng? Thơ cốt gợi mà không cốt tả là như vậy. Con đường Láng thành con đường thơm, thành con đường đẫm trăng soi: Đường Láng thơm bạc hà, cánh giới Ôi trăng soi trên lá xà cừ... Và đôi tình nhân đi mãi vào đêm trăng, đến tận bờ đêm biếc: Anh với em bên bờ đêm biếc Đêm có bờ thì đêm là sông, là hồ, hay là biển? Mà cũng có thế là ruộng, là đồng vì “Trăng như sương trên ruộng lúa xanh”. Lý Bạch từng ngỡ trăng là sương trên mặt đất (Nghi thị địa thượng sương). Còn Xuân Diệu thì thấy trăng như sương trên ruộng lúa. Cái ánh trăng soi trên lá xà cừ đầm sương thu hẳn là long lanh như “vàng gieo ngấn nước”, lại tiếp tục tạo ảo giác như sương trên ruộng lúa xanh... Hình ảnh những xóm mờ mến thương quen biết làm cho bức tranh thêm huyền ảo mà ấm áp, thân thiết. Trung tâm của bức tranh đó là hình ảnh toả sáng: Em là một ngôi sao mới băng Xuống đây, đi với anh đêm trăng Sao băng là sao cháy rồi sao tắt. Còn cô gái là ngôi sao băng hoá thành người. Nhưng với cách ngắt câu thường gặp của Xuân Diệu thì có thể hiểu: Em như một ngôi sao - mới băng xuống đây - đi cùng anh đêm trăng. Hoặc: Em như một ngôi sao mới - băng xuống đây - đi cùng anh đêm trăng. Một ngôi sao vụt xuống từ bầu trời đêm trăng sáng. Huy Cận liên tưởng đôi sao như cặp nhân vàng trong trái đêm vũ trụ (Ngoài kia sao cũng từng đôi sáng. Từng cặp nhân vàng trong trái đêm). Đôi tình nhân trên đường Láng đêm trăng cũng có thể ví như đôi sao - người. Chỉ có khác là Xuân Diệu bao giờ cũng 251
hướng về cõi người, cõi trần thế, về vẻ đẹp trần tục của mặt đất. Nên đường Láng với bạc hà, cánh giới, với xà cừ, lúa xanh, liễu biếc, xóm mờ quen biết thành thiên đường của tình yêu. Bài thơ tình của Xuân Diệu đã trao cả “Một vùng đất nước say mê” cho những lứa đôi muôn thuở. 252
Trần Đăng Khoa Họ và tên khai sinh: Trần Đăng Khoa. Sinh ngày 26 tháng 4 năm 1968. Quê quán: Thôn Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương. Dân tộc: Kinh. Từng là lính Hải quân, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, Học viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki, Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giám đốc kênh truyền hình VOV, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm Thơ Từ góc sân nhà em, 1968; Góc sân và khoảng trời, 1973; Thơ Trần Đăng Khoa tập 1, 1970, tập 2, 1983; Bên cửa sổ máy bay, 1986; Khúc hát người anh hùng (trường ca), 1974; Trừng phạt (trường ca) 1973; Dông bão (trường ca), 1983. Văn xuôi Chân dung và đối thoại, 1998; Người thường gặp, 2000; Đảo chìm (in lần thứ 25), 2009. Giải thưởng Ba lần Giải Nhất thơ báo Thiếu niên Tiền phong (1968, 1969, 1971). Giải A báo Văn nghệ, (1981 - 1982) Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001. Hà Nội Hà Nội có chong chóng Cứ tự quay trong nhà Không cần trời nổi gió Không cần bạn chạy xa Hà Nội có nhiều hoa Bó từng chùm cẩn thận Mấy chú vào mua hoa Tươi cười ra mặt trận 253
Hà Nội có Hồ Gươm Nước xanh như pha mực Bên hồ ngọn Tháp Bút Viết thơ lên trời cao Hà Nội có nhiều hào Bụng súng đầy những đạn Và có nhiều búp bê Bóng tròn cho các bạn Hà Nội có tàu điện Đi về cứ leng keng Người xuống và người lên Người nào trông cũng đẹp Mấy năm giặc bắn phá Ba Đình vẫn xanh cây Trăng vàng Chùa Một Cột Phủ Tây Hồ hoa bay 1969 Lời bình Khi viết bài thơ này, Trần Đăng Khoa mới mười một tuổi và lần đầu tiên, chú bé nhà quê được về Thủ đô. Có thể nói, một chú bé như thế nên nhìn Hà Nội cái gì cũng thấy lạ, cũng thấy độc đáo, thú vị. Chú tả Hà Nội theo trình tự từ trong nhà ra ngoài phố. Điều mà chú thích thú chính là cái chong chóng - quạt máy tự quay trong nhà. Bất cứ đứa bé nhà quê nào cũng không xa lạ gì với cái chong chóng tự làm bằng các vật liệu hết sức đơn giản, dễ kiếm. Nhưng cái chong chóng tự chế ấy chỉ quay được khi có gió khá mạnh thổi vào. Nếu không có gió thì chủ nhân của nói phải chạy nhanh để làm ra gió. Chạy càng nhanh thì chong chóng càng quay tít! Thế mà Hà Nội lại có chong chóng - quạt tự quay thì quả thật là đáng ngạc nhiên, thú vị. Ra đường phố chú bé nhìn thấy rất nhiều hoa. Ở quê cũng có hoa chứ sao! Nhưng hoa Hà Nội có khác là nó được “bó từng chùm cẩn thận”. Nghĩa là hoa để bán cho người dùng. Chú bé thấy mấy chú (chắc là quân phục xanh bộ đội dễ nhận ra) vào mua hoa nên 254
đoán là các chú sắp ra mặt trận. Nét cười tươi của người mua hoa cho thấy sự lạc quan, ung dung của các chiến sĩ ta thời đó. Rồi chú bé đến Hồ Gươm, trung tâm của thành phố. Cái nước Hồ Gươm “xanh như pha mực” là được nhìn bởi con mắt của chú học trò đang đi học thời đó viết mực Cửu Long bằng ngòi bút lá tre. Vì là chú bé làm thơ nên Trần Đăng Khoa chỉ chú ý đến Tháp Bút mà không để ý, không nói đến Tháp Rùa. Đó cũng là điều dễ hiểu, mới nhắc mực (nước hồ) thì nói ngay đến bút: Bên hồ ngọn Tháp Bút Viết thơ lên trời cao Bấy giờ, cả thành phố trong tình trạng chiến tranh cho nên có nhiều hào và hố cá nhân ngay trên đường. Chú bé thấy hào, thấy súng đạn, nhưng vẫn không quên chú ý đến những gì dành cho trẻ em cả gái, cả trai: Hà Nội có nhiều hào Bụng súng đầy những đạn Và có nhiều búp bê Bóng tròn cho các bạn Nhắc đến Hà Nội, không thể không nhắc đến phương tiện giao thông nổi bật nhất, độc đáo nhất thời đó, chỉ Hà Nội mới có. Ấy là tàu điện. Chú bé Khoa thấy: Hà Nội có tàu điện Đi về cứ leng keng Người xuống và người lên Người nào trông cũng đẹp Quả nhiên, trong thời kì chiến tranh, vải vóc khan hiếm thì chỉ có người Hà Nội mới ăn mặc đẹp so với những người nông dân ở làng quê một nắng hai sương. Kết thúc bài thơ là khung cảnh Hà Nội vẫn đẹp, vẫn bình tĩnh trong khi bị giặc bắn phá. Khổ thơ này được sửa về sau, nhưng cái không khí chung của Hà Nội thì chú bé Khoa đã ghi lại trong thơ thật sống động, chi tiết và có sức khái quát. Một bài thơ nhỏ về Hà Nội, nhưng đã phản ánh chân thực thành phố Thủ đô trong chiến tranh chống Mĩ. Đây là một lát cắt bằng thơ độc đáo về Hà Nội năm 1969. Ghi chú Khổ thơ cuối là khổ thơ Trần Đăng Khoa sửa chữa sau này. Trong lần gặp Tràn Đăng Khoa, tác giả có đọc khổ thơ cuối trước đây đã in: Mình đã đến Hà Nội Phố nào cũng vui tươi 255
Bạn có muốn đi chơi Sáng mai cùng đi nhé! Khổ thơ sửa rõ ràng hay hơn, “chuyên nghiệp” hơn. Hình ảnh “trăng vàng chùa một cột/ Phủ Tây Hồ hoa bay” có tính chất tượng trưng. Câu thơ cuối viết như thế là rất ảo, rất gợi. Hoa nào bay ở Phủ Tây Hồ? Hoa trên áo người, hoa trên mâm lễ cúng, hoa nắng lung linh qua tán cây? Muốn hiểu thế nào cũng được. Tuy nhiên, tôi vẫn thích những câu thơ “thực thà”, nó rất hồn nhiên và rất trẻ con. Phải về Hà Nội mới có thể quan sát và làm thơ. Nhưng chú bé Khoa vẫn phải khẳng định lại với bạn rằng “Mình đã đến Hà Nội” cho chắc ăn. Và còn rủ rê hôm sau cùng đi chơi phố! Trẻ con ham chơi và thích rủ bạn. Dấu ấn này đã mất khi khổ cuối được sửa đi! 256
Tế Hanh (1921 – 2009) Họ và tên khai sinh: Trần Tế Hanh. Sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921. Quê quán: Xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dân tộc: Kinh. Tham gia công tác Cách mạng từ năm 1945, từng là Uỷ viên thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tr ư ởng ban đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng dịch, Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Mất ở Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2009. Tác phẩm Hoa niên, 1945; Hoa mùa thi, 1948; Nhân dân một lòng, 1960; Bài thơ tháng bảy, 1961; Hai nửa yêu thương, 1963; Khúc ca mới 1966; Đi suốt bài ca, 1970; Câu chuyện quê hương, 1973; Theo những tháng ngày, 1974; Giữa những ngày xuân, 1977; Con đường và dòng sông, 1980; Bài ca sự sống, 1985; Tế Hanh tuyển tập, 1987; Thơ Tế Hanh, 1989; Vườn xưa, 1992; Giữa Anh và Em, 1992; Em chờ anh, 1994. Giải thưởng Giải thưởng Tự lực văn đoàn, 1939. Giải thưởng Phạm Văn Đồng của Hội Văn nghệ liên khu 5. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, 1996. Hà Nội vắng em Thế là Hà Nội vắng em Anh theo các phố đi tìm ngày qua Phố này bên cạnh vườn hoa Nhớ khi đón gió, quen mà chưa thân Phố này đêm ấy có trăng Cùng đi một quãng nói bằng lặng im Phố này anh đến tìm em Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây Anh theo các phố đó đây Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em. 257
Lời bình Em là một tình nhân với thi sĩ Tế Hanh. Chắc là do có công việc nào đó mà em rời xa Hà Nội, thành ra Hà Nội không có em, Hà Nội vắng em. Đối với những người đang yêu, đang say thì sự vắng thiếu này thật khó mà khoả lấp. Bởi vậy mà thi sĩ đi tìm lại những kỉ niệm ngày qua, để mong khuây bớt nỗi cô đơn, nỗi nhớ em. Mỗi phố thi sĩ “đi tìm ngày qua” đều chứa những kỉ niệm khó quên giữa hai người. Một con phố cạnh vườn hoa, nơi mọi người đón gió, nơi hai người mới dừng ở mức “quen” thôi, chưa ở mức “thân” là mức cao hơn về tình cảm gắn bó. Rồi khi đã thân, đã yêu thì đi dạo cùng nhau và độc đáo nhất là “nói bằng lặng im”. Cần chi phải dùng lời khi hai tâm hồn đã hoà hợp, đã cảm thông? Lại nhớ đến thi sĩ Xuân Diệu khi ông tả cái “im lặng” của người mình yêu: “Và khi không nói em im lặng/ Anh vẫn nghe hay tựa tiếng đàn” (Giọng nói). Ở đây là cả hai người im lặng hay theo cách cảm của nhà thơ là “nói bằng lặng im”. Họ lặng im để cảm nghe bản giao hưởng tình yêu đang dâng trào du dương trong đêm trăng! Một kỉ niệm lãng mạn và đẹp! Rồi một con phố khác. Không nói tên phố để chứng tỏ rằng thi sĩ đã qua rất nhiều con phố kỉ niệm của hai người. Con phố này không có kỉ niệm cũ nhưng lại có kỉ niệm mới. Ấy là mọi người tưởng con người đang ngẩn ngơ kia là người “đi tìm bóng cây”. Bao nhiêu cây, biết bóng cây nào là bóng cây thi sĩ muốn tìm? Một kỉ niệm thú vị trong phút thoát khỏi tình trạng ngẩn ngơ, tỉnh táo nhận ra “người qua lại tưởng anh tìm bóng cây”. Tìm người mà lại như tìm cây. Tìm cây nhưng không phải là cây với tên gọi cụ thể hay đặc điểm riêng, mà là “bóng cây”. Thật là mơ hồ, nhưng lại rất thực khi con người ngẩn ngơ tìm kiếm. 2 câu kết bài thật là độc đáo. Đúng là khung cảnh gợi nhớ câu ca dao “Tìm em như thể... ”. Nhưng lại khác ở chỗ là tìm khắp các phố đó đây nhưng em thì không gặp, lại cảm nhận được lòng mình “Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”. Hà Nội vắng em. Mà Hà Nội lại đầy em. Vì em luôn hiện hữu khắp Hà Nội. Một phát hiện bất ngờ của thi sĩ Tế Hanh làm cho mọi người “Thêm yêu Hà Nội”! 258
Phan Thị Thanh Nhàn (Tiểu sử tóm tắt, xem ở phần I) Hương thầm Cửa sổ hai nhà cuối phố Không hiểu vì sao không khép bao giờ Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm Bên ấy có người ngày mai ra trận Họ ngồi im không nói năng chi Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi Nào ai đã một lần dám nói? Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối Anh không dám xin Cô gái chẳng dám trao Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao Không giấu được cứ bay dịu nhẹ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu (Anh vô tình, anh chẳng biết điều Tôi đã đến với anh rồi đấy... ) Rồi theo từng hơi thở của anh Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì Mà hương thầm thơm mãi bước người đi Lời bình 259
Cửa sổ hai nhà cuối phố Không hiểu vì sao không khép bao giờ Cái cửa sổ không khép bao giờ ngay từ đầu đã làm cho người ta phải để ý, phải nghĩ ngợi. Vì sao lại không khép? Vô tình chăng, hay là hữu ý như cái cửa “song hồ nửa khép cánh mây” của chàng Kim? Không thể đoán được. Ngay cả tác giả cũng như chúng ta vậy thôi: “không hiểu vì sao”. Tuy thế một thông tin rất quan trọng giúp chúng ta không hiểu nhầm sự “không khép” ấy. Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp À ra thế! Vậy thì cánh cửa sổ không khép chắc chắn không phải là một sự hờ hững, vô tình nào đó. Nhưng sự giao lưu qua cửa sổ không khép ấy là một sự giao lưu có mức độ, có giới hạn. Sự giao lưu thầm kín của những gì không rõ rệt, không cụ thể. Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa Như vậy là từ trước tới giờ, tuy cửa sổ luôn luôn để mở mà chỉ có cái gì thanh tao, nhẹ nhõm, khó nắm bắt được như là hương bưởi, như là cái tình “bạn cùng lớp” mới có thể đi qua, và chỉ có chúng đi qua. Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay Hôm nay chùm hoa mới đi qua. Hôm nay cô gái mới đi qua. Lí do đi thật là chính xác, minh bạch: tiễn người ra trận. Một phong tục thật đẹp, thật giàu tình làng nghĩa phố. Cả làng (ở nông thôn), cả khu phố (ở thành phố) đến chơi tiễn người ra trận. Vậy điều gì khiến cho bước chân cô gái ngập ngừng? - Vì cô không đi tiễn như một người láng giềng bình thường. Vì cô kín đáo đi cùng với một chùm hoa. Vì chùm hoa lại kín đáo giấu trong chiếc khăn. Khi viết bài thơ “Đám cưới ngày mùa”, tác giả Hương thầm quan tâm đến mọi thành viên đến dự cưới. Còn trong bài thơ này có rất nhiều người tiễn đưa, chị chỉ nói về một người đưa tiễn mà thôi. Thường thì đưa tiễn bao giờ chẳng dặn dò, chẳng động viên, chẳng hứa hẹn giữa kẻ ở người đi. Nhưng tình thế đặc biệt đã làm cho việc “tiễn dặn” diễn ra khác thường: Họ ngồi im không biết nói năng chi Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi Vì sao họ “không biết nói năng chi”? Có phải họ không có điều gì để nói, hay họ chưa tìm được lời để nói? Bảo rằng họ biết cũng đúng mà bảo rằng không thì cũng chẳng sai! Vì họ có nói những điều chung như đã nói với bao người đâu? Từ trước tới nay họ chỉ mới biết nói những điều chung. Còn nói những điều riêng kia, điều thiêng liêng kia: 260
Nào ai đã một lần dám nói? Họ còn trinh trắng quá, còn phong nhuỵ quá, nên hồi hộp quá. Đã có chùm hoa bưởi trong chiếc khăn nói đỡ lời rồi, nhưng họ không sao nhích qua được sợi tóc của sự cách ngăn. Bên này sợi tóc là tình bạn tình xóm giềng phường khóm. Nhưng bên kia... chỉ cần vượt sang bên kia đã là một thế giới tình cảm khác, rất khác... mà cả hai người lại chưa dám vượt qua: Anh không dám xin Cô gái chẳng dám trao Dẫu sao trước đây hương bưởi bay qua là làn hương tự nhiên, còn hôm nay hương bưởi là do người hữu ý. Hoa bưởi gói trong khăn, giấu trong khăn. Hương bưởi không giấu được, mà cũng không cần giấu kĩ... Cô gái nghĩ rằng mình đã đi một bước dài. Và cô chờ đợi người bạn của mình cũng mạnh dạn lên như thế. Bảy câu thơ tiếp theo cô gái trách móc dịu dàng, pha một chút hờn dỗi. Cô có quyền trách lắm chứ. Đáng tiếc là những câu thơ này thật thà quá, cụ thể quá, rõ ràng quá. Thành ra chúng làm giảm đi, đánh mất bớt đi sự thầm lặng của làn hương, sự kín đáo thanh tao của thi tứ. 2 câu kết, may thay, đã đưa hai nhân vật và người đọc trở về sự im lặng và tinh tế ban đầu: Họ chia tay Vẫn chẳng nói điều gì Mà hương thầm thơm mãi bước người đi Tôi rất thích sự không nói của họ. Không nói được nhưng họ đã nói rất nhiều. Một làn hương thầm thơm mãi đủ nói lên tất cả những gì muốn nói. Cái tứ hương thầm được triển khai thật tinh tế và trọn vẹn. Và chắc là vì thế hương thầm sẽ thanh tao đầm ấm thơm mãi trong lòng người đọc. 261
Jennifer Fossenbell J. Fossenbell. Nhà thơ, nhà ngôn ngữ học (quốc tịch Mỹ). Làm thơ từ năm 7 tuổi. Các tác phẩm, bao gồm thơ và các bài phê bình đã in trên nhiều tạp chí thơ và tạp chí chuyên ngành, và thơ đã được trình diễn ở nhiều sự kiện và các liên hoan nghệ thuật. Giúp tuyển chọn thơ cho tạp chí Wazee Independent Journal. Thành lập và hiện đang điều hành nhóm những cây bút quốc tế tại Hà Nội mang tên \"The Hanoi Writers Collective\"- để tạo diễn đàn và cộng đồng cho những nhà văn nhà thơ đang sống tại Hà Nội. Một bài thơ độc đáo về Hà Nội Nguyễn Phan Quế Mai dịch Lại ở giữa lòng Hà Nội J. Fossenbell viết tặng Hà Nội nghìn năm văn hiến Thành phố, Người mở những ngón tay đón tôi vào lại những đường chỉ tay trên bàn tay Người. Thành phố, Người giữ đầu mình trước mặt trời, để tôi được ở trong bóng râm mái tóc dày của Người. Thành phố, Người nhổ và chặt và luộc và nhào trộn, đôi tay người thông minh như mèo và nhanh nhẹn như thằn lằn. Thành phố, Người hát rao từ ngõ sang ngõ, gập người dưới đòn gánh, bước đi nặng nề bằng dép nhựa từ khi trở dậy đến khi buông xuống. Thành phố, Người ngủ giấc ngủ của xương xẩu mệt mỏi, im lặng như nấm mồ, nhọc nhằn như lịch sử. Thành phố, Người dang rộng những chiếc lá to trong mưa, nâng niu những tiếng lộp độp, sự bốc hơi, mùi vị sau khi khí các-bon đã tiêu tán. Thành phố, Người hút thuốc lào và để khói lơ lửng bay trên môi, cháy âm ỉ, chầm chậm, ngọt. Thành phố, Người hối hả trên những sợi dây rối ren, biến vào những vết nứt với chỉ một vỏ cau trên lưng. 262
Thành phố, Người nhấc một vạt quần và đi tiểu vào bùn. Thành phố, Người đấm nắm đấm vào châu thổ, tẽ sông, tạo hồ từ lòng nắm đấm. Thành phố, Người tự kiến tạo, thân hình Người lớn lên, tay chân Người sinh sôi, bộ xương Người rền rĩ và ken két để tiến về phía thế giới mới bất cẩn. Thành phố, Người hay cười; ngửa mặt, miệng rộng như sông, giọng mơ hồ như nước. Thành phố Hà Nội, Người không là mẹ của tôi nhưng Người bế tôi vào ngực Người và hát cho tôi nghe những bài hát tôi không thể hiểu nhưng mãi mãi không thể không lắng nghe. Lời bình Chúng ta là người Việt, vì vậy nói đến Thủ đô Hà Nội là nói đến Thủ đô của nước mình, người mình, nói đến trái tim của dân tộc mình. Nhiều nhà nghệ sĩ có khi còn coi Hà Nội là sở hữu riêng “Hà Nội mến yêu của tôi” cũng không ai lấy làm lạ vì tôi, ta, mình, chúng tôi, chúng ta, chúng mình đều là cách xưng hô về mình. Với Jennifer thì khác. Hà Nội rõ ràng không phải là thân thiết cội nguồn với chị. Hà Nội là một thành phố như bao thành phố mà chị đã qua. “Thành phố Hà Nội, người không là mẹ của tôi” . Cái quan hệ khách quan, rõ ràng tuyệt đối đó làm cho tiếng nói của nhà thơ về Hà Nội có một vẻ riêng. Mỗi người yêu mến, biết ơn, ca ngợi mẹ mình là lẽ đương nhiên. Yêu mến và ca ngợi thành phố quê hương, thành phố Thủ đô của nước mình cũng đương nhiên Nhưng nếu một thành phố xa lạ, bỗng nhiên trở nên thân thiết, gần gũi, bỗng nhiên mình không muốn rời xa thì ắt hẳn phải có một nguyên do đặc biệt. Đây, căn nguyên của tình yêu Hà Nội được Jennifer lí giải: Thành phố Hà Nội, Người không là mẹ của tôi nhưng Người bế tôi vào ngực Người và hát cho tôi nghe những bài hát tôi không thể hiểu nhưng mãi mãi không thể không lắng nghe Một Hà Nội không là mẹ nhưng như người mẹ, bế đứa con bé bỏng vào lòng và hát bài hát ru muôn đời. Có thể đó là bài hát về con cò, con vạc. Đó cũng có thể là bài hát sung chát đào chua. Dĩ nhiên người con nói tiếng Anh kia không thể cảm nhận được ý tứ sâu xa trong lời hát ru của Người mẹ - Hà Nội. Nhưng cô đã lắng nghe và không thể ngừng nghe, mặc dù không hiểu. Có sao đâu. Tôi tin tưởng rằng mà đoan chắc rằng những đứa bé Việt nằm nôi, nằm trong lòng mẹ hay được mẹ địu trên lưng và hát ru thì chúng cũng chẳng hiểu hết những lời bài ca của mẹ. Trong hình dung của nữ nhà thơ Mĩ, Hà Nội là một người đàn bà vạm vỡ. Hà Nội có tầm vóc của mẹ Âu Cơ, có sức mạnh của các vị thần khai thiên lập địa: Thành phố, Người đấm nắm đấm vào châu thổ, tẽ sông, tạo hồ từ lòng nắm đấm. Thành phố, Người tự kiến tạo, thân hình Người lớn lên, tay chân Người sinh sôi, bộ xương Người rền rĩ và ken két để tiến về phía thế giới mới bất cẩn. 263
Thành phố, Người hay cười; ngửa mặt, miệng rộng như sông, giọng mơ hồ như nước Và tấm lòng của thành phố thật rộng mở, bao dung, chở che, nhân hậu. Người đã đón cô bé người Mĩ vào bàn tay khổng lồ của mình với những đường phố như đường chỉ tay. Người đã dùng mái tóc dày của mình che mặt trời nhiệt đới chói chang tạo bóng mát, như cây đa làng tạo bóng mát che rợp tuổi thơ những đứa trẻ làng quê. Đằm trong tình thương yêu và che chở của thành phố, người thơ thấy biết bao là kì lạ của thành phố Hà Nội, của con người Hà Nội tượng hình trong hình dáng một người đàn bà không lồ nhanh nhẹn làm lụng miệt mài: Dậy từ bình minh làm cho đến lúc hoàng hôn. Người nhổ, chặt, luộc... người chế biến thức ăn, người bán hàng rong rao như hát, người làm ra những mùi vị thơm ngon từ những bếp than tổ ong đầy khí các-bon; người hối hả trên những sợi dây rối ren. Người nâng niu những tiếng lộp độp, những làn hơi nước của cơn mưa rào. Và thật thú vị, người hút thuốc lào theo kiểu riêng Hà Nội mà có lẽ chỉ có Jennifer là người đầu tiên cảm nhận: Thành phố, Người hút thuốc lào và để khói lơ lửng bay trên môi, cháy âm ỉ, chầm chậm, ngọt. Tuy nhiên, không phải toàn là những lời ngợi ca Hà Nội nhà thơ còn cảm thông với những vất vả, cực nhọc của thành phố cần lao: Thành phố, Người ngủ giấc ngủ của xương xẩu mệt mỏi, im lặng như nấm mồ, nhọc nhằn như lịch sử. Và đây nữa, thành phố quá đông người và nhà vệ sinh không đủ cho nên mới có hình ảnh này: Thành phố, Người nhấc một vạt quần và đi tiểu vào bùn. Hà Nội còn vất vả, Hà Nội còn nhọc nhằn cả trong giấc ngủ, Hà Nội còn phải đun than tổ ong thải ra nhiều khí các-bon, (Hà Nội còn xả rác lên tường với những nham nhở quảng cáo khoan cắt bê tông, cho thuê gia sư, o sin lẫn với hút bể phốt,... mà nhà thơ chưa kể đến). Hà Nội còn có những việc, những điều chưa đẹp. Nhưng không vì thế mà Hà Nội không lớn lao, kì vĩ. Không vì thế mà tình yêu và sự kính trọng Hà Nội của nhà thơ Mĩ giảm đi. Chính vì lẽ đó chăng mà khi Hilary, bạn của Jennifer thay cô đọc bài thơ này ở Lâu đài trắng Tuần Châu trong dịp Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, bài thơ đã được cử toạ hoan hô nhiệt liệt. Tiếng Anh khi tạm biệt có câu “See you again” tỏ mong muốn được gặp lại một lần nữa. Cũng giống như tiếng Hán nói “tái kiến”, tiếng Nga nói “đến cuộc hẹn sau”. Nhan đề của bài thơ “In Ha Noi, again” phải chăng có nghĩa “Lại ở trong lòng Hà Nội” như Nguyễn Phan Quế Mai đã dịch, hoặc là “Trong lòng Hà Nội, một lần nữa”. Nhưng tôi rất muốn hiểu đây còn như là mong muốn “Lại được một lần nữa trong lòng Hà Nội”, như là sự biểu thị niềm vui, niềm mong ước gặp gỡ với thành phố đã xoè tay đón, đã âu yếm bế nhà thơ vào lòng và hát ru bằng tấm lòng người mẹ. 264
Viễn Phương (1928 - 2005) Họ và tên khai sinh: Phan Thanh Viễn. Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1928. Quê quán: Tân Châu, An Giang. Dân tộc: Kinh Tham gia Cách mạng từ 1945. Từng là cán bộ Sở thông tin Nam Bộ, Tổng thư kí Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Uỷ ban Liên Hiệp VHNT TP. Hồ Chí Minh. Mất năm 2005 tại TP. Hồ Chí Minh. Tác phẩm Chiến thắng Hoà Bình, trường ca, 1953; Mắt sáng học trò, thơ, 1970; Nhớ lời di chúc, trường ca, 1972; Như mây mùa xuân, thơ, 1978; Phù sa quê mẹ, thơ, 1991; Anh hùng mìn gạt, truyện kí, 1968; Sắc lụa Trữ La, tập truyện ngắn, 1988; Quê hương địa đạo, tập truyện và kí. Giải thưởng Giải Nhì Giải thưởng Cửu Long, Nam Bộ, 1954. Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 2001. Viếng lăng Bác Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi 265
Mà sao nghe nhói ở trong tim! Mai về miền Nam thương trào nước mắt Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. Lời bình Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác khi Bác qua đời đã bảy năm, khi đất nước thống nhất một năm. Tác giả lần đầu tiên đi thăm Bác cũng là đi viếng Bác. Khổ thơ thứ nhất bắt đầu bằng lời xưng hô “Con ở miền Nam”. Từ “con” là từ để xưng hô trong gia đình của người con với cha mẹ, của người nhỏ tuổi với người lớn tuổi. “Con” là lời xưng hô thật gần gũi, thân thương, kính trọng. Với Bác, các nhà thơ như Xuân Diệu, Tố Hữu đã từng xưng con (Xuân Diệu: Trên đầu tóc Bác sương ghi/ Chắc đôi sợi đã bạc vì chúng con; Tố Hữu: Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau). Nhưng “con ở miền Nam” của Viễn Phương mang một sắc thái mới đầy xúc động và thành kính. Vì miền Nam là nơi đi trước, về sau, nơi Bác hằng khát khao mong nhớ (Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha- Tố Hữu). Phải đợi đến khi hoà bình, thống nhất đất nước, những người con của miền Nam mới được thăm Người, cũng là đi viếng Người. Ấn tượng đầu tiên là những hàng tre ngoài lăng Bác. Những hàng tre như dài, rộng mênh mông; hàng tre xanh xanh màu đất nước, màu Việt Nam. Lăng Bác ở trong hàng tre, ở giữa lũy tre như một làng quê Việt Nam thân thuộc. Tác giả không tả thực hàng tre mà nhân hoá, tượng trưng. Tre như những người con, người chiến sĩ kiên cường, bất khuất, hiên ngang: Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng. Tre Việt Nam tập trung vây quanh Bác, xếp thành đội ngũ chỉnh tề, canh giữ “giấc ngủ bình yên” cho Người. Khổ thơ thứ hai nhà thơ dành nói về tình cảm của nhân dân đối với Bác. Tình cảm đó thật là bao la, vô tận. Ngày ngày thời gian lặp lại khi mặt trời qua lăng. Lại ngày ngày những dòng người nối nhau trong không gian đặc biệt: đi trong thương nhớ. Đặc biệt là những con người, những tấm lòng đã kết thành hoa để dâng lên bảy mươi chín mùa xuân, dâng lên một đời phấn đấu hi sinh của Bác. Tác giả đã dùng hình ảnh ẩn dụ: mặt trời trong lăng để diễn tả hình ảnh thiêng liêng và sáng ngời của lãnh tụ; bảy mươi chín mùa xuân để nói về cuộc đời của Bác; tràng hoa để nói về tấm lòng của nhân dân. Quan hệ tình cảm giữa lãnh tụ và nhân dân là quan hệ giữa mùa xuân và hoa, gắn bó khăng khít, tự nhiên. Hai khổ thơ trước là những xúc cảm khi đứng bên ngoài lăng Bác. Đến khổ thơ thứ ba, nhà thơ tả giây phút nhìn thấy Bác trong lăng và xúc cảm của mình. Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Bác không mất. Bác chỉ nằm ngủ sau khi làm việc. Lí trí thì nói rằng Bác sống mãi cũng như “trời xanh là mãi mãi”. Nhưng tình cảm lại như muốn vỡ oà, không kìm nén được vì thực tế: Bác đã mãi mãi ra đi. Bởi vậy mà có cảm giác đau “nghe nhói ở trong 266
tim”. Nỗi đau ấy là tình cảm “bột phát” khi lần đầu nhà thơ gặp Bác, cũng lại là lần viếng Bác. Đây cũng là tình cảm của bao người từng khóc ròng hôm lễ tang Bác năm xưa khi “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” (Tố Hữu). Khổ thơ cuối cùng ghi lại tình cảm của nhà thơ sau khi viếng Bác trong lăng. Nếu ở đầu bài thơ, nhà thơ xưng “con”: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, thì trong những câu thơ này không có từ nhân xưng. Các câu thơ đều bắt đầu bằng động từ: thương trào nước mắt, và muốn làm. Muốn làm con chim Muốn làm đoá hoa Muốn làm cây tre Việc dùng những câu thơ không có chủ ngữ là một thành công trong nghệ thuật của tác giả. Đó là tình cảm cá nhân, nhưng cũng là tình cảm của mọi người, của bất cứ người dân nào về viếng Bác. Ai vào viếng Bác cũng thương trào nước mắt, cũng muốn làm con chim dâng tiếng hót vui, làm bông hoa dâng hương thơm mát, làm cây tre trung hiếu canh gác cho Bác ngày đêm. Ước muốn đó thể hiện tình cảm thiêng liêng, thành kính của người con Nam bộ với Bác, của những ai đã về lăng “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” và của tất cả người dân Việt Nam chưa đến lăng nhưng lòng vẫn chân thành ngưỡng mộ Bác Hồ. Bài thơ ghi lại cảm xúc viếng lăng Bác theo trình tự thời gian, không gian từ ngoài vào trong, từ khi viếng và xúc cảm sau khi viếng, với từ ngữ mộc mạc và các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc ẩn dụ, nhân hoá, tượng trưng. Thành công đặc biệt của bài thơ nhờ cảm xúc hết sức chân thành, sâu sắc của tác giả Viễn Phương. Cảm xúc đó lại được cộng hưởng bởi tình cảm thiêng liêng Bác dành cho nhân dân miền Nam, nhân dân Việt Nam và tình cảm thành kính, ngưỡng mộ mà toàn dân tộc dành cho Bác. Chính vì thế mà bài thơ là một trong những thành công xuất sắc viết về Bác kính yêu./. 267
Phạm Tiến Duật (1941 – 2007) Họ và tên khai sinh: Phạm Tiến Duật. Sinh ngày 14 tháng 1 năm 1941. Quê quán: Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Dân tộc: Kinh. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, gia nhập quân đội, sống và viết trên đường mòn Hồ Chí Minh. Từng là Phó ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Mất ở Hà Nội ngày 4 tháng 12 năm 2007. Tác phẩm Vầng trăng quầng lửa, thơ, 1970; Thơ một chặng đường, 1971; Ở hai đầu núi, thơ, 1981; Vầng trăng và những quầng lửa, thơ, 1983; Thơ một chặng đường, tuyển, 1994; Nhóm lửa, thơ, 1996; Tiếng bom và tiếng chuông chùa, trường ca, 2000; Vừa làm vừa nghĩ, tiểu luận, 2003. Giải thưởng Giải Nhất thi thơ báo Văn nghệ, 1969 - 1970. Giải thưởng Hội Nhà văn, 2004. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 2001. Lên núi Ba Vì Ô hay núi cứ ba hòn nhỉ Cứ kết liền nhau đến lạ kì Đã có Tam Thanh còn Tam Điệp Đã xanh Tam Đảo lại Ba Vì Ý thiên nhiên hẳn giống ý người Núi tựa đinh ba chọc giữa trời Mấy phen thắng giặc ta lên thử Đất cứ bình yên, sông cứ xuôi 268
Cái thế chân kiềng núi cứ ba Trụ trời trụ đất đứng nguy nga Dưới chân núi ấy nhà em ở Khói vẫn bình yên thung lũng xa Lời bình Thật ra, nhìn núi thấy hình gươm, hình giáo mác, hình các con thú hay hình người mẹ bồng con... chẳng phải là sự việc mới lạ trong cuộc sống. Nhưng nhân chuyện con số Ba trong tên núi Ba Vì mà nghĩ đến bộ ba kết liền nhau suốt từ Lạng Sơn đến vùng Thanh Hoá giáp Ninh Bình của núi non thì đấy quả là một khám phá thú vị. Ngạc nhiên, thích thú phải thốt lên, phải reo lên: Ô hay núi cứ ba hòn nhỉ Cứ kết liền nhau đến lạ kì (Điều bất ngờ kiểu này, một lần khác nhà thơ đã từng phát hiện “Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang. Mà không biết con đèo chạy dọc”. Tuy nhiên, do cách nói, cách trình bày “khám phá”, ấn tượng về sự thú vị hầu như bị triệt tiêu hoàn toàn). Nhờ những cặp từ nhấn cứ... cứ... đã... còn... đã... lại, làm cho cảm giác nhiều trội mãi lên, mặc dù ở đây chỉ có ba dãy núi Tam và một dãy núi Ba mà thôi. Cảm giác nhiều có lẽ còn do bất chợt mà đã kể ra được một loạt, trên một vùng rộng lớn từ Bắc vào Nam. Sự trùng hợp của ý thiên nhiên với ý con người lại cũng là một khám phá, nhưng vẻ đẹp tư tưởng này như là sự chuẩn bị cho vẻ đẹp thẩm mĩ vật chất của thế núi: Núi tựa đinh ba chọc giữa trời. Ba hòn, ba ngọn, ba mũi kết liền là cái thế đan cài, nương tựa, đoàn kết quần tụ. Nhưng ba ngọn kết liền còn tạo ra hình dáng vũ khí tấn công. Sự thú vị tiếp tục tiếp tục được tăng lên, nhưng nó như lặn vào bên trong sự phát hiện chứ không bật thành tiếng reo như ở khổ thơ trên. Thiên nhiên cũng đã từng là vũ khí: Núi giăng thành lũy sắt dày Rừng che bộ đội, rừng vây giặc thù Tố Hữu - Việt Bắc Nhưng ngọn núi Ba Vì như chiếc đinh ba chọc giữa trời và những dãy núi kết liền ba như đinh ba tua tủa khắp nơi là biểu tượng tượng trưng cho một dân tộc thượng võ, kiên cường - đó là khám phá riêng của nhà thơ. Từ cái thế đinh ba chọc trời đến cái thế chân kiềng của những hòn núi chắc không chỉ là một liên tưởng ngẫu nhiên. Trước là một vũ khí, sau là một cái kiềng đun bếp quen thuộc, thân thiết của mọi gia đình. Phải chăng trật tự liên tưởng này tuân theo một quy luật riêng. Cái đích cuối cùng không phải là vũ khí chiến tranh mà là cuộc sống yên lành. Có chiến tranh chăng nữa thì cũng chỉ là nhằm bảo vệ cho cuộc sống yên ấm, thanh bình dưới từng mái bếp. Tư tưởng “đem giáp binh đúc lưỡi cày” được nhà thơ thể hiện kín đáo 269
và mới lạ hơn các bậc tiền nhân. Một điều làm cho bài thơ tình tứ hơn, mềm mại hơn chính là khi suy tư về hình khe thế núi, về đất trời, vũ trụ, dân tộc, lịch sử, bỗng chen vào một tình cảm rất riêng tư, bình dị: Dưới chân núi ấy nhà em ở Khói vẫn bình yên thung lũng xa “Đăng sơn” - lên núi - để rồi hướng vào căn nhà người thương, vào làn khói bếp của một nếp nhà bình yên trong sự bình yên chung của đất nước” Đất cứ bình yên, song cứ xuôi” - cũng là một hiện tượng ít gặp trong thơ cổ và thơ hiện đại. 270
Xuân Quỳnh (Tiểu sử tóm tắt, xem phần I) Mùa hoa doi Bây giờ mùa hoa doi Trắng một vùng Quảng Bá Sóng ven hồ cứ vỗ Xanh một vùng cây che Ta đến rồi ta đi Bao lần anh có nhớ Dưới vòm cây lặng lẽ Dưới vòm cây chờ mong Cánh buồm trôi ngoài sông Bò tập cày trên bãi Nâu một vùng đất mới Đợi tay người gieo trồng Anh có đi cùng em Đến những miền đất lạ Đến những mùa hái quả Đến những ngày thương yêu Qua nắng sớm mưa chiều Qua chặng đường tàn phá Qua rất nhiều nỗi khổ Qua rất nhiều niềm vui... Anh có nghe hoa rơi Quanh chỗ mình đứng đó Hoa ơi sao chẳng nói Anh ơi sao lặng thinh Đốt lòng em câu hỏi Yêu em nhiều không anh? 271
Lời bình Tôi đã từng có dịp đến Quảng Bá. Chính xác hơn là đến trại sáng tác Quảng Bá của Hội Nhà văn để thăm người bạn vong niên lúc ấy đang dự trại - nhà văn Vi Hồng. Khung cảnh nơi đây thật là yên tĩnh và thơ mộng. Tôi đã ngồi dưới gốc cây doi nhìn ra mặt hồ sóng vỗ trong nắng thu vàng mà nghĩ ngợi vẩn vơ. Khi gặp lại Mùa hoa doi, chợt thấy ngẩn ngơ. Chao ơi, Quảng Bá mùa hoa, Quảng Bá trong mắt nhìn của người tình tự mới đẹp làm sao: Bây giờ mùa hoa doi Trắng một vùng Quảng Bá Sóng ven hồ cứ vỗ Xanh một vùng cây che Nhưng cây xanh là cây của một vùng. Còn vương quốc riêng của lứa đôi thì trong sự chở che của một vòm cây: “Dưới vòm cây lặng lẽ - Dưới vòm cây chờ mong”. Đã từng có bao nhiêu cuộc hẹn hò, bao nhiêu lần đến rồi đi. Nhưng họ không lấy nơi đây làm đích đến, họ không dừng lại ở chỗ này. Người con gái nhìn xa ngoài sông, khao khát một vùng đất mới, mùa gieo trồng mới. Không chỉ có thế, cô muốn đi tới tận cùng của con đường tới những miền đất lạ, tới những mùa hái quả, tới hạnh phúc trọn vẹn. Con đường nào có dễ dàng chi: Qua nắng sớm mưa chiều Qua chặng đường tàn phá Qua rất nhiều nỗi khổ Con đường ấy, phải có hai người cùng đi, hai người cùng quyết tâm, hai người cùng quyết đến. Chính bởi lí do đó cho nên cô gái mới đặt câu hỏi “Anh có đi cùng em?”. Bằng sự nhạy cảm của trái tim người phụ nữ, cô gái như đã thấy trước tất cả những trắc trở, khó khăn trên con đường mà họ sẽ đi. Cô hỏi anh trực tiếp Anh có đi cùng em. Lần thứ hai cô hỏi bâng quơ gián tiếp Anh có nghe hoa rơi. Lần thứ ba, cô hỏi sao hoa chẳng nói, lần thứ tư cô hỏi sao anh lặng thinh. Câu hỏi đốt lòng cô Yêu em nhiều không anh có thể chỉ là một câu hỏi thầm. Ta tưởng như Yêu em nhiều không anh chẳng ăn nhập gì với câu hỏi đầu tiên. Nhưng cả 2 câu hỏi này hoàn toàn phù hợp về lô gíc tâm trạng. Việc có đi cùng em phụ thuộc vào mức độ tình cảm của anh. Yêu nhiều thì đi, yêu in ít, yêu không đủ độ thì không dám đi hay dùng dằng rồi bỏ cuộc. Yêu em nhiều không anh chính là câu hỏi Anh có đi cùng em được hỏi lại tinh tế trong niềm thôi thúc tha thiết và cháy bỏng. Bài thơ có hai người mà chỉ có một người nói, một người hỏi. Có đến sáu câu hỏi thì năm câu hỏi trực tiếp cho anh, một câu hỏi hoa, cũng chính là nhắc anh về sự lặng thinh, về sự chẳng nói. 272
Sự im lặng của người con trai là cơ hội để cho cô gái đang yêu thể hiện hết những băn khoăn, khát vọng và phấp phỏng của mình. Mùa hoa doi đã trở thành của riêng cô, của khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc và thành bất tử. 273
Nguyễn Linh Khiếu Họ và tên khai sinh: Nguyễn Linh Khiếu Sinh ngày 10 tháng 3 năm 1959 Quê quán: Thôn Chỉ Thiện, xã Mĩ Lộc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Tốt nghiệp Khoa Triết học, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phó giáo sư, Tiến sĩ Triết học. Từng là nghiên cứu viên Viện Triết học Việt Nam; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ; Vụ trưởng, Trưởng ban Chính trị Tạp chí Cộng sản. Hiện là Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản kiêm Vụ trưởng,Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử. Tácphẩm Chùm mơ tiên cảm (thơ, 1991); Mùa thiêng (thơ, 1995); Hoa linh (thơ và trường ca, 2000); Dọc sông Hồng (thơ, in chung, 2002); Sa hồng (thơ và trường ca, 2018); Phồn sinh (trường ca, 2018); Beijing - lá phong vàng (tùy văn, 2018); Dòng thiêng (thơ và trường ca, 2019); Hoa khởi trinh (tùy văn, 2019); Hoa linh thảo (trường ca, 2019). Giải thưởng Giải C, cuộc thi thơ báo Văn nghệ, 1995 Giải A, cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2010. Ngõ hẹp cái buổi chiều trở trời chuyển sang mùa hạ ngõ hẹp nhưng sao gió rất rộng dài anh gặp em vô tình như muôn vàn người phố chẳng hiểu sao giữa đông người ta ngoái lại nhìn nhau ngõ hẹp sớm hôm đi về ngày nào cũng gặp đưa mắt chào nhau lặng lẽ mỉm cười 274
có vợ có chồng chẳng còn gì nói nữa có mong gặp đâu chẳng qua vì ngõ hẹp đấy thôi ngõ hẹp đông người việc cơ quan quanh năm tất bật gặp nhau mời nhau uống một chén trà chồng em dặn chiều nay về sớm làm cơm cúng giỗ vợ anh nhắc đón con sớm chiều nay trở trời dễ mưa uống vội chén trà em hớn hở về nhà làm cơm cúng giỗ anh đi đón con dài rộng gió chuyển mùa ngoái lại nhìn nhau mỉm cười lặng lẽ có mong gặp đâu chẳng qua vì ngõ hẹp đấy thôi. Hà Nội, 8. 3. 2007 Lời bình Thật là có muôn ngàn lí do cho sự khởi đầu ngẫu nhiên, tình cờ trong cuộc sống. Bất ngờ tránh mưa, bất ngờ chung đường, bất ngờ chung ngõ, bất ngờ áo đỏ, bất ngờ vân vân,... Nhiều lứa đôi bất ngờ gặp nhau rồi nên tình nên nghĩa cũng vì những bất ngờ “định mệnh” hay là “duyên số” đó. Chẳng biết là cái ngõ của hai nhân vật trong bài thơ này nếu nó không hẹp hơn bình thường thì liệu có thể có bài thơ Ngõ hẹp hay không? Nhưng không thể giả định như thế vì họ đã gặp nhau và đã có bài thơ nói về chuyện đó. Lí do đầu tiên là bởi tại cái ngõ hẹp cho nên hai người mới có dịp để “chạm mặt” nhau. Tuy nhiên, cái buổi chiều định mệnh ấy, buổi chiều chuyển mùa ấy, cái ngõ cũng không đến nỗi “quá hẹp”. Ngược lại gió rộng dài, thoáng đãng làm cho con ngõ cơ hồ như rộng thêm. Và điểm mấu chốt là cái ngoái lại không thể giải thích của cả hai người: chẳng hiểu sao giữa đông người ta ngoái lại nhìn nhau Hai người dưng cùng chung ngõ ấy bắt đầu có một sự thay đổi. Từ chỗ vô tình như muôn vàn người phố sau cái lần cùng ngoái lại, ngày nào họ cũng gặp nhau và nhận ra nhau. Tuy vậy, họ rất chừng mực, lịch sự trong cư xử đưa mắt chào nhau lặng lẽ mỉm cười. Chỉ chào bằng mắt chứ không chào bằng lời. Cùng lắm là chào bằng một nụ cười lặng lẽ. Bởi vì họ đâu còn trẻ, họ đâu còn son. Bởi vì họ rất đàng hoàng, đứng đắn: có vợ có chồng chẳng còn gì nói nữa Cái sự gặp nhau của họ là bởi tại cái ngõ... hẹp. Họ dứt khoát không mong, không hẹn, vì họ có gì để nói với nhau đâu! 275
Thế nhưng, cái việc “có vợ có chồng” không có văn bản quy định rằng họ không được “nói chuyện” với nhau. Gặp gỡ, chào bằng ánh mắt, nụ cười hàng năm giời rồi thì cái việc phải đến cũng đến. Họ bắt đầu mời nhau chén trà và nói chuyện với nhau. Thế cũng đã là một bước tiến rất dài kể từ cái chỗ “Chẳng còn gì nói nữa” đến chỗ có cái để nói với nhau. Chuyện chẳng có gì đâu. Nói về họ mà không phải là về hai người, mà là những người quan trọng của hai người: chồng em dặn chiều nay về sớm làm cơm cúng giỗ vợ anh nhắc đón con sớm chiều nay trở trời dễ mưa Chỉ có vậy thôi. Thế mà cô ta thì “hớn hở” về nhà theo lời chồng dặn, anh ta thì vui vẻ ra đi thực hiện nhiệm vụ vợ giao, thấy mênh mang “dài rộng gió chuyển mùa”. Và họ không quên một nghi thức đã thành thói quen: ngoái lại nhìn nhau mỉm cười lặng lẽ Từng có nhà thơ khái quát những phút xao lòng rằng: “Ai cũng có những phút giây ngoài vợ ngoài chồng”. Tôi không tin sẽ có những tình cảm “xao lòng” hay “ngang trái” nảy sinh giữa hai người trong ngõ hẹp này. Bởi vì họ vô cùng tỉnh táo và hết sức đàng hoàng. Chỉ ước rằng có nhiều những người trong ngõ như thế hơn nữa, nhiều người chẳng cứ là nam và nữ, già hay trẻ. Đã chung ngõ (dù là rộng hay hẹp) thì nên có một niềm vui nho nhỏ khi gặp nhau: đưa mắt chào nhau lặng lẽ mỉm cười. Nó là cái văn hoá ứng xử thân thiện, lịch sự giữa người với người, làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Thế nhưng, trong cuộc sống quanh năm tất bật và căng thẳng này, chúng ta lại thường rất hay quên lãng. 276
Nguyễn Hoàng Sơn (Tóm tắt tiểu sử, xem ở phần I) Ba mét cách mặt đường Ba mét cách mặt đường Vòm cây ngang cửa sổ Thế giới riêng của gió Vũ trụ của loài chim Và mùa thu đến ở Đợi mắt người trông lên... Người đương ngồi trên xe Mải nhìn đèn xanh đỏ Người đương chen với người Văng tục và cau có Chẳng nghe lời của gió Đâu biết gì cánh chim Và mùa thu lần nữa Vẫn đợi người trông lên Em vội gì thế em Tìm gì mà hăm hở? Cả một mùa thu vàng Cho không nơi cửa sổ Mà em chẳng đoái hoài Mà em thường bỏ lỡ 277
Và ngày thu tàn úa Rơi buồn theo vết xe... Lời bình Thành phố thời mở cửa ồn ào và náo nhiệt. Có những lúc đông người, dòng xe như nước cuốn, đợi rất lâu mới có cơ hội sang đường. Hình như ai cũng bị cuốn vào cơn lốc của sự làm ăn căng thẳng. Không rõ có lúc nào ta rời cái tay lái xe máy (hay xe đạp) đứng sang một bên đường và thấy hình ảnh của mình trong đám đông vừa lạ vừa quen này: Người đương ngồi trên xe Mải nhìn đèn xanh đỏ Người đương chen với người Văng tục và cau có Vâng, ngồi xe mà lại ngồi xe cúp “cúp đỏ cúp xanh lao vù mặt phố” không nhìn đèn sao được. Mà khi tắc đường, lại đang vội, chen vai thích cánh với nhau, hít khí thải khói xe của nhau, đụng chạm vào cái nhễ nhại của nhau thì cau có, văng tục có lẽ cũng không phải là chuyện gì đặc biệt... Điều bất ngờ thứ nhất là tác giả cho ta thấy cái vẻ đẹp kì lạ, cái yên tĩnh không ngờ, sự nên thơ của thành phố êm đềm vẫn như xưa, như chẳng hề biết có sự đổi thay. Nó là chỗ nào của Hà Nội vậy? Chỗ nào mà chẳng có, đâu cứ phải mua vé đi xuồng vào tận đảo Hoà Bình của hồ Bảy Mẫu hay phải ra ngoại ô hoặc tìm về nơi biển cả non cao. Khoảng yên lành ấy chỉ cách mặt đường ba mét mà thôi. Tác giả viết ba mét chiều cao, nhưng cũng có thể mở ra ba mét chiều sâu: Vòm cây ngang cửa sổ Thế giới riêng của gió Vũ trụ của loài chim Và mùa thu đến ở Chao ôi! Thế mà ta cứ mải cắm đầu xuống. Thế mà ta không một lần nhìn lên để chẳng nghe, chẳng biết, như một người mù, như một người điếc. Khi cách mạng thành công, con người được giải phóng đã từng kiêu hãnh: Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay. Bây giờ không ai trói buộc, nhưng chẳng lẽ vì kinh tế thị trường mà ta vẫn bay (trên xe máy) nhưng hình như cái đầu không ngẩng cao được nữa để nhìn vượt cái tầm ba mét hay sao? Điều bất ngờ thứ hai nhà thơ giành cho em. Đừng nghĩ chỉ là một em gái váy ngắn kính đen hay áo chẽn, quần bò, tóc lò xo, mắt xanh, môi đỏ. Em thuộc về lớp trẻ, còn cả một tương lai rất dài, và cũng ít bị “chen” trong đám người văng tục và cau có. Họ 278
hăm hở kiếm tìm, vội vã kiếm tìm. Nhưng tìm cái gì? Không biết là có tìm được không, nhưng thực ra đang mất cái mà mình có: Cả một mùa thu vàng Cho không nơi cửa sổ Mà em chẳng đoái hoài Mà em thường bỏ lỡ Cảm thức thời gian muôn đời của các thi sĩ phương Đông ở đây thành một tiếng thở dài đượm một vẻ ưu phiền, có phần trách cứ: Và ngày thu tàn úa Rơi buồn theo vết xe... Nhà thơ buồn tiếc cho tất cả... Về phía người đọc, ta không thể không suy ngẫm. Lẽ nào vì trước mắt mà quên mất lâu dài. Đâu vì hiện tại mà quên quá khứ. Đâu vì bươn chải, chỉ mải chạy theo những vặt vãnh hằng ngày mà quên mất vẻ đẹp muôn thuở, giá trị vĩnh hằng; bỏ phí cả một mùa thu vàng, bỏ phí cả những vườn cây với thế giới và vũ trụ của chim, của gió. 279
Từ Hồng Sơn Họ và tên khai sinh: Từ Hồng Sơn. Năm sinh: 1981. Quê quán: thành phố Hà Nội. Tác phẩm Hà Nội mùa thổ phách, 2015 Hà Nội mùa mộc phách, 2016 Hà Nội mùa kim phách, 2017 VŨ NHO TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TRUYỀN HÌNH QUÂN ĐỘI PV: - Xin chào nhà PBVH Vũ Nho, lần đầu tiên đọc những bài thơ Hà Nội của nhà thơ Từ Hồng Sơn, cảm xúc của ông như thế nào ạ? Vũ Nho: - Lần đầu tiếp xúc với thơ của Từ Hồng Sơn là khi bạn ấy ra mắt tập thơ Hà Nội mùa thổ phách ở Cà phê sách Đông Tây phố Trần Quý Kiên. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình. Tôi được Từ Hồng Sơn tặng một cuốn, đọc nhanh tại chỗ. Anh Phạm Xuân Nguyên có mời tôi phát biểu miệng. Tôi có ấn tượng tốt với tập thơ. Trước hết là nghị lực của tác giả, lên sáu tuổi mất khả năng nghe, và khả năng nói cũng bị ảnh hưởng, rồi đọc, viết, học hành đều bị ảnh hưởng. Đồng thời là ấn tượng về sự độc đáo của tập thơ. Không phải vì cái tên “mùa thổ phách” chưa có trong từ điển. Mà vì 50 bài thơ chỉ nói về Hà Nội. Hà Nội xa xưa, Hà Nội thời tác giả cư trú 13 năm, và Hà Nội trong hoài niệm, trong mong muốn, ước mơ. Cách nói cũng khá ấn tượng, mới mẻ: Hà Nội cựa mình nói mớ trong mơ 280
Nắm cơm nguội, bát canh chua, cà muối dở Bếp cạn dầu, chum gạo rỗng, bấc đèn nhom Xe lệch líp, dép đứt quai, bút gãy ngòi Trốn tìm quên nhắm mắt Không nói là Hà Nội bao giờ. Nhưng ta biết rõ ràng là Hà Nội của một thời bao cấp khó khăn. Thời bếp dầu (giờ là bếp than tổ ong hoặc bếp ga), Hà Nội của thời tem phiếu, thời xe đạp và chủ yếu là dép cao su, dép nhựa (không phải xăng đan hay bitit, giày da), bút tay quản bằng gỗ (chứ không phải bút máy hay bút bi). Đây là một “Hà Nội thuở xưa”: Có hương xôi sáng sớm chín thơm nồi Có hoa nhài gánh tào phớ ban trưa Có cơm nắm chấm vừng chiều buổi chợ Có bánh giò khói bốc ấm đêm khuya Với xô chậu lanh canh xếp hàng xách nước Với quạt cóc lồm chồm nhảy lóc chóc tứ tung Hà Nội cứ cũ thôi Bài thơ cuối tập tác giả viết “Cả cuộc đời chia mãi một tình yêu” (Khoảng trầm đơm đoản khúc). Tác giả muốn đem tình yêu Hà Nội chia cho mọi người. PV: - Ông có bất ngờ khi tác giả đặt cho các tập thơ của mình những cái tên rất lạ như Hà Nội mùa thổ phách, Hà Nội mùa mộc phách, Hà Nội mùa kim phách? Vũ Nho: - Thật ra khi gặp tập thơ đầu tiên “Hà Nội mùa thổ phách” thì có hơi ngạc nhiên và tò mò. Vì không có mùa nào tên như vậy. Chỉ có Xuân, Hạ, Thu, Đông. Rồi có thể gọi tên khác: Hà Nội mùa chim làm tổ (Xuân). Hà Nội mùa lá đổ (Đông) Hà Nội mùa nắng (Hạ)... Khi giao lưu, Từ Hồng Sơn nói anh nghĩ tới mùa cúng thần đất (thổ) nên đặt tên như thế. Thổ phách, Mộc phách, Kim phách,... gợi nhớ ngũ hành Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Không có gì bất ngờ hay ngạc nhiên. Mùa nào thì tác giả cũng nói về Hà Nội, như anh đã từng viết trong tập thơ đầu: La bàn trái tim chỉ kim về Hà Nội Dù xoay hướng nào cũng không hề thay đổi Cột mốc lòng sơn mỗi số 0 (không) thôi Hà Nội mốc sấu số không Bây giờ có thể hiểu Thổ phách, Mộc phách, Kim phách,... như là nhịp phách của Hà Nội, là nhịp phách trong âm nhạc, nhưng cũng là nhịp sống của đời thường. Nhưng phách cũng có thể là hồn phách (dân gian nói hồn xiêu, phách lạc - chứng tỏ phách gắn với hồn). Đó là hồn vía của Hà Nội, những giá trị tinh thần độc đáo riêng biệt của thành phố hơn 281
ngàn năm tuổi. Từ Hồng Sơn muốn lưu giữ nhịp sống, lưu giữ những giá trị tinh thần của Hà Nội. PV: - Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có cảm nhận rằng: Nếu không được tiết lộ trước thì sau khi đọc xong thơ của Từ Hồng Sơn, chắc chắn ông không thể biết được đây là tâm tình, kí ức, nỗi niềm của một chàng trai thời nay... Nếu như vậy, có lẽ thơ của Từ Hồng Sơn không dễ dàng để có thể nắm bắt được hết đối với một số bạn đọc trẻ tuổi? Vũ Nho: - Theo tôi nghĩ, mỗi người có một cách cảm nhận riêng. Cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có lẽ chỉ đúng với một số bài, một số câu mà thôi. Ví dụ, Từ Hồng Sơn hay dùng từ Hán Việt, một số từ có vẻ xưa xưa, cũ cũ, rồi hình ảnh cũng là hình ảnh xưa: Tiếng rao xao xác hồn thành quách Rồng đá cọ sừng vách cấm cung Đào nương rời chiếu buông sênh phách Rượu nấu sương bay rụng xuống hồ Hà Nội khoe mùa cổ - Hà Nội mùa thổ phách Hoặc đây nữa: Ngói ngói âm dương cổ cổ ô Mái mái kinh kì đổ đổ xô Ngõ ngõ trầm u mòn mòn lối Hương hương cờ cũ sắc sắc tô Độc cột hiên ngang đỡ cả chùa Gánh trọn trầm luân suốt vạn mùa Tuyệt mộng liên đài lưu thiên cổ Ngạo nghễ hồng trần mấy đời vua Âm bản kinh đô - Hà Nội mùa mộc phách Nhưng thơ của Từ Hồng Sơn là thơ của chàng trai thời hiện đại. Nhiều bài thơ của Sơn đã đăng lên trang cá nhân trước khi in thành sách. Sơn là con người của hiện tại nên Sơn nói bằng ngôn ngữ của thế hệ mình: Gieo kỉ niệm giữa đôi bờ cảm xúc Hạt nào là hạnh phúc giữ cho nhau Mình đi vội chưa kịp vàng hoa cúc Thu đánh rơi giọt nước mắt khô gầy Anh trở lại nhìn lên ban công ấy Em đã đi giàn hoa giấy gãy rồi Đứa trẻ (chính anh) dỗi hờn trỗi dậy 282
Xé nửa mùa mặc cả phố chia đôi Hà Nội thiều tình ca Mây qua sông vớt lấy chút bụi cầu Khuông nhạc phố rải lanh canh phách guốc Hà Nội đón chuyến tàu vui đơn độc Mùa dỗ dành màu cũ nán lại chơi Mộc mã và ngõ Gióng Tôi nghĩ không chỉ với một số người trẻ tuổi, mà ngay với những người lớn tuổi, thơ của Từ Hồng Sơn cũng không dễ nắm bắt. Bởi Từ Hồng Sơn viết về Hà Nội trong hoài niệm, Hà Nội trong văn chương, sách vở, Hà Nội trong thời gian 13 năm Sơn lưu trú, Hà Nội trong tưởng tượng, trong ước mơ. Tất cả hoà quyện trong nhau theo một sự phân bố tỉ lệ bất ngờ, không theo một quy tắc, một dự định nào cả. PV: - Thưa nhà phê bình Vũ Nho, qua 3 tập thơ đầu tay gồm 150 bài thơ của Từ Hồng Sơn trong “Hà Nội mùa thổ phách”, “Hà Nội mùa mộc phách” và “Hà Nội mùa kim phách” đã đủ định hình một phong cách thơ dành cho nhà thơ Từ Hồng Sơn chưa ạ? Vũ Nho: - Có những nhà thơ viết nhiều tập, nhưng vẫn chưa thể định hình một phong cách riêng. Riêng với Từ Hồng Sơn, tôi thấy bạn ấy đã có một lối thơ riêng ngay từ tập đầu tiên. Tập sau vẫn là giọng ấy, lối ấy. Cái đó có phần mừng, nhưng cũng có phần chưa nên vội mừng. Bởi lẽ, sớm định hình thì tốt, nhưng lại cũng đe doạ sự bứt phá, sự đổi mới, sự vượt mình và khác mình. Trong nghệ thuật, rất kị việc lặp lại, việc không phát triển. Ghi dấu ấn, có phong cách riêng là chuyện không dễ dàng. Nhưng nếu quá sớm, cũng không vội mừng vì một nhà thơ trẻ, con đường sáng tạo phía trước còn dằng dặc... PV: - Có ý kiến cho rằng: Khi đọc thơ Hà Nội của Từ Hồng Sơn, người đọc có cảm tưởng như mình đang đi trên một con đường lạ, mỗi bài thơ như một ngả rẽ dắt ta đến một ngạc nhiên nào đó trước một hình ảnh, một âm thanh, một mùi hương... Ông có đồng ý với ý kiến đó không? Vũ Nho: - Vâng, đó là nhận xét của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín. Đó là một cách nói ví von. Tôi không phản đối sự cảm nhận đó vì suy cho cùng, mỗi người có một cách cảm thụ và ví von riêng, làm nên sự đa dạng. Nhưng tôi cũng muốn có một so sánh khác là đọc thơ Hà Nội của Từ Hồng Sơn, người đọc như được tác giả đưa đi các con phố, các ngõ ngách Hà Nội. Mỗi phố, mỗi ngõ có cảnh sắc riêng, có loài cây riêng, có mặt hàng riêng và tất nhiên cả âm thanh, ánh sáng, màu sắc cũng riêng. Ấy là chưa kể những kỉ niệm, những liên tưởng riêng của người viết. Và do đó người đọc sẽ ngạc nhiên và thích thú. PV: - Theo nhà phê bình Vũ Nho, điều gì tạo nên sức hấp dẫn ở các bài thơ viết về Hà Nội của nhà thơ Từ Hồng Sơn? Vũ Nho: - Trước hết, theo tôi đó là một tình yêu trong trẻo và đắm say Hà Nội. Điều này là động lực thôi thúc tác giả cầm bút. Nhưng nếu chỉ có một tình yêu thì chưa đủ. Còn 283
phải có năng khiếu, có phẩm chất của người thơ. Tức là phải biết giãi bày tình yêu dào dạt đó thành lời. Từ Hồng Sơn có con mắt của người làm hội hoạ, nhưng anh cũng có phẩm chất của nghệ sĩ ngôn từ. Những từ ngữ Sơn dùng vừa có màu sắc cổ kính lại vừa có màu sắc hiện đại. Những con chữ đó liên kết tạo thành những câu thơ lạ, cảnh sắc lạ mà Nguyễn Trọng Tín, Phạm Xuân Nguyên đã liệt kê trong hai bài giới thiệu hai tập “Hà Nội mùa thổ phách” và “Hà Nội mùa mộc phách”. Chỉ xin dẫn đôi câu bất chợt: Tất cả chuồn chuồn trốn nắng dưới chăn phơi Chỉ khẽ chạm vào ùa vù lấp loá Chẳng biết khi nào cơn mưa mía rươi sẽ xuống Giếng rủ chậu xô há miệng o tròn Ta ngửa đầu tìm bùa ve vũ hạ Rơi râm ran nóng lõng bõng mặt hồ Trốn tìm quên nhắm mắt - Hà Nội mùa thổ phách Tóc nhấm nháp hương mưa môi rót cốm Những nếp nhăn đánh cắp trán mịn màng Thu đơn sắc - Hà Nội mùa mộc phách Tóm lại, tình yêu nồng nàn Hà Nội, phẩm chất nghệ sĩ ngôn từ làm cho Từ Hồng Sơn lạ hoá Hà Nội, lạ hoá kinh đô, kinh thành, lạ hoá Thủ đô , đem lại một Hà Nội mới mẻ. Đó là điều căn bản làm nên sức hấp dẫn của thơ Từ Hồng Sơn. PV: - Trong các bài thơ của Từ Hồng Sơn, ông ấn tượng với bài thơ nào, ông có thể chia sẻ với quý khán giả không ạ? Vũ Nho: - Câu hỏi này khó đây. Có thể nói rằng tôi ấn tượng với khá nhiều bài. Vì thế khó mà có thể kể hết được. Còn chia sẻ một bài, thì tôi sẵn lòng mời mọi người nghe một bài không dài lắm, và cũng không phải là bài ấn tượng nhất trong tôi. Tôi đọc trước nội dung, các quý vị thử đoán tên bài thơ sẽ là gì. Anh chẳng mang theo Hà Nội được đâu Nhưng cũng yên lòng khi em ở lại Em sẽ thay anh yêu Hà Nội thật nhiều Hơn cả một thời mình từng như thế... Anh chẳng mang theo Hồ Gươm được đâu Nhưng cũng bớt đi đôi phần day dứt Em sẽ biết khi nào mặt nước oà xanh Ngợp đến nỗi tháp già tưởng có màu áo mới... Anh chẳng mang theo hết phố Hàng được đâu Nhưng cũng an ủi mình đừng trẻ con mãi vậy 284
Em sẽ giữ gìn di sản cổ tích tuổi thơ (nguyên vẹn đấy) Mỗi chiếc lá trước khi rơi đều ngửa mặt biết bầu trời... Anh chẳng mang theo hết ngõ bi được đâu Nhưng cũng tin rằng em vẫn ươm vườn mây cây gió Em sẽ thấy ngói mọc lên mầm thị Nàng Tấm xoè tay may túi lót phấn vàng... Anh chỉ mang theo thơ ấu của mình thôi Chút phiếu tem lấp che lỗi lầm trống rỗng Quả bóng chơi chắt nảy đều đều không ngừng nghỉ Đống que thời gian ngày một chất chồng lên... Những kỉ niệm đâu cần phải trùng tên Bởi đã thành máu thịt trong anh, trong em, trong Hà Nội nữa Như huyết phách hồng cầu thăm thắm đỏ Hằn mắt võng xưa dính chặt ở lưng mùa. Bài thơ đó có tên “Mùa để lại” trong tập “Hà Nội mùa mộc phách”. Cám ơn quý vị đã chia sẻ cùng tôi! PV: - Xin cám ơn nhà phê bình, PGS. TS. Vũ Nho! Cuộc trao đổi vừa rồi với nhà văn Vũ Nho đã khép lại chương trình Tạp chí văn hoá nghệ thuật Quân đội hôm nay. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị và các đồng chí trong các chương trình tiếp theo! Thực hiện Kim Bình 285
Nguyễn Khải (1930 - 2008) Họ và tên khai sinh: Nguyễn Mạnh Khải. Sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930. Quê quán: Phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định. Dân tộc: Kinh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Tham gia bộ đội thời chống Pháp, từng làm y tá, làm báo của Tỉnh đội Hưng Yên, Thư kí toà soạn báo Chiến sĩ Khu Ba, biên tập viên sáng lập tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đại biểu Quốc hội khoá VII. Mất ngày 15 tháng 1 năm 2008 tại TP. Hồ Chí Minh. Tác phẩm Xung đột, tiểu thuyết 2 tập, 1959; Mùa lạc, tập truyện, 1960; Họ sống và chiến đấu, bút kí, 1966; Đường trong mây, truyện, 1970; Ra đảo, truyện, 1970; Chủ tịch huyện, 1972; Chiến sĩ, tiểu thuyết, 1973; Tháng ba ở Tây Nguyên, bút kí, 1976; Cha và Con và..., tiểu thuyết, 1979; Cách mạng, kịch, 1978; Gặp gỡ cuối năm, tiểu thuyết, 1982; Điều tra về một cái chết, tiểu thuyết, 1984; Hà Nội trong mắt tôi, bút kí, 1992; Thượng đế thì cười, tiểu thuyết, 2003. Giải thưởng Giải thưởng Lê Thanh Nghị Liên khu Ba, 1951. Giải thưởng Văn nghệ Việt Nam, 1952 -1953. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1982. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, 2000. Giải thưởng ASEAN, 2000. 286
Về truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải Nguyễn Khải (1930 - 2008) tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải. Ông sinh tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Nam Định. Thuở nhỏ, ông sống ở nhiều nơi. Tham gia cách mạng từ khi đang học trung học, Nguyễn Khải gia nhập đội tự vệ chiến đấu ở Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Từ sau năm 1975, Nguyễn Khải chuyển vào sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Ông tập trung bám sát đời sống, đề cập đến nhiều vấn đề chính trị - xã hội cũng như các vấn đề trong đời sống tư tưởng, tinh thần của con người. Hành trình sáng tác của Nguyễn Khải tiêu biểu cho quá trình vận động của văn học dân tộc hơn nửa thế kỉ qua. Trước năm 1978, tác phẩm của ông có khuynh hướng chính luận với sức mạnh của lí trí tỉnh táo. Từ năm 1978 trở đi, tác phẩm dần dần có màu sắc triết luận và quan tâm đến số phận cá nhân trong cuộc sống đời thường với giọng văn đôn hậu, trầm lắng, nhiều chiêm nghiệm. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000. Các tác phẩm chính: - Tiểu thuyết: Xung đột (1959 -1 962), Đường trong mây (1970), Ra đảo (1970), Chiến sĩ (1973), Cha và Con và... (1979), Gặp gỡ cuối năm (1982). - Truyện: Các tập truyện Mùa lạc (1960), Tầm nhìn xa (1963), Chủ tịch huyện (1972), Thời gian của người (1985), Một thời gió bụi (1993), Hà Nội trong mắt tôi (1995), Sống ở đời (2002). Truyện ngắn Một người Hà Nội viết năm 1990, in trong tập truyện Hà Nội trong mắt tôi (1995). Đây là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khải trong giai đoạn đổi mới của đất nước. Bà Hiền là nhân vật trung tâm của truyện ngắn Một người Hà Nội. Tác giả gọi bà theo quan hệ gia đình là “cô Hiền”. Cô là người sống thẳng thắn, chân thành, thức thời và thực tế. Bà cô nhận xét: “chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá”. Bà chủ động thu xếp việc nhà, mặc dù “có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản” nhưng lại không bị cải tạo, vì cô không bóc lột. Đối với con cái, bà dạy dỗ cẩn thận từ cách ăn uống, nói năng, đi đứng “phải có chuẩn, không được tuỳ tiện, buông tuồng”; các con phải “biết tự trọng, biết xấu hổ”. Bản thân bà cũng cư xử rất tự trọng, đàng hoàng khi đồng ý cho các con đi chiến đấu trong Nam. Bà nói: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Bà Hiền vẫn giữ nếp sống văn hoá của người Hà Nội từ cách ăn mặc, tiếp đón bạn bè, đến nơi tiếp khách lịch sự, sang trọng và sự tinh tế khi chơi hoa thuỷ tiên ngày tết. Bà Hiền là một người Hà Nội “thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Bà đã sống cùng những biến đổi của lịch sử đất nước nhưng vẫn giữ được phẩm chất và bản lĩnh của mình. Bà là hạt bụi vàng làm nên đất kinh kì “chói sáng những ánh vàng”. 287
Bên cạnh nhân vật bà cô Hiền còn có những người Hà Nội đẹp đẽ là Dũng, Tuất và mẹ Tuất. Đó là những con người làm nên vẻ đẹp “chói sáng những ánh vàng” của Hà Nội. Truyện Một người Hà Nội thể hiện cái nhìn nghệ thuật mới của Nguyễn Khải về cuộc sống và con người. Trước thời kì đổi mới, Nguyễn Khải khai thác hiện thực với cái nhìn tỉnh táo, sắc sảo nhưng đơn chiều. Nhà văn nhìn cuộc sống trong thế xung đột cũ - mới, lạc hậu - tiến bộ, xấu - tốt, địch - ta... và khẳng định sự chiến thắng của cái mới, cái tiến bộ, của chúng ta. Bước vào thời kì đổi mới, cái nhìn của Nguyễn Khải đa chiều, đầy trăn trở, chiêm nghiệm. Con người được nhìn nhận trong mối quan hệ lịch sử, cộng đồng, gia đình, truyền thống. Tác giả bên cạnh việc ca ngợi vẻ đẹp của người Hà Nội còn thể hiện một cách nhìn phê phán về quan niệm ấu trĩ của một thời đối với những người “sang trọng” như bà Hiền. Mặc dù yêu quý Hà Nội, nhưng tác giả cũng so sánh những nét chưa đẹp của Hà Nội với thành phố Sài Gòn “thành phố Sài Gòn rộng hơn, đông hơn, đẹp hơn cái Hà Nội của mình, về người dân Sài Gòn cũng lịch thiệp, nhã nhặn hơn người dân Hà Nội”, đồng thời nêu dẫn chứng cụ thể về anh bạn trẻ chửi bậy và thái độ của người dân khi người khác hỏi thăm đường. Điều này cho thấy Nguyễn Khải đã không nhìn hiện thực một chiều, không chỉ thuần tuý ca ngợi. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là bà Hiền, một người Hà Nội càng ngày càng thể hiện vẻ đẹp văn hoá và bản lĩnh của một người bình thường, một công dân của Thủ đô. Tác giả thuật chuyện thường đặt một sự việc dưới nhiều góc nhìn để cho bạn đọc tự rút ra kết luận chứ không áp đặt cách đánh giá của mình. Biện pháp so sánh được tác giả khai thác triệt để. So sánh quan niệm của bà Hiền với bản thân, so sánh cách ăn uống nền nếp của gia đình bà cô và cách ăn uống bình dân của gia đình mình, so sánh lối sống lính với nếp sống văn hoá chuẩn mực, so sánh Hà Nội với Sài Gòn... để làm bật lên cái đẹp và chưa đẹp. Câu chuyện được kể bằng đối thoại, xen với phân tích, bình luận,... thể hiện những quan sát sắc sảo, những bình luận xác đáng, những suy ngẫm, chiêm nghiệm của một người giàu từng trải nên hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Tác giả khắc hoạ và ca ngợi bản lĩnh, cốt cách của người Hà Nội tự tin, thức thời, thực tế, tự trọng với lối sống văn hoá, thanh lịch, sang trọng qua nhân vật bà Hiền, một người Hà Nội “thuần tuý Hà Nội, không pha trộn” và tin tưởng Hà Nội sẽ phát triển trong thời kì mới “chói sáng những ánh vàng”. Một sáng tác độc đáo của nhà văn Nguyễn Khải về người Hà Nội và Thủ đô Hà Nội. 288
Phạm Khải (Tóm tắt tiểu sử, xem phần I) THÀNH PHỐ ĐỜI MÌNH (Đọc tập bình thơ chọn “Thành phố đời mình” của Phạm Khải) Nếu những bài thơ thành công trong tập thơ tuyển này được viết bởi một sự gắn bó với Hà Nội - gắn bó đến thành máu thịt; bởi một tình yêu Hà Nội – yêu đến thắm thiết, si mê,... thì người tuyển chọn và bình thơ cũng yêu và gắn bó với Hà Nội không hề thua kém. Không những thế, Phạm Khải còn là người cần mẫn, chắt chiu, biết nâng niu, thu vén: “Một bước chân của người thôn quê đặt lên hè đường Hà Nội, tôi cũng sẵn sàng nâng niu nhận lấy cho thành phố của mình” (trang 3). Với một tình yêu như thế cho nên sau 28 bài thơ được chọn và bình, tác giả vẫn cảm thấy còn nhiều thiếu hụt. Và anh lại cặm cụi chịu khó rong ruổi khắp các nẻo đường thơ Hà Nội, nhặt lấy từng sắc hoa, từng tia chớp, từng bờ sương, từng giọt nắng, từng cơn mưa, ngọn gió để tô điểm cho “Thành phố đời mình” (Phụ lục tr. 127). Chưa đọc những lời bình, chỉ nguyên phần thơ tuyển, người yêu Hà Nội cũng có thể thoả mãn vì được thấy Hà Nội với bao nhiêu góc nhìn, bao nhiêu cảnh sắc. Một Hà Nội cổ kính với Hồ Gươm, Tháp Rùa của Nguyễn Đình Thi. Một Hà Nội hiện đại với lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lễ viếng của Viễn Phương. Hà Nội trên vạt cỏ công viên (Nguyễn Quang Thiều). Hà Nội chùa chiền (Vân Long). Hà Nội đêm trăng (Xuân Diệu). Hà Nội ban mai (Bằng Việt). Hà Nội vào thu (Nguyễn Chí Hoan). Hà Nội mùa xuân (Phan Thị Thanh Nhàn)... Ta có thể thấy Hà Nội mến yêu ngàn năm lồng lộng đẹp hào hùng: Ôi, Thăng Long! Thăng Long Đã ngàn năm đứng hiên ngang nhìn sông Hồng cuộn chảy Có bao giờ Người lộng lẫy như hôm nay Trong tiếng pháo gầm, trong tiếng đạn bay Hà Nội súng cầm tay nói cười duyên dáng 289
Hà Nội trẻ trung sáng trưng vầng trán Hà Nội hồng hào những chiến công Đẹp như nàng tiên mặc áo đỏ sông Hồng Lê Anh Xuân Nhưng cũng có thể thấy Hà Nội đời thường còn đang gian lao, vất vả: Hà Nội “nhà chật” của Lưu Quang Vũ và Trần Quang Quý. Từ Hà Nội vĩ mô đến Hà Nội vi mô; Hà Nội chiến đấu đến Hà Nội hoà bình xây dựng. Hà Nội bốn mùa. Hà Nội trong nắng mưa, dông bão. Hà Nội sáng, tối, chiều, trưa... Ta sẽ thêm yêu Hà Nội với thiếu nữ trước đầm sen reo thảng thốt: “Trời ơi buổi sáng quá chừng thơm” (Bằng Việt). Và thêm yêu Hà Nội đêm trăng huyền ảo lung linh trên đường Láng: “Trăng như sương trên ruộng lúa xanh. Gió như chim xao động trên cành” (Xuân Diệu). Nhưng sẽ còn thú vị hơn nhiều khi chúng ta vào Hà Nội cùng với Phạm Khải, một người say mê, trân trọng những vần thơ Hà Nội. Hơn thế nữa, anh là người “thông tỏ” thơ ca, thông tỏ Hà Nội và biết của, biết người. Nếu coi việc đọc tập sách này là một cuộc tham quan, khám phá Hà Nội thì Phạm Khải là người hướng dẫn viên du lịch lịch lãm, tâm huyết và đầy trách nhiệm với thành phố của mình. Anh bộc bạch: “Riêng với Nụ cười em giấu sau lưng lá của Trương Nam Hương tôi cũng phải mất vào đấy vài năm nghiền ngẫm” (tr. 106). Đủ biết anh là người có trách nhiệm với bạn thơ và bạn đọc như thế nào. Bằng cái duyên của người hướng dẫn điệu nghệ, Phạm Khải dẫn dắt chúng ta đi vào Hà Nội qua các nẻo đường thơ, luôn luôn giữ cho ta cái hứng thú được ngắm nhìn, thưởng thức và khám phá. Làm được như thế là rất giỏi vì dù Hà Nội có rất đẹp, rất đa dạng, nhưng người tham quan thành phố cũng “dễ mệt” trong một cuộc đi dài. Phạm Khải biết thế. Anh luôn thay đổi cách dẫn chuyện, thuyết minh. Mỗi thắng cảnh Hà Nội anh nhập đề mỗi kiểu. Và điều quan trọng nhất là cách giới thiệu, phẩm bình, đánh giá của anh. Hầu hết các bài thơ về Hà Nội được bình, Phạm Khải đều có những liên tưởng, so sánh, những bất chợt vụt nhớ... làm cho câu thơ đang bình được hiện ra dưới ánh sáng mới. Chẳng hạn, để làm rõ cái khoảng vườn “lửng lơ ngoài cửa sổ” của Nguyễn Chí Hoan, anh so sánh: “Cũng như khi Trần Đăng Khoa vẽ hình ảnh bác thợ cày rít thuốc: sau lưng đồng lếnh láng bay thì quả là nhà thơ có con mắt rất tinh tế. Làn khói mỏng buổi ban mai (bài thơ có tên “Trong sương sớm”) váng vất bay trên cánh đồng. Qua làn khói ấy, người ta cảm giác màu xanh đồng áng như đang lếnh láng bay, mảng màu như tan ra, nhoè chảy” (tr. 125). (Tuy nhiên tôi vẫn ngờ “khoảng vườn lửng lơ ngoài cửa sổ” nhỡ là một vườn treo mi-ni thì sao? Và dù sao, việc so sánh này lại không làm nổi bật đối tượng đang bàn đến). Rất nhiều chỗ, những câu thơ được tích góp trong trí nhớ của Phạm Khải được dẫn ra đúng chỗ, đúng lúc đã đem đến cho ta những khám phá thú vị, bất ngờ. Ta còn cảm tình và yêu mến người bình thơ vì anh có lối dẫn giải khá tinh tế. Ví như khi anh nói về liên tưởng đặc sắc của Nguyễn Trác “Gió đầy vai. Em mang chiều đi tắm” (trang 87). Hơn nữa, lời bình của anh luôn luôn có chất thơ của người làm thơ viết phê bình, và đôi khi là thơ của phê bình. Chẳng hạn, trước câu thơ của Nguyễn Quang Thiều: “Nụ hôn cùng với vết giày đi xa”, anh viết lời bình: “Nụ hôn in dấu lên môi. Vết giày in dấu xuống nơi hẹn hò”. Khi nhà thơ Vương Trọng viết: “Đêm xuân không dễ ngồi nhà”, anh dẫn câu thơ ai 290
đó: “Một mình tôi lại đi ra đất trời” để làm cái kết thật xinh, thật khéo cho bài thơ rạo rực đêm xuân. Vốn là người làm thơ, Phạm Khải rất chú trọng đến kĩ thuật: cách ngắt câu, chuyển nhịp, sự phối hợp âm thanh bằng, trắc. Dù có những điểm chưa giàu sức thuyết phục hay cần phải bàn thêm, nhưng đây cũng là chỗ mạnh của người bình và bổ ích cho những ai muốn đi sâu vào bếp núc của sự sáng tạo. Anh nói rất đúng rằng: “chỉ có những anh bình thơ mới làm cái việc soi rọi tỉ mẩn và mới “nhìn ra” thế ấy” (trang 58). Nhưng cái việc “soi rọi tỉ mẩn” của anh phần nhiều là có lí, có tình, chính xác nên người đọc dễ dàng chấp nhận. Ở lời đầu sách, Phạm Khải có một ví von: “Thơ như người phụ nữ và thơ hay có thể như người phụ nữ có tài, người phụ nữ đẹp, người phụ nữ đức hạnh hoặc người phụ nữ mình yêu. Nhưng nếu như người phụ nữ mình yêu mà không có tài, cũng không xinh và không cả đức hạnh nữa thì sao nhỉ?” May thay, “nhị thập bát” cô nương lọt vào mắt xanh của người bình đều mỗi người mỗi vẻ và không người nào rơi vào tình trạng “ba không”. Có thể thấy tác giả cũng còn chút lúng túng khi quyết định chọn thơ về Hà Nội, hay thơ do người Hà Nội viết, do người nơi khác viết tại Hà Nội. Nếu là thơ về Hà Nội, về “thành phố đời mình” thì có đến 7 bài không thuộc về Hà Nội, hoặc không có dấu ấn về Hà Nội rõ ràng. Có thể biện minh rằng bài thơ hay cũng tựa như thắng cảnh. Đôi khi ta quá Hà Nội một tí mà được thăm Tam Đảo hay Đền Hùng thì cũng thú chứ sao? Tuy vậy, nếu Hà Nội toàn phần, Hà Nội ròng thì vẫn cứ thú vị hơn. Còn có thể bàn luận thêm với tác giả về cách thẩm, cách bình, cách dẫn dắt, so sánh... những ngón nghề của công việc bình thơ. Nhưng để khỏi mất thì giờ, mất nhã thú của người thưởng ngoạn, xin mời bạn hãy bắt đầu cuộc thăm thú của mình. Người hướng dẫn đã sẵn sàng. Tôi chỉ muốn mách thêm: bất kì giờ nào, bạn cũng có thể bắt đầu chuyến đi. Phạm Khải luôn luôn “thức” và tháp tùng cùng bạn: ... Vòm trí tuệ tôi vẫn thức Đêm ngày xuôi ngược những đàn ong (Thơ Phạm Khải) “Thành phố đời mình” là mật ngọt mà đàn ong trí tuệ của anh ấy đem đến dâng tặng mọi người. 291
Trần Thuỷ Thạch Họ và tên khai sinh: Trần Thuỷ Thạch. Năm sinh: 1955. Quê quán: huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, quản lí kinh tế, Đại học Kiến Trúc, Hà Nội. Tác phẩm Những kẻ rời thành phố, 2016. Cô giáo trường huyện, 2017. Những hòn sỏi thời chơi ô ăn quan, 2018. Nỗi buồn mang tên giảng đường, 2018. TRẺ CON MỘT THỜI NHƯ THẾ (Đọc “Những hòn sỏi thời chơi ô ăn quan” của Trần Thuỷ Thạch) Các cụ ngày xưa có câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” để nói về thứ hạng nghịch ngợm. Quỷ và ma thì toàn là những vật vô hình vô ảnh được nghe kể, nghe nói thôi, chẳng ai mục sở thị chứng kiến được chúng nghịch ngợm cỡ nào. Còn học trò thì bằng xương bằng thịt. Chúng được dạy dỗ trong khuôn phép nhà trường. Ấy vậy mà lại nghịch ngợm khét tiếng, chỉ chịu xếp sau quỷ và ma. Vậy là tuy chỉ xếp thứ ba, nhưng trong cõi người ta, học trò - chúng là thứ nhất. 292
Hồi ức tản văn “Những hòn sỏi thời chơi ô ăn quan” của Trần Thuỷ Thạch là cuốn sách gom lại những câu chuyện như những viên sỏi thời “chơi ô ăn quan” không xa lắm (cũng như trò chơi thả đỉa ba ba, đánh chuyền, đánh đáo, đánh bi, đánh khăng,... ) nhưng bây giờ trẻ con thế kỉ 21 chỉ có thể biết qua phim ảnh, tranh vẽ hay những mẩu chuyện mà thôi. 12 câu chuyện tựa như 12 viên sỏi long lanh sắc màu, tựa như 12 ô (10 ô dân và 2 ô quan) vẽ trên mặt đất (mặt sàn xi măng, mặt sân gạch) của một trò chơi dân dã mà trẻ con thời trước chẳng lạ gì, được kể lại bởi một chú bé có tên Kiên, dân thành phố nhưng sơ tán về làng Vịa, một làng ở ngoại thành Hà Nội. Suốt cuốn sách, Kiên luôn xưng là “Tớ” trong câu chuyện kể của mình về những cô bạn, những cậu bạn, những thầy cô giáo, những người dân làng Vịa. Đó cũng là cách xưng hô phổ biến một thời. Anh chàng Kiên là tay kể chuyện có duyên. Những câu chuyện thường có thêm “phụ đề” khơi gợi sự tò mò của người đọc. Chẳng hạn như: Làng Vịa giống các làng quê khác không? Chiến tranh thì lũ trẻ sống học hành ra sao? Chuyện thứ nhất: Những cô bạn xinh đẹp và cái thuở ban đầu trường làng ấy. Con gái ở đâu cũng xinh, làng Vịa phải là miền gái đẹp không? Chuyện thứ ba: Những trận đánh nhau thật của lũ trẻ làng! Đánh ai thế? Sao lại đánh nhau? Chuyện thứ tư: Chuyện Việt “bột” và những trò chơi dưới mưa. Sao có thằng con trai bột nở thế? Mưa ở quê khác mưa phố không? Trẻ con thì chơi trò gì dưới mưa? Chuyện thứ mười: Chuyện kinh dị ở Gò Áng và những lần gặp ma. Thời nay có ma không? Ma như thế nào nhỉ? Đã ai túm được ma chưa? Thật khó mà cưỡng được sự mời gọi xem những câu chuyện với các câu hỏi như thế. Hồi đó học sinh cấp hai (bây giờ là Trung học cơ sở) học ba năm gồm các lớp 5,6,7. Cậu bé Kiên kể về những người bạn trong ngôi trường nông thôn ngoại thành thời bấy giờ. Chúng ta thử xem những cô gái ở đâu cũng xinh trong con mắt anh bạn ấy là thế nào. Đây, chân dung Hiền “dấm”: “đôi mắt bi ve của nó tròn xoe lấp la lấp lánh, đôi môi hoa mười giờ cũng chúm lại, xoe tròn” (tr.14). Còn Mai, tổ trưởng thì sao? “Cái Mai tổ trưởng tổ tớ là Mai “bồ câu”, nó xinh và hiền, đôi mắt nó to tướng đen sóng sánh trông thích lắm” (tr. 16). Còn bạn Xuân, cô học trò làng Vịa thì được miêu tả: “Xuân nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, các trò chơi thường làm thủ lĩnh một phe, điều đáng nể hơn là Xuân khá xinh, con gái xinh bọn con trai đều thích trừ những thằng dở hơi, tớ học dốt nhưng không dở hơi” (tr.19) Xuân còn là đối tượng gán ghép. “Bọn trong lớp khoái những chuyện gán ghép trai gái, thỉnh thoảng chúng đồng thanh đọc to: Cây tre không bao giờ cụt ngọn Giờ phút này kén chọn làm chi Kiên ơi cứ lấy Xuân đi Bao giờ Xuân đẻ, Kiên về bế con” Đúng tính chất nghịch ngợm hồn nhiên của trẻ con một thời. 293
Câu chuyện thú vị ở chỗ cậu bé Kiên là tay ham chơi, ham nghịch thường trực tiếp tham gia. Các trò chơi “bịt mắt bắt dê”, “mèo đuổi chuột” được kể kèm với các bài hát đồng dao thật thú vị. Có thể nói tập sách là cả một kho đồng dao cũ và mới. Các trò bắn bi, chơi quay, thả diều, cưỡi trâu đánh trận, nhảy dây, lò cò, rải ranh được điểm tên. Trò Công an bắt gián điệp được kể tỉ mỉ với chuyện cu Tới được phân công nhưng “cấp trên” quên, về nhà ngủ tít, trong khi cu chàng vẫn âm thầm hoàn thành nhiệm vụ làm cho cả nhà, cả xóm hốt hoảng đi tìm. Chuyện đánh trận giả thật hài hước khi “Có người đạp phải mình sinh học bị thương, cuộc chiến tạm dừng” thực chất là anh cu Chiến dẫm phải bãi cứt ngã trẹo chân. Thú vị là trong khi chơi trận giả, bọn trẻ “lập được chiến công thật” giúp bắt bọn trộm thùng phi sàn thi công cầu dã chiến. Chúng ta hãy xem các thầy cô giáo trong mắt lũ học trò nghịch ngợm thời ấy như thế nào nhé. Thầy Hưng - hiệu trưởng đáng kính: “Thầy Hưng cao, nhanh nhẹn, khoẻ như vận động viên nhưng trong cốt cách anh trai phố hào hoa phong nhã”. “Thầy hiệu trưởng chuyên về thơ văn lại nói chuyện thể thao hay tuyệt như chuyện vua bóng đá Pê Lê với những cú sút tuyệt đẹp và chính xác, khác nào lão tướng Hoàng Trung giương cung bắn gẫy răng của Tào thừa tướng. Tài nghệ bắt bóng của thủ môn Yaxin đội Liên Xô cũng giỏi như Khương Duy bắt được mũi tên bắn từ đằng sau của Quách Hoài “thần tiễn” nước Nguỵ” (tr. 68, 69). “Học tiết của thầy thích thật, Thầy hiệu trưởng là thầy đẹp trai nhất, giỏi nhất, bọn tớ quý nhất” (tr.72). Còn các cô giáo thì sao? Trước khi kể về cô Ngát dạy môn Toán và cô Thương dạy môn Hoá, cu chàng Kiên quả quyết: “Trong mắt lũ học trò, cô giáo bao giờ cũng đẹp nhất, tớ khẳng định tất cả những ai qua thời đi học đều nói thế, cũng đôi khi vì lí do nào đó có cô bị chúng đưa ra những nhận định trái chiều, nhưng thực tế vẫn chứng minh lời khẳng định của tớ là chân lí mọi thời đại” (tr.73). Và đây là ấn tượng của cu chàng về các cô giáo trường làng: “Lớp có cô giáo xinh bọn trò thích lắm, tớ nhớ cô Liễu mình thon tóc dài đẹp dễ thương luôn. Cô Duyên xinh lắm, cô nói dịu dàng và răng cô trắng đẹp trông như những hạt ngô nếp non. Cô Hồng Anh má hồng rực như quả lựu chín, môi cô màu miếng dưa hấu nhìn đã thấy ngọt lịm. Cô Thu hơi béo nhưng cô cười rất tươi và hiền. Chả biết tả sao nữa. Tóm lại các cô rất xinh, bọn tớ luôn hãnh diện về các cô giáo của mình”. (tr.6) Vì sao cô Ngát có biệt danh là “bà La Sát”? Vì sao thằng Thực được viết riêng một chuyện “Miên man truyện về thằng Thực”? Vì sao nó lại có biệt danh “Thực thối”? Ai, vì sao lại là người được tả bằng những câu vần vè: “Răng tung tăng đi trước/ Môi lả lướt theo sau/ Môi mới đến bờ rào/ Răng đã chào bác ạ”? Vì sao cuộc đi chơi của học trò làng Vịa vào phố lại được ví von “Bọn cua đồng ra phố”, trong khi trong nhóm có cu Kiên dân phố chính hiệu? Vì sao tàu điện lại là “một thế giới” với trẻ con làng Vịa? Những chuyện “bi hài” của nhóm trẻ con vào thành phố là những chuyện gì?... 294
Tất cả đều có trong các câu chuyện của anh chàng Kiên, anh chàng tự nhận “tớ dốt nhưng ông bố tớ không dốt, bố tớ là kĩ sư nhà máy xe đạp Thống Nhất”; anh chàng hay nghịch ngợm nhưng không nghịch dại; có tinh thần thượng võ đánh kẻ mạnh bênh vực kẻ yếu. Và đặc biệt đó là anh chàng chăm chú quan sát, có trí nhớ tốt, có khiếu hài hước đã kể lại cuộc sống của trẻ con một thời như thế. Bây giờ chúng ta đã có không ít những câu chuyện hồi ức về một thời đáng nhớ. Nhà văn Nguyên Hồng có “Một tuổi thơ văn”, nhà văn Phùng Quán có “Tuổi thơ dữ dội”, nhà văn Duy Khán có “Tuổi thơ im lặng”, nhà văn Lê Bá Thự có “Tôi và làng tôi”,... Nhưng có lẽ viết chuyên về học sinh, thầy giáo và dân làng ở một trường, một làng của một thời như Trần Thuỷ Thạch đã làm thì chưa có ai. Bởi thế mà cuốn sách “Những hòn sỏi thời chơi ô ăn quan” là một đóng góp riêng, độc đáo. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên. Cái thuở học trò chính là cái thuở ban đầu đầy lưu luyến, người ta khó quên. Nhưng không mấy ai đủ khả năng để lưu giữ nó trên trang giấy. May thay Trần Thuỷ Thạch đã làm điều này cho bản thân và cho mọi người. Ngoài việc lưu giữ một thời đầy nhớ nhung, đầy kỉ niệm, tác giả muốn nhắn nhủ với các vị phụ huynh là hãy để cho trẻ con được chơi, để cho các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Đừng gây áp lực học tập lên con em mà vô tình đánh mất tuổi thơ quý giá của chúng. Cái tuổi thần tiên ấy cần được phát triển hồn nhiên như những đứa trẻ hồn nhiên ở làng Vịa một thời. Cái tư tưởng ấy cũng là tư tưởng tiến bộ trong xu thế giáo dục hiện nay của thế giới. Cái tư tưởng ấy đáng để các bậc phụ huynh thời kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt suy ngẫm, bởi hầu hết người lớn bây giờ quá lo lắng, quá chăm chú vào thành tích hiện thời mà quên mất trẻ em bao giờ cũng là trẻ em, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng cũng cần được học, được chơi, được phát triển tự nhiên một cách tốt đẹp. 295
Vũ Công Hoan Họ và tên khai sinh: Vũ Công Hoan. Sinh ngày 15 tháng 8 năm 1941. Quê quán: Xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Dân tộc Kinh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Học trung cấp phiên dịch tiếng Trung Quốc, làm việc ở phòng chuyên gia, khu gang thép Thái Nguyên. Đi bộ đội công tác ở Đội tuyên văn sư đoàn 304B, phòng địch vận quân khu 1, cục địch vận Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng. Về hưu với quân hàm Trung tá. Tác phẩm dịch Nôn nóng, tiểu thuyết của Giả Bình Ao, 1998; Tuyển truyện ngắn hiện đại Trung Quốc (2 tập), 1998; Phế đô, tiểu thuyết của Giả Bình Ao, 1999; Mai phục mười mặt, tiểu thuyết của Trương Bình, 2001; Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê, đối thoại văn học của Vương Sóc và Lão Hà, 2002; Sống, tiểu thuyết của Dư Hoa, 2002; Hoài niệm Sói, tiểu thuyết của Giả Bình Ao, 2003; Tập truyện ngắn Giả Bình Ao, 2003; Tập tản văn Giả Bình Ao, 2003; Mông muội, tiểu thuyết của Kha Vân Lộ, 2004; Những chước phòng tiểu nhân của Lưu Quân Sư, 2004; Tình yêu cổ điển, tập truyện của Dư Hoa, 2005; Hứa Tam Quan bán máu, tiểu thuyết của Dư Hoa, 2006; Huynh Đệ, tiểu thuyết của Dư Hoa, 2006; Người tình của phu nhân sư trưởng, tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, 2007; Siêu thòng lọng, tiểu thuyết của Kha Vân Lộ, Ái tình hoạ lang, Đàn bà không yên phận, 2 tiểu thuyết của Trương Kháng Kháng; Phong Nhã Tụng, tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, 2010 và một số truyện cực ngắn. Giải thưởng 296
Giải Ba kịch ngắn, Hội Văn nghệ khu Việt Bắc, 1973. Giải thưởng Lê Quý Đôn của Thái Bình, (1997- 2001). Cảm tác Hà Nội Hà Nội không tắc đường Không phải là Hà Nội. Hà Nội không mất điện, Không phải là Thủ đô. Hà Nội không bụi mù Không phải là ngàn năm văn vật. Hà Nội lúc nào cũng tất bật Hà Nội bụi hồng leo lên tận gác ba, gác tư... Phủ mờ com-pu-tơ cùng các đồ ngoại xịn. Hà Nội ngun ngút những đường phố Người xe cuồn cuộn suốt ngày đêm Như mùa lũ tức nước vỡ bờ. Hà Nội đâu đâu cũng có người nhà quê rao mua đồ đồng nát, sách báo cũ. Hà Nội với những công trình xây cất dở dang. những quán ăn chắn ngang đường giành cho người đi bộ. Hà Nội có không biết bao nhiêu chốn, bao nhiêu chỗ các cụ nghỉ hưu và những kẻ ăn không ngồi rồi, tụ tập đánh cờ, chơi tú lơ khơ, reo hò ầm ĩ, ca cẩm đủ mọi thứ... Hà Nội có nhà sàn, có quán ăn cắm nợ Có biết bao ông chồng ngang nhiên đánh vợ Có biết bao bà vợ hơ hớ đi mồi chài trai tơ Có cụ già chín mươi bảy tuổi si tình Vẫn hẹn gái trẻ ra vườn hoa cây xanh Hà Nội có thừa lịch sự văn minh, Cũng không thiếu chuyện vô tình hủ lậu Cao thượng và đê hèn Thánh thiện và ma lanh Sống đan xen giữa Đô thành đang trong quá trình đổi mới. 297
Ngày 8 tết năm Canh Dần 2010 Vũ Công Hoan ghi nhanh đầu xuân Lời bình Nhà văn dịch giả Vũ Công Hoan quê Thái Bình nhưng lại đã có 3 lần định cư Hà Nội. Những năm sáu mươi: Như nai con ngơ ngác Giữa Nghi Tàm biếc xanh Lên Thủ đô học chữ Mở đầu cuộc mưu sinh. Gã nhà quê vụng dại... Lần thứ 2 ở Hà Nội 10 năm là lần làm nhiệm vụ của người quân nhân trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc: May mắn về nguyên vẹn Qua hai cuộc chiến tranh Đồng hương và đồng nghiệp Kẻ mất, người thương binh.... Có ngờ đâu lần nữa Lại về với Ba Đình Mười năm C mười bốn (cục địch vận TCTT) Ra vào ba cổng thành. Sống lầu son gác tía Nhớ phên nứa giữa rừng Vắt chui vào trong tất Hút máu sưng tấy chân. Tắm nước máy trong mát Nhớ thượng nguồn sông Công Cả tiểu đoàn lấy gạo Tồng ngồng lội băng sông. Lần thứ ba là lần cuối, khi đã giải ngũ, lên hẳn Hà Nội định cư, thành công dân Thủ đô: Năm sáu mươi bảy tuổi Với con cháu quây quần 298
Hà Nội - Thanh Xuân Bắc Trạm dừng chân cuối cùng. Ba lần lên Hà Nội Ba lần trong một đời Không biết mình may mắn Hay là do ý Trời! (Ba lần Hà Nội) Như vậy là từ một thanh niên nhà quê lên Hà Nội mưu sinh, trở thành một sĩ quan Quân đội làm việc ở Hà Nội, sống “lầu son gác tía” nhưng vẫn chăm chắm hướng về đồng đội, về quê nhà. Rồi khi trở thành dịch giả nhà văn Vũ Công Hoan với quân hàm Trung tá thời điểm giải ngũ, tác giả đã trở thành công dân Thủ đô trước khi thành phố kỉ niệm 1000 năm tuổi. Bài thơ “Cảm tác Hà Nội” được viết đúng vào dịp Hà Nội kỉ niệm 1000 năm, khi tác giả của bài thơ đã an vị tại Hà Nội, khi tính theo tuổi ta thì đã tròn 70, nghĩa là vào tuổi “cổ lai hi” theo cách viết của nhà thơ Đỗ Phủ. Ở cái tuổi ấy, Vũ Công Hoan đã từng trải, từng ngẫm, và cũng đã từng viết, từng dịch, từng in hàng vạn trang... Đầu tiên là nói những điều vấn nạn, những cái gặp như cơm bữa, nó như là là một phần tất yếu của Hà Nội, dẫu chẳng ai mong. Đó là tắc đường, mất điện và bụi. Từ thành phố của xe đạp với số dân vừa phải, Hà Nội trở thành thành phố của xe máy và ô tô, trở thành thành phố đông dân thứ hai của cả nước, làm sao không tắc đường? Nhiều người, nhu cầu sử dụng điện cao, làm sao không mất điện? Hà Nội vẫn phát triển, vẫn xây dựng, nhiều nhà cao tầng chất ngất mọc lên. Làm sao không bụi? Nhưng nói cho công bằng, cái thời điểm năm 2010 ấy, đến bây giờ (2018), mới có 8 năm thôi, tắc đường vẫn còn, nhưng mất điện và bụi thì đã giảm hẳn! Cuộc sống với nhịp độ công nghiệp của thành phố đang phát triển, đang lớn, đang đổi thịt thay da từng ngày tất yếu sẽ có những cảnh này: Hà Nội ngun ngút những đường phố Người xe cuồn cuộn suốt ngày đêm Như mùa lũ tức nước vỡ bờ. Hà Nội đâu đâu cũng có người nhà quê rao mua đồ đồng nát, sách báo cũ. Hà Nội với những công trình xây cất dở dang. những quán ăn chắn ngang đường dành cho người đi bộ. Với con mắt nhìn hiện thực, nhà thơ thấy chuyện Hà Nội có những góc khuất, cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu, cái văn minh, cái hủ lậu cứ đan xen nhau, sóng với nhau: Hà Nội có thừa lịch sự văn minh, 299
Cũng không thiếu chuyện vô tình hủ lậu Cao thượng và đê hèn Thánh thiện và ma lanh Sống đan xen giữa Đô thành đang trong quá trình đổi mới. Nhà thơ nói có sách, mách có chứng chứ không phải gặp đâu nói đấy. Những chuyện này ai chẳng thấy hằng ngày trên các phương tiện truyền thông và ngay nơi khu dân cư mình ở. Dù cho mức độ đậm nhạt, sáng tối có khác nhau: Hà Nội có không biết bao nhiêu chốn, bao nhiêu chỗ các cụ nghỉ hưu và những kẻ ăn không ngồi rồi, tụ tập đánh cờ, chơi tú lơ khơ, reo hò ầm ĩ, ca cẩm đủ mọi thứ... Hà Nội có nhà sàn, có quán ăn cắm nợ Có biết bao ông chồng ngang nhiên đánh vợ Có biết bao bà vợ hơ hớ đi mồi chài trai tơ Có cụ già chín mươi bảy tuổi si tình Vẫn hẹn gái trẻ ra vườn hoa cây xanh Đó là những điều chưa đẹp của Hà Nội. Cũng trong thời điểm ấy, nhà thơ nữ người Mĩ J. Fosenbell cũng viết bài thơ “Lại ở giữa lòng Hà Nội”. Hai tác giả của hai nước đều nhìn nhận Hà Nội với những sự vất vả, những điều chưa đẹp và những điều đáng ngợi ca. Nhưng Hà Nội trong lát cắt thơ ấy của nhà văn Vũ Công Hoan giờ đã đẹp lên nhiều, đã tốt lên nhiều, đã văn minh lịch sự hơn 8 năm về trước. Càng ngày Hà Nội càng hoàn thiện để xứng đáng là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Như thế chẳng phải là điều vui sao! 300
Search
Read the Text Version
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
- 36
- 37
- 38
- 39
- 40
- 41
- 42
- 43
- 44
- 45
- 46
- 47
- 48
- 49
- 50
- 51
- 52
- 53
- 54
- 55
- 56
- 57
- 58
- 59
- 60
- 61
- 62
- 63
- 64
- 65
- 66
- 67
- 68
- 69
- 70
- 71
- 72
- 73
- 74
- 75
- 76
- 77
- 78
- 79
- 80
- 81
- 82
- 83
- 84
- 85
- 86
- 87
- 88
- 89
- 90
- 91
- 92
- 93
- 94
- 95
- 96
- 97
- 98
- 99
- 100
- 101
- 102
- 103
- 104
- 105
- 106
- 107
- 108
- 109
- 110
- 111
- 112
- 113
- 114
- 115
- 116
- 117
- 118
- 119
- 120
- 121
- 122
- 123
- 124
- 125
- 126
- 127
- 128
- 129
- 130
- 131
- 132
- 133
- 134
- 135
- 136
- 137
- 138
- 139
- 140
- 141
- 142
- 143
- 144
- 145
- 146
- 147
- 148
- 149
- 150
- 151
- 152
- 153
- 154
- 155
- 156
- 157
- 158
- 159
- 160
- 161
- 162
- 163
- 164
- 165
- 166
- 167
- 168
- 169
- 170
- 171
- 172
- 173
- 174
- 175
- 176
- 177
- 178
- 179
- 180
- 181
- 182
- 183
- 184
- 185
- 186
- 187
- 188
- 189
- 190
- 191
- 192
- 193
- 194
- 195
- 196
- 197
- 198
- 199
- 200
- 201
- 202
- 203
- 204
- 205
- 206
- 207
- 208
- 209
- 210
- 211
- 212
- 213
- 214
- 215
- 216
- 217
- 218
- 219
- 220
- 221
- 222
- 223
- 224
- 225
- 226
- 227
- 228
- 229
- 230
- 231
- 232
- 233
- 234
- 235
- 236
- 237
- 238
- 239
- 240
- 241
- 242
- 243
- 244
- 245
- 246
- 247
- 248
- 249
- 250
- 251
- 252
- 253
- 254
- 255
- 256
- 257
- 258
- 259
- 260
- 261
- 262
- 263
- 264
- 265
- 266
- 267
- 268
- 269
- 270
- 271
- 272
- 273
- 274
- 275
- 276
- 277
- 278
- 279
- 280
- 281
- 282
- 283
- 284
- 285
- 286
- 287
- 288
- 289
- 290
- 291
- 292
- 293
- 294
- 295
- 296
- 297
- 298
- 299
- 300
- 301
- 302
- 303
- 304
- 305
- 306
- 307
- 308
- 309
- 310
- 311
- 312
- 313
- 314
- 315
- 316
- 317
- 318
- 319
- 320
- 321
- 322
- 323
- 324
- 325
- 326
- 327
- 328
- 329
- 330
- 331
- 332
- 333